Thất bại được báo trước

Phan Lang
07:32, ngày 08-07-2012

TCCSĐT - Hội nghị của những bên được gọi và tự nhận là "Những người bạn của Syria" họp ở Paris (Pháp), với hơn 100 quốc gia và tổ chức quốc tế đã cử đại diện tới dự, đã kết thúc mà không đạt được kết quả cụ thể đáng kể nào. Những phát biểu và tuyên bố ở Hội nghị đều rất mạnh mẽ nhưng thực chất lại chỉ nhắc lại những gì đã từng được thể hiện và tuyên cáo.

Kết quả tại Hội nghị này chưa giúp được những lực lượng chống Chính phủ của Tổng thống Syria B.Assad và những đối tác hậu thuẫn các lực lượng này tiến gần hơn tới mục đích của họ.

Thất bại của Hội nghị đã được báo trước vì thành phần tham dự Hội nghị không đủ để đảm bảo những gì họ muốn quyết định cũng đều khả thi. Trước hết là do cả Nga lẫn Trung Quốc đều không tham dự, nếu như không muốn nói là trong thực chất đã tẩy chay Hội nghị. Sau đó phải kể đến tình trạng phân rẽ nội bộ và thiếu sự lãnh đạo thống nhất trong các lực lượng chống lại chính phủ ở Syria.

Không có sự đồng tình của Nga và Trung Quốc sẽ không có chuyện Liên hợp quốc áp dụng và xiết chặt những biện pháp trừng phạt Syria, lại càng không thể có chuyện Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua một nghị quyết cho phép bên ngoài can thiệp quân sự vào Syria. Nga và Trung Quốc không nhằm vào cá nhân ông B.Assad như Mỹ và phương Tây, không loại trừ ông B.Assad ra khỏi mọi giải pháp chính trị, chẳng hạn như tham gia chính phủ quá độ.

Vì thế tại Hội nghị này, Mỹ và phương Tây có kêu gọi Liên hợp quốc trừng phạt Syria thì Liên hợp quốc cũng chưa quyết định được, có muốn hạ bệ ông B.Assad thì cũng không chỉ ra được bằng cách nào. Sự vắng mặt của Nga và Trung Quốc khiến cho Hội nghị ngay từ đầu đã trở thành sự kiện hữu danh vô thực không hơn không kém.

Trong bối cảnh ấy, sự phân rẽ trong nội bộ phe chống đối Chính phủ ở Syria càng thể hiện rõ tình trạng bất lực và bế tắc giải pháp của "Những người bạn của Syria".

Phe chống đối bất đồng quan điểm sâu sắc cả về định hướng chính sách lẫn nhân sự. Họ không có được ban lãnh đạo thống nhất và được công nhận sâu rộng cũng như chưa hình thành cơ cấu tổ chức rành mạch và chặt chẽ. Cho nên đa số trong diện "Những người bạn của Syria" hội họp ở Paris đều chưa thật sự tin tưởng họ và chưa dám hoàn toàn dựa cậy vào họ. Đó cũng là những điều khác biệt rất cơ bản so với Libia.

Phe chống đối Chính phủ ở Syria và những đối tác bên ngoài ủng hộ họ rất muốn sử dụng lại mô hình giải pháp và lặp lại kịch bản như đã từng được thực hiện ở Libia. Nhưng khả năng đó khó xảy ra vì Chính phủ của ông B.Assad có thực lực và tiềm lực không như chính thể của ông M.Gaddafi ở Libia, vì Nga và Trung Quốc sẽ không để Mỹ và NATO lợi dụng và lạm dụng như trong trường hợp Libia và vì phe chống đối ở Syria không thống nhất nội bộ và có ban lãnh đạo như phe nổi dậy ở Libia.

Cho nên không có gì là lạ khi Hội nghị này không thể quyết định được gì nhiều hơn ngoài nhắc lại những yêu sách lâu nay, bất kể chúng có khả thi hay không. Cả việc Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Hillary Clinton thúc ép Nga lẫn việc Pháp coi ông B.Assad là "kẻ giết người hàng loạt đều không làm thay đổi được thực trạng đó. Tuy nhiên, chỉ có Pháp trong tư cách nước chủ nhà được lợi nhiều hơn cả.

Tân Tổng thống Pháp Francois Hollande đã tận dụng sự kiện này để gây dựng vai trò của Pháp trong vấn đề Syria như người tiền nhiệm đã dùng việc đi đầu trong cuộc chiến tranh ở Libia để gây dựng vai trò và ảnh hưởng cho nước mình trong chính biến ở đó. Tuy nhiên, việc đó không dễ dàng vì mọi giải pháp chính trị đều cần sự tham gia của Nga và Trung Quốc, còn về giải pháp quân sự thì ngay trong nội bộ "những người bạn của Syria" hiện đâu có sự đồng thuận quan điểm. Chính quyền mới ở Pháp đang định hình lại chính sách đối với cả khu vực nên dường như trước mắt cũng chỉ cần có Hội nghị này để thể hiện như thế./.