Khai mạc phiên họp thứ tám của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ phiên họp thứ tám, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp trong 2 ngày để chuẩn bị một số công việc trước kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII.
Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung vào một số nội dung lớn liên quan đến ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ; cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII; việc lập dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2013, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012 và nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội và thảo luận để thông qua Nghị quyết về việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với người có công với cách mạng. Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về tư cách đại biểu Quốc hội đối với đại biểu Quốc hội Đặng Thị Hoàng Yến.
Tại phiên họp buổi sáng, Ủy ban thường vụ Quốc hội tập trung cho ý kiến về việc phân bổ 5.500 tỉ đồng trái phiếu Chính phủ cho một số dự án thuộc lĩnh vực thủy lợi và bổ sung một số dự án mới và dự án có điều chỉnh tăng quy mô vốn vào danh mục các dự án, công trình sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012-2015.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư do Bộ trưởng Bùi Quang Vinh trình bày đã nêu lên 5 dự án mới và 4 dự án điều chỉnh tăng quy mô đã nêu trong Nghị quyết số 473/NQ-UBTVQH. 5 dự án mới bao gồm: dự án Cầu Năm Căn, tỉnh Cà Mau, thuộc dự án đường Hồ Chí Minh do Bộ Giao thông Vận tải quản lý; dự án Cầu Kim Xuyên, Tuyên Quang; dự án đầu tư xây dựng công trình nhà ở sinh viên của trường Đại học Trà Vinh; dự án bệnh viện ung thư thành phố Đà Nẵng và 5 dự án thành phần thuộc dự án đường ven biển tỉnh Ninh Thuận.
Phương án bổ sung 5.500 tỉ đồng vốn trái phiếu Chính phủ cho một số dự án thuộc lĩnh vực thủy lợi lớn xác định nguyên tắc, tiêu chí phân bổ bảo đảm đầu tư đồng bộ giữa công trình thủy lợi đầu mối do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý và hệ thống kênh mương do địa phương quản lý nhưng còn thiếu vốn để phát huy hiệu quả dự án; bổ sung các dự án thủy lợi lớn, quan trọng theo tiêu chí Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội để hoàn thành toàn bộ hoặc hợp phần để phát huy hiệu quả...
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách cơ bản nhất trí việc bổ sung 5 dự án mới như Tờ trình của Chính phủ vào danh mục vốn trái phiếu Chính phủ. Đối với 4 dự án điều chỉnh tăng quy mô do Bộ Giao thông vận tải quản lý, đa số ý kiến của Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị cần rà soát, xem xét tính hợp lý của việc bố trí vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012-2015 cho các dự án này. Hiện nhiều dự án điều chỉnh tăng quy mô quá lớn, một phần do khâu khảo sát, thiết kế, lập dự toán chưa chính xác, một phần do việc mở rộng dự án đầu tư nhưng không tính tới khả năng đáp ứng của nguồn vốn...
Qua thảo luận, Thường vụ Quốc hội đề nghị các cơ quan hữu quan cần thể hiện lại Báo cáo theo hướng lý giải, lập luận rõ ràng, có căn cứ thuyết phục để trình Quốc hội, là cơ sở để Quốc hội thảo luận, quyết định. Trên cơ sở nhất trí với Tờ trình của Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ việc phát hành trái phiếu để đầu tư cho một số lĩnh vực của đời sống xã hội là cần thiết.
Tuy nhiên Phó Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ sự băn khoăn trước việc phân bổ vốn còn dàn trải, dẫn đến rất nhiều công trình cần thiết phục vụ đời sống người dân nhưng bị kéo dài, dang dở không biết bao giờ mới hoàn thành.
Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu cho rằng cần phải đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, lựa chọn một số công trình thiết yếu để đầu tư hoàn thành dứt điểm mới làm sang công trình khác, tránh tình trạng đầu tư dàn trải, kém hiệu quả.
Cũng trong phiên họp buổi sáng, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thảo luận Báo cáo của Chính phủ về mục tiêu, nhiệm vụ, thời gian thực hiện và nguồn lực cụ thể của các dự án thành phần thuộc từng Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015.
Thảo luận nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai tán thành với ý kiến của Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị cân nhắc đối với dự án thành phần về “Nâng cao năng lực truyền thông, giám sát, đánh giá và thực hiện chương trình” của 13 Chương trình mục tiêu Quốc gia vì phần lớn nội dung này phục vụ cho việc nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, tuyên truyền thông tin, đánh giá chương trình là nhiệm vụ thường xuyên của các bộ, ngành và địa phương; mặt khác các nội dung này cũng đã được triển khai nhiều năm trong giai đoạn 2006 - 2010 nên việc tiếp tục thực hiện là không hợp lý.
Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ có liên quan xây dựng Nghị quyết về mục tiêu, nhiệm vụ, thời gian thực hiện và nguồn lực cụ thể của các dự án thành phần thuộc từng Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011 - 2015 trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét ban hành Nghị quyết.
Sau khi có Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ có liên quan tiếp tục rà soát lại về mục tiêu, nhiệm vụ và nguồn lực của từng dự án thành phần và tạm thời phân bổ năm 2012 cho các Chương trình mục tiêu Quốc gia; sau khi rà soát, Chính phủ thực hiện việc phân bổ trung hạn cho năm 2013-2015 để các địa phương chủ động cân đối nguồn lực bố trí vốn đối ứng thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia.
Phát biểu kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan hữu quan cần tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn chỉnh báo cáo, trên cơ sở xây dựng tiêu chí rõ ràng để xác định mục tiêu; sàng lọc, lồng ghép để không trùng lắp trong thực hiện các mục tiêu chương trình…
Chiều 4-5, tiếp tục phiên họp thứ 8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII đã cho ý kiến về phương án phân bổ sử dụng nguồn dư dự toán chi và vượt thu ngân sách Trung ương năm 2011 và việc lập dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2013, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012 và nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII.
Về phương án phân bổ sử dụng nguồn dư dự toán chi và vượt thu ngân sách Trung ương năm 2011, theo báo cáo của Chính phủ, nguồn vượt thu và dư dự toán chi ngân sách Trung ương năm 2011 là 59.042 tỉ đồng.
Dự kiến phân bổ sử dụng nguồn dư dự toán chi ngân sách nhà nước (1.170 tỉ đồng) cho hai nhiệm vụ bổ sung cấp bù chênh lệch lãi suất năm 2011 cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Ngân hàng Chính sách xã hội 500 tỉ đồng; bổ sung kinh phí mua bù lương thực dự trữ quốc gia đã xuất cứu trợ, viện trợ trong năm 2010 và 2011 là 670 tỉ đồng.
Chính phủ cũng dự kiến phương án phân bổ sử dụng nguồn vượt thu ngân sách Trung ương năm 2011: dành 46.500 tỉ đồng (80,3% nguồn vượt thu) để giảm bội chi ngân sách; tăng chi trả nợ; chuyển nguồn để bảo đảm cân đối ngân sách nhà nước năm 2012.
Đồng thời thưởng vượt thu và bù giảm thu cân đối ngân sách địa phương do nguyên nhân khách quan 3.268,4 tỉ đồng; thực hiện các dự án khắc phục bão lụt cấp bách 1.000 tỉ đồng; hỗ trợ người có công cải thiện nhà ở 300 tỉ đồng; bổ sung kinh phí cho các bộ, cơ quan Trung ương 1.205,8 tỉ đồng; hỗ trợ các địa phương trọng điểm thu đầu tư phát triển hạ tầng 2.860 tỉ đồng; hỗ trợ các địa phương khó khăn thực hiện các dự án cấp bách 2.301,6 tỉ đồng; bổ sung vốn đối ứng cho các dự án ODA quan trọng, cần đẩy nhanh tiến độ 436,2 tỉ đồng.
Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội và cho rằng để bảo đảm tính minh bạch, công bằng, hợp lý, việc phân bổ, sử dụng nguồn dư dự toán chi và vượt thu ngân sách Trung ương phải tuân thủ đúng quy định của luật Ngân sách nhà nước; phải xây dựng các tiêu chí phân bổ cụ thể; ưu tiên cho lĩnh vực an ninh, quốc phòng, các tỉnh khó khăn ở vùng sâu, vùng xa; việc phân bổ vốn đầu tư phải tập trung, tránh dàn trải; ưu tiên bổ sung vốn cho các công trình cấp bách, cần thiết thuộc lĩnh vực giao thông, thủy lợi có khả năng hoàn thành trong năm 2012 và 2013 không nằm trong danh mục các công trình đã được hỗ trợ từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ.
Đối với khoản kinh phí 300 tỉ đồng để hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người có công với cách mạng, nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị dành thêm 450 tỉ đồng để bảo đảm kinh phí 750 tỉ đồng để bố trí xây dựng khoảng 73.000 ngôi nhà cho người có công với cách mạng vì đây là chủ trương lớn của Đảng và nhà nước. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết về vấn đề này.
Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ xây dựng phương án thực hiện cụ thể để chính sách về nhà ở đối với người có công với cách mạng phát huy hiệu quả, thực hiện đúng Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, phấn đấu đến cuối năm 2013 cơ bản hoàn thành mục tiêu này.
Cho ý kiến về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2013, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012 và nhiệm kỳ quốc hội khóa XIII, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành bổ sung Luật Việc làm và Luật Khoa học và công nghệ (sửa đổi) vào chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10-2012) và thông qua tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5-2013); bổ sung dự án Luật biển Việt Nam vào Chương trình năm 2012 và thông qua tại kỳ họp thứ 3.
Đồng thời, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cùng đề nghị rút dự án Luật Đô thị, Luật Quy hoạch, Luật Thư viện ra khỏi chương trình năm 2012; lùi thời gian cho ý kiến dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế, Luật Đất đai (sửa đổi)...
Dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2013 gồm 30 dự án luật, 3 dự án pháp lệnh trong chương trình chính thức và 17 dự án luật trong Chương trình chuẩn bị; bổ sung 3 dự án luật và điều chỉnh tiến độ 4 dự án luật khác trong chương trình xây dựng luật pháp lệnh năm 2012; bổ sung 3 dự án luật vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII./.
Khai trương Trang thông tin điện tử tổng hợp về phòng, chống tham nhũng  (04/05/2012)
Công bố “Điều tra Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam”  (04/05/2012)
Việt Nam luôn coi trọng hợp tác thương mại với Lào  (04/05/2012)
Một số quy định mới về việc bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư  (04/05/2012)
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gửi Điện thăm hỏi về vụ đánh bom ở Nga  (04/05/2012)
Để người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam  (04/05/2012)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển