TCCSĐT - Ngày 24-9-2011, Tổng thống Nga Đmi-tơ-ri Mét-vê-đép (Dmitry Medvedev) đã đề nghị Thủ tướng Nga Vla-đi-mia Pu-tin (Vladimir Pu-tin) ra tranh cử Tổng thống trong cuộc bầu cử được ấn định vào ngày 4-3-2012.

Phát biểu tại ngày họp thứ hai của Đại hội thường niên Đảng cầm quyền "Nước Nga thống nhất" (UR) với hơn 11 nghìn đại biểu trong nước và nước ngoài tham dự, Tổng thống Nga Đ. Mét-vê-đép nói: "Tôi nghĩ sẽ là đúng đắn nếu Đại hội ủng hộ Chủ tịch Đảng, V. Pu-tin, ứng cử Tổng thống".

Trong khi đó, Thủ tướng kiêm Chủ tịch Đảng UR V. Pu-tin cũng đã đề nghị đương kim Tổng thống Đ. Mét-vê-đép đứng đầu danh sách 600 ứng cử viên của UR ra tranh cử vào Đu-ma Quốc gia (Hạ viện) Nga khóa mới, nhằm mục đích đưa UR giành thắng lợi tại cuộc bầu cử này. Sau các tuyên bố trên, giới quan sát và dư luận bên lề Đại hội UR đều có chung nhận xét: hai ông Đ. Mét-vê-đép và V. Pu-tin sẽ đổi ngôi cho nhau sau cuộc tổng tuyển cử sắp tới tại Nga.

Trước đó, ngày 23-9-2011 tại thủ đô Mát-xcơ-va, Đại hội Đảng "Nước Nga Thống nhất" (UR) cầm quyền ở Nga đã được tổ chức với sự tham dự của 10.000 đại biểu, đại diện cho hơn 2 triệu đảng viên của Đảng UR và 46 đoàn đại biểu quốc tế, trong đó Đoàn đại biểu Đảng Việt Nam do đồng chí Hoàng Bình Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương, làm Trưởng đoàn.

Đại hội đã nhất trí thông qua cương lĩnh do UR và Mặt trận Nhân dân toàn Nga (ONF) phối hợp soạn thảo nhằm tranh cử vào Đu-ma Quốc gia Nga (Hạ viện) khóa VI, ngày bỏ phiếu đã được ấn định là 4-12-2011. Đồng thời, thông qua danh sách 600 ứng cử viên của UR và ONF do đương kim Tổng thống Nga Đ. Mét-vê-đép đứng đầu, tranh cử vào Đu-ma Quốc gia khóa mới.

Phát biểu tại Đại hội, Tổng thống Đ. Mét-vê-đép nhấn mạnh, ông sẵn sàng đứng đầu chính phủ mới được thành lập đầu năm 2012 theo kết quả cuộc bầu cử Đu-ma Quốc gia Nga khóa VI với thắng lợi của UR mà ông "không chút nghi ngờ".

Tại Đại hội, Tổng thống Đ. Mét-vê-đép đã điểm 7 phương hướng ưu tiên phát triển nước Nga trong thời gian tới gồm: hiện đại hóa nền kinh tế, hệ thống giáo dục, tái trang bị kỹ thuật cho ngành công nghiệp và cải thiện bầu không khí đầu tư; thực hiện các cam kết về xã hội, đấu tranh chống nghèo khổ và hiện đại hóa ngành y tế; đấu tranh chống tham nhũng; củng cố hệ thống tòa án trên cơ sở các nguyên tắc độc lập và công bằng; duy trì và củng cố hòa bình; xây dựng hệ thống chính trị hiện đại; bảo đảm an ninh trong nước và an ninh quốc tế.

Về phần mình, Thủ tướng Nga V. Pu-tin khẳng định, sẵn sàng ra tranh cử tổng thống và nếu đắc cử, ông sẽ bổ nhiệm ông Đ. Mét-vê-đép đứng đầu chính phủ mới. Ông V. Pu-tin bày tỏ sự tin tưởng, dưới sự lãnh đạo của ông Đ. Mét-vê-đép, Chính phủ mới của Nga sẽ hoạt động hiệu quả và gặt hái nhiều thắng lợi. Thủ tướng Nga V. Pu-tin khẳng định: nước Nga đã vượt qua khủng hoảng, số người thất nghiệp ở Nga hiện nay thậm chí còn thấp hơn thời kỳ trước khủng hoảng.

Sản lượng ngũ cốc năm nay ở Nga có thể đạt hơn 90 triệu tấn và trong vòng 5 năm tới, Nga sẽ đạt được sự độc lập về các mặt hàng lương thực - thực phẩm chủ yếu. Ông V. Pu-tin hy vọng, tăng trưởng GDP của Nga sẽ lên khoảng 6-7%/năm trong những năm tới so với mức tăng GDP khoảng 4% trong năm 2011 này. Thủ tướng V. Pu-tin tuyên bố, trong vòng 5 năm, Liên bang Nga hoàn toàn có khả năng lọt vào "top" 5 nước phát triển hàng đầu thế giới. Đại hội thứ XII của UR sẽ được tiếp tục vào giữa tháng 12 tới với mục đích tổng kết kết quả bầu cử Đu-ma Quốc gia Nga khóa VI và xác định ứng cử viên của UR ra tranh chức tổng thống mới Liên bang Nga

Phản ứng trước thông tin, Thủ tướng V. Pu-tin có thể trở thành Tổng thống Nga vào năm 2012, ngày 24-9-2011, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Tô-mi Vai-e-tơ (Tommy Vietor) dẫn nguồn tin của Nhà Trắng khẳng định: Chính quyền của Tổng thống B. Ô-ba-ma sẽ tiếp tục "điều chỉnh lại" mối quan hệ với Mát-xcơ-va nếu Thủ tướng đương nhiệm của nước Nga V. Pu-tin trở lại làm Tổng thống. Nguồn tin cho rằng, việc điều chỉnh lại này "luôn nhằm phục vụ lợi ích quốc gia chứ không phải vì một cá nhân nào".

Theo Tổng thống B. Ô-ba-ma, việc khôi phục quan hệ với Nga là một ưu tiên. Trong nhiệm kỳ của mình, Tổng thống Đ. Mét-vê-đép đã ký Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START) mới với Mỹ, mở ra các tuyến đường cho Mỹ chuyển hàng tiếp tế sang Áp-ga-ni-xtan và nhất trí thắt chặt các biện pháp trừng phạt đối với I-ran./.