1. Nội các Hàn Quốc đệ đơn lên Tổng thống xin từ chức

Ngày 10-06-2008, toàn bộ nội các Hàn Quốc đệ đơn lên Tổng thống Li Miêng Pắc (Lee Myung-bak) sau khi xảy ra các cuộc biểu tình trên toàn quốc phản đối kế hoạch nhập khẩu trở lại thịt bò từ Mỹ. Theo Quyết định mới của Chính phủ Hàn Quốc, từ cuối tháng 05-2008, Hàn Quốc cho phép nhập khẩu thịt bò không xương của những con bò Mỹ dưới 30 tháng tuổi. Quyết định này của Chính Phủ Hàn Quốc được coi là một nội dung đề cập trong các cuộc đàm phán Hàn Quốc - Mỹ về Thỏa thuận tự do thương mại giữa hai nước (FTA). Nếu hai bên ký được Hiệp định này thì đây sẽ là thỏa thuận lớn nhất kể từ khi Mỹ ký Hiệp định về thị trường tự do Bắc Mỹ NAFTA năm 1994.

Ít nhất là có tới 80.000 người dân trên khắp Hàn Quốc đã xuống đường biểu tình phản đối việc Chính phủ dỡ bỏ hàng rào thương mại ngăn cản nhập thịt bò Mỹ đã từng được áp dụng sau khi bệnh bò điên bùng phát ở Mỹ năm 2003 vì theo họ những con bò dưới 30 tháng tuổi được coi là có nguy cơ nhiễm bệnh bò điên cao nhất. Theo các nhà khoa học, bệnh bò điên lây lan khi nông dân cho bò ăn thịt và xương của những động vật nhiễm bệnh đã qua chế biến. Người nào ăn thịt bò nhiễm bệnh bò điên có thể sẽ mắc các dạng bệnh Creutzfeldt-Jakob - một loại bệnh viêm não, dễ gây tử vong. Vì cho rằng phải có trách nhiệm để xảy ra tình hình đó, toàn bộ thành viên Chính phủ Hàn Quốc đã đồng loạt xin từ chức. Tình hình bất ổn này, cùng với tình trạng sa sút của nền kinh tế, đã làm cho uy tín của Tổng thống Li Miêng Pắc giảm xuống còn 2%, kể từ khi ông đắc cử Tổng thống cuối năm 2007. Nếu hai bên ký được Hiệp định này thì đây sẽ là thoả thuận lớn nhất kể từ khi Mỹ ký Hiệp định về thị trường tự do Bắc Mỹ NAFTA năm 1994, đồng thời, thúc đẩy thương mại hai chiều tăng thêm 20 tỉ USD mỗi năm.

2. Hội nghị quốc tế viện trợ cho Áp-ga-ni-xtan

Ngày 12-06-2008, tại thủ đô Pa-ri (Pháp), đã khai mạc Hội nghị quốc tế các nhà tài trợ cho Áp-ga-ni-xtan với sự tham gia của đại diện hơn 60 quốc gia và 17 tổ chức trên thế giới. Hội nghị xem xét những nội dung cơ bản trong hoạt động của cộng đồng quốc tế hỗ trợ tái thiết Áp-ga-ni-xtan và thảo luận tiến trình thực hiện Hiệp định Luân Đôn năm 2006 về Áp-ga-ni-xtan; các phương thức nâng cao hiệu quả chống khủng bố và ma tuý xuất phát từ quốc gia này; hoàn thiện cơ chế viện trợ cho Áp-ga-ni-xtan trong khuôn khổ Chiến lược phát triển quốc gia của Áp-ga-ni-xtan... Tại Hội nghị, hơn 20 tỉ USD đã được các nhà tài trợ cam kết viện trợ giúp Áp-ga-ni-xtan phát triển giai đoạn 2008-2010. Tuy nhiên, các nhà tài trợ lo ngại về nạn tham nhũng trầm trọng đã bòn rút các khoản tài trợ trước đây và họ yêu cầu chính quyền Áp-ga-ni-xtan phải đưa ra cam kết sử dụng tốt hơn nguồn vốn đầu tư. Cũng tại Hội nghị, đại diện Áp-ga-ni-xtan đã trình bày chi tiết kế hoạch 5 năm, trong đó đề cập đến các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý công việc nội bộ và chịu trách nhiệm về kết quả đạt được. Tuy nhiên, cả đại diện Chính phủ Áp-ga-ni-xan và các nhà tài trợ đều công nhận một thực tế là còn lâu Áp-ga-ni-xtan mới đạt được mục tiêu độc lập thật sự về tài chính hay an ninh. Ngoại trưởng Pháp Béc-nơ Cu-se-nơ (Bernard Kouchner) tuyên bố: "Chúng tôi tán thành việc rời khỏi Áp-ga-ni-xtan càng sớm càng tốt. Nhưng không biết chắc chắn là 5 năm hay 10 năm nữa”.

3. Thoả thuận đình chiến ở Xô-ma-li vừa ký kết đang đứng trước nguy cơ tan vỡ

Ngày 10-06-2008, một chỉ huy cấp cao của phe Hồi giáo đối lập ở Xô-ma-li, ông Chây Ha-xan Đa-hi A-uây (Cheikh Hassan Dahir Aweys), đã lên tiếng phủ nhận Thoả thuận ngừng bắn đã được Chính phủ Xô-ma-li và Liên minh đối lập chính ký ngày 09-06-2008, cam kết ngừng chiến sau các cuộc thương lượng tiến hành tại Đu-bu-ti (Djibouti) dưới sự chủ tọa của Liên hợp quốc, nhằm đưa đất nước này ra khỏi cuộc nội chiến kéo dài 17 năm qua, khiến hơn 300.000 người thiệt mạng. Ông Chây Ha-xan Đa-hi A-uây tuyên bố: “Chúng tôi sẽ tiếp tục chiến đấu cho tới ngày giải phóng đất nước khỏi những kẻ thù của thánh A-la (Allah) vì thoả thuận ngừng bắn không đề cập tới lộ trình rút quân Ê-ti-ô-pi ra khỏi Xô-ma-li”. Theo văn kiện được Liên hợp quốc công bố, thoả thuận ngừng chiến sẽ có hiệu lực sau 30 ngày kể từ ngày ký, có thời hạn 90 ngày và có thể được gia hạn. Thỏa thuận trên cũng sẽ cho phép Liên hợp quốc triển khai ngay một lực lượng quốc tế làm nhiệm vụ ổn định tình hình, đến từ các quốc gia “bạn bè” của Xô-ma-li, loại trừ các nước có chung đường biên giới với Xô-ma-li. Trong thời hạn 120 ngày này, Chính phủ quá độ sẽ hành động theo quyết định đã được Chính phủ Ê-ti-ô-pi đưa ra về việc rút quân của họ ra khỏi Xô-ma-li sau khi Liên hợp quốc triển khai đủ lực lượng tại quốc gia này. Tuy nhiên, khi một trong những nhân vật đối lập có ảnh hưởng lớn như ông Chây Ha-xan Đa-hi A-uây lên tiếng phủ nhận, Thoả thuận ngừng bắn giữa Chính phủ và Liên minh đối lập vừa mới được ký kết đang đứng trước nguy cơ bị phá vỡ và tình hình chính trị bất ổn và căng thẳng có thể sẽ tiếp tục kéo dài tại Xô-ma-li.

4. Bước tiến lớn trong quan hệ Trung Quốc - Đài Loan

Ngày 12-06-2008, sau cuộc họp với đoàn đám phán Trung Quốc, ông Tôn Á Phu, Phó Tổng thư ký Hội quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan cho biết, hai bên đã đồng ý mở Văn phòng đại diện lâu dài của mỗi bên ở cả Trung Quốc và Đài Loan. Quyết định gây bất ngờ này được đưa ra trong mối quan hệ với hai nội dung chính được nêu ra trong cuộc họp lần này là thiết lập đường bay thẳng giữa hai bờ và tăng lượng khách du lịch. Thoả thuận được mong đợi này được ký kết vào ngày 13-06-2008. Cũng trong ngày 12-06-2008, ông Trần Lâm chấp nhận lời mời của ông Giang Bỉnh Khôn tới thăm Đài Loan vào cuối năm 2008. Bình luận về sự kiện này, ông George Tsai, nhà nghiên cứu chính trị của Đại học văn hóa Trung Quốc ở Đài Loan nhận định: "Đây là sự kiện tích cực và tốt đẹp trong việc phát triển quan hệ giữa hai bờ”. Còn người phát ngôn của Chính phủ Mỹ, ông Gôn-xa-lô Ga-le-gốt (Gonzallo Gallegos), đưa ra nhận xét ủng hộ thỏa thuận giữa hai bờ eo biển trong cuộc họp ngày 12-06-2008 và bày tỏ hy vọng những thoả thuận tương tự sẽ tiếp tục diễn ra trong tương lai

5. “Ngày Nước Nga" và các sự kiện liên quan đến nước Nga

Trước đây, ngày này được gọi là "Ngày Độc lập" (12-06-1992) và chính thức trở thành ngày Quốc lễ từ năm 1992 nhân kỷ niệm sự kiện Đại hội lần thứ nhất Đại biểu nhân dân Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Liên bang Nga thông qua bản Tuyên ngôn về chủ quyền quốc gia Nga, mở ra một trang mới trong lịch sử quốc gia này vào năm 1990. Từ năm 2002 "Ngày Độc lập" được đổi thành “Ngày nước Nga”. Đúng vào dịp kỷ niệm này, IEA công bố bản báo cáo cho biết, với sản lượng 9,5 triệu thùng/ngày trong quý 1 năm 2008, Nga đã trở thành nước sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới, cao hơn sản lượng 9,2 triệu thùng/ngày của Ả-rập Xê-út - nước luôn đứng đầu thế giới về sản lượng “vàng đen” từ trước tới nay. Cũng vào dịp này, từ ngày 11-06 đến 13-06-2008, Đại hội báo chí tiếng Nga toàn thế giới lần thứ 10 được tổ chức tại Mát-xơ-va. Tổng thống Nga Đ.Mét-vê-đép, Thủ tướng Nga V.Pu-tin, Tổng giám đốc UNESCO Côi-chi-rô Ma-xu-ra cùng gần 1.000 đại biểu và khách mời đến từ 65 nước trên thế giới đã tham dự Đại hội này. Trong 3 ngày diễn ra Đại hội, các đại biểu thảo luận về thực trạng báo chí tiếng Nga trên thế giới và vai trò của tiếng Nga trong phát triển văn minh nhân loại, xác định vai trò và vị trí của Hiệp hội báo chí tiếng Nga thế giới đối với cuộc sống của những cộng đồng nói tiếng Nga trong điều kiện toàn cầu hoá. Hiện nay, trên thế giới có khoảng 300 triệu người nói tiếng Nga và đây là thứ tiếng phổ biến thứ 4 trên toàn cầu. Ngoài ra, các đại biểu cũng thảo luận về phát triển không gian thông tin thống nhất bằng tiếng Nga trên thế giới và sự hợp tác của cộng đồng báo chí trong việc thông tin khách quan và tự do về các sự kiện ở Nga, về cuộc sống của người Nga ở nước ngoài và toàn thể những người nói tiếng Nga, về việc mở rộng trao đổi thông tin, văn hoá, giáo dục, khoa học.

6. Nội các của Thủ tướng Phư-cư-đa vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Hạ viện Nhật Bản

Ngày 12-06-2008, Hạ viện Nhật Bản thông qua bản Nghị quyết tín nhiệm đối với Nội các của Thủ tướng Phư-cư-đa với toàn bộ số phiếu ủng hộ của Đảng Tự do dân chủ và Đảng Công minh. Ba đảng đối lập là Dân chủ, Xã hội và Quốc dân mới không tham gia bỏ phiếu tín nhiệm này. Đây là lần thứ 2, Quốc hội Nhật Bản thông qua bản Nghị quyết tín nhiệm nội các sau 16 năm kể từ khi Thủ tướng Mi-da-oa (Miazawa) thông qua Bộ luật hoạt động duy trì hoà bình của Liên hợp quốc (PKO) năm 1992. Lần này, Liên minh cầm quyền đưa ra bản Nghị quyết này nhằm chống lại bản kiến nghị của phe đối lập đòi chất vấn trách nhiệm của Thủ tướng Phư-cư-đa được thông qua tại Thượng viện trước đó 1 ngày, vào ngày 11-06-2008. Mặc dù phe đối lập đã đưa ra đề án huỷ bỏ chế độ chăm sóc y tế dành cho người cao tuổi nhưng vấn đề này vẫn được thảo luận trước hai Viện của Quốc hội. Theo Hiến pháp Nhật Bản, tất cả các công dân Nhật Bản đều phải tham gia đóng bảo hiểm y tế. Thế hệ trẻ nước này lên tiếng phản đối vì họ phải chi trả quá nhiều trong khi họ ít khi đi khám bệnh. Vì vậy, Chính phủ của Thủ tướng Phư-cư-đa quyết định tạo ra một hệ thống bảo hiểm mới dành cho cho người già trên 75 tuổi được áp dụng từ tháng 04-2008. Hệ thống mới này ngay lập tức gây ra sự bất mãn trong giới người cao tuổi vì họ phải đóng thêm một khoản bảo hiểm y tế trích từ lương hưu.

