TCCSĐT - Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp, người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một người con ưu tú của dân tộc. Những đóng góp của Đại tướng cho đất nước khó có thể đong đếm, chỉ biết ông sinh ra là để cống hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng, đấu tranh chống ngoại xâm và bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ.

Ngày 25-8, đúng ngày sinh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tại Hà Nội, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam phối hợp tổ chức buổi "Gặp mặt chúc mừng sinh nhật lần thứ 102 Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp".

Những người tham gia buổi gặp mặt hầu hết đã từng được chiến đấu, công tác và nghiên cứu khoa học cùng Đại tướng trong nhiều thời kỳ. Từ anh vệ quốc đoàn đến những nhà khoa học cùng tham gia đề tài nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh với ông những năm 1991- 1996... Các ý kiến đều nêu bật những cống hiến, những kỷ niệm sâu sắc với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nhiều ý kiến cho rằng cần làm rõ và đánh giá sâu sắc hơn những đóng góp lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong quá trình hình thành Nghị quyết Trung ương 15, trong sự kiện Vịnh Bắc bộ và cả cuộc kháng chiến chống Mỹ, trong việc nghiên cứu nghệ thuật quân sự Việt Nam, nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh... Ngôi nhà và những căn hầm Đại tướng đã sống và làm việc cùng Bộ Chính trị, Bộ Tổng tham mưu, Quân ủy Trung ương trong thời kháng chiến cần được giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị với tư cách là những di tích cách mạng.

Với Việt Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một thiên tài quân sự, một anh hùng, một nhà văn hóa. Với thế giới, ông là danh tướng lừng danh duy nhất còn sống, xuyên suốt gần cả thế kỷ XX sang đầu thế kỷ XXI. Ông đã cùng nhân dân Việt Nam viết nên những trang sử oanh liệt của dân tộc và cũng là người chép lại chính những trang sử đó. Ông ở trong số hiếm hoi những tướng lĩnh không những chỉ huy chiến đấu thắng lợi mà còn tổng kết kinh nghiệm chiến tranh và nghệ thuật quân sự, để lại nhiều tác phẩm có giá trị như “binh thư” thời hiện đại. Trước khi trở thành nhà quân sự lỗi lạc, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã là nhà sử học. Theo bộc bạch của ông: Tư duy sử học đã giúp ông rất nhiều trong khi chỉ huy cuộc kháng chiến. Sự gặp nhau giữa sử học và quân sự là phải tôn trọng sự thật - cho dù đó là sự thật đau đớn - và phải xem xét sự vật trên quan điểm lịch sử trong quá trình vận động biện chứng của nó.

Tại huyện Lệ Thủy, sáng 25-8, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Bình phối hợp với Trung tâm Văn hoá huyện Lệ Thủy tổ chức khai mạc "Triển lãm ảnh Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp" nhân dịp kỷ niệm 67 năm Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2-9 và sinh nhật lần thứ 102 của Đại tướng (25-8-1911 – 25-8-2012).

Triển lãm trưng bày gần 200 bức ảnh và tư liệu giới thiệu về quê hương, con người xứ Lệ; về Đại tướng trong các giai đoạn lịch sử quan trọng; phác họa bức chân dung chân thực về cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng - một vị tướng tài ba, người con ưu tú của dân tộc, của quê hương Lệ Thủy (Quảng Bình), người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Các bức ảnh tại triển lãm được chọn lọc từ 500 ảnh trong cuốn sách ảnh Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp do Bộ Thông tin và Truyền thông tặng Bảo tàng Tổng hợp Quảng Bình.

Ngay trong buổi khai mạc, Triển lãm đã thu hút hàng ngàn người dân trên quê hương Đại tướng đến xem. Triển lãm ảnh Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp mở cửa đến hết ngày 10-9.

* Nhân kỷ niệm sinh nhật thứ 102 của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vừa qua, tại số 93 Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cũng đã diễn ra triển lãm ảnh Đại tướng với cựu chiến binh./.