Thách thức không dễ dàng
TCCSĐT – Ngày 29-8-2011, Bộ trưởng Tài chính Y-ô-si-hi-cô Nô-đa (Yosshihiko Noda) đã giành chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu của Đảng Dân chủ (DPJ) cầm quyền ở Nhật Bản và trở thành Chủ tịch Đảng Dân chủ (DPJ). Điều này cũng có nghĩa là ông Y. Nô-đa chắc chắn sẽ trở thành Thủ tướng Nhật Bản thay