Những đồng tiền cay đắng

Nguyễn Sơn
23:40, ngày 24-02-2012
TCCSĐT - Các bộ trưởng tài chính Khu vực đồng tiền chung châu Âu vừa thông qua gói cứu trợ lớn chưa từng có lên tới 130 tỉ euro để giải cứu Hy Lạp. Nhưng để nhận được đầy đủ khoản tiền này, người Hy Lạp còn phải chịu nhiều đắng cay. 
Sau 13 giờ đồng hồ “đàm phán ma-ra-tông”, từ chiều 20-2 đến sáng 21-2, các bộ trưởng tài chính khối euro đã thông qua một gói cứu trợ lên tới 130 tỉ euro để giải cứu cuộc khủng hoảng nợ công đang đẩy “xứ sở ma-ra-tông” đến bên bờ phá sản. Họ hy vọng khoản tiền này sẽ mở ra cho Hy Lạp khả năng giảm khối lượng nợ công từ 160% GDP hiện nay xuống còn 120,5% vào năm 2020. 

Song song với cuộc đàm phán nói trên, các chủ nợ tư nhân (hiện đang nắm giữ trên 200 tỉ euro trái phiếu chính phủ Hy Lạp) cũng ngồi lại với nhau và nhất trí chấp nhận một mức lỗ lên tới 53,5% mệnh giá trái phiếu, tức là chấp thuận xóa cho nước này hơn 100 tỉ euro nợ. (Thực ra các chủ nợ tư nhân lỗ ít hơn rất nhiều bởi phần lớn trái phiếu chính phủ Hy Lạp mà họ đang nắm giữ được mua khi khủng hoảng nợ công Hy Lạp đang căng thẳng, nên giá mua thấp khá nhiều so với mệnh giá). 

Quyết định về gói cứu trợ 130 tỉ euro ngay lập tức giải tỏa cho Hy Lạp nguy cơ vỡ nợ vào ngày 20-3 tới đây, khi chính phủ nước này phải thanh toán một khoản nợ đáo hạn là 14,5 tỉ euro. Nó cũng khiến hãng đánh giá tín nhiệm quốc tế Fitch, tuy vẫn đánh tụt mức tín nhiệm tín dụng của Hy Lạp từ mức CCC xuống mức C (tụt 2 bậc), nhưng còn dừng lại trước mức D (phá sản). 

Tuy nhiên, người Hy Lạp chưa thể vội vui mừng với kết quả nói trên. Cả hai khoản cứu trợ đều bị ràng buộc chặt chẽ với những điều khoản rất ngặt nghèo cho Hy Lạp. Chẳng hạn, một quỹ đặc biệt sẽ được lập ra để quản lý gói cứu trợ và chỉ giải ngân theo đúng lộ trình mà chính phủ Hy Lạp cam kết. Hy Lạp sẽ còn phải tiếp tục cắt giảm chi tiêu công, giảm lương công nhân viên chức, lương tối thiểu và lương hưu. Chính phủ của Thủ tướng Papademos cũng phải chấp nhận mạnh tay cắt giảm hàng loạt biên chế nhà nước và nhiều dịch vụ công cộng (trường học, bệnh viện,...) và chịu sự giám sát chặt chẽ trong mọi chi tiêu trong những năm tới.

Thật khó mà tin được chính sách kinh tế khắc khổ mà các nhà tài trợ cho Hy Lạp yêu cầu có thể thực hiện được khi hàng triệu người dân nước này nghĩ rằng họ đã khổ đủ rồi và không chịu khổ thêm nữa. Hàng nghìn người Hy Lạp đã đổ ra đường biểu tình phản đối các biện pháp cắt giảm phúc lợi xã hội. Không hiếm khi các cuộc biểu tình đó biến thành bạo động với đốt phá và đụng độ với cảnh sát. 

Giới chuyên môn cũng tỏ ra nghi ngờ với tham vọng mà gói cứu trợ này có thể mang lại cho Hy Lạp. Thứ nhất, mặc dù đã cung cấp 110 tỉ euro cứu trợ đợt một từ năm 2010, nhưng tình hình kinh tế Hy Lạp vẫn tiếp tục xấu đi. GDP năm ngoái giảm 7%, tỷ lệ thất nghiệp lên trên 20%. Gói cứu trợ mới sẽ đến trong vòng 8 năm, tức là sẽ yếu hơn rất nhiều so với gói cứu trợ đợt một. 

Thứ hai, việc kéo khối lượng nợ công của Hy Lạp xuống tới 120,5% GDP sau 8 năm gần như không khả thi. Theo thông tin mà báo Financial Times có được từ một cuộc họp kín, chính các nhà tài trợ cho gói cứu trợ nói trên cũng cho rằng may lắm thì kéo được xuống tới 129%, còn không thì tỷ lệ nợ công vẫn tiếp tục ở mức như hiện nay. Tuy thế, họ vẫn ép Hy Lạp kéo tỷ lệ nợ công xuống, chỉ chấp nhận nới cho nước này 0,5% (từ 120% lên thành 120,5%). 

Thứ ba, hàng loạt chuyên gia cho rằng, mục tiêu chính của gói 130 tỉ này không phải là để cứu Hy Lạp, mà là để cứu các chủ nợ của nó. Đó là lý do vì sao các nhà tài trợ không bàn đến việc đầu tư cho nền kinh tế đang suy trầm sâu sắc này để tạo ra một chuyển biến lạc quan cho nền kinh tế, mà chỉ chăm chắm vào việc bảo đảm khả năng trả nợ. 

Thứ tư, nguồn tiền để cứu trợ cho Hy Lạp đều lấy từ các nước châu Âu, nơi nợ công cũng đang cao khủng khiếp, chứ không hề được tiếp sức từ bên ngoài khu vực. Thành thử việc cứu trợ lại gây thêm gánh nặng nợ công cho các nước cứu trợ, khiến cho tổng nợ công trong toàn khu vực không hề được cải thiện. 

Cuối cùng, hành động của chính phủ Hy Lạp cũng như của các nước tài trợ đi ngược hẳn lại với các nguyên tắc dân chủ mà họ cam kết theo đuổi. Các cuộc biểu tình phản đối ở Athens cho thấy người dân không mong muốn một chính sách kinh tế khắc khổ để đổi lấy gói cứu trợ. Cuộc trưng cầu dân ý về các biện pháp chống khủng hoảng cũng không thành công. Song song với đó, các công dân Đức, nơi chính phủ của họ tích cực nhất trong việc vận động cho gói cứu trợ này, cũng không ủng hộ việc cung cấp cho Hy Lạp các khoản cứu trợ nhiều tỉ euro một cánh ưu đãi. Mặc dù vậy, để duy trì khối euro, các chính phủ vẫn cứ đi ngược lại mong muốn của các công dân của mình. 

130 tỉ euro là một nỗ lực cứu trợ lớn và kịp thời, tuy nhiên nó cũng kèm theo không ít nỗi đắng cay./.