Xây dựng nông thôn mới ở Thái Bình - Kết quả bước đầu và những bài học kinh nghiệm
Những chủ trương đúng đắn
Thái Bình là tỉnh thuộc đồng bằng sông Hồng, có bề dày truyền thống yêu nước, cách mạng và truyền thống văn hóa; nhân dân dũng cảm trong chiến đấu chống giặc ngoại xâm, cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất. Thế hệ nối tiếp thế hệ, người Thái Bình đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý trong phát triển nông thôn, thâm canh nông nghiệp, làm cho tỉnh trở thành vựa lúa của đồng bằng sông Hồng.
Trong những năm đầu thực hiện công cuộc đổi mới, Thái Bình đã tập trung thực hiện chương trình “điện, đường, trường, trạm, nước sạch và điện thoại”, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, làm thay đổi hẳn bộ mặt nông thôn và cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân. Từ đầu thế kỷ XXI đến nay, mặc dù tập trung cao độ cho phát triển công nghiệp, dịch vụ nhằm đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, Thái Bình vẫn xác định đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và chuyển nông nghiệp sang sản xuất hàng hóa là một trong những nhiệm vụ trọng tâm tạo bước đột phá tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Từ đầu năm 2009, Thái Bình đã chủ động đề ra chủ trương và chọn 8 xã ở 8 huyện, thành phố làm điểm xây dựng nông thôn mới với 30 tiêu chí, sau đó điều chỉnh thành 19 tiêu chí cho phù hợp với Bộ tiêu chí nông thôn mới quốc gia; thành lập ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của tỉnh, các huyện, thành phố và các xã làm điểm do đồng chí bí thư cấp ủy làm trưởng ban. Cấp ủy, ban chỉ đạo và chính quyền, đoàn thể các cấp trong tỉnh tập trung quán triệt, tuyên truyền sâu rộng chủ trương xây dựng mô hình điểm và nội dung, yêu cầu xây dựng nông thôn mới. Các ngành liên quan và huyện, thành phố hướng dẫn, giúp xã điểm triển khai quy trình xây dựng quy hoạch chung; tỉnh có chính sách hỗ trợ vốn để triển khai thực hiện một số nội dung xây dựng nông thôn mới.
Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII (tháng 10-2010) đã đề ra mục tiêu phương hướng đến năm 2020, Thái Bình trở thành tỉnh nông thôn mới, có nền nông nghiệp và công nghiệp theo hướng hiện đại và mục tiêu đến năm 2015 có 20% số xã trở lên hoàn thành xây dựng nông thôn mới.
Triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết về “Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020”, trong đó đề ra mục tiêu chung: “Xây dựng nông thôn mới có nền sản xuất phát triển; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, từng bước hiện đại; văn hóa - xã hội tiến bộ; dân chủ được phát huy; môi trường sinh thái được bảo vệ; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao; an ninh, trật tự được bảo đảm; hệ thống chính trị được củng cố vững chắc”. Mục tiêu cụ thể là đến năm 2015, phấn đấu tất cả các xã đạt 10 tiêu chí trở lên, trong đó, 70 xã trở lên hoàn thành xây dựng nông thôn mới (8 xã làm điểm của tỉnh hoàn thành vào năm 2013); đến năm 2020, các xã còn lại đạt 15 tiêu chí trở lên, 6 huyện trở lên đạt tiêu chí nông thôn mới.
Ủy ban nhân dân tỉnh đã xây dựng Đề án “Xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Bình giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020”; thành lập, kiện toàn ban chỉ đạo các cấp và thành lập các tiểu ban thuộc Ban Chỉ đạo tỉnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Chỉ đạo các xã căn cứ 19 tiêu chí để rà soát, đánh giá đúng thực trạng nông thôn; triển khai xây dựng quy hoạch nông thôn mới, trọng tâm là quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết giao thông, thủy lợi nội đồng và quy hoạch chi tiết khu trung tâm xã, điểm dân cư nông thôn; hướng dẫn các xã lập đề án xây dựng nông thôn mới, công khai quy hoạch, đề án và tổ chức lấy ý kiến nhân dân trước khi phê duyệt để tạo sự đồng thuận khi triển khai thực hiện. Tỉnh đã ban hành Quy định “Một số cơ chế chính sách hỗ trợ và quản lý đầu tư xây dựng công trình kết cấu hạ tầng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015”; đồng thời ban hành và chỉ đạo thực hiện các đề án: cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, phát triển chăn nuôi trang trại quy mô lớn, chủ động kiểm soát dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, phát triển nuôi ngao, phát triển nghề, làng nghề và các đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đào tạo cán bộ xã... Tỉnh chỉ đạo các xã triển khai dồn điền, đổi thửa đất nông nghiệp theo quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, gắn với xây dựng, chỉnh trang hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng phục vụ cơ giới hóa sản xuất. Trong bố trí nguồn lực, tỉnh đã chỉ đạo tập trung nguồn vốn ngân sách nhà nước các cấp trước hết cho đầu tư phát triển sản xuất và xây dựng, nâng cấp các công trình, hạng mục công trình dân sinh cấp thiết; lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia cho xây dựng nông thôn mới; đồng thời chỉ đạo các xã đẩy mạnh vận động nhân dân đóng góp công sức, tiền của, đất đai và vận động doanh nghiệp, những người con quê hương có điều kiện tham gia đóng góp xây dựng nông thôn mới.
Trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch, đề án xây dựng nông thôn mới và các tiêu chí, tỉnh chỉ đạo các xã phải có bước đi phù hợp, ưu tiên hàng đầu cho các nội dung thúc đẩy sản xuất phát triển, tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhân dân và các tiêu chí về phát triển văn hóa - xã hội, giữ gìn an ninh trật tự và củng cố hệ thống chính trị cơ sở; đồng thời phát huy dân chủ với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, nhất là trong quản lý, sử dụng các nguồn lực và đầu tư xây dựng cơ bản.
Kết quả quan trọng bước đầu
Qua 3 năm làm điểm ở 8 xã và gần 1 năm triển khai xây dựng nông thôn mới trên địa bàn toàn tỉnh, được sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự giúp đỡ, tạo điều kiện của các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương và sự nỗ lực phấn đấu của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, các tầng lớp nhân dân, Thái Bình đã đạt được một số kết quả quan trọng bước đầu:
Các cấp, các ngành, đoàn thể, các tầng lớp nhân dân đồng tình, phấn khởi về chủ trương xây dựng nông thôn mới; xác định xây dựng nông thôn mới là sự nghiệp được thực hiện bền bỉ, lâu dài; nhận thức được trách nhiệm, nghĩa vụ tham gia xây dựng nông thôn mới.
Năm 2010, đã hoàn thành công tác điều tra đánh giá thực trạng nông thôn ở toàn bộ 267 xã, trong đó có 7 xã đạt từ 11 - 12 tiêu chí; 88 xã đạt từ 7 đến 10 tiêu chí; 52 xã đạt từ 5 đến 6 tiêu chí; 120 xã đạt dưới 5 tiêu chí. Đến nay, tất cả các xã đã hoàn thành việc lập, phê duyệt quy hoạch chung, trong đó 57 xã hoàn thành quy hoạch chi tiết khu trung tâm xã; 188 xã hoàn thành chi tiết giao thông, thủy lợi nội đồng; 134 xã đã cơ bản hoàn thành việc dồn điền, đổi thửa gắn với chỉnh trang đồng ruộng, bình quân 1,6 thửa/hộ; các hộ nông dân tự nguyện góp khoảng 1.500 ha đất để xây dựng kênh mương, bờ vùng, bờ thửa, đường giao thông nội đồng. Các xã còn lại phấn đấu hoàn thành dồn điền, đổi thửa đất nông nghiệp trong năm 2012.
Được sự hỗ trợ của tỉnh 50% giá máy sản xuất trong nước, trong 3 năm 2009 - 2011, toàn tỉnh đã mua 366 máy gặt đập liên hợp, 322 máy làm đất cỡ trung và cỡ lớn, 22 máy gieo đậu tương, 21 máy và hàng nghìn công cụ gieo xạ lúa; xây dựng 16 kho lạnh bảo quản nông sản, đưa tổng số kho lạnh lên gần 100 kho. Hầu hết các khâu sản xuất nông nghiệp đã được cơ giới hóa, mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Một số xã đã đạt kết quả trong việc tổ chức sản xuất sản phẩm nông nghiệp hàng hóa theo quy hoạch vùng sản xuất tập trung, mang lại hiệu quả bước đầu.
Được sự quan tâm của Trung ương, của các cấp trong tỉnh và sự hưởng ứng tích cực của nhân dân, nguồn vốn đầu tư xây dựng nông thôn mới 3 năm qua gần 2.000 tỉ đồng, trong đó năm 2011 là 1.228 tỉ đồng: ngân sách trung ương (bao gồm cả lồng ghép nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia) gần 300 tỉ đồng, chiếm 24,4%; ngân sách địa phương các cấp: 565 tỉ đồng, chiếm 46%; vốn tín dụng ưu đãi: 35 tỉ đồng, chiếm trên 2,8%; vốn doanh nghiệp đầu tư: 244 tỉ đồng, chiếm gần 19,9%; nhân dân tự nguyện đóng góp trên 84 tỉ đồng, chiếm 6,9% (chưa kể đóng góp bằng ngày công, vật tư, hiến đất để xây dựng đường làng, ngõ xóm, nhà văn hóa, mở mang hệ thống giao thông, thủy lợi đồng ruộng...).
Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa gắn với phong trào toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới đang trở thành phong trào thi đua sôi nổi, đem lại hiệu quả thiết thực ở nhiều cơ sở; đã xuất hiện một số tập thể, cá nhân điển hình, tiên tiến trong xây dựng nông thôn mới được rút kinh nghiệm, tuyên truyền, nhân ra diện rộng.
Tuy nhiên, trong triển khai xây dựng nông thôn mới còn một số khó khăn, tồn tại. Một bộ phận cán bộ, nhân dân chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, cách làm và vai trò chủ thể của người dân, của cộng đồng trong xây dựng nông thôn mới; còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại, thụ động hoặc nóng vội. Xây dựng nông thôn mới liên quan đến nhiều chuyên ngành, lĩnh vực, khối lượng công việc nhiều, được phân cấp triệt để cho cơ sở; trong khi đó, năng lực, trình độ của một bộ phận cán bộ lãnh đạo xã, thôn hạn chế nên lúng túng trong triển khai thực hiện. Nhu cầu vốn cho xây dựng nông thôn mới rất lớn, nhưng đầu tư từ ngân sách và sự đóng góp của nhân dân có hạn. Tư tưởng sản xuất nhỏ, tự cấp, tự túc trong nông thôn còn nặng nề; ruộng đất ít, lao động nhiều nên việc tích tụ ruộng đất còn khó khăn; sản xuất nông nghiệp lợi nhuận thấp, rủi ro cao nên khó thu hút doanh nghiệp về đầu tư sản xuất nông nghiệp.
Một số bài học kinh nghiệm
Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai xây dựng nông thôn mới, Thái Bình đã rút ra được một số bài học kinh nghiệm:
Một là, công tác tư tưởng giữ vai trò quan trọng hàng đầu.
Cần tiến hành thường xuyên, sâu rộng, nhất là ở cơ sở, để các cấp, các ngành, đoàn thể, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh nhận thức sâu sắc việc xây dựng nông thôn mới là tất yếu, khách quan, hợp quy luật phát triển; là quá trình đổi mới sâu sắc, toàn diện trên mọi lĩnh vực ở nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; mục tiêu của xây dựng nông thôn mới là nhằm phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn; xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa có ý nghĩa chiến lược lâu dài; là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, được thực hiện đồng bộ trên cơ sở kế thừa và phát triển, có bước đi vững chắc, lộ trình phù hợp với đặc điểm của từng địa phương; là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trong đó, người dân ở nông thôn là chủ thể trực tiếp. Trên cơ sở đó, xác định rõ trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ của từng cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên, của mỗi người dân trong xây dựng nông thôn mới.
Hai là, công tác quy hoạch nông thôn mới phải đi trước một bước.
Phải lựa chọn đơn vị tư vấn có năng lực và kinh nghiệm. Quy hoạch xây dựng nông thôn mới phải bảo đảm tính lâu dài, bền vững, kế thừa những yếu tố hợp lý, cảnh quan, nét đặc trưng văn hóa của từng địa phương. Quy trình xây dựng quy hoạch phải công khai, dân chủ, có sự tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến rộng rãi của nhân dân.
Ba là, xây dựng nông thôn mới cần có lộ trình và bước đi phù hợp.
Trước hết, ưu tiên thực hiện các tiêu chí phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập cho nhân dân và các nội dung cần ít vốn đầu tư. Trong xây dựng kết cấu hạ tầng, trình tự ưu tiên đầu tư theo phương châm “Từ ngoài đồng vào trong làng; từ ngõ xóm lên trung tâm xã”. Phân cấp quản lý xây dựng công trình, hạng mục công trình mạnh mẽ cho các xã, các thôn và cộng đồng dân cư để chủ động huy động tối đa nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới.
Bốn là, kiểm tra, đôn đốc, uốn nắn những lệch lạc của cơ sở trong quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới là công việc thường xuyên, liên tục của các cấp ủy đảng, chính quyền.
Cần đặc biệt chú ý phát hiện, ngăn chặn kịp thời những việc làm thiếu dân chủ, huy động, đầu tư xây dựng cơ bản quá khả năng, thiếu đồng thuận của cộng đồng dân cư.
Năm là, quan tâm xây dựng tổ chức cơ sở đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh.
Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, trước hết là đội ngũ cán bộ lãnh đạo xã có trình độ, năng lực, đủ sức tổ chức thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Trong những năm tới, việc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của tỉnh là xây dựng nông thôn mới còn nhiều khó khăn, thách thức. Được sự lãnh đạo, chỉ đạo, giúp đỡ của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, của các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương, Đảng bộ và nhân dân Thái Bình sẽ phát huy kết quả, kinh nghiệm bước đầu, chung sức, chung lòng phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu đã đề ra, xây dựng nông thôn giàu đẹp và văn minh./.
Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô quyết tâm hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ năm 2012  (31/03/2012)
Thành phố Hồ Chí Minh phổ biến, quán triệt Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI tới các đồng chí cán bộ nghỉ hưu  (31/03/2012)
Trung Nguyên từng bước hiện thực hóa chiến lược Chế biến hết cho ngành Cà phê Việt Nam  (31/03/2012)
- Hội nghị Trung ương 3 khóa XX Đảng Cộng sản Trung Quốc: Chú trọng duy trì ổn định và phát triển chất lượng cao
- Tư duy lý luận của Đảng về xây dựng mô hình chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam từ năm 1991 đến nay
- Nâng cao hiệu quả công tác nắm bắt, định hướng dư luận xã hội trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh trong bối cảnh mới
- Tỉnh Yên Bái nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân: Từ nghị quyết đến thực tiễn
- Nhận diện một số tiêu chí cơ bản của xã hội văn minh ở Việt Nam qua gần 40 năm đổi mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm