TCCSĐT - Ngày 24-5-2012, tại Hà Nội, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội và Viện Konrad Adenauer Stiftung (CHLB Đức) phối hợp tổ chức Hội thảo quốc tế “Báo chí về môi trường tại Việt Nam - Diễn biến, các bên liên quan và những chủ đề mới nhất”. Đây là dịp để các diễn giả trao đổi, thảo luận và đề xuất những giải pháp hữu hiệu giúp báo chí hoạt động hiệu quả hơn trong lĩnh vực này.

Hội thảo đã nhận được khoảng 30 tham luận của các diễn giả đến từ các cơ quan quản lý về môi trường, các tổ chức phi chính phủ, các cơ quan báo chí truyền thông và các cơ sở đào tạo báo chí trong cả nước. Các tham luận và ý kiến phát biểu tại Hội thảo đã tập trung vào 3 chủ đề chính là: (1) Các vấn đề nóng về môi trường hiện nay mà báo chí cần chú ý khi phản ánh; (2) Các loại hình báo chí truyền thông hiện nay trong việc phản ánh về các vấn đề môi trường của Việt Nam; (3) Giải pháp đào tạo nhà báo về môi trường - sự cần thiết, kinh nghiệm của thế giới, và bài học cho Việt Nam.

Trên cơ sở các chủ đề chính đó, Hội thảo đã chia thành 3 tiểu ban gồm: Báo chí về môi trường và phát triển bền vững; Những vấn đề và giải pháp trong tác nghiệp báo chí và môi trường; Đào tạo nhà báo môi trường: sự cần thiết, kinh nghiệm, phương pháp xây dựng và triển khai chương trình đào tạo.

Các tham luận, như “Những đề tài và vấn đề cần chú ý trong truyền thông về môi trường hiện nay”, “Phát triển du lịch bền vững nhằm bảo vệ môi trường các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm miền Trung”,“Vai trò của báo chí trong truyền thông về môi trường và biến đổi khí hậu”,“Tác nghiệp báo chí môi trường - Những cản trở hữu hình và vô hình”, “Phát huy tiếng nói của cộng đồng trong truyền thông môi trường ở Việt Nam”, “Truyền thông dựa vào cộng đồng, Đào tạo báo chí về môi trường - Kinh nghiệm của các nước tiên tiến và bài học cho Việt Nam”..., cùng ý kiến của các đại biểu tham dự Hội thảo đã đề cập đến nhiều khía cạnh khác nhau, từ thực trạng môi trường với các diễn biến mới nhất, các chủ đề nóng còn chưa được báo giới quan tâm đầy đủ, như việc quản lý và truyền thông về các vấn đề liên quan đến môi trường và biến đổi khí hậu, đến sự phản ánh, kinh nghiệm tác nghiệp, những vấn đề và kiến nghị... của các nhà báo về môi trường thuộc mọi loại hình báo chí.

Hội thảo cũng dành nhiều thời gian để thảo luận về các giải pháp đào tạo báo chí trong lĩnh vực môi trường, gồm: sự cần thiết, phương pháp tuyển sinh, phương pháp thiết kế các học phần về báo chí chuyên biệt, như giảng dạy các kỹ năng thông tin về môi trường trên báo chí./.