TCCSĐT - Nhật Bản chưa thể từ bỏ các nhà máy điện hạt nhân. Đó là thông điệp chính của Thủ tướng Nhật Bản Y. Noda trong bài phát biểu trên truyền hình ở Nhật Bản lập luận cho quyết định vận hành trở lại nhà máy điện hạt nhân.

Sau thiên tai và thảm họa hạt nhân ở Fukushima, tất cả các nhà máy điện hạt nhân ở Nhật Bản đều bị ngừng hoạt động để kiểm tra an toàn. Những tháng ngày vừa qua sau thảm họa là lần đầu tiên kể từ năm 1970 trở lại đây năng lượng hạt nhân không được sử dụng ở Nhật Bản.

Theo quy định, chính quyền địa phương sẽ quyết định có cho phép các nhà máy điện hạt nhân hoạt động trở lại hay không. Cho tới nay, chưa có nhà máy điện hạt nhân nào ở Nhật Bản sau khi kiểm tra an toàn được cho phép hoạt động trở lại. Chính quyền địa phương không muốn làm trái với tâm lý lo ngại chung của người dân về an toàn ở các nhà máy điện hạt nhân sau thảm họa hạt nhân ở Fukushima.

Chính phủ Nhật Bản khi đó đã quyết định và thông qua lộ trình dần từ bỏ sử dụng năng lượng từ các nhà máy điện hạt nhân. Quyết định này là một trong những quyết định mang tính bước ngoặt của Đảng Dân chủ Nhật Bản cầm quyền nói riêng và của cả nước Nhật Bản nói chung lúc bấy giờ. Việc người dân quan tâm hàng đầu đến an toàn hạt nhân, đặc biệt sau thảm họa hạt nhân ở Fukushima, là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên, năng lượng hạt nhân chiếm tỷ trọng một phần ba trong cơ cấu năng lượng của Nhật Bản nhưng hiện đất nước này cũng chưa có được nguồn năng lượng nào thay thế. Từ bỏ năng lượng hạt nhân, nguồn năng lượng dễ thực hiện về kỹ thuật, nhưng không dễ thực hiện về phương diện chính trị - xã hội đã và đang trở thành bài toán khó đối với Chính phủ Nhật Bản hiện tại.

Trong bài phát biểu trên truyền hình ở Nhật Bản mới đây, Thủ tướng Y.Noda đã cảnh báo rằng, nếu không nhanh chóng hoạt động trở lại lò phản ứng số 3 và 4 của nhà máy điện hạt nhân Oi cho khu vực công nghiệp Kansai và thành phố Osaka thì mọi hoạt động của xã hội Nhật Bản sẽ "bị ngừng trệ". Theo ông Y.Noda, chỉ riêng ở miền tây Nhật Bản sẽ có khả năng thiếu hụt 15% năng lượng ngay từ mùa hè này nếu không tái sử dụng năng lượng hạt nhân.

Ở Nhật Bản hiện có hơn 50 nhà máy điện hạt nhân. Sau thảm họa hạt nhân ở Fukushima, an toàn hạt nhân trở thành một trong những vấn đề chính trị nội bộ lớn nhất và gây phân rẽ nội bộ xã hội nhiều nhất ở Nhật Bản. Các tổ chức và các nhà hoạt động bảo vệ môi trường sinh thái không ngừng nêu yêu cầu chấm dứt vĩnh viễn sử dụng năng lượng hạt nhân trong khi Chính phủ và giới công nghiệp cảnh báo về những rủi ro của việc thiếu nguồn năng lượng đối với nền kinh tế và cả môi trường sinh thái của đất nước.

Tổ chức Hợp tác kinh tế và phát triển (OECD) đã kêu gọi Nhật Bản nhanh chóng cho hoạt động trở lại những nhà máy điện hạt nhân được coi là an toàn vì cũng cho rằng, nếu Nhật Bản không làm như vậy nước này sẽ không bảo đảm được khả năng cung ứng năng lượng, gây ảnh hưởng tiêu cực tới sản xuất công nghiệp và đẩy nền kinh tế nước này lâm vào suy thoái.

Chính quyền ở một số địa phương đã kiến nghị giải pháp tình thế là chỉ hoạt động lại những nhà máy điện hạt nhân ở Oi vào mùa hè, trong khi Thủ tướng Nhật Ban Y.Noda coi giải pháp ấy là chưa đủ. Còn theo một hướng tranh luận khác trong xã hội cũng như trên chính trường, thì Nhật Bản nên để các chính trị gia hay các chuyên gia về an toàn hạt nhân quyết định có sử dụng trở lại năng lượng hạt nhân hay không?

Dù sao thì chủ định của Thủ tướng Y.Noda trong việc tái sử dụng năng lượng hạt nhân cũng là bước ngoặt mới trong chính sách của Chính phủ Nhật Bản nói chung và chính sách năng lượng nói riêng. Quyết định cuối cùng về đề nghị của ông Y.Noda bây giờ thuộc về Thống đốc tỉnh Fukui ông Issei Nishikawa./.