Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng khoa học - công nghệ đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước
Trong những năm qua, cùng với sự tăng trưởng kinh tế, sự phát triển xã hội nhanh và ổn định, hạ tầng khoa học - công nghệ nước ta đã được Nhà nước quan tâm đầu tư, góp phần tăng cường tiềm lực khoa học và công nghệ quốc gia, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Thực tiễn các nước có điều kiện và quá trình phát triển tương tự như Việt Nam trong khu vực cho thấy, ngay trong giai đoạn nền kinh tế khó khăn nhất, các quốc gia này vẫn quan tâm đầu tư để hạ tầng kinh tế - xã hội, trong đó có hạ tầng khoa học - công nghệ, luôn đi trước một bước. Hạ tầng khoa học - công nghệ cần phát triển đồng bộ, hiện đại, có đủ năng lực hấp thụ, làm chủ các công nghệ tiên tiến của các nước phát triển trong tiến trình hội nhập quốc tế, tiến tới sáng tạo ra các công nghệ nội sinh. Nhờ chính sách phát triển dựa trên khoa học và công nghệ mà các quốc gia này đã nhanh chóng thoát khỏi tình trạng lạc hậu để vươn lên thành “những con rồng” châu Á, với khả năng làm chủ và sáng tạo ra nhiều công nghệ hàng đầu thế giới. Chẳng hạn, Hàn Quốc, từ một quốc gia nghèo về tài nguyên và bị tàn phá nặng nề sau chiến tranh, 60 năm sau đã trở thành một trong những quốc gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực đóng tàu, thiết kế và chế tạo xe hơi, điện tử và năng lượng hạt nhân. Đài Loan, từ một vùng lãnh thổ hoang sơ giữa đại dương, đến nay đã đứng đầu thế giới về phát triển và sản xuất các thiết bị điện tử, viễn thông công nghệ cao.
Như vậy, có thể khẳng định việc phát triển hệ thống hạ tầng khoa học - công nghệ hiện đại, đồng bộ và được ưu tiên trong hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội là đòi hỏi cấp thiết trong quá trình phát triển đất nước và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, đứng trước những thách thức của việc duy trì tốc độ tăng trưởng đáp ứng mục tiêu phát triển nhanh và bền vững của đất nước, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nói chung, hạ tầng khoa học - công nghệ nói riêng của nước ta đã bộc lộ nhiều yếu kém, lạc hậu, đúng như Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) đã xác định là “điểm nghẽn của quá trình phát triển”, rất cần được tập trung tháo gỡ để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Thực trạng hệ thống hạ tầng khoa học - công nghệ của nước ta
Trong những năm qua, kết cấu hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị, phòng thí nghiệm phục vụ nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ đã được nâng cấp và cải thiện một cách đáng kể. Đầu tư của Nhà nước cho khoa học và công nghệ từ năm 2000 được duy trì ở mức 2% tổng chi ngân sách hằng năm, trong đó có khoảng 40% - 43% được dành cho đầu tư phát triển, chủ yếu là xây dựng và đổi mới hạ tầng khoa học - công nghệ. Những kết quả đáng khích lệ trong lĩnh vực này được thể hiện trên một số mặt sau đây:
1 - Về tổ chức khoa học và công nghệ, cả nước đã có trên 1.600 tổ chức khoa học và công nghệ, trong đó có hơn 900 tổ chức khoa học và công nghệ ngoài công lập thuộc mọi thành phần kinh tế, kể cả một số tổ chức khoa học và công nghệ do các doanh nghiệp thành lập. Trong số 650 tổ chức khoa học và công nghệ công lập có 2 viện quốc gia (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Viện Khoa học xã hội Việt Nam) gồm nhiều viện và trung tâm khoa học và công nghệ trực thuộc; 433 tổ chức khoa học và công nghệ thuộc các bộ, ngành và gần 200 tổ chức khoa học và công nghệ các địa phương.
Khoảng 2.000 doanh nghiệp có đủ điều kiện để được công nhận là doanh nghiệp khoa học và công nghệ, là loại hình doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các sản phẩm dựa trên kết quả nghiên cứu và ứng dụng công nghệ mới, trong đó số doanh nghiệp khởi nguồn từ các viện nghiên cứu, trường đại học chiếm khoảng 15%. Nét mới là nhiều doanh nghiệp (kể cả doanh nghiệp tư nhân), như Viettel, Tosy, FPT,... đã thành lập các viện, trung tâm nghiên cứu trực thuộc để tự chủ trong nghiên cứu và trực tiếp đổi mới công nghệ, sản phẩm và đã dành một lượng kinh phí lớn cho hoạt động khoa học và công nghệ. Bước đầu hình thành xu thế dẫn dắt thị trường của các doanh nghiệp công nghệ cao, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông, công nghệ sinh học.
2 - Hệ thống các khu công nghệ cao, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khu phần mềm tập trung, phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia và phòng thí nghiệm chuyên ngành được quan tâm đầu tư phát triển. Cả nước có 3 khu công nghệ cao quốc gia phân bố đều ở 3 miền và là trung tâm của các vùng kinh tế trọng điểm khu vực phía Bắc (Khu công nghệ cao Hòa Lạc), phía Nam (Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh) và miền Trung (Khu công nghệ cao Đà Nẵng); 8 công viên phần mềm tập trung ở các thành phố lớn, như Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ, Huế; 12 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các địa phương. Các tỉnh, thành phố thuộc các vùng kinh tế trọng điểm đều dự kiến sẽ thành lập khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Ngoài ra, từ năm 2000, thực hiện Quyết định số 850/QĐ-TTg, ngày 07-9-2000, của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chủ trì phối hợp với các bộ, ngành đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động 15 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia thuộc các lĩnh vực công nghệ ưu tiên và nhiều phòng thí nghiệm chuẩn thuộc các lĩnh vực chuyên ngành ở các viện nghiên cứu, trường đại học với hệ thống trang thiết bị nghiên cứu tương đối hiện đại, đồng bộ, cho ra đời nhiều kết quả nghiên cứu có giá trị. Một số “vườn ươm” công nghệ và doanh nghiệp khoa học - công nghệ được thành lập tại các khu công nghệ cao đã bước đầu phát huy hiệu quả.
3 - Hạ tầng thông tin khoa học và công nghệ được quan tâm đầu tư nâng cấp. Mạng lưới các trung tâm thông tin khoa học và công nghệ đã được triển khai trên diện rộng với hơn 500 đơn vị ở các cơ quan trung ương, các bộ, ngành, các tổng công ty và các địa phương. Nguồn thông tin khoa học và công nghệ, bao gồm cả tài liệu sáng chế và tiêu chuẩn, được quan tâm phát triển cả về quy mô và chất lượng. Gần 20.000 tạp chí toàn văn đã thường xuyên được bổ sung, cập nhật. Liên hợp thư viện về bổ sung và chia sẻ nguồn tin khoa học và công nghệ trực tuyến đã được thành lập và phát triển, thu hút sự tham gia của trên 50 trung tâm thông tin - thư viện trong cả nước. Mạng Nghiên cứu và Đào tạo Việt Nam (VinaREN) được triển khai và đi vào hoạt động đã phát huy tác dụng như một cổng thông tin hiện đại nhất ở Việt Nam, cho phép cộng đồng khoa học Việt Nam tiếp cận, khai thác các nguồn tin và kết nối với trên 45 triệu đồng nghiệp của hơn 8.000 trường đại học, viện nghiên cứu hàng đầu khu vực và thế giới, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động chia sẻ thông tin và hợp tác nghiên cứu, đào tạo trong nước và quốc tế. Đặc biệt mạng VinaREN còn góp phần quan trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác dự báo thời tiết, cảnh báo lũ lụt, thiên tai ở nước ta. Chợ công nghệ và thiết bị (Techmart) và các sàn giao dịch công nghệ (thực và ảo) được tổ chức đã phát huy vai trò cầu nối giữa các nhà khoa học, doanh nghiệp và nhà quản lý trong việc ứng dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất, kinh doanh, góp phần hình thành và phát triển thị trường công nghệ ở nước ta.
Tuy nhiên, hạ tầng khoa học - công nghệ nước ta nhìn chung vẫn còn kém phát triển, chưa đồng bộ và chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, điều đó thể hiện trên một số mặt sau đây:
- Chưa có quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống hạ tầng khoa học - công nghệ hiện đại, đồng bộ. Việc xây dựng hạ tầng khoa học - công nghệ chủ yếu vẫn do ngân sách nhà nước đầu tư, chưa có cơ chế huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho phát triển hạ tầng khoa học - công nghệ. Nhiều địa phương sử dụng kinh phí đầu tư cho khoa học và công nghệ không đúng mục đích, kém hiệu quả.
- Hệ thống các phòng thí nghiệm, trang thiết bị phục vụ nghiên cứu mặc dù đã được đầu tư bước đầu nhưng nhanh chóng bị lạc hậu, thiếu đồng bộ, hiệu quả sử dụng chưa cao. Chưa có nhiều viện nghiên cứu, phòng thí nghiệm, trường đại học nghiên cứu đẳng cấp quốc tế, trung tâm nghiên cứu xuất sắc và các khu công nghệ cao, nông nghiệp công nghệ cao. Hiệu quả hoạt động của các “vườm ươm” công nghệ và doanh nghiệp khoa học và công nghệ còn thấp. Trình độ và năng lực nghiên cứu của các cá nhân, các tổ chức khoa học và công nghệ không đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
- Hạ tầng thông tin khoa học và công nghệ còn nhiều bất cập. Nguồn thông tin khoa học và công nghệ còn hạn chế, phân tán, lạc hậu. Sự liên kết, phối hợp giữa các tổ chức thông tin khoa học và công nghệ trong mạng lưới còn lỏng lẻo; việc ứng dụng công nghệ thông tin và các thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến trong hoạt động thông tin khoa học và công nghệ chưa được chú trọng.
Quan điểm và mục tiêu phát triển hệ thống hạ tầng khoa học - công nghệ
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về phát triển kết cấu hạ tầng, trong thời gian tới hệ thống hạ tầng khoa học - công nghệ cần được phát triển trên những quan điểm sau:
1 - Hệ thống hạ tầng khoa học - công nghệ hiện đại, đồng bộ là điều kiện cần thiết để xây dựng nền khoa học - công nghệ tiên tiến, là sự nghiệp của toàn xã hội, đòi hỏi sự tham gia chủ động, tích cực của tất cả các ngành, các cấp.
2 - Nhà nước đóng vai trò chủ đạo trong đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng khoa học - công nghệ. Huy động tối đa các nguồn lực của xã hội, có chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế, kể cả các nhà đầu tư nước ngoài, phát triển hạ tầng khoa học - công nghệ.
3 - Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng khoa học - công nghệ hiện đại, đồng bộ, đồng thời phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ chất lượng cao là hai nội dung cụ thể để thực hiện tốt nhất các giải pháp đột phá của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 nhằm tăng cường tiềm lực khoa học và công nghệ của đất nước và sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Những mục tiêu cụ thể:
- Duy trì tỷ trọng đầu tư phát triển hạ tầng khoa học - công nghệ ở mức khoảng 40% tổng đầu tư xã hội cho khoa học và công nghệ (tổng đầu tư xã hội cho khoa học và công nghệ đạt 1,5% GDP vào năm 2015 và trên 2% GDP vào năm 2020).
- Tăng cường năng lực cho hệ thống 1.600 tổ chức khoa học - công nghệ hiện có, phấn đấu đến năm 2015 hình thành được 30 tổ chức nghiên cứu và phát triển có cơ sở vật chất, thiết bị hiện đại và năng lực nghiên cứu mạnh để giải quyết những vấn đề lớn của quốc gia, đạt trình độ tiên tiến của khu vực và thế giới, và đến năm 2020 hình thành được 60 tổ chức nghiên cứu và phát triển như vậy.
