Trước diễn biến phức tạp của Hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân tại huyện Ba Tơ tỉnh Quảng Ngãi, ngày 28-4-2012, Đoàn công tác của Bộ Y tế do Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến dẫn đầu đã kiểm tra và làm việc tại Quảng Ngãi.

Đoàn đã đi thực tế tại xã Ba Điền, huyện Ba Tơ để tìm hiểu phong tục tập quán, sinh hoạt, đồ ăn, thức uống của bà con. Thăm khám một số bệnh nhân đã khỏi bệnh và ông Phạm Văn Nhọc- một bệnh nhân mắc bệnh nhưng không chịu đến bệnh viện chữa trị. Bộ trưởng yêu cầu chính quyền các cấp và ngành y tế địa phương cần có biện pháp đưa ông Nhọc vào viện chữa trị dứt điểm, tránh tình trạng để tại gia đình gây hoang mang trong nhân dân. Đoàn cũng đã đến Trung tâm Y tế huyện Ba Tơ để thăm khám những trường hợp mắc bệnh đang điều trị tại đây.

Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh, tính đến nay đã có tổng số 177 ca mắc bệnh, trong đó có 30 ca tái phát, 19 trường hợp tử vong (có 8 trường hợp chết tại bệnh viện và 11 trường hợp chết tại nhà). Hiện tại có 21 ca đang điều trị, trong đó Bệnh viện Phong – Da liễu Trung ương Quy hòa 9 ca, Trung tâm Y tế huyện Ba Tơ 12 ca, trong đó có 4 ca nặng (2 trường hợp đang trú tại địa phương, 1 trường hợp tại Trung tâm Y tế huyện, còn 1 trường hợp tại Bệnh viện Phong-Da liễu Trung ương Quy Hòa, Quy Nhơn).

Ủy ban nhân dân tỉnh và Ủy ban nhân dân huyện Ba Tơ đã chỉ đạo ngành Y tế địa phương phối hợp với các cơ quan, ban ngành và Ủy ban nhân dân xã Ba Điền tăng cường truyền thông, giáo dục sức khỏe và hướng dẫn đồng bào thực hiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh an toàn thực phẩm, phun thuốc khử trùng, hỗ trợ tiền ăn cho bệnh nhân, người chết… Sở Y tế Quảng Ngãi chỉ đạo Trung tâm Phong – Da liễu tỉnh cử cán bộ về trạm y tế xã Ba Điền thực hiện công tác giám sát ca bệnh; chỉ đạo các ngành chuyên môn của tỉnh: nghiên cứu và tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế, hướng dẫn, chẩn đoán, điều trị bệnh theo phác đồ điều trị của Bộ Y tế.

Trước diễn biến phức tạp của bệnh, Ủy ban nhân dân tỉnh kiến nghị với Bộ Y tế một số vấn đề như: Bộ Y tế cần tiếp tục khảo sát, điều tra sớm tìm ra nguyên nhân gây bệnh; xem xét điều chỉnh, bổ sung phác đồ điều trị và phân tuyến thu dung để điều trị hiệu quả; cấp hỗ trợ máy siêu lọc máu cho Bệnh viện đa khoa tỉnh; trang bị thêm xe cứu thương cho Trung tâm y tế huyện Ba Tơ để vận chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện; đề nghị Bô Y tế hợp tác với tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các tổ chức y tế quốc tế khác để phối hợp khảo sát tìm nguyên nhân gây bệnh.

Tại buổi làm việc, Cục Y tế dự phòng đã báo cáo những kết quả ban đầu sau khi lấy mẫu kiểm tra, xét nghiệm vào ngày 26 và 27-4 cho thấy: Nguồn lây bệnh là khu trú trong phạm vi hẹp, không mang tính chất lan tỏa của một bệnh truyền nhiễm, chưa tìm thấy bằng chứng lây nhiễm ra các khu vực khác; đường lây truyền có yếu tố liên quan đến thực phẩm; Ricketsia không phải là nguyên nhân gây bệnh; Hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân có thể do nhiễm độc.

Nhóm công tác của PSG,TS Trần Hậu Khang cho biết: Trên nền Hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân có rối loạn chức năng gan có dấu hiệu của những bệnh khác, từ đó làm cho bệnh nặng hơn dẫn đến tử vong. Nhóm cũng đã đưa ra phác đồ điều trị mới, sẽ sớm trình Bộ trưởng phê duyệt; tùy thuộc vào tình trạng bệnh để phân ra các tuyến điều trị. Ông Khang cũng cho biết sau khi kiểm tra, xét nghiệm thì gạo mà bà con đang sử dụng cũng được đưa vào một trong những giả thiết gây bệnh…

Sau khi đi thực tế và nghe các báo cáo, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã ghi nhận những cố gắng của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi, huyện Ba Tơ và ngành Y tế đối phó với "bệnh lạ" nói trên. Loại bệnh này đã gây hoang mang trong nội bộ nhân dân, đặc biệt là người dân huyện Ba Tơ. Tuy nhiên, Bộ trưởng khẳng định rằng: Đây là bệnh không lây; Ricketsia cũng không phải là nguyên nhân gây bệnh; bệnh có thể là do nhiễm độc từ thực phẩm; yếu tố liên quan từ môi trường là rất nhiều, tuy nhiên phải chờ kết quả nghiên cứu của các Đoàn công tác Bộ Y tế.

Trước mắt bằng mọi cách phải giảm tỷ lệ tử vong; tăng cường các chất dinh dưỡng cho người dân; Trong tuần tới Bộ sẽ ban hành phác đồ điều trị mới; phân tuyến điều trị rõ ràng; tăng cường thuốc cho Trung tâm y tế huyện Ba Tơ; quán triệt với người dân khi nào khỏi hẳn bệnh mới được trở về nhà, không được để người bệnh nằm tại nhà.

Đối với xe cấp cứu vận chuyển bệnh nhân thì trong tuần sau sẽ cấp xe cho huyện. Đối với máy lọc máu thì Ủy ban nhân dân tỉnh phải gửi công văn để Bộ hỗ trợ, trước mắt nên mượn máy lọc máu của Bệnh viện Nhi Trung ương; đề nghị Bệnh viện C Trung ương cử cán bộ phối hợp với Bệnh viện Phong – Da liễu Trung ương Quy Hòa để tập huấn cho Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi và trung tâm Y tế huyện Ba Tơ về vấn đề hồi sức cấp cứu và da liễu để điều trị cho bệnh nhân ngay tại Quảng Ngãi; giao cho Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh và Trung tâm y tế huyện phun các loại hóa chất diệt côn trùng trên toàn xã Ba Điền; huy động hết lực lượng để tuyên truyền vệ sinh sinh hoạt, ăn uống đến từng hộ gia đình.

Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh phát gạo trắng đảm bảo vệ sinh cho nhân dân sử dụng (mỗi gia đình khoảng 50kg); tỉnh phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh kêu gọi một số công ty dược, các tổ chức, cá nhân hỗ trợ cho nhân dân vùng bệnh.

Cục Y tế dự phòng cung cấp các loại hóa chất để ngành y tế Quảng Ngãi sử dụng. Thực hiện đầy đủ chế độ chính sách đối với cán bộ làm công tác trong vùng dịch. Ủng hộ đề tài nghiên cứu lâm sàng của PSG, TS Trần Hậu Khang. Để tìm căn nguyên gây bệnh thì cần nghiên cứu dịch tễ học tổng thể: căn nguyên vi sinh, miễn dịch, vi rút,… Bộ sẽ tiếp tục cử Đoàn công tác vào để lấy mẫu về để phân tích kết quả; nhóm dịch tễ điều tra toàn bộ dịch tễ học,… Tạm thời chưa mời sự giúp đỡ của tổ chức Y tế thế giới./