TCCSĐT - Sau hơn một năm ngưng trệ, đàm phán giữa Iran và năm thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp cùng với Đức (còn được gọi là P5+Đức và Iran) sẽ được nối lại theo đề nghị của Iran.

Ngày 6-3 vừa qua, Đặc trách của EU về đối ngoại, bà Catherine Ashton đã thay mặt nhóm P5+Đức gửi thư tới Iran chấp nhận đề nghị ngày 14-2-2012 của nước này về nối lại khuôn khổ đàm phán. Tuy nhiên, thời gian và địa điểm tiến hành vòng đàm phán mới về vấn đề hạt nhân của Iran còn phải được hai phía thỏa thuận và công bố trong những ngày tới.

Viêc nối lại đàm phán sáu bên được công bố vào thời điểm dư luận khu vực và thế giới đang ồn ào về khả năng Israel đơn phương tấn công quân sự vào những cơ sở hạt nhân của Iran, thúc ép Chính phủ Mỹ quyết định sử dụng vũ lực quân sự để buộc Iran từ bỏ chương trình hạt nhân nhưng Tổng thống Mỹ Barack Obama lại cho rằng, vẫn còn có khả năng giải quyết vấn đề này bằng ngoại giao.

Mới rồi, một phái đoàn của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) cũng đã tới Iran để trao đổi chứ không phải thanh tra và thị sát các cơ sở hạt nhân của Iran. Trong thời gian vừa qua, Mỹ và EU liên tục gia tăng áp lực về chính trị cũng như kinh tế đối với Iran, phong tỏa quan hệ của các ngân hàng lớn ở Iran với các đối tác bên ngoài cũng như cấm vận nhập khẩu dầu lửa từ Iran. Tại Iran cũng vừa diễn ra cuộc bầu cử quốc hội với kết quả làm thay đổi khá rõ nét cục diện quyền lực trên chính trường nước này.

Trước bối cảnh ấy, động thái mới nói trên của các nước nhìn chung đều được đánh giá tích cực và đáng khích lệ. Tuy nhiên, phản ứng của phương Tây và Israel vẫn còn dè dặt. Tổng thống Mỹ Barack Obama một mặt vẫn khẳng định Mỹ không chấp nhận Iran có vũ khí hạt nhân và vẫn không loại trừ khả năng tấn công quân sự Iran, nhưng mặt khác lại đồng thời cho rằng, có thể sử dụng khuôn khổ đàm phán 6 bên để đạt được giải pháp cho vấn đề hạt nhân của Iran. Bà C.Ashton bày tỏ hy vọng, vòng đàm phán tới sẽ mang tính "xây dựng". EU hoan nghênh việc nối lại đàm phán nhưng đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục gia tăng sức ép và duy trì các biện pháp trừng phạt Iran.

Phía Iran cũng tỏ ra thận trọng về triển vọng thành công của vòng đàm phán mới. Chủ tịch Quốc hội Iran Ali Larijani cho rằng, nếu phương Tây cứ tiếp tục những chính sách lâu nay hoặc dùng sự đe dọa để tăng vị thế thì cuộc đàm phán "sẽ không thể có tiến triển". Iran một lần nữa lại khẳng định quyền chính đáng về sử dụng năng lượng hạt nhân vào mục đích hòa bình và tuyên bố, họ sẽ đưa ra nhiều sáng kiến mới trong vòng đàm phán tới với nhóm P5+Đức.

Việc nối lại đàm phán này, cùng với tiến triển mới trong cuộc đối thoại giữa Mỹ và Triều Tiên về vấn đề hạt nhân của nước này, với tuyên bố của Triều Tiên ngừng thử hạt nhân và tên lửa tầm xa, ngừng làm giàu uranium và cho phép IAEA lại vào thanh sát các cơ sở hạt nhân không chỉ có tác động làm giảm bớt căng thẳng và gay cấn trong cả hai vấn đề này mà còn giúp Tổng thống B.Obama bớt "khó xử" trong cuộc vận động tranh cử tổng thống ở Mỹ sắp tới./.