- Hình thành 3.000 doanh nghiệp khoa học và công nghệ vào năm 2015 và khoảng 5.000 doanh nghiệp như vậy vào năm 2020, trong đó khoảng 70% số doanh nghiệp được phát triển từ các trường đại học và viện nghiên cứu trọng điểm, tập trung vào các lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao. Đến năm 2015 xây dựng được 30 cơ sở “ươm tạo” công nghệ cao, năm 2020 xây dựng được 60 cơ sở.
- Đến năm 2015 tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều có trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng được đầu tư đúng mức, đủ năng lực đáp ứng nhu cầu của địa phương.
- Đến năm 2015 kết nối 50% và đến năm 2020 kết nối 100% viện nghiên cứu, trường đại học, cao đẳng, phòng thí nghiệm trọng điểm, bệnh viện lớn và các trung tâm thông tin - thư viện quan trọng của cả nước với VinaREN; kết nối với các mạng tiên tiến trên thế giới, như Mạng thông tin Âu - Á (TEIN4), Mạng tiên tiến Châu Á - Thái Bình Dương (APAN), Mạng thông tin khoa học tốc độ cao (GLORIAD).
Một số giải pháp phát triển hệ thống hạ tầng khoa học - công nghệ
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, thời gian qua Bộ Khoa học và Công nghệ đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ nhiều hoạt động, trong đó tập trung xây dựng và trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách có tác động quan trọng đối với việc xây dựng kết cấu hạ tầng khoa học - công nghệ. Mới đây Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ Việt Nam đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Đề án tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện và đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động khoa học và công nghệ, các chương trình mục tiêu quốc gia phát triển công nghệ cao, phát triển sản phẩm quốc gia, đổi mới công nghệ quốc gia,... với nhiều giải pháp đồng bộ và quyết liệt nhằm tăng cường đầu tư và nâng cao trách nhiệm của toàn xã hội đối với sự phát triển khoa học - công nghệ, trong đó có phát triển hạ tầng khoa học - công nghệ. Một số giải pháp chủ yếu cần được tập trung thực hiện được đề cập trong các văn bản nói trên:
Một là, tập trung, nâng dần mức đầu tư của Nhà nước cho khoa học và công nghệ đồng thời với huy động mọi nguồn lực của xã hội để xây dựng hạ tầng khoa học - công nghệ hiện đại, chú trọng biện pháp khuyến khích doanh nghiệp trích một phần lợi nhuận trước thuế lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp, đầu tư trang thiết bị nghiên cứu và thành lập các đơn vị nghiên cứu mạnh trong doanh nghiệp. Triển khai Chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực đo lường thử nghiệm và ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ cho các địa phương, đồng thời yêu cầu các địa phương sử dụng đúng mục đích kinh phí đầu tư phát triển các dự án xây dựng hạ tầng khoa học - công nghệ.
Hai là, triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ thành lập, phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tạo điều kiện hình thành nhiều doanh nghiệp khoa học và công nghệ trong các trường đại học và viện nghiên cứu, có chính sách khuyến khích và ưu đãi doanh nghiệp thành lập các tổ chức nghiên cứu phát triển. Giao nhiệm vụ khoa học và công nghệ tiềm năng cho các nhóm nghiên cứu trẻ, khai thác cơ sở dữ liệu sáng chế trong và ngoài nước để tạo nguồn thành lập doanh nghiệp.