7. Chuyến thăm chia tay châu Âu của Tổng thống Mỹ Bu-sơ

Ngày 09-06-2008, Tổng thống Mỹ Bu-sơ tới thăm Xlô-ve-ni-a và dự Hội nghị cấp cao thường niên giữa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), bắt đầu chặng dừng chân đầu tiên trong chuyến công du kéo dài một tuần lễ tới 5 nước châu Âu, gồm Xlô-ve-ni-a, Ðức, I-ta-li-a, Pháp và Anh. Tâm điểm của chuyến công du lần này của Tổng thống Mỹ G.Bu-sơ là tranh thủ sự ủng hộ của EU trong các vấn đề Áp-ga-ni-xtan và I-rắc; kế hoạch của Mỹ ngăn chặn chương trình hạt nhân của I-ran; vấn đề môi trường toàn cầu; tiến trình hòa bình Trung Ðông; giá dầu và lương thực thế giới tăng cao; hợp tác kinh tế, thương mại giữa Mỹ và EU v.v.. Theo nhận xét của nhiều hãng thông tấn trên thế giới, chuyến thăm của Tổng thống Mỹ G.Bu-sơ tới châu Âu lần nay khó có thể tạo ra sự đột phá trong việc hàn gắn sự chia rẽ trong quan hệ xuyên Ðại Tây Dương, cũng như giữa các chính phủ ở châu Âu do cuộc chiến tranh tại I-rắc, tìm biện pháp giải quyết xung đột giữa I-xra-en và Pa-le-stin. Đây là chuyến thăm tạm biệt châu Âu của Tổng thống Mỹ G.Bu-sơ trước khi ông kết thúc nhiệm kỳ Tổng thống. Về phía I-ran, Tổng thống Mỹ tuyên bố, ông muốn thúc đẩy các biện pháp ngoại giao nhằm giải quyết vấn đề hạt nhân gây nhiều tranh cãi của I-ran nhưng cũng “không loại trừ những sự lựa chọn khác đang được đặt lên bàn cân”. Đáp lại tuyên bố trên, Tổng thống Mô-ha-mút A-ma-đi-nê-dat khẳng định “kỷ nguyên của Tổng thống Bu-sơ đã kết thúc và Mỹ không thể xâm phạm bất kỳ một tấc đất nào của I-ran”.

8. Hội đồng Nga - NATO bàn về triển vọng quan hệ hai bên

Tại cuộc họp Hội đồng Nga - NATO tổ chức vào ngày 13-06-2008 tại Brúc-xen (Bỉ), các đại biểu thảo luận các vấn đề về thực trạng và triển vọng quan hệ Nga - NATO và những vấn đề cấp thiết khác như an ninh thế giới, đấu tranh chống khủng bố và kiểm soát tình hình xung đột tại các điểm nóng v.v.. Trong khuôn khổ cuộc họp này, Bộ trưởng Quốc phòng Nga đã có các cuộc gặp song phương với Tổng thư ký NATO, Bộ trưởng Quốc phòng Bỉ và một số quan chức quân sự cấp cao khác của các nước là thành viên Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương. Tại cuộc họp này, Nga đặc biệt quan tâm tới các vấn đề còn tồn tại trong quan hệ giữa Nga với NATO, giữa Nga với Mỹ và các nước châu Âu như kế hoạch của Mỹ triển khai các bộ phận thuộc hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ tại châu Âu, vấn đề mở rộng NATO và việc kiểm soát vũ trang tại châu Âu. Hiện nay, sự phát triển quan hệ giữa Bộ Quốc phòng Nga và NATO đang tiến triển theo các hướng có triển vọng trên cơ sở hợp tác bình đẳng và cùng có lợi như đấu tranh chống khủng bố quốc tế, kiểm soát xung đột, chống phổ biến vũ khí giết người hàng loạt, bảo đảm an ninh hạt nhân, kiểm soát vũ trang v.v. Ngoài ra, hai bên đang tiếp tục hợp tác trong cải cách quân đội, huấn luyện các binh sỹ Nga tại các trung tâm đào tạo của NATO, tiến hành các cuộc tập trận chung về tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn. Thậm chí, Tổng thư ký NATO còn đề nghị Nga nên gia nhập NATO!

9. Hiến pháp EU lại một lần nữa bị phá sản

Theo kết quả kiểm phiếu ngày 14-06-2008, cử tri tại phần lớn các đơn vị bỏ phiếu ở Ai-len (Areland) đã từ chối trong cuộc trưng cầu ý dân về Hiệp ước Li-xbon về việc phê chuẩn Hiến pháp EU. Kết quả này khiến kế hoạch cải cách EU một lần nữa bị phá sản. Trước đó, năm 2005, các cử tri Hà Lan và Pháp cũng đã từng bác bỏ dự thảo Hiến pháp EU. Lần này, người dân Ai-len không bỏ phiếu ủng hộ bản hiệp ước mới vì cho rằng nó sẽ làm mất đi quyền lực cũng như sự trung lập và chủ quyền của đất nước họ. Như vậy, Hiệp ước Li-xbon đã chính thức bị phá sản, với tỷ lệ gần 54% người dân Ai-len bác bỏ, trái với mong mỏi của các nhà lãnh đạo EU mà trước hết là ý nguyện của Tổng thống Pháp Ni-cô-la Sác-cô-di, người sẽ giữ chức Chủ tịch luân phiên EU trong nửa cuối năm 2008. Đến nay, Hiệp ước Li-xbon đã nhận được sự ủng hộ của đa số các chính phủ trong EU cũng như hầu hết các quan chức trong chính phủ Ai-len. Tuy nhiên, để có hiệu lực, Hiệp ước Li-xbon phải được tất cả 27 quốc gia thành viên EU phê chuẩn. Trong số các nước thành viên, chỉ có duy nhất Ai-len thông qua bằng hình thức trưng cầu dân ý, 26 quốc gia thành viên còn lại chỉ cần thông qua tại Quốc hội và Thượng viện.

10. Động thái mới trong quá trình đổi mới ở Cuba

Chính phủ Cuba bãi bỏ mức lương tối đa cho công nhân viên nhằm nâng cao hiệu quả lao động và chấm dứt chế độ bình quân về lương bổng. Trước đây, ở Cuba, dù là một kỹ sư tin học, bác sĩ, nông dân hay người phục vụ bàn ở quán cà phê đều là nhân viên nhà nước và được lĩnh lương hàng tháng tương đương nhau, khoảng 20 USD, không phân biệt năng suất lao động cao hay thấp. Chính sách bình quân đó bảo đảm cho tất cả mọi người lao động có mức lương gần như nhau. Gần đây, Chủ tịch Ra-un Ca-stro nhận thấy rằng, muốn nhanh chóng làm cho dân giàu, nước mạnh thì phải tăng năng suất lao động, và để đạt mục đích đó, phải khuyến khích người lao động hăng hái làm việc với cường độ và năng suất cao hơn trước. Một trong những biện pháp đó là tăng lương cho họ. Kể từ tháng 08-2008, lương của những người làm việc trong khu vực nông và công nghiệp sẽ phụ thuộc vào kết quả lao động của họ. Đối với những người làm việc trong lĩnh vực dịch vụ, lương tháng được trả theo chất lượng dịch vụ. Thứ trưởng Bộ Lao động Cuba cho biết, quy chế lương mới hoàn toàn phù hợp với các nguyên tắc của chủ nghĩa xã hội. Kể từ khi nhậm chức đến nay, Chủ tịch Ra-un Ca-xtrô đã bãi bỏ một số lệnh cấm từ trước như cấm sử dụng điện thoại di động và máy tính cá nhân, tuy nhiên, tăng lương theo năng suất lao động được coi là biện pháp mạnh bạo nhất./.