Xi-ri – Chính biến trong cục diện khác

Quách Quỳnh
22:14, ngày 02-05-2011

TCCSĐT - Trong thời gian vừa qua, làn sóng chính biến ở Bắc Phi và Trung Đông đã tràn sang cả Xi-ri. Nhìn bề ngoài, diễn biến ở đây đã và đang xảy ra không khác gì nhiều như đã từng xảy ra ở Tuy-ni-di, Ai Cập, Li-bi hay Ba-ranh. Chính biến này là thách thức lớn nhất đối với quyền lực của Tổng thống Assad kể từ khi kế nhiệm người cha và cả trong suốt mấy chục năm cầm quyền trước đó của người cha cũng chưa lần nào xảy ra biến động chính trị xã hội dữ dội và quyết liệt đến như vậy. Tuy nhiên, chính biến này sẽ đưa đất nước đến đâu lại là câu hỏi mà cả trong vẫn ngoài Xi-ri hiện chưa thể trả lời được, bởi đơn giản Xi-ri không giống như những nơi khác kể trên kia, cả trên phương diện cục diện chính trị nội bộ trong nước lẫn trong khía cạnh phản ứng từ bên ngoài.

Xi-ri không có dầu lửa như Li-bi và cả hai cha con ông Assad đều không có mối quan hệ cá nhân gắn bó với Mỹ và phương Tây như hai nhà lãnh đạo đã bị mất hết chức quyền ở Tuy-ni-di và Ai Cập là ông Ben A-li và ông Hô-xni Mu-ba-răc. Xi-ri cũng không phải là đồng minh chiến lược của Mỹ và phương Tây ở khu vực như I-xra-en, A-rập Xê-út hay Ba-ranh. Nhưng Xi-ri lại có vị thế trong bàn cờ chiến lược chung ở cả khu vực này mà tất cả các nước kia đều không có. Xi-ri còn vướng mắc với I-xra-en về chuyện I-xra-en chiếm đóng cao nguyên Golan và có ảnh hưởng không nhỏ tới lực lượng Hizbollah ở Li-băng cũng như phần nào tới nhóm phái Hamas ở Pa-le-xtin vốn bị I-xra-en coi là kẻ thù và Mỹ coi là tổ chức khủng bố. Xi-ri có quan hệ gắn bó với I-ran và Thổ Nhĩ Kỳ không thể không lo ngại về Xi-ri trong vấn đề người Cuốc đấu tranh giành độc lập. Xi-ri liên minh hay liên kết với ai đều làm thay đổi đáng kể cán cân lực lượng về chính trị và quân sự an ninh ở cả khu vực, đặc biệt là đều có ảnh hưởng sâu sắc tới diễn biến tình hình chính trị nội bộ và an ninh ở I-xra-en , I-rắc, Li-băng cũng như đều liên quan đến sự trỗi dậy của I-ran.

Mỹ, NATO và những đồng minh chiến lược của họ ở khu vực hiện rất ngần ngại với việc tiến hành chiến tranh ở Xi-ri như đã và đang làm ở Li-bi chính bởi lý do đó. Họ rất muốn có thể chế quyền lực mới ở Xi-ri thân thiện với họ hơn, giúp họ đối đầu hiệu quả hơn với I-ran và Hizbollah ở Li-băng cũng như Hamas ở Pa-le-xtin. Họ không thể hậu thuẫn phe chống đối ở Xi-ri như đã và đang tiếp tục làm ở Ai Cập hay Li-bi vì lực lượng này ở Xi-ri không những không mạnh mà còn không có tổ chức bằng. Càng gây áp lực mạnh với Xi-ri bằng các biện pháp quân sự hay chiến tranh thì nguy cơ lợi bất cập hại đối với họ càng lớn. Duy trì thực trạng hiện tại ở Xi-ri để dần chuyển biến chính trị ở đó là cái ít xấu hơn cả đối với họ trong số tất cả các kịch bản có thể xảy ra. Hơn nữa, Nga và Trung Quốc chắc chắn sẽ không để có bất cứ nghị quyết nào nữa trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc để Mỹ và NATO có thể tận dụng và lợi dụng như Nghị quyết số 1973 về Li-bi. Tới đây chưa biết thế nào, nhưng hiện tại thì cả Mỹ lẫn EU và các đồng minh của họ ở khu vực đều trong tình thế khó xử đối với Xi-ri. Họ sẽ tiếp tục gia tăng áp lực về chính trị và ngoại giao đối với Xi-ri, nhưng chưa sớm dám tiến hành chiến tranh ở Xi-ri./.