TCCSĐT - Ngày 6-9-2011, tại thành phố Cần Thơ, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) chính thức tiến hành Đại hội VII (nhiệm kỳ 2011-2015). Các đồng chí: Bùi Bá Bổng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng Bộ Công thương dự và chỉ đạo Đại hội. Đến dự còn có đại diện Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, lãnh đạo sở nông nghiệp và phát triển nông thôn, sở công thương các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và hơn 100 doanh nghiệp là hội viên VFA.
Trong nhiệm kỳ VI (2006-2010) VFA đã thực hiện tốt việc điều phối hoạt động xuất khẩu gạo của các doanh nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ và hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương, phối hợp chặt chẽ với các địa phương sản xuất lúa gạo hàng hóa lớn để chủ động thực hiện kế hoạch xuất khẩu gạo hàng năm; tổ chức đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo để cân đối giữa xuất khẩu và tiêu dùng trong nước, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia; hướng dẫn giá xuất khẩu gạo, hạn chế tình trạng cạnh tranh bán phá giá; điều phối các doanh nghiệp mua lúa tạm trữ, bảo đảm lợi ích người trồng lúa; đề xuất các giải pháp giúp Chính phủ xây dựng và từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm nâng cao hiệu quả xuất khẩu gạo, tiêu thụ lúa gạo hàng hóa với giá có lợi cho người trồng lúa; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến và thông tin thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu…

Trong 5 năm (2006-2010), cả nước đã xuất khẩu 26,69 triệu tấn gạo (riêng năm 2010 xuất khẩu hơn 6,7 triệu tấn), đạt giá trị 10, 57 tỉ USD, với mức giá xuất khẩu bình quân gần 396 USD/tấn. Lượng gạo xuất khẩu đã tăng gần 34% và giá trị xuất khẩu tăng hơn 165% so với giai đoạn 2001- 2005. Chất lượng gạo và hiệu quả xuất khẩu gạo của Việt Nam ngày càng được nâng cao, mặt bằng giá xuất khẩu tăng, thu hẹp khoảng cách với giá gạo tiêu chuẩn trên thị trường thế giới, nhất là với Thái Lan - nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Nhìn chung, trong 5 năm qua, số lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam ngày càng tăng, tạo điều kiện tiêu thụ lúa gạo hàng hóa của nông dân kịp thời với giá ổn định.

Tuy nhiên, theo đánh giá của VFA, hoạt động trong nhiệm kỳ qua vẫn còn một số tồn tại. Đó là: Công tác điều phối xuất khẩu gạo đôi lúc còn chủ quan, bị động, một số biện pháp thực hiện mang tính tình thế làm ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh; việc tạm hoãn đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo vào tháng 4-2008 (lúc giá thị trường tăng vọt) và vào tháng 2-2009 (khi số lượng đăng ký hợp đồng xuất khẩu vượt mức kế hoạch) tuy cần thiết nhưng do bị động, thiếu chuẩn bị đã tạo ra dư luận không tốt; VFA chưa có chế tài hiệu quả với các trường hợp vi phạm nhằm bảo đảm công bằng trong việc thực hiện quy chế và hướng dẫn điều phối xuất khẩu gạo; việc công bố giá đôi lúc còn chủ quan, chưa phản ánh đúng thực tế thị trường.

Phát biểu chỉ đạo Đại hội, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bùi Bá Bổng hoan nghênh những thành tích mà VFA đã đạt được trong nhiệm kỳ VI vừa qua và đề nghị trong thời gian tới VFA cần chú trọng thực hiện tốt 4 yêu cầu: thứ nhất, trong mọi hoạt động phải đặt quyền lợi quốc gia lên hàng đầu; thứ hai, cần chú trọng việc bảo đảm an ninh lương thực quốc gia với việc nâng cao lợi ích của người trồng lúa; thứ ba, gắn kết chặt chẽ hơn với nông dân, với vùng nguyên liệu để nâng cao giá trị hạt gạo Việt Nam trên thị trường; thứ tư, hoạt động của VFA phải mang tính hiện đại, dân chủ, tăng cường chia sẻ thông tin, bảo đảm tính công khai, minh bạch.

Phát biểu chỉ đạo về nhiệm vụ của VFA trong nhiệm kỳ tới, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đề nghị: VFA cần tăng cường hướng dẫn, giúp đỡ các doanh nghiệp thành viên thực hiện tốt các chủ trương của Nhà nước về sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu, xây dựng thương hiệu… để nâng cao giá trị lúa gạo Việt Nam trên thế giới; bám sát và dự báo kịp thời tình hình thị trường lúa gạo để trở thành người tư vấn, định hướng đáng tin cậy cho doanh nghiệp và người trồng lúa; cung cấp thông tin thường xuyên giúp Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương có những quyết sách đúng đắn về sản xuất, kinh doanh lúa gạo.

Đại hội đã nhất trí thông qua phương hướng và nhiệm vụ của VFA trong nhiệm kỳ 2011-2015 là:

- Thực hiện nghiêm và có hiệu quả các nhiệm vụ của Hiệp hội về kinh doanh xuất khẩu gạo.

- Tăng cường đóng góp ý kiến cho Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương trong việc xây dựng cơ chế, chính sách về sản xuất, tiêu thụ lúa gạo.

- Làm tốt việc định hướng thị trường và điều phối xuất khẩu gạo đạt hiệu quả cao nhất; gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ, tăng cường các biện pháp tổ chức thị trường để tiêu thụ lúa gạo kịp thời, bảo đảm giá lúa ổn định, góp phần tăng thu nhập cho người trồng lúa.

- Phối hợp với các doanh nghiệp, địa phương đa dạng hóa sản phẩm gạo để đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường, trong đó đẩy mạnh sản xuất gạo thơm và đầu tư chế biến gạo đồ.

- Tăng cường các biện pháp quản lý và điều hành xuất khẩu gạo linh hoạt, chống bán phá giá, bảo đảm nâng cao hiệu quả xuất khẩu gạo.

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành khóa VII (nhiệm kỳ 2011- 2015) gồm 25 thành viên. Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA nhiệm kỳ VI tái đắc cử chức Chủ tịch VFA nhiệm kỳ VII./.