Ba là, xây dựng Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Viện Khoa học xã hội Việt Nam thành hai viện hàng đầu khu vực và có một số lĩnh vực đạt trình độ thế giới. Nghiên cứu thí điểm chuyển một số đơn vị nghiên cứu cơ bản về các trường đại học để gắn kết nghiên cứu với đào tạo, nâng cao năng lực nghiên cứu của các trường đại học. Giao biên chế nghiên cứu chuyên nghiệp và đầu tư cơ sở vật chất cho một số trường đại học công nghệ trọng điểm để hình thành các trường đại học nghiên cứu. Đầu tư kinh phí để nâng cấp trang thiết bị nghiên cứu cho các tổ chức khoa học và công nghệ trong trường đại học thông qua các chương trình, dự án nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.
Bốn là, phát triển nhanh, có hiệu quả 3 khu công nghệ cao quốc gia. Hỗ trợ các địa phương phát triển các khu nông nghiệp công nghệ cao, khu công nghệ sinh học công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung. Tiếp tục đầu tư nâng cấp hệ thống các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, phòng thí nghiệm chuyên ngành, các trung tâm tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng hiện đại, đồng bộ. Có chính sách khuyến khích thành lập và nâng cao hiệu quả hoạt động của các “vườn ươm” công nghệ cao và “vườn ươm” doanh nghiệp công nghệ cao.
Năm là, từng bước mở rộng về quy mô, tăng cường về hiệu quả chợ công nghệ và thiết bị (Techmart) thực và ảo. Hình thành và phát triển một số sàn giao dịch công nghệ và trung tâm chuyển giao công nghệ ở các thành phố lớn, các vùng kinh tế trọng điểm.
Sáu là, nâng cấp và hiện đại hóa hệ thống thông tin khoa học và công nghệ quốc gia đạt trình độ tiên tiến trong ASEAN. Đầu tư xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia về chuyên gia khoa học và công nghệ, kết quả nghiên cứu, công bố khoa học, cơ sở dữ liệu quốc gia về công nghệ. Đẩy mạnh phát triển Liên hiệp thư viện Việt Nam về các nguồn tin điện tử phục vụ nghiên cứu, đào tạo và đổi mới công nghệ. Tăng đầu tư để duy trì Mạng VinaREN và kết nối với các mạng quốc tế tiên tiến TEIN4, APAN và GLORIAD. Tăng cường cơ sở vật chất - kỹ thuật hiện đại, đồng bộ cho các cơ quan thông tin khoa học và công nghệ tại các bộ, ngành và địa phương. Xây dựng và khai thác hiệu quả các trung tâm thông tin khoa học và giao dịch công nghệ quốc gia và khu vực.
Quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước đã xác định tập trung các nguồn lực phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, trong đó có hạ tầng khoa học - công nghệ, là một trong 3 giải pháp đột phá của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020, đồng thời đưa ra các định hướng để tháo gỡ “điểm nghẽn của quá trình phát triển” này. Các định hướng của Đảng chỉ đi vào thực tiễn cuộc sống khi toàn xã hội có nhận thức chung đúng đắn, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành trong việc ban hành các cơ chế, chính sách đầu tư và khuyến khích đầu tư hiệu quả, có sự tham gia chủ động, tích cực của địa phương và sự quan tâm của mọi thành phần kinh tế. Đó là những điều kiện cần thiết để phát triển hệ thống hạ tầng khoa học - công nghệ hiện đại, tăng cường tiềm lực khoa học và công nghệ quốc gia, khẳng định vai trò động lực then chốt của khoa học và công nghệ trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp hiện đại vào năm 2020./.
Triển lãm “Tình đoàn kết hữu nghị truyền thống Việt Nam – Cam-pu-chia"  (24/08/2012)
Đưa quan hệ Việt Nam- Cam-pu-chia phát triển sâu rộng  (23/08/2012)
Khai mạc Hội nghị “Quan hệ hữu nghị Quốc hội Việt Nam – Cam-pu-chia”  (23/08/2012)
Ai Cập: Kim tự tháp chưa thể bình yên  (23/08/2012)
Bão giật cấp 15 đang tiến vào Biển Đông  (23/08/2012)
Điện mừng Bộ trưởng Ngoại giao Cộng hòa Bê-la-rút  (23/08/2012)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên