Đã đến lúc nước Pháp cần thay đổi
08:11, ngày 17-05-2012
TCCSĐT - Ông Francois Hollande đã chiến thắng trong cuộc bầu cử chạy đua với ông N.Sarkozy giành chức Tổng thống Pháp. Trên cương vị mới này, ông F.Hollande cho biết, nhiệm vụ đầu tiên của ông sẽ là liên kết người Pháp, đối mặt với tất cả những thử thách và đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng.
Vào lúc 10 giờ theo giờ địa phương, ngày 15-5-2012, tại điện Elysee, ông F. Hollande đã chính thức nhậm chức Tổng thống Pháp. |
Nước Pháp cần được thay đổi
Là nền kinh tế lớn thứ 2 châu Âu, Pháp có 46 triệu cử tri, khoảng 82% trong số đó đã đi bỏ phiếu. Với 52% số phiếu ủng hộ, ông F.Hollande đã giành thắng lợi thuyết phục trước Tổng thống mãn nhiệm Nicolas Sarkozy và trở thành vị tổng thống thứ 7 của Nền cộng hòa thứ V ở Pháp. Với thắng lợi này, lực lượng cánh tả Pháp đã quay trở lại nắm quyền sau 17 năm vắng bóng.
Các phương tiện truyền thông của Pháp đã so sánh thắng lợi của ông F.Hollande với thành công lịch sử của ông Mitterand cách đây 31 năm. Thắng lợi này của ông F.Hollande còn ghi nhận một dấu mốc mới: đó là lần đầu tiên, kể từ khi ông Mitterand lên nắm quyền, một vị tổng thống đương nhiệm của Pháp không thể tái đắc cử. Có nhiều nguyên nhân lý giải thắng lợi ấn tượng của ông F.Hollande.
Thành công lớn nhất của ứng cử viên F.Hollande tại cuộc tranh cử lần này là khả năng tập hợp và đoàn kết lực lượng bởi kể từ khi tiến hành cuộc bầu chọn ứng cử viên của Đảng Xã hội (PS) cách đây một năm, ông F.Hollande đã tập hợp và đoàn kết các phe nhóm khác nhau thành một khối thống nhất ủng hộ ông, điều mà bà Segolene Royal đã không thể làm được cách đây 5 năm.
Chiến lược tranh cử của ông F.Hollande là mềm dẻo và tập trung giải quyết các vấn đề người dân quan tâm nhất như việc làm, tăng trưởng kinh tế, giáo dục, công bằng xã hội, bình đẳng giới, phát triển năng lượng sạch, ưu tiên hợp tác kinh tế trong quan hệ với các nước EU... Chính điều đó đã khiến ông thu hút được phiếu ủng hộ của cử tri.
Ông F.Hollande không chỉ nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của các ứng cử viên cánh tả, mà ngay cả ứng cử viên trung dung Francois Bayrou của Đảng Phong trào dân chủ (MoDem) cũng tuyên bố ủng hộ ông trước cuộc bỏ phiếu vòng hai, vì cho rằng, ông F.Hollande là người có khả năng tạo dựng sự đoàn kết dân tộc để đưa nước Pháp vượt qua khủng hoảng.
Thất bại của “chủ nghĩa tự do mới”?
Với kết quả 48% số phiếu đã báo hiệu sự chấm dứt 17 năm cầm quyền của các chính phủ theo đường lối trung dung và bảo thủ, đồng thời đánh dấu sự trở lại của một chính phủ xã hội tại Pháp.
Nguyên nhân trực tiếp dẫn tới thất bại của ông N.Sarkozy chính là sự thất hứa trước những cam kết trong cuộc bầu cử năm 2007. Cách đây 5 năm ông N.Sarkozy người đã hứa hẹn một nhiệm kỳ Tổng thống Pháp hiện đại hóa. Với tính không khoan nhượng đầy kiên quyết, những cam kết thúc đẩy phục hồi kinh tế và giá trị việc làm của ông đã gây ấn tượng mạnh với nhiều cử tri tại thời đó.
Tuy nhiên, nhiệm kỳ tổng thống của ông N.Sarkozy không được “thuận buồm xuôi gió”, nhất là khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 xảy ra. Châu Âu rơi vào khủng hoảng nợ công. Những nhân tố khách quan cùng với khả năng đối phó yếu kém đã làm xáo trộn lộ trình thực hiện cam kết của ông dưới “triều đại Sarkozy”, chi tiêu tăng lên, nợ công của Pháp từ 1,6 nghìn tỉ USD vào năm 2007, lên đến hơn 2,2 nghìn tỉ USD vào năm 2011, tỷ lệ thất nghiệp lên tới gần 10%...
Bên cạnh đó, một nguyên nhân sâu xa phải kể đến, đó là sự thất bại của “chủ nghĩa tự do mới” được ứng dụng không chỉ ở Pháp mà cả ở Mỹ và phần lớn các nước phương Tây. Vốn là nhà chính trị nhạy cảm ông N.Sarkozy đã sớm phát hiện ra điều đó. Tại khoá họp thường niên lần thứ 63 của Đại hội đồng Liên hợp quốc (ngày 23-9-2008), với tư cách Chủ tịch luân phiên của EU, ông đã kêu gọi các nhà lãnh đạo chủ chốt của thế giới tổ chức một cuộc họp thượng đỉnh để rút ra bài học từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, đồng thời bàn về việc “tái xây dựng một chủ nghĩa tư bản điều chỉnh”. Một năm sau đó ngày 24-9-2009, tại Hội nghị G20 ở Pittsburgh (Mỹ) Thủ tướng Anh Gordon Brown cũng phát hiện ra lỗ hổng của cơ chế theo học thuyết “chủ nghĩa tự do mới” và đề nghị phải xây dựng “cơ chế quản lý kinh tế toàn cầu mới”.
Như vậy, thất bại của ông N.Sarkozy là hệ quả tất yếu không chỉ của một nhiệm kỳ với thành tích ít ỏi và mang tiếng là “Tổng thống của người giàu” do có nhiều chính sách ưu đãi giới chủ, mà còn là sự thất bại của việc ứng dụng cơ chế vận hành đất nước theo học thuyết của “chủ nghĩa tự do mới” đối với nước Pháp và cả thệ thống tư bản chủ nghĩa.
Thời kỳ mới sẽ bắt đầu?
“Thay đổi là bây giờ”, đó là khẩu hiệu khi ông F.Hollande tranh cử. Tuy nhiên, ông chỉ có thể thành công khi lời nói được biến thành hành động và hành động phải hiệu quả với sự đi lên của nền kinh tế Pháp cũng như đời sống của mỗi người dân Pháp phải được cải thiện.
Tổng thống đắc cử Francois Hollande sẽ khởi đầu nhiệm kỳ 5 năm tới trong bối cảnh kinh tế - xã hội Pháp diễn biến hết sức phức tạp. Nhưng đây cũng là cơ hội để ông hiện thực hóa chương trình tranh cử của mình; chứng minh với cử tri Pháp, những chỉ trích của các đối thủ khi cho rằng ông không có kinh nghiệm lãnh đạo là không có cơ sở.
Trước hết, để giải quyết được những vấn đề nội tại nóng bỏng của nước Pháp, tân Tổng thống Francois Hollande cần làm tốt vai trò là trung tâm của sự đoàn kết và tập hợp lực lượng vì nền cộng hòa. Ðiều mà cử tri Pháp quan tâm hiện nay là việc làm, sức mua, an ninh, tình trạng nhập cư gia tăng, nợ công ngày càng tăng cao… Đây cũng là những vấn đề không dễ giải quyết trong một thời gian ngắn.
Trong chính sách đối ngoại, ông F.Hollande đặt mối quan hệ chiến lược với nước Ðức láng giềng lên hàng đầu và ưu tiên hợp tác với các nước EU trong bối cảnh hiện nay là đúng đắn. Chính phủ của tân Tổng thống Francois Hollande được kỳ vọng có nhiều cải cách cơ bản trong nhiệm kỳ tới.
Liệu đây có phải là một nhiệm kỳ hướng tới sự hòa hợp dân tộc, tăng trưởng kinh tế, ưu tiên tạo việc làm trong nước và nhóm Eurozone, thay vì chính sách kinh tế khắc khổ, “thắt lưng buộc bụng”. Người dân Pháp đang kỳ vọng về một cuộc cách mạng, thay đổi đất nước trì trệ, đang trên đà suy thoái, trở thành một nước Pháp mới, phát triển năng động.
Giới phân tích cho rằng, khẩu hiệu “Thay đổi là bây giờ” với những cam kết mạnh mẽ như tăng chi tiêu chính phủ, giảm giờ làm, giảm tuổi về hưu, tăng lương tối thiểu, đánh thuế vào nhà giàu… là phù hợp với mong muốn của cử tri, và cuối cùng người dân Pháp đã đưa ông F.Hollande trở thành chủ nhân của Điện Elysées trong 5 năm tới với nhiều điều mong muốn tốt đẹp.
Vạn sự khởi đầu nan nhưng tất cả cử tri Pháp và dư luận đang có 100 ngày chờ đợi tân Tổng thống Francois Hollande và chính quyền mới của ông thể hiện hành động của mình. Đó là khoảng thời gian cấp bách nhất để đưa ra bộ máy chính quyền và vận hành thông suốt nhằm giải quyết những công việc khẩn thiết đã hứa hẹn trong cương lĩnh tranh cử. Và việc đắc cử tân Tổng thống Francois Hollande được xem là bước khởi đầu cho một giai đoạn mới trong lịch sử nước Pháp./.
Chuyến thăm đầu tiên của tân Tổng thống Pháp  (17/05/2012)
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gặp gỡ đoàn đại biểu những người từng phục vụ, bảo vệ Bác Hồ  (17/05/2012)
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp xúc cử tri Hải Phòng  (17/05/2012)
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm và làm việc tại Bảo tàng Hồ Chí Minh  (17/05/2012)
Phóng thành công vệ tinh VINASAT-2  (17/05/2012)
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay