Việt Nam-Nhật Bản thúc đẩy hợp tác thương mại
23:26, ngày 05-08-2012
Từ ngày 3 đến 5-8, Tập đoàn Aeon của Nhật Bản phối hợp với Bộ Công Thương Việt Nam, Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản và Hãng hàng không Việt Nam tổ chức “Hội chợ Việt Nam” tại trung tâm thương mại “Lake Town” ở thành phố Koshigaya, tỉnh Saitama nhằm giới thiệu văn hóa, hàng hóa tiêu dùng của Việt Nam tới người dân Nhật Bản.
Phát biểu tại lễ khai mạc hội chợ, Phó Chủ tịch, Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Aeon Hiroshi Yokoo nhấn mạnh Việt Nam và Nhật Bản có nhiều điểm tương đồng, đã có quan hệ thương mại, giao lưu văn hóa từ thế kỷ 16.
Việt Nam có dân số trẻ, người dân có bản tính kiên cường, cần cù, khéo léo. Tại hội chợ lần này, Tập đoàn Aeon muốn giới thiệu tới khách hàng Nhật Bản nền văn hóa giàu bản sắc của Việt Nam cùng với các mặt hàng tiêu dùng được ưa chuộng đến từ Việt Nam, trong đó có hàng dệt may, thủ công mỹ nghệ, hoa quả, thực phẩm.
Theo ông Yokoo, Tập đoàn Aeon cũng đã có dự án đầu tư xây dựng trung tâm thương mại đầu tiên của tập đoàn tại Việt Nam và dự kiến đi vào hoạt động từ năm 2014. Hội chợ lần này cũng là hoạt động hướng tới kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước vào năm 2013.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cho biết kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1973, quan hệ Việt Nam - Nhật Bản đã phát triển tốt đẹp trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch và giao lưu văn hóa.
Trong lĩnh vực thương mại, kim ngạch mậu dịch song phương năm 2011 đã đạt 21 tỉ USD và sáu tháng đầu năm 2012 đã đạt 12 tỉ USD.
Trong lĩnh vực đầu tư, Nhật Bản là nhà đầu tư hàng đầu tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư 28 tỉ USD trong khoảng 1.700 dự án.
Theo Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa, Việt Nam được thiên nhiên ưu đãi, có nhiều danh lam thắng cảnh, nhiều loại hoa quả ngon và đã xuất khẩu hàng hóa sang 220 nước trên thế giới, với các mặt hàng xuất khẩu đứng thứ hai thế giới như gạo, càphê.
Ngày càng có nhiều mặt hàng của Việt Nam được xuất khẩu sang Nhật Bản và được người tiêu dùng Nhật Bản ưa chuộng.
Thứ trưởng hy vọng hội chợ này sẽ góp phần tăng cường sự hiểu biết của người dân Nhật Bản về đất nước và văn hóa Việt Nam, góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị giữa nhân dân hai nước.
Trong ba ngày hội chợ, hàng nghìn khách hàng Nhật Bản đã tới xem các chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc sắc, tham quan các gian hàng Việt Nam và thưởng thức các món ăn được ưa chuộng của Việt Nam.
Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Nhật Bản, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa cho biết mục đích chuyến thăm Nhật Bản lần này của đoàn Bộ Công Thương là nhằm thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Nhật Bản.
Chuyến đi này cũng nhằm khai trương tuần hàng Việt Nam vào hệ thống bán lẻ AEON của Nhật Bản và qua đó tạo ra một kênh xuất khẩu cho hàng hóa của Việt Nam thông qua hệ thống siêu thị của tập đoàn AEON.
Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa cho biết có kế hoạch đưa thêm các loại trái cây, hàng thủy hải sản, hàng may mặc vào thị trường Nhật Bản.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Aeon Hiroshi Yokoo cho biết năm ngoái AEON đã nhập khoảng 6 tỉ yên hàng hoá từ Việt Nam. Trong số đó, mặt hàng dệt may như quần áo, đồ lót đã vào thị trường Nhật Bản.
Kỹ thuật dệt cũng khá là công phu và hoàn hảo nên nhận được phản hồi tốt của khách hàng. Ngoài ra, mặt hàng thực phẩm Aeon nhập khẩu từ Việt Nam cũng lên tới 2 tỉ yên.
Tuy nhiên, theo ông Yokoo, Bộ Y tế và Phúc lợi xã hội Nhật Bản đang siết chặt kiểm soát nông sản của Việt Nam do cách thức bảo quản trái cây để tránh côn trùng xâm nhập sản phẩm của Việt Nam vẫn chưa bảo đảm yêu cầu và hiện rất ít trái cây của Việt Nam nhận được giấy chứng nhận nhập khẩu của cơ quan chức năng Nhật Bản.
Hiện nay, các nước ở Đông Nam Á như Thái Lan, Philippines đã làm được việc này và trái cây của các nước này nhập khẩu vào Nhật Bản rất nhiều.
Việt Nam có rất nhiều loại hoa quả ngon và bước tiếp theo nếu giải quyết tốt vấn đề trên thì việc nhập khẩu trái cây từ Việt Nam sẽ có bước tiến vượt bậc.
Tham tám Thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Trung Dũng cho biết quan hệ thương mại Việt Nam - Nhật Bản trong những năm vừa qua có bước phát triển rất đáng kể và đặc biệt xuất khẩu của Việt Nam vào Nhật Bản đã có những bước tăng trưởng cao.
Theo đồng chí Nguyễn Trung Dũng, Việt Nam có rất nhiều mặt hàng có thể đưa vào Nhật Bản, trong đó có hàng may mặc, hàng thuỷ sản, đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ và hoa quả.
Hiện nay thị phần của Việt Nam so với nhu cầu ở Nhật Bản mới chỉ ở mức rất thấp do qui mô sản xuất nhỏ, cũng như khả năng thu mua với khối lượng lớn chưa có và do chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường Nhật Bản.
Theo đồng chí Nguyễn Trung Dũng, để tăng xuất khẩu hàng hóa sang Nhật Bản trong thời gian tới, một mặt chúng ta cần hoàn thiện khả năng sản xuất, bảo quản hàng hóa, đồng thời phải xem xét lại cách quảng bá cũng như xúc tiến thương mại, trong đó cần thúc đẩy hợp tác chặt chẽ với các tập đoàn bán lẻ của Nhật Bản, như Tập đoàn Aeon, để đưa hàng hóa Việt Nam đến với người tiêu dùng Nhật Bản./.
IMF giữ nguyên dự báo về tăng trưởng kinh tế Nga  (05/08/2012)
Đồng chí Võ Chí Công với cách mạng Việt Nam và quê hương  (05/08/2012)
Tu bổ, nâng cấp Khu lưu niệm Chủ tịch Võ Chí Công  (05/08/2012)
Trung Quốc mong muốn thúc đẩy liên kết hàng hải với ASEAN  (05/08/2012)
Ông Kim Yong Nam thăm hữu nghị chính thức Việt Nam  (05/08/2012)
- Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Thành phố Hồ Chí Minh qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
- Tỉnh Quảng Nam tích cực chuẩn bị tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên