V.Putin - Con người thay đổi nước Nga (phần II)

Đại tá Lê Thế Mẫu lược dịch Theo http://www.putin2012.ru/#article-2
22:47, ngày 04-05-2012
TCCSĐT - Trong chương trình tranh cử Tổng thống Nga hồi tháng 3 vừa qua, Thủ tướng V.Putin đã cho công bố 7 bài viết trình bày những nội dung cơ bản trong chiến lược xây dựng nước Nga trong nhiệm kỳ tới của ông. Nhân sự kiện ông V.Putin tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Nga, Tạp chí Cộng sản lần lượt giới thiệu những nội dung cơ bản trong 7 bài viết trên để bạn đọc tham khảo.
***
Bài 2: Nước Nga - vấn đề dân tộc

Nga là quốc gia có tính đa dạng về ngôn ngữ, truyền thống, sắc tộc, văn hóa và vấn đề dân tộc có giá trị căn bản. Do vậy, bất kỳ một chính khách và một nhà hoạt động xã hội nào có trách nhiệm cũng cần phải thấy rằng, một trong những nỗ lực chủ yếu quyết định sự tồn tại của đất nước đó là sự đồng thuận công dân và sự đồng thuận giữa các dân tộc.

Chúng ta thấy những gì đang diễn ra trên thế giới tiềm ẩn những nguy cơ nghiêm trọng nhất. Chủ nghĩa dân tộc và mâu thuẫn giữa các tôn giáo đang trở thành nền tảng tư tưởng của những phong trào và nhóm phái cực đoan đa dạng nhất đang hủy hoại, làm suy yếu các quốc gia và chia rẽ xã hội. Những dòng người nhập cư đông đảo và ngày càng gia tăng có thể được gọi là “sự tái phân bố lại” dân sự trên quy mô lớn của các dân tộc, có thể làm thay đổi cuộc sống thường ngày và diện mạo của các châu lục. Hàng triệu người trong khi đi tìm cuộc sống tốt đẹp hơn đã rời bỏ các khu vực nghèo đói, xung đột cũng như sự bất ổn xã hội diễn ra triền miên.

Các quốc gia thịnh vượng nhất và phát triển nhất đang gặp phải sự căng thẳng trong vấn đề dân tộc mà trước đây họ vẫn thường tự hào về xã hội đa sắc tộc trên chính mảnh đất của mình. Nhiều nước lần lượt tuyên bố về sự thất bại trong những nỗ lực hòa nhập các yếu tố có nền văn hóa ngoại lai vào cộng đồng của họ, trong việc bảo đảm sự tương tác hài hòa và không có xung đột giữa các nền văn hóa, tôn giáo và các nhóm sắc tộc khác nhau.

Ở nhiều nước đang hình thành các cộng đồng tôn giáo - dân tộc khép kín không những không chịu đồng hóa, thậm chí không chịu thích nghi. Chúng ta đã thấy có hẳn các khu phố và thành phố mà ở đó các thế hệ những người nhập cư tuy vẫn sống dựa vào sự trợ cấp xã hội nhưng lại không chịu nói bằng thứ ngôn ngữ của nước mình tới định cư. Phản ứng trước mô hình ứng xử đó chính là gia tăng sự bài ngoại trong số cư dân gốc địa phương, là nỗ lực kiên quyết bảo vệ lợi ích, việc làm, phúc lợi xã hội của mình từ những "kẻ cạnh tranh ngoại lai". Nhiều người bị sốc bởi áp lực ngày càng tăng đối với truyền thống của họ, đối với cách sống thường ngày của họ và lo ngại sâu sắc trước việc mất đi bản sắc quốc gia - dân tộc của mình.

Các chính khách đáng kính ở châu Âu bắt đầu nói về sự thất bại của "đề án đa văn hóa". Đằng sau sự thất bại của đề án này là sự khủng hoảng của chính mô hình "nhà nước dân tộc" - một nhà nước có truyền thống lịch sử lâu đời dựa trên cơ sở tính đồng nhất sắc tộc. Điều này là một thách thức nghiêm trọng mà châu Âu cũng như nhiều khu vực khác trên thế giới phải đối mặt.

Nước Nga như là một "nhà nước lịch sử"

Giống nhau về bề ngoài nhưng tình hình ở nước Nga lại khác hẳn về nguyên tắc. Các vấn đề người nhập cư và dân tộc của chúng ta liên quan trực tiếp với sự tan rã Liên Xô dẫn tới sự dãn cách rất lớn trong sự phát triển trong không gian hậu Xô-viết. Cùng với đó, ở một số khu vực riêng lẻ còn đang đứng trước nguy cơ nội chiến do mâu thuẫn sắc tộc. Bằng nỗ lực rất lớn cũng như việc chấp nhận những thiệt hại lớn chúng ta đã ngăn chặn được thảm họa này. Nhưng điều đó tất nhiên không có nghĩa là vấn đề đã được giải quyết. Tuy nhiên, ngay cả trong thời điểm khi nhà nước như là một thể chế bị suy yếu một cách báo động thì nước Nga vẫn tồn tại. Do đó, ngày 4-11 hằng năm của chúng ta là Ngày đoàn kết dân tộc, là "ngày chiến thắng bản thân mình", ngày chiến thắng sự thù địch nội bộ và sự chia rẽ, khi các tầng lớp và các dân tộc đã tự nhận thấy rằng, họ là một cộng đồng chung là nhân dân Nga chúng ta.

Xét về mặt lịch sử, nước Nga không phải là một nhà nước sắc tộc, cũng không phải là “lò luyện thép ở Mỹ" mà ở đó dẫu sao con người vẫn là những kẻ nhập cư. Nước Nga ra đời và phát triển qua bao thế kỷ là một nhà nước đa dân tộc. Một Nhà nước mà trong đó không ngừng diễn ra quá trình thích nghi với nhau, hòa đồng với nhau, hội nhập vào nhau ở cấp độ gia đình, thân hữu và công vụ. Có hàng trăm sắc tộc sống trên chính mảnh đất của mình bên cạnh dân tộc Nga. Nhiều dân tộc đã cùng nhau khai thác lãnh thổ rộng lớn trong suốt toàn bộ lịch sử nước Nga như tộc người Ucraina đang sống trong không gian từ Karpad đến Kamchatka, cũng tương tự như vậy đối với người Tacta, người Do Thái, người Belarus.

Cốt lõi và là sợi chỉ xuyên suốt gắn kết nền văn hóa độc nhất vô nhị này chính là nhân dân Nga, văn hóa Nga, nhưng hiện nay đang bị những kẻ khiêu khích và kẻ thù của chúng ta bằng mọi nỗ lực vứt bỏ ra khỏi nước Nga thông qua những câu chuyện bịa đặt về “quyền tự quyết của người Nga”, về sự "tinh khiết sắc tộc", về việc cần thiết “phải hoàn thành sự nghiệp đang dang dở năm 1991 sau khi Liên Xô tan rã. Rút cuộc, kẻ thù của chúng ta muốn đưa mọi người đến chỗ dùng chính bàn tay mình hủy hoại Tổ quốc.

Tôi tin tưởng sâu sắc rằng, những âm mưu và hành động nỗ lực tuyên truyền cho tư tưởng xây dựng một nhà nước dân tộc Nga đơn sắc tộc mâu thuẫn với lịch sử hàng nghìn năm của chúng ta. Ngoài ra, đây cũng là con đường ngắn nhất dẫn tới hủy hoại dân tộc Nga và thể chế Nhà nước Nga, có nghĩa là hủy hoại một nhà nước có chủ quyền trên mảnh đất của chúng ta.

Quyền tự quyết của nhân dân Nga chính là nền văn minh đa sắc tộc được gắn kết bởi hạt nhân văn hóa Nga. Nhân dân Nga đã khẳng định nhiều lần về sự lựa chọn này, không phải bằng các cuộc trưng cầu ý dân mà là bằng cả máu và toàn bộ lịch sử nghìn năm của mình.

Mã văn hóa thống nhất

Kinh nghiệm phát triển nhà nước Nga rất độc đáo. Chúng ta là một xã hội đa dân tộc, nhưng chúng ta là một nhân dân thống nhất - nhân dân Nga. Điều này làm cho nhà nước chúng ta trở nên phức tạp và đa diện, tạo ra những khả năng vô cùng to lớn để phát triển trong rất nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, nếu một xã hội đa dân tộc bị những kẻ theo chủ nghĩa dân tộc hủy hoại thì nó sẽ mất đi sức mạnh và sự bền vững. Chúng ta cần phải hiểu rằng, chúng ta sẽ phải gánh chịu những hậu quả tai hại và lâu dài như thế nào trước những nỗ lực muốn khơi dậy sự thù hận dân tộc và sự căm ghét đối với những người thuộc nền văn hóa khác và tín ngưỡng khác.

 

 Đoàn Ca múa Viện hàn lâm quốc gia Liên bang Nga "Bạch Dương" đến Việt Nam biểu diễn trong khuôn khổ chương trình "Những ngày văn hóa Nga tại Việt Nam".


Tôi tin rằng, chúng ta có thể bảo đảm sự phát triển hài hòa của một cộng đồng đa văn hóa dựa trên nền văn hóa của chúng ta, lịch sử và sự đồng nhất của chúng ta. Đó chính là mã văn hóa thống nhất. Nhờ mã văn hóa này mà nhân dân Nga là một yếu tố mang tính gắn kết nhà nước căn cứ vào thực tế tồn tại của nước Nga. Sứ mệnh vĩ đại của người Nga là liên kết, kết nối các nền văn minh. Theo định nghĩa của Fyodor Dostoevsky, đó là bằng ngôn ngữ, bằng văn hóa và bằng “lòng vị tha toàn nhân loại” để gắn kết người Nga thuộc các dân tộc khác nhau như Armenia, Azerbaizan, Đức, Tacta thành một loại hình văn minh - quốc gia mà ở đó không có “dân tộc thiểu số”.

Trong những năm gần đây, mã văn hóa Nga luôn bị các thế lực phản động tìm cách phá hoại, tuy nhiên, mã văn hóa Nga vẫn được những người dân Nga duy trì, nuôi dưỡng, củng cố và giữ gìn. Ở đây giáo dục giữ một vai trò rất lớn. Nhiệm vụ của giáo dục công dân, của hệ thống giáo dục là đem lại cho mỗi con người một khối lượng tuyệt đối cần thiết những tri thức xã hội, làm cơ sở cho sự tự khẳng định của nhân dân. Trước hết là nhằm nâng cao các môn học trong quá trình giáo dục như tiếng Nga, văn học Nga, lịch sử quốc gia và dĩ nhiên là phải kết hợp toàn bộ sự phong phú truyền thống với văn hóa dân tộc. Nên chăng, thử tiến hành thăm dò ý kiến của các nhà văn hóa có uy tín của chúng ta và lập danh sách 100 cuốn sách mà mỗi một học sinh trung học của Nga cần phải đọc. Không phải là sách để nghiên cứu trong trường học mà là sách để tự đọc và vì vậy, hãy tổ chức một môn thi tốt nghiệp trung học viết bài luận về các chủ đề đã được đọc. Hoặc ít nhất chúng ta hãy tạo khả năng cho những người trẻ tuổi thể hiện tri thức và thế giới quan của mình tại các cuộc thi Olympic hoặc các cuộc thi khác. Ngoài ra, chúng ta cần sử dụng các công cụ như truyền hình, điện ảnh, mạng Internet, văn hóa quần chúng nói chung để tạo ra nhận thức xã hội, mẫu mực và tiêu chuẩn ứng xử có văn hóa. Tôi nhấn mạnh rằng, nhà nước cần phải có trách nhiệm và có quyền sử dụng tiềm năng sẵn có của mình để giải quyết các nhiệm vụ xã hội. Trong đó có cả nhiệm vụ hình thành thế giới quan có tác dụng gắn kết dân tộc.

Chính sách văn hóa ở tất cả các cấp, từ sách giáo khoa phổ thông đến tài liệu lịch sử, cần phải tạo ra một nhận thức thống nhất về quá trình lịch sử mà trong đó đại diện của mỗi một sắc tộc cũng như hậu thế của các "chính ủy đỏ" hoặc "sĩ quan bạch vệ" đều tìm thấy được vị trí của mình, để mỗi người đều cảm thấy mình là hậu duệ của một nước Nga lịch sử vĩ đại, đầy mâu thuẫn và bi tráng đối với tất cả mọi người.
Chúng ta cần phải có một chiến lược chính sách quốc gia dựa trên chủ nghĩa yêu nước công dân. Mỗi một người sống trong đất nước chúng ta không được quên đức tin và sắc tộc của mình. Nhưng đồng thời, mỗi người cũng cần phải coi mình là công dân của nước Nga và tự hào về điều đó. Không ai có quyền đặt đặc điểm dân tộc và tôn giáo cao hơn pháp luật của nhà nước. Tuy nhiên, ở đây bản thân pháp luật của nhà nước cũng cần phải tính đến đặc điểm dân tộc và tôn giáo.

Chính sách dân tộc và vai trò của các thể chế sức mạnh


Hiện nay, một số thế lực âm mưu chia rẽ nước Nga đang gắn kết các mâu thuẫn sắc tộc với các hiện tượng tiêu cực vẫn còn tồn tại trong xã hội như những khó khăn kinh tế - xã hội chưa được giải quyết, các khiếm khuyết của hệ thống bảo vệ pháp luật, tính không hiệu quả của bộ máy quyền lực, tham nhũng, sự phân hóa giàu nghèo. Do đó, các cơ quan bảo vệ pháp luật của chúng ta cần phải đánh giá một cách nghiêm túc nhất hoạt động của các quan chức hoặc cơ quan có liên quan, không phân biệt cấp hàm của họ, để xảy ra tình hình căng thẳng giữa các dân tộc. Các cơ quan nhà nước cần làm rõ đến tận cùng bản chất của mọi mâu thuẫn và cáo buộc lẫn nhau liên quan tới vấn đề dân tộc, không để tình trạng thiếu thông tin cập nhật, hoặc thông tin sai lệch, làm phức tạp thêm tình hình. Ở đây tính chuyên nghiệp và trách nhiệm của các phương tiện thông tin đại chúng cũng có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong việc giải tỏa tình hình căng thẳng trong xã hội liên quan tới vấn đề dân tộc.

Hiện nay ở các vùng lãnh thổ vốn trước đây thuộc Nga, quyền lợi của người Nga đang bị xâm hại. Điều đó có nghĩa là thể chế nhà nước không thực hiện được nhiệm vụ của mình, không bảo vệ được đời sống, quyền và sự an toàn của các công dân. Nhưng vì đa số những công dân này là người Nga nên xuất hiện khả năng người ta lợi dụng chủ đề “dân tộc Nga ức hiếp” rồi kích động hành động phản kháng xã hội dưới dạng xung đột giữa các dân tộc. Đồng thời, không loại trừ khả năng một số thế lực lợi dụng bất kỳ lý do nào để nói về “chủ nghĩa phát xít Nga”, từ đó kích động bạo loạn, gây bất ổn trong xã hội.

Tuy nhiên, những kẻ mưu toan lợi dụng mâu thuẫn sắc tộc để kích động bạo loạn không nên ảo tưởng rằng, họ có thể sử dụng bạo lực để buộc chính quyền phải đưa ra một giải pháp này hay giải pháp khác. Các cơ quan bảo vệ pháp luật của chúng ta đã chứng tỏ rằng, họ có thể nhanh chóng hóa giải được những hành động bạo lực như vậy.

Vấn đề kiều dân và đề án liên kết của chúng ta

Hiện nay các công dân đang đặc biệt lo ngại, và tôi cũng nói thẳng ra rằng, họ đang rất quan tâm đến hiện tượng tiêu cực liên quan đến sự di cư hàng loạt ở nước Nga cũng như bên ngoài nước Nga. Do đó nảy ra vấn đề, liệu việc xây dựng Liên minh Á-Âu có dẫn tới việc gia tăng các dòng người nhập cư, nghĩa là làm gia tăng những vấn đề hiện nay chưa được giải quyết hay không. Tôi cho rằng, chúng ta cần giải quyết 4 vấn đề.

Một là,
cần phải nâng cao một bậc chất lượng chính sách nhập cư của Nhà nước. Sẽ không bao giờ và không ở đâu có thể loại trừ được hoàn toàn sự nhập cư bất hợp pháp. Nhưng cần phải giảm thiểu số người này đến mức thấp nhất. Về phương diện này, chức năng của cảnh sát và quyền hạn của các cơ quan nhập cư cần phải được tăng cường. Tuy nhiên, việc thắt chặt chính sách nhập cư một cách máy móc sẽ không đem lại kết quả. Ở nhiều nước, việc thắt chặt đó chỉ làm tăng tỷ phần những người nhập cư bất hợp pháp. Tiêu chí của chính sách nhập cư không phải là ở các biện pháp ngặt nghèo mà là ở hiệu quả của nó. Có nghĩa là, phải đưa ra những ưu tiên và chế độ rõ ràng để tạo điều kiện thuận lợi trong chính sách nhập cư nhằm tiếp nhận những công dân có nghề nghiệp, có khả năng cạnh tranh, hòa nhập văn hóa cũng như hành vi.

Hai là, ở Nga hoạt động di cư nội bộ khá phát triển, trong đó con người di cư để học, để sống, để làm việc tại các vùng khác của Liên bang hoặc ở các thành phố lớn. Đó là những công dân Nga với đầy đủ quyền hạn. Do đó, những ai đến các khu vực có truyền thống văn hóa và lịch sử khác cần phải tôn trọng tập quán địa phương. Đó là tập quán của người Nga cũng như tất cả các dân tộc khác ở Nga. Cần phải xét xem, liệu đã có các tiêu chuẩn cần thiết trong bộ luật hình sự và hành chính, trong các cơ quan nội vụ cần thiết để kiểm soát hành vi như vậy của người di cư hay chưa. Để đáp ứng nhu cầu di cư nội địa, cần phải phát triển hài hòa hạ tầng cơ sở xã hội, y tế, giáo dục, thị trường lao động.

Ba là, củng cố hệ thống tư pháp và xây dựng các cơ quan bảo vệ pháp luật có hiệu quả. Điều này có tầm quan trọng về mặt nguyên tắc không chỉ đối với hoạt động di cư ra bên ngoài mà trong trường hợp của chúng ta là đối với cả di cư nội địa, thí dụ như sự di cư từ các khu vực Bắc Cápca. Ngoài ra, sự mất hiệu lực hoặc tham nhũng của tòa án và cảnh sát không chỉ dẫn tới sự bất bình và hành động cực đoan của bên tiếp nhận người di cư mà còn dẫn đến hậu quả tạo ra nền kinh tế ngầm trong môi trường nhập cư. Không thể để xảy ra tình trạng hình thành những vùng dân tộc khép kín, biệt lập mà trong đó hệ thống pháp luật không có hiệu quả. Xét từ quan điểm pháp lý, các nhóm tội phạm hình thành theo nguyên tắc dân tộc và phe nhóm không có gì tốt đẹp hơn so với những tổ chức tội phạm thông thường. Nhưng trong điều kiện của Nga, tội phạm mang tính chất sắc tộc còn mang tính chất an ninh quốc gia.

Bốn là, vấn đề liên kết văn minh và xã hội hóa hoạt động di cư. Một lần nữa cần phải quay trở lại vấn đề giáo dục, không chỉ bàn về tính ưu lợi của hệ thống giáo dục để giải quyết các vấn đề của chính sách di cư. Đây cũng không phải là vấn đề chủ yếu của trường học, mà trước hết là các tiêu chuẩn cao của nền giáo dục nước nhà. Khả năng thu hút của giáo dục và giá trị của giáo dục là đòn bẩy mạnh mẽ, là chất xúc tác hành vi liên kết đối với người nhập cư xét từ bình diện hòa nhập của họ vào xã hội.

Đối với chúng ta, điều quan trọng là để làm sao cho người di cư có thể thích nghi một cách bình thường trong xã hội. Yêu cầu cơ bản đối với những người có nguyện vọng sống và làm việc ở Nga chính là thái độ của họ khi sẵn sàng tiếp nhận nền văn hóa và ngôn ngữ của chúng ta. Tính từ năm sau cần phải tiến hành kiểm tra tiếng Nga, lịch sử Nga, văn hóa Nga, những điều cơ bản của nhà nước Nga, luật pháp Nga như một biện pháp bắt buộc để tiếp nhận và gia hạn quy chế nhập cư.

Năm là, liên kết chặt chẽ trong không gian hậu Xô-viết là một phương án thực tế thay thế dòng người nhập cư không kiểm soát. Do đó, chúng ta sẽ xây dựng một nền kinh tế mới có việc làm hiệu quả, tái lập các cộng đồng nghề nghiệp, phát triển đồng đều lực lượng sản xuất và hạ tầng xã hội trên toàn bộ đất nước, kết hợp với Liên minh Á-Âu, coi đó là công cụ then chốt để từ đó có thể đưa hoạt động di cư vào quỹ đạo bình thường, để các công dân có thể có được một cuộc sống bình thường và tiện nghi ở ngay tại quê hương xứ sở của họ. Chúng ta cần phải xây dựng một mô hình nhà nước và một cộng đồng văn minh với cơ cấu tổ chức hấp dẫn và hài hòa đối với tất cả những ai coi nước Nga là Tổ quốc của mình.

Chúng ta sẽ củng cố nhà nước lịch sử của chúng ta do các thế hệ cha ông để lại. Một nhà nước văn minh có khả năng giải quyết một cách hài hòa các nhiệm vụ liên kết các sắc tộc và tôn giáo khác nhau. Chúng ta đã từng cùng nhau chung sống qua nhiều thế kỷ. Chúng ta đã từng giành chiến thắng trong một cuộc chiến tranh khủng khiếp nhất. Hiện nay chúng ta sẽ cùng nhau tiếp tục sống và hướng về tương lai. Còn đối với những ai muốn chia rẽ chúng ta thì tôi chỉ có thể nói rằng: họ sẽ đợi đấy./.