Rio+20: Thế giới cần hành động với tầm nhìn dài hạn
Bảo vệ đại dương vì sự tăng trưởng xanh phổ quát
Đại dương là nơi cung cấp cho nhân loại các hệ sinh thái vô giá và hơn 50% lượng ôxi cho sự sống trên trái đất, những tác động tàn phá đại dương khiến con người đứng trước nguy cơ bị đe dọa nghiêm trọng đến sự sống. Hiện chỉ có chưa đầy 1% môi trường các đại dương được bảo vệ so với 15% môi trường trên đất liền. Hơn 50% nguồn hải sản của các đại dương đã bị khai thác quá mức, trong khi 30% - 35% các môi trường hải dương quan trọng như cỏ biển, các rặng san hô, rừng đước… cũng bị tàn phá. Các chất thải từ đất liền ra biển tiếp tục giết hại các sinh vật biển cũng như tạo ra các vùng biển chết trên các đại dương. Không những thế, việc tăng sử dụng nhiên liệu hóa thạch đang tác động nguy hại đến thời tiết trên các đại dương, đẩy nhanh tốc độ axít hóa, làm nước bề mặt đại dương nóng lên, làm tan băng ở các cực khiến nước biển dâng cao.
Vì thế, quản lý và bảo tồn tốt hơn các đại dương sẽ là một trong các vấn đề về bảo vệ môi trường được đưa ra thảo luận tại Hội nghị. Theo đó, các giải pháp dự kiến được đề xuất là bảo vệ đại dương, giảm ô nhiễm, ngăn chặn nguy cơ khai thác cạn kiệt các nguồn tài nguyên biển cũng như các tác động của biến đổi khí hậu đối với các đại dương. Hội nghị Rio+20 sẽ cần có sự thống nhất của các nước trong cam kết cải thiện quản lý các đại dương để tăng cường an ninh lương thực, giảm ô nhiễm và tăng diện tích các khu vực được bảo vệ trên các đại dương.
Giảm thiểu tác động của tiến trình đô thị hóa vì môi trường xanh
Đây sẽ là đề mục được ưu tiên cao trong chương trình nghị sự của Hội nghị. Ngày 4-5-2012, trong thông điệp quan trọng gửi các thành phố đang được mở rộng nhanh chóng trên toàn cầu, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon kêu gọi các thành phố trên toàn cầu nhận thức rõ và ủng hộ các chiến lược quốc gia thông minh hơn về đô thị, các chính sách phát triển khu vực cân bằng, tăng cường hơn nữa các khuôn khổ kinh tế và luật pháp đô thị.
Hơn 130 người đứng đầu nhà nước và chính phủ, cùng lãnh đạo các công ty xuyên quốc gia, các nghị sĩ quốc hội, thị trưởng các thành phố lớn trên thế giới, các nhà lãnh đạo các tổ chức xã hội dân sự và phi chính phủ, các học giả, các nhà lãnh đạo Liên hợp quốc và đại diện công chúng, giới truyền thông đã cam kết tham dự Hội nghị Rio+20. Khoảng hơn 50 nghìn người trên khắp thế giới sẽ tham dự Hội nghị.Dự kiến hội nghị trù bị sẽ diễn ra từ ngày 13 đến 15-6-2012. |
Phát triển đi liền bảo toàn tốt nguồn năng lượng
Năm 2012 là năm được Liên hợp quốc lựa chọn là “Năm Quốc tế về năng lượng bền vững” với mục đích tạo ra môi trường thuận lợi cho việc thúc đẩy phát triển các công nghệ sử dụng năng lượng mới và tái tạo, bao gồm cả các biện pháp cải thiện khả năng tiếp cận các công nghệ này. Chính vì vậy, đến với Hội nghị RIO+20, các chính phủ tham gia sẽ phải thông qua các mục tiêu bắt buộc tất cả các quốc gia bảo đảm khả năng tiếp cận với các phương thức sản xuất, khai thác và tiêu thụ bên cạnh việc sử dụng nguồn năng lượng bền vững. Đường lối tăng trưởng này có thể khác nhau theo từng nước, nhưng đều có chung mục tiêu là tăng trưởng và phát triển bền vững vì con người, hành tinh và tiến bộ kinh tế - xã hội.
Đặc biệt, đến tham dự Hội nghị lần này, sẽ có sự góp kiến của các quốc đảo nhỏ (SID) trên toàn cầu. Đây là nhóm nước đang nỗ lực tìm kiếm giải pháp thoát khỏi sự phụ thuộc nặng nề vào nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch, chuyển khu vực năng lượng hiện hành sang nguồn năng lượng tái sinh, sạch, hiệu quả và hiện đại. SID đều có đặc điểm chung là dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu và nguy cơ ngày càng tăng về thảm họa tự nhiên, những thị trường nhỏ và hạn chế cùng các chi phí năng lượng thông thường cao gây cản trở phát triển. Rio+20 là cơ hội vàng để nhóm SID chuyển đến thế giới thông điệp về tầm quan trọng của những đề xuất về các mô hình hỗ trợ các quốc đảo phát triển bền vững, đồng thời tạo ra nền tảng thể chế giúp các quốc đảo tham gia các quan hệ đối tác đổi mới ở cả quy mô khu vực và quốc tế. Một chương trình nghị sự chung phát triển bền vững đối với sự tồn tại và phát triển của các quốc đảo là vấn đề cấp thiết cần bàn thảo tại Hội nghị.
Xã hội lành mạnh trong nền kinh tế xanh
Bên cạnh việc nhằm tới mục tiêu phát triển bền vững bao gồm sự thịnh vượng về kinh tế đi liền với bảo vệ môi trường xanh, nội dung phát triển xã hội lành mạnh cũng sẽ được Rio+20 đề cập tới. Trước thềm Hội nghị Rio+20, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã đề xuất 9 đề mục quan trọng nhằm mở ra các cơ hội tạo nhiều việc làm hơn với chất lượng tốt hơn trong tiến trình chuyển sang nền kinh tế xanh và đó cũng là những định hướng nhằm tạo nên sự bình ổn xã hội. Cụ thể: (1) Các chính phủ cần tái khẳng định mục tiêu việc làm có chất lượng cho mọi đối tượng là trọng tâm của phát triển bền vững; (2) Trụ cột xã hội mạnh cần được xây dựng trên nguyên tắc tạo việc làm chất lượng cho mọi người dân; (3) Các nền kinh tế cần cung cấp việc làm cần thiết, đặc biệt cho thanh niên; (4) Tăng cường bảo vệ xã hội để các cộng đồng dân cư và các công ty có đủ sức mạnh thích nghi với biến đổi khí hậu và đóng vai trò là nhân tố ổn định trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế; (5) Tăng cường các tiêu chuẩn, các quyền và nguyên tắc cơ bản vì phát triển bền vững và quản trị tốt; (6) Phát triển và thực hiện các chính sách chuyển đổi cơ cấu chuyển tiếp sang nền kinh tế xanh với vai trò tích cực của các đối tác xã hội; (7) Khuôn khổ thể chế và năng lực quốc gia, trong đó đối thoại xã hội và các nỗ lực tăng cường gắn kết chính sách giữa 3 trụ cột của phát triển bền vững phải được coi trọng trong bất cứ khuôn khổ thể chế quốc gia nào; (8) Các mục tiêu phát triển xã hội cần bao gồm việc làm xanh, việc làm có chất lượng và phổ quát xã hội thông qua các chính sách xanh hóa nền kinh tế; (9) Xây dựng năng lực, trong đó cần tập trung tăng cường năng lực và nguồn tri thức của các nước thành viên về các xu thế của thị trường lao động và phát triển.
Chung tay vì tương lai bền vững
Cách đây 20 năm, Hội nghị Rio 1992 đã đề ra chương trình nghị sự về phát triển bền vững cũng như những dự đoán về sự biến đổi khí hậu, suy thoái đa dạng sinh học, thảo luận về Công ước quốc tế chống sa mạc hóa, trao đổi, thảo luận về chủ đề rừng…
Hội nghị Rio+20 sẽ cung cấp lộ trình tới tương lai mà nhân loại mong muốn. Đó là một tương lai hòa bình, phát triển kinh tế và xã hội năng động, phổ cập phúc lợi xã hội, môi trường lành mạnh và bình đẳng cho thế hệ hiện nay và tương lai, trong đó phụ nữ và nam giới, trẻ em trai và trẻ em gái cùng góp phần và cùng thụ hưởng bình đẳng những thành quả của phát triển. |
Kết quả của Hội nghị Rio+20 sắp tới sẽ tác động quan trọng đến cách thức thế giới phản ứng trước các thách thức toàn cầu chủ chốt đang tác động đến tăng trưởng kinh tế, phúc lợi xã hội và bảo vệ môi trường trong tương lai. Cả thế giới đang đòi hỏi các nước phải hành động để tiến tới tương lai thịnh vượng hơn, tăng trưởng kinh tế bình đẳng hơn trên hành tinh của chúng ta. Hội nghị Rio+20 phải tạo được cảm hứng cho những phương pháp tư duy mới về các mô hình kinh tế, an ninh lương thực và việc làm, thiết lập các mục tiêu chống đói nghèo, thúc đẩy hành động của các nước trong việc sử dụng hiệu quả hơn các nguồn tài nguyên và nâng cao vai trò cũng như tiếng nói của những người nghèo và dễ bị tổn thương trong xã hội, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Ngoài ra, Hội nghị cũng phải dành sự ủng hộ cần thiết để khởi động cuộc cách mạng về nhận thức nhằm thúc đẩy tăng trưởng năng động nhưng bền vững cho thế kỷ XXI và tương lai xa hơn. Kết quả mà Hội nghị Rio+20 đạt được được kỳ vọng là để biến những ý tưởng và khát vọng của người dân thành hành động dũng cảm và táo bạo vì tương lai của trẻ em và môi trường sống trong ngôi nhà chung của nhân loại.
Vậy là để đạt được sự thành công, Hội nghị cần nhận được sự đồng tâm hiệp lực của các nước trong nỗ lực đi đến thống nhất các giải pháp để đạt tăng trưởng bền vững. Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc Abdulaziz Al-Nasser hoan nghênh những nỗ lực tập thể của các nước trong các bước chuẩn bị nhằm tiến tới đồng thuận, song ông cũng cảnh báo vẫn còn nhiều quyết định quan trọng cần được thương lượng để đạt được sự đồng thuận toàn cầu. Hy vọng Rio+20 sẽ là cánh cửa của tương lai bền vững./.
Đến hẹn lại lên  (01/06/2012)
Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ nhân dân  (01/06/2012)
Thông cáo số 9, Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIII  (31/05/2012)
Đình chỉ hoạt động ngay khi có hành vi gây ô nhiễm nguồn nước  (31/05/2012)
Cần tăng cường hơn nữa công tác truyền thông về tác hại của thuốc lá  (31/05/2012)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay