Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2011 ước tăng 5,89% so với năm 2010. Tốc độ tăng GDP năm 2011 tuy thấp hơn mức tăng 6,78% của năm 2010, nhưng trong điều kiện tình hình sản xuất khó khăn và cả nước tập trung ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô thì mức tăng trên là khá cao và hợp lý.
Đó là đánh giá của Tổng cục Thống kê thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại cuộc họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội năm 2011, tổ chức ngày 29-12, tại Hà Nội.

GDP tăng khá cao

Ông Đỗ Thức, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho biết cụ thể, GDP quý 1 tăng 5,57%; quý 2 tăng 5,68%; quý 3 tăng 6,07% và quý 4 tăng 6,1%. Trong số tăng trưởng nền kinh tế (5,89%), khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4%, đóng góp 0,66 điểm phần trăm; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,53%, đóng góp 2,32 điểm phần trăm và khu vực dịch vụ tăng 6,99%, đóng góp 2,91 điểm phần trăm.

Cụ thể giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2011 tăng 5,2% so với năm 2010, bao gồm nông nghiệp tăng 4,8%, lâm nghiệp tăng 5,7%, thủy sản tăng 6,1%. Trong đó, đáng chú ý là sản lượng lúa cả năm 2011 ước tính đạt 42,3 triệu tấn, tăng 2,3 triệu tấn so với năm 2010, là mức tăng lớn nhất trong 10 năm trở lại đây.

Về tình hình ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, năm 2011 giá trị sản xuất xây dựng theo giá thực tế cả nước ước đạt 676.400 tỷ đồng. Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện năm 2011 theo giá thực tế ước tính đạt 877.900 tỷ đồng, tăng 5,7% so với năm 2010 và bằng 34,6% GDP. Đặc biệt, vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước thực hiện năm 2011 ước đạt 178.000 tỷ đồng, bằng 101,8% kế hoạch năm và tăng 6,7% so với năm 2010.

Tổng thu ngân sách Nhà nước năm 2011 ước đạt 674.00 tỷ đồng, bằng 113,4% dự toán năm và tăng 20,6% so với năm 2010.

Về hoạt động dịch vụ, năm 2011, bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 2.004.400 tỷ đồng, tăng 24,2% so với năm trước. Vận tải hành khách và hàng hóa năm nay tăng 14,6% về số khách vận chuyển và tăng 11,9% về số khách luân chuyển so với năm 2010.

Về bưu chính, viễn thông, năm 2011, số thuê bao điện thoại phát triển mới đạt 11,8 triệu thuê bao, giảm 12,9% so với năm 2010. Số thuê bao Internet băng rộng trên cả nước tính đến cuối tháng 12-2011 ước đạt 4,2 triệu thuê bao, tăng 16,1% so với cùng thời điểm năm trước.

Tồn kho công nghiệp chế biến tăng 23%

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2011 tăng 6,8% so với năm 2010, bao gồm công nghiệp khai thác mỏ giảm 0,1%; công nghiệp chế biến tăng 9,5%; sản xuất, phân phối điện, ga, nước tăng 10%.

Một số ngành công nghiệp chủ yếu có chỉ số sản xuất năm 2011 tăng cao so với năm 2010 là sản xuất đồ gốm, sứ không chịu lửa (trừ gốm sứ dùng trong xây dựng) tăng 139,3%; sản xuất đường tăng 33,7%; đóng và sửa chữa tàu tăng 28,4%; sản xuất môtô, xe máy tăng 19,6%; sản xuất bia tăng 16,4%; sản xuất sản phẩm bơ, sữa tăng 15,8%; sản xuất trang phục (trừ quần áo da lông thú) tăng 13,3%; sản xuất sợi và dệt vải tăng 11,6%; chế biến, bảo quản thủy sản và sản phẩm từ thủy sản tăng 11,3%.

Một số ngành có chỉ số sản xuất tăng khá là sản xuất thức ăn gia súc tăng 10,9%; sản xuất và phân phối điện tăng 10,3%; sản xuất phân bón và hợp chất ni tơ tăng 9,5%; sản xuất thuốc lá tăng 9,3%; sản xuất giày, dép tăng 8,3%.

Một số ngành có chỉ số sản xuất tăng thấp hoặc giảm là khai thác, lọc và phân phối nước tăng 6,8%; sản xuất ximăng tăng 6,8%; sản xuất sắt, thép tăng 1,8%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 1,3%; khai thác dầu thô và khí tự nhiên giảm 0,8%; sản xuất cáp điện và dây điện có bọc cách điện giảm 19,6%. Đáng lưu ý là chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 11 tháng năm 2011 tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số tồn kho tại thời điểm 1-12 vừa qua của toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 23% so với cùng thời điểm năm trước.

Ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ thống kê Công nghiệp thuộc Tổng cục Thống kê nhìn nhận: các chỉ số kinh tế xã hội đạt được năm nay là đáng ghi nhận trong bối cảnh năm 2011 với những khó khăn lớn là t hị trường xuất khẩu giảm, sức cạnh tranh các nền kinh tế nhỏ càng khốc liệt với Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, trong khi điều kiện kỹ thuật công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam nói chung còn thấp. Đây cũng là năm các doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn về vốn và lãi suất ngân hàng vẫn cao, làm nhiều doanh nghiệp sản xuất cầm chừng, thậm chí không ít doanh nghiệp phải phá sản, giải thể.

Nhập siêu thấp nhất trong 5 năm qua

Năm 2011 kim ngạch xuất khẩu của cả nước ước đạt 96,3 tỷ USD, tăng 33,3% so với năm 2010, trong đó khu vực kinh tế trong nước đóng góp 41,8 tỷ USD, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (gồm cả dầu thô) đạt 54,5 tỷ USD. Các mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 2 tỷ USD có 14 mặt hàng, trong đó dệt may đóng góp 14 tỷ USD, dầu thô 7,2 tỷ USD, thủy sản 6,1 tỷ USD, gạo 3,6 tỷ USD, cà phê 2,7 tỷ USD...

Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu năm 2011 đạt 105,8 tỷ USD, tăng 24,7% so với năm 2010. Tốc độ tăng cao của kim ngạch hàng hóa xuất, nhập khẩu năm 2011 có phần đóng góp khá lớn của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài với mức tăng xuất khẩu là 39,3% và mức tăng nhập khẩu là 29,2%.

Nhập siêu hàng hóa năm 2011 ước tính 9,5 tỷ USD, bằng 9,9% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu. Mức nhập siêu của năm 2011 là mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua và cũng là năm có tỷ lệ nhập siêu so với kim ngạch xuất khẩu thấp nhất kể từ năm 2002.

Về chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2011 tăng 18,58% so với bình quân năm 2010. Mặc dù kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn nhưng số lượng khách quốc tế đến Việt Nam năm 2011 tăng 19,1% so với năm 2010./.