Chương trình bình ổn giá hàng hóa dịp Tết Nguyên đán - ý nghĩa và những vấn đề đặt ra
Tết Nhâm Thìn - sôi nổi hàng hóa bình ổn giá
Thực hiện Chỉ thị số 2051/CT-TTg ngày 16-11-2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp bình ổn giá cả thị trường, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trước và sau Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012, từ đầu tháng 12-2011, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính đã chỉ đạo sâu sát, quyết liệt đối với chương trình bình ổn giá hàng hóa dịp Tết. Cùng với đó là sự hưởng ứng từ phía các doanh nghiệp, đoàn thể chính trị - xã hội, cũng như sự mong muốn của nhân dân đã khiến cho chương trình ngày càng thêm sôi nổi. Theo số liệu của Bộ Công Thương, dự kiến năm nay có 30 tỉnh, thành trong cả nước thực hiện chương trình này. Nhiều địa phương đã có những cách làm sáng tạo nhằm làm cho chương trình thiết thực và hiệu quả cao hơn.
Tỉnh biên giới Lào Cai là một trong những tỉnh tiên phong thực hiện chương trình này. 30 tấn gạo, 500 tấn muối, 3.000m3 xăng, 50.000 lít dầu hỏa cùng các mặt hàng bánh, mứt, kẹo, hoa, quả… trị giá hàng chục tỉ đồng đã được đưa về các vùng sâu, vùng xa bán theo đúng giá niêm yết. Tại các điểm bán trên toàn tỉnh, hàng hóa đều là của Việt Nam.
Hà Nội là một trong hai địa phương thực hiện hiệu quả nhất chương trình bình ổn giá hàng hóa. Năm nay, thành phố có 655 điểm bán hàng bình ổn, tăng gấp đôi dịp Tết 2011; đặc biệt có 304 điểm bán hàng ở khu vực ngoại thành (gấp 4 lần năm 2011), 68 điểm tại các chợ truyền thống, 6 điểm tại các khu công nghiệp và hàng bình ổn được đưa vào 50 bếp ăn tập thể của các trường học, công ty trên địa bàn, phục vụ khoảng 25.000 đối tượng có thu nhập thấp. Tham gia chương trình bình ổn giá của Hà Nội có 15 doanh nghiệp với số tiền được thành phố đầu tư cho vay để hoạt động là khoảng 430 tỉ đồng.
Tại Đà Nẵng, thực hiện chủ trương của Thành ủy về một dịp Tết vui tươi, an toàn, tiết kiệm, Sở Công Thương đã tăng cường phối hợp với các đơn vị chức năng liên quan, các doanh nghiệp bảo đảm nguồn hàng tết dồi dào để ổn định về giá. Các doanh nghiệp cam kết sẽ tăng gấp đôi, gấp ba lượng hàng dự trữ và thành phố nêu cao quyết tâm kiểm soát thị trường, giá cả, xử lý nghiêm những trường hợp có dấu hiệu đầu cơ tăng giá, sản xuất và kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, chống buôn lậu và gian lận thương mại… Hàng bình ổn giá được lồng ghép với các chương trình đưa hàng Việt Nam về nông thôn, ưu tiên dùng hàng Việt Nam và được tập trung cao điểm từ ngày 8-1-2012 đến ngày 6-2-2012.
Tại tỉnh Long An - địa phương có nhiều khu công nghiệp, sự kết hợp giữa chương trình bán hàng bình ổn giá với chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, “Hàng Việt về nông thôn” đã tạo thành các phiên chợ dành cho công nhân các khu công nghiệp. Thành công của các phiên chợ là đã đưa hàng Việt Nam chất lượng cao, giá thành tốt đến tận tay người tiêu dùng là công nhân - đối tượng đang bị ảnh hưởng lớn từ suy giảm kinh tế, lạm phát,…
Địa phương thành công nhất trong thực hiện chương trình bình ổn giá là Thành phố Hồ Chí Minh. Tổng kinh phí để thực hiện chương trình bình ổn của Thành phố là 437,22 tỉ đồng. Tổng nguồn vốn các doanh nghiệp huy động chuẩn bị nguồn hàng cho dịp Tết năm nay khoảng 5.566 tỉ đồng (có 21 doanh nghiệp tham gia). Hàng bình ổn hiện chiếm 20% - 30% thị phần và được tiêu thụ trong mạng lưới hơn 4.000 điểm kinh doanh. Để đưa hàng bình ổn đến tay người nghèo, Thành phố đã triển khai 878 điểm bán hàng tại 151 chợ truyền thống, gần 200 chuyến hàng lưu động phục vụ người dân tại các vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh vai trò của các cơ quan hữu quan, các doanh nghiệp, nổi bật là sự tham gia hiệu quả của Hội Liên hiệp phụ nữ và Đoàn Thanh niên.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh: “Chương trình bán hàng bình ổn của Thành phố Hồ Chí Minh đã trở thành một kênh phân phối hàng hóa hiệu quả, ngoài khuếch trương thương hiệu cho sản phẩm, kênh phân phối hàng hóa theo giá bình ổn đã giúp cho doanh nghiệp an tâm đầu tư mạnh hơn vào sản xuất con giống, công nghệ hiện đại, mở rộng mạng lưới tiêu thụ, nâng cao chất lượng, giảm giá thành”. Chương trình bình ổn giá của Thành phố Hồ Chí Minh đã thực sự trở thành kênh cung cấp hàng hóa vững mạnh, đủ sức điều tiết, bình ổn thị trường hàng hóa phục vụ người dân vào dịp Tết.
Ý nghĩa từ một chương trình
Năm 2012 đánh dấu 10 năm chương trình bình ổn giá đi vào cuộc sống, với khởi nguồn sáng kiến từ Thành phố mang tên Bác. Sau 10 năm, chương trình ngày càng phát triển sâu rộng, mang tầm vóc chương trình của quốc gia; thể hiện giá trị tích cực trong việc ổn định đời sống nhân dân vào dịp Tết đến, Xuân về.
Bảo đảm an sinh xã hội
Hiện nay, nước ta nằm trong nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình, đời sống nhân dân đã có những cải thiện rõ nét. Tuy nhiên, thực tế đời sống của một bộ phận không nhỏ cư dân còn gặp nhiều khó khăn, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái hiện nay. Đối với người Việt Nam, ai cũng muốn có những ngày Tết ấm cúng, no đủ để mong một năm mới hạnh phúc, thịnh vượng hơn. Trong khi đó, vì nhiều lý do khác nhau, thị trường hàng hóa thường có hiện tượng giá các mặt hàng thiết yếu, như thực phẩm tăng cao vào các dịp lễ, tết, nhất là Tết Nguyên đán. Chăm lo để nhân dân có những ngày Tết đầy đủ hơn, đầm ấm hơn chính là ý nghĩa sâu sắc nhất của chương trình bình ổn giá.
Chương trình bình ổn giá Tết Nhâm Thìn, trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế đang tác động mạnh đến đời sống của những người lao động có thu nhập thấp, càng thực sự có ý nghĩa. Những thành công ở tầm cao mới là chương trình đã mở rộng hơn về quy mô, tăng cường về chất lượng; đã lan tỏa trên mọi miền Tổ quốc bằng nhiều hình thức sáng tạo, nhất là tới vùng sâu, vùng xa, các khu công nghiệp, các phiên chợ quê… Chương trình đã có sự chung tay của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, nhân dân, các đoàn thể xã hội và thực sự đã trở thành chương trình có ý nghĩa ở tầm quốc gia.
Nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam
Các địa phương, doanh nghiệp tham gia bình ổn giá đều có ý thức trong việc thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Hàng hóa trong chương trình bình ổn giá phần lớn là do các doanh nghiệp trong nước sản xuất.
Để chiếm lĩnh được thị trường “sân nhà”, trước hết hàng hóa Việt Nam phải thực sự có ưu thế về chất lượng, giá cả, bảo đảm nguồn cung đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Mặt khác, cùng với những chuyến hàng bình ổn giá tới mọi miền Tổ quốc, hàng hóa Việt Nam có cơ hội xuất hiện khắp các thị trường từ siêu thị lớn tới các chợ quê, từ thành thị tới nông thôn, vùng sâu, vùng xa, trực tiếp tới tận tay mọi tầng lớp nhân dân. Từ đó, người dân dần hình thành thói quen dùng hàng Việt Nam.
Điểm nổi bật năm nay là các địa phương, doanh nghiệp đã lồng ghép khéo léo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, “Đưa hàng Việt về nông thôn” với chương trình bán hàng bình ổn giá. Điều đó đã tạo điều kiện thuận lợi để hàng hóa Việt Nam chiếm lĩnh thị trường, để người dân tham gia tích cực, chủ động, hiệu quả vào việc ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Thành công của nhiều địa phương đã khẳng định: hàng hóa Việt Nam đủ sức đáp ứng nhu cầu của người Việt Nam, cả về lượng và chất.
