Các quốc gia cần cùng nhau chia sẻ trách nhiệm

Theo: TTXVN
22:33, ngày 25-05-2012
Trong ngày họp thứ hai của hội nghị quốc tế “Tương lai châu Á” do báo Nikkei và Trung tâm nghiên cứu kinh tế Nhật Bản tổ chức, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã có bài phát biểu quan trọng nhấn mạnh các quốc gia cần cùng nhau chia sẻ trách nhiệm, cùng hợp tác đối phó với các thách thức để phát triển.

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cho rằng cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và những diễn biến của thế giới vừa qua đã bộc lộ những khó khăn, thách thức buộc chúng ta phải nhìn nhận, đánh giá lại điểm mạnh, điểm yếu của các mô hình phát triển khác nhau và tìm ra các tiêu chí để từ đó mỗi quốc gia có thể định hình cho mình một mô hình phù hợp hơn với những diễn biến mới của nền kinh tế thế giới, với những yêu cầu phát triển của từng quốc gia.

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cho rằng các nước cần định vị lại nền kinh tế của nước mình trong bối cảnh mới, từ đó xác định được hướng đi phù hợp, cần tiến hành đồng bộ các giải pháp nhằm tái cấu trúc lại nền kinh tế, tập trung đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, huy động các nguồn lực từ bên trong thông qua thúc đẩy bình đẳng xã hội, đầu tư vào phát triển con người, đầu tư thúc đẩy tăng trưởng thông minh dựa vào đột phá công nghệ nhằm tăng khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. Các quốc gia cần tăng cường phối hợp chính sách nhằm điều tiết các dòng vốn quốc tế, thực thi hiệu quả các chính sách tài khóa nhằm mục tiêu giảm bất bình đẳng xã hội thông qua đầu tư vào giáo dục, chăm sóc y tế, phát triển các cơ chế an sinh xã hội nhằm bảo vệ những người dễ bị tổn thương, đồng thời cần chú trọng thúc đẩy phát triển nền kinh tế xanh nhằm bảo đảm phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.

Theo Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, việc tăng cường năng lực của các thể chế như IMF, WB, WTO là cần thiết để có thể tham gia giải quyết hiệu quả các thách thức, biến động kinh tế-tài chính thế giới. Bên cạnh đó, ở cấp độ khu vực, các nước cần đẩy mạnh hợp tác trong khu vực, tận dụng tốc độ tăng trưởng năng động của các thị trường trong khu vực và hạn chế sự phụ thuộc vào thị trường bên ngoài, thúc đẩy các cơ chế hợp tác, cùng chung tay đối phó với các thách thức phát triển như thu hẹp khoảng cách phát triển, cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, đảm bảo an ninh lương thực, an ninh năng lượng, đồng thời trao đổi, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về điều hành chính sách vĩ mô nhằm hạn chế tối đa các tác động tiêu cực tới tăng trưởng của khu vực và thế giới.

Bên cạnh đó, các thể chế khu vực cần có chính sách hỗ trợ các nước thực hiện tái cấu trúc, vượt qua thách thức phát triển. Hiện nay, nhiều vấn đề nổi lên không thuộc trách nhiệm giải quyết của riêng một quốc gia nào mà cần có sự chung tay của các quốc gia vì lợi ích khu vực cũng như của mỗi nước. Vì vậy, các quốc gia phải cùng nhau chia sẻ trách nhiệm, cùng hợp tác và phát triển.

Trong bài phát biểu của mình, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cũng nêu bật các thành tựu phát triển kinh tế của Việt Nam sau hơn 25 năm đổi mới và hội nhập quốc tế, khẳng định Việt Nam đã sẵn sàng cho việc tiếp tục đẩy mạnh cải cách, đổi mới nền kinh tế nhằm hướng đến mục tiêu cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Việt Nam đã và đang kiên trì thực hiện các chính sách cải cách, đổi mới nền kinh tế với những điểm nhấn cơ bản như đẩy mạnh việc tái cơ cấu nền kinh tế, tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, giải quyết các vấn đề xã hội, chú trọng trong lĩnh vực giảm nghèo, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, hướng tới phát triển nền kinh tế xanh và bền vững, nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế, tiến tới tăng trưởng chủ yếu theo chiều sâu và đẩy mạnh quá trình cải cách hành chính để cải cách hành chính tiếp tục vừa là tiền đề vừa là động lực thúc đẩy cải cách và phát triển kinh tế - xã hội.

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cũng đánh giá cao vai trò quan trọng của Nhật Bản trong hợp tác với ASEAN, các nước Tiểu vùng Mê Công và với Việt Nam. Nhật Bản là một đối tác chiến lược quan trọng và có đóng góp rất ý nghĩa trong nỗ lực xây dựng cộng đồng ASEAN, thu hẹp khoảng cách phát triển, tăng cường kết nối trong ASEAN cũng như giữa ASEAN và khu vực. Nhật Bản là đối tác kinh tế-thương mại hàng đầu, là nước cung cấp ODA lớn nhất và có số vốn FDI giải ngân đứng đầu của Việt Nam.

Việt Nam và Nhật Bản đã và đang tiếp tục triển khai nhiều chương trình, dự án hợp tác lớn, có tính chiến lược trong các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, năng lượng, phát triển công nghiệp phụ trợ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, sử dụng hiệu quả tài nguyên nước, ứng phó với biến đổi khí hậu. Thành công của các dự án này sẽ mang lại lợi ích to lớn cho cả hai nước. Sự hỗ trợ của Nhật Bản đối với các nền kinh tế trong khu vực thông qua nhiều khuôn khổ hợp tác khác nhau sẽ góp phần giúp các nền kinh tế thêm nguồn lực thực hiện các chương trình tái cơ cấu kinh tế hướng tới tăng trưởng cân bằng và bền vững, nhờ đó tạo môi trường phát triển thuận lợi cho quốc gia trong khu vực, trong đó có Nhật Bản.

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan bày tỏ tin tưởng rằng với nỗ lực, sáng tạo và hợp tác chặt chẽ, các nước trong khu vực sẽ vượt qua những khó khăn hiện tại và cùng nhau xây dựng được những mô hình tăng trưởng mới phù hợp, góp phần vào sự phát triển và thịnh vượng của khu vực.

Bên lề hội nghị “Tương lai châu Á,” Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã tiếp lãnh đạo Hội hữu nghị Nhật - Việt và Hiệp hội xúc tiến ngoại giao nhân dân của Nhật Bản (FEC). Tại buổi tiếp, Phó Chủ tịch cảm ơn hai hiệp hội đã giúp tăng cường giao lưu văn hóa, con người giữa hai nước, góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Nhật Bản. Bà hy vọng hai hiệp hội sẽ tiếp tục có các hoạt động tích cực để cùng chuẩn bị tốt cho lễ kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước vào năm 2013./.