TCCSĐT - Đối diện với những khó khăn có thể dẫn đến sự tan vỡ của khối sử dụng đồng euro, các lãnh đạo G8 đã đi tới đồng thuận thay đổi một cách căn bản chiến lược chống khủng hoảng kinh tế. Theo sáng kiến của Tổng thống Mỹ Barak Obama, 8 nước công nghiệp phát triển hàng đầu sẽ từ bỏ chính sách thắt lưng buộc bụng để chuyển ưu tiên sang khuyến khích tăng trưởng kinh tế và việc làm.

Chính sách kinh tế mất lòng dân

Chính “Sáng kiến Đức” và việc tự nguyện thực thi chính sách kinh tế thắt lưng buộc bụng ở một loạt các nước châu Âu đã làm chậm lại quá trình phục hồi kinh tế và gây ra sự bất bình trong xã hội. Các cuộc bầu cử quan trọng gần đây ở nhiều nước châu Âu cho thấy người dân đã mất niềm tin nghiêm trọng vào các chính phủ quyết tâm theo đuối chính sách cắt giảm chi tiêu công để kiềm chế bội chi ngân sách.

Tại Pháp, trong cuộc bầu cử ngày 6-5, cử tri đã bỏ phiếu cho ứng viên đảng xã hội Francois Hollande, người bền bỉ thuyết phục cho một đường lối kinh tế hướng về tăng trưởng, nới rộng cái thắt lưng quá chật mà người tiền nhiệm của ông đang cố gắng xiết thêm. Nhiều nhà bình luận đã coi chiến thắng của ông Hollande như một sự tẩy chay với đường lối kinh tế kham khổ.

Cũng trong ngày hôm đó, tại Hy Lạp, cử tri đã đánh bại hai đảng liên minh cầm quyền thực thi các biện pháp kinh tế kham khổ suốt 2 năm qua để đổi lấy gói cứu trợ nhằm cứu vãn nền kinh tế Hy Lạp. Sự thất bại của các đảng chính trị đó dẫn tới việc không một đảng nào đủ khả năng thành lập một chính phủ liên hiệp và người Hy Lạp sẽ phải đi bầu một lần nữa vào tháng sau.

Ngay cả ở Đức, nơi ghi nhận được mức thất nghiệp thấp kỷ lục hồi tháng tư mới đây, Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo của bà Angela Merkel cũng vấp phải thất bại nặng nề trước những người dân chủ xã hội tại bang đông dân nhất đất nước. Điều đó cho thấy sự bất bình gia tăng đối với chính sách kinh tế hiện nay.

Đảo ngược véc-tơ kinh tế

Trong Hội nghị G8 tại Trại David tuần qua, đối diện với thực tế có thể dẫn đến sự tan vỡ của khối sử dụng đồng euro, các lãnh đạo G8 đã phải thay đổi một cách căn bản chiến lược chống khủng hoảng kinh tế. Giờ đây, ưu tiên hàng đầu của chính phủ 8 nước công nghiệp phát triển hàng đầu sẽ không phải là kiềm chế bội chi ngân sách, mà là tăng trưởng kinh tế và tạo ra nhiều chỗ làm mới.

Điểm quyết định làm đảo ngược véc-tơ kinh tế này là sáng kiến của Tổng thống Mỹ Obama, người tìm được sự ủng hộ hết mình của Tân Tổng thống Pháp Hollande, người vừa đắc cử nhờ sự bất bình sâu sắc của cử tri Pháp với chính sách kinh tế kham khổ.

Phát biểu với báo chí sau phiên bế mạc Hội nghị thượng đỉnh G8, Tổng thống Mỹ Obama nói: “Tất cả các lãnh đạo ở đây đều đồng ý rằng tăng trưởng và việc làm phải là ưu tiên hàng đầu”. Khẳng định rằng cách tiếp cận này đã giúp Mỹ đối phó một cách hiệu quả với khủng hoảng tài chính, Obama tin rằng các nước châu Âu cũng sẽ làm như vậy và hướng đi này là đúng.

Việc tập trung cho tăng trưởng và việc làm sẽ khiến các chính phủ G8 phải chia tay với chính sách thắt lưng buộc bụng trước đây của mình, chấp nhận tăng chi tiêu công và bội chi ngân sách. Điều đó đồng nghĩa với việc con ngựa lạm phát sẽ được nới lỏng dây cương và thật khó biết được nó sẽ ngoan ngoãn đi bước một hay lồng lên không cách gì kiếm soát nổi.  

Tuy nhiên, kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ cuối năm nay phụ thuộc hoàn toàn vào thực trạng nền kinh tế Mỹ lúc đó. Nền kinh tế đó không thể khả quan lên được nếu kinh tế châu Âu tiếp tục trì trệ như hiện nay. Vì thế, Tổng thống Obama đã không tiếc công sức vận động cho một sự đảo chiều véc-tơ kinh tế. Bên cạnh đó, sự lo ngại bất bình của cử tri gia tăng tại các nước châu Âu cũng khiến các nhà lãnh đạo đến từ khu vực này dễ dàng hơn trong việc chấp nhận một sự đảo chiều, điều đã diễn ra tại Hội nghị G8 tại Trại David cuối tuần qua, như vậy./.