Cơ hội phát triển thương hiệu
Để chương trình bình ổn giá đạt hiệu quả cao, bên cạnh sự quan tâm sâu sát của Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương thì vai trò của các doanh nghiệp là hết sức quan trọng. Trên thực tế, chương trình bình ổn giá ngày càng thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia, góp phần không nhỏ để tạo nên hiệu quả thành công. Điều đó cũng thể hiện cái “tâm” của nhà doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Doanh nghiệp tham gia chương trình bán hàng hóa bình ổn giá phải cam kết bán hàng thấp hơn giá thị trường ở mức 10% - 15% và không được phép tự nâng giá, trừ khi thị trường có biến động lớn và được sự cho phép của cơ quan quản lý nhà nước. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng được hưởng nhiều lợi thế, như được vay vốn với lãi suất 0%, hàng hóa có cơ hội đi tới mọi miền Tổ quốc, nằm trong kế hoạch tuyên truyền của các địa phương khi lồng ghép vào các chương trình liên quan. Thông qua chương trình bình ổn giá, doanh nghiệp trước hết đã nâng cao thương hiệu của mình trong thị trường, bên cạnh đó là những cơ hội phát triển kinh doanh.
Những vấn đề đặt ra
Để chương trình bình ổn giá thực sự phát huy hiệu quả và nâng tầm trong thời gian tới, có thể lưu ý một số vấn đề sau:
Một là, với những thành công của chương trình bình ổn giá, không chỉ dừng lại ở bảo đảm an sinh xã hội, giữ ổn định giá hàng hóa mà còn có tác động tích cực tới điều tiết, định hướng giá cả thị trường, có thể xem đây là một kênh quan trọng để Nhà nước “nắm cương” thị trường hàng hóa vào những thời điểm “nhạy cảm” như vào dịp Tết Nguyên đán. Nhiều địa phương đã chủ động phối hợp với các doanh nghiệp để có kế hoạch “dài hơi”, bình ổn thị trường trước và sau Tết, từ đó có tác động tích cực kiềm chế lạm phát, giữ ổn định giá cả hàng hóa vào những tháng đầu năm.
Hai là, chú ý hơn nữa tới nhóm đối tượng thực sự cần thụ hưởng chương trình bình ổn giá. Thực tế là 2 địa phương làm tốt nhất chương trình này thì cũng là những nơi có thu nhập bình quân hàng đầu Việt Nam. Đối tượng thực sự cần tới những chương trình bình ổn giá là người dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, công nhân làm việc tại các khu công nghiệp, người nghèo... Bởi vậy, bên cạnh việc chú trọng dùng hàng bình ổn giá để bình ổn thị trường cần có nhiều ưu đãi, chăm lo hơn đến nhóm đối tượng này – những người thực sự cần tới chương trình để có một cái Tết ấm, no.
Ba là, quản lý chặt chẽ hơn nữa hàng hóa bình ổn giá và thị trường hàng hóa. Hàng hóa tham gia chương trình này được nhiều ưu đãi về vốn, quảng bá… so với hàng hóa thị trường. Những lợi thế đó là vốn của Nhà nước đầu tư để cùng doanh nghiệp bình ổn thị trường, bảo đảm an sinh xã hội. Vì thế việc quản lý nguồn vốn này để phát huy hiệu quả, đúng tính chất là nhiệm vụ của các đơn vị có liên quan; tránh tạo ra sự cạnh tranh không bình đẳng giữa doanh nghiệp tham gia và không tham gia chương trình, bảo đảm giá hàng hóa bán ra thực sự là bình ổn, thấp hơn so với giá thị trường. Mặt khác, để hàng bình ổn giá phát huy hết giá trị, cần quản lý chặt chẽ thị trường, chống các hành vi gian lận thương mại, tích trữ, đầu cơ hàng hóa…
Bốn là, chương trình hàng hóa bình ổn giá đã thực sự phát huy hiệu quả khi được sự quan tâm sâu sát của các bộ, ngành, địa phương, từ sự hợp tác của doanh nghiệp, sự tham gia của các đoàn thể chính trị - xã hội; lồng ghép với đó là triển khai các cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, “Đưa hàng Việt về nông thôn”… Đó là bài học, kinh nghiệm hay để các địa phương thực hiện tốt chương trình này trong những năm tiếp theo./.
Tăng cường hợp tác toàn diện Quốc hội Việt Nam-Mexico  (12/01/2012)
Việt Nam đề xuất tăng vai trò trung tâm của ASEAN  (12/01/2012)
Thanh niên Việt-Lào tăng cường phối hợp hoạt động  (12/01/2012)
Cả nước lo Tết cho gia đình chính sách, hộ nghèo  (12/01/2012)
Đồng chí Đinh Thế Huynh làm việc và chúc Tết Ban Chỉ đạo Tây Bắc  (12/01/2012)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển