Khủng hoảng nợ ở châu Âu đã thành hệ thống
Chủ tịch ECB Giăng Clốt Tri-sê đưa ra cảnh báo trên dưới danh nghĩa người đứng đầu Cơ quan đánh giá nguy cơ có hệ thống ở châu Âu (ESRB) thuộc Ủy ban Kinh tế và các vấn đề tiền tệ của Nghị viện châu Âu, tổ chức do Liên minh châu Âu (EU) thành lập từ khi Hy Lạp có nguy cơ vỡ nợ công với mục đích ngăn chặn nguy cơ tái diễn cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Theo Chủ tịch ECB, sự liên kết cao trong hệ thống tài chính EU đã làm gia tăng nhanh chóng nguy cơ "bệnh nợ công" lây lan mạnh, đe dọa sự ổn định tài chính trong khu vực và tác động bất lợi đối với các nền kinh tế trong và ngoài châu Âu. Các nước thành viên và các thể chế EU phải theo dõi thách thức này, phối hợp hành động nhanh chóng để đối phó với một cuộc khủng hoảng mang tính hệ thống mà châu Âu đã trở thành trung tâm.
Nhấn mạnh bất kỳ sự chậm trễ tiếp theo nào sẽ chỉ góp phần làm cho tình hình thêm nghiêm trọng, ông đồng thời kêu gọi các nước thành viên EU đưa ra những quyết định rõ ràng liên quan việc tái huy động vốn cho các ngân hàng khu vực và phản ứng dứt khoát nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng này.
Về Quỹ cứu trợ dài hạn của Khu vực đồng ơ-rô mang tên Quỹ Ổn định tài chính châu Âu (EFSF), Chủ tịch ECB Clốt Tri-sê cho rằng, Quỹ này càng linh hoạt càng tốt, song phản đối ý kiến kêu gọi ECB hoạt động như đòn bẩy đối với định chế này. Các ngân hàng trong Khu vực đồng ơ-rô đang ngày càng thận trọng trong việc cho vay lẫn nhau và có xu hướng dựa vào sự hỗ trợ từ ECB.
Nguyên nhân một phần do lãnh đạo 2 nền kinh tế lớn là Đức và Pháp đã cam kết hỗ trợ các ngân hàng khu vực, song chưa công bố kế hoạch cụ thể. Hơn nữa, thị trường tài chính đang có những lo ngại rằng một giải pháp cho cuộc khủng hoảng nợ công có thể chệch hướng vì Xlô-va-ki-a, nước duy nhất trong Khu vực đồng ơ-rô (Eurozone) đến nay vẫn phản đối kế hoạch mở rộng EFSF.
Tuyên bố tại một cuộc họp báo chung ở Béc-lin (Berlin, Đức) cuối ngày 9-10, Thủ tướng Đức An-giê-la Méc-ken (Angela Merkel) và Tổng thống Pháp Ni-cô-la Xác-cô-di (Nicolas Sarkozy) cam kết sẽ đưa ra những biện pháp khẩn cấp để giải quyết cuộc khủng hoảng nợ trong Eurozone. Thủ tướng An-giê-la Méc-ken và Tổng thống Ni-cô-la Xác-cô-di không công bố chi tiết, nhưng cho biết, trong cuộc đấu tranh chống cuộc khủng hoảng tài chính, Đức và Pháp sẽ hỗ trợ những ngân hàng bị ảnh hưởng và tới cuối tháng 10-2011 sẽ đưa ra một "gói cứu trợ tổng thể" cùng với một tầm nhìn mới cho châu Âu.
Hai bên khẳng định không có sự bất đồng và quyết tâm chăm lo cho sự ổn định của đồng ơ-rô để có thể thể hiện sức mạnh của châu Âu tại Hội nghị thượng đỉnh G20 đầu tháng 11 tới tại Can (Cannes, Pháp), giúp Hội nghị thượng đỉnh này trở thành một thành công cho nền kinh tế thế giới.
Hai nhà lãnh đạo cấp cao Pháp và Đức khẳng định, Hy Lạp phải tiếp tục ở lại Eurozone và giờ đây phải tìm ra một giải pháp lâu dài cho đất nước này. Hai bên cho biết, đang hợp tác chặt chẽ với "Bộ Ba" gồm Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ủy ban châu Âu là các đơn vị đang kiểm tra tình hình ở Hy Lạp để tìm cách giải quyết vấn đề. Hai bên bày tỏ hy vọng EFSF sẽ sớm được tất cả các nước thành viên Eurozone ký kết.
Việc giải quyết cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu là vấn đề cấp thiết và quan trọng không chỉ đối với khu vực mà còn đối với cộng đồng quốc tế. Ngày 10-10, trong cuộc điện đàm với Tổng thống Pháp Ni-cô-la Xác-cô-di, Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma (Barack Obama) tuyên bố ủng hộ hoàn toàn nỗ lực chung của Pháp và Đức tìm kiếm một giải pháp toàn diện cho cuộc khủng hoảng nợ công ở Eurozone.
Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma đã đưa ra tuyên bố này một ngày sau khi hai nhà lãnh đạo cấp cao Pháp và Đức, trong cuộc gặp ở Béc-lin, đã cam kết phối hợp nỗ lực để sớm đưa ra giải pháp tổng thể ngăn chặn cuộc khủng hoảng tài chính và nợ công đang có nguy cơ lây lan trong khu vực.
Trong ngày 10-10, Hội đồng châu Âu (EC) cho biết, Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) và Khu vực đồng tiền chung châu Âu hoãn lại một tuần so với dự kiến, sẽ diễn ra vào ngày 23-10 thay vì ngày 17-10 như kế hoạch trước đó. Nguyên nhân của sự trì hoãn này là do EU muốn có đủ thời gian để hoàn tất chiến lược tổng thể để giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công hiện nay của các nước thành viên Eurozone.
Cũng trong ngày 10-10, Hy Lạp tuyên bố nước này đã hoàn tất chương trình làm việc với nhóm chuyên gia kiểm toán của "Bộ ba" nhà cho vay quốc tế - gồm EU, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) - về tình hình tài chính và tiến bộ cải cách ở Hy Lạp. Đoàn kiểm toán "Bộ ba" đã đến A-ten từ ngày 26-9 để tiến hành công tác đánh giá tiến độ cải cách ở Hy Lạp trước khi quyết định có giải ngân khoản cứu trợ tiếp theo trong gói cứu trợ thứ nhất trị giá 110 tỉ ơ-rô dành cho Hy Lạp hay không. Đây là số tiền A-ten cần phải có để trả lương và thanh toán một số khoản nợ đáo hạn vào tháng 10./.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gặp gỡ đại diện các doanh nghiệp Ấn Độ và cộng đồng người Việt tại Niu Đê-li  (12/10/2011)
UBTV Quốc hội cho ý kiến các dự án luật về tiền tệ  (12/10/2011)
Nâng cao chất lượng tuyên truyền về công tác tổ chức xây dựng Đảng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng  (12/10/2011)
Nâng cao chất lượng tuyên truyền về công tác tổ chức xây dựng Đảng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng  (12/10/2011)
Tuyên bố chung Hà Nội: Việt Nam và Đức - Đối tác chiến lược vì tương lai  (12/10/2011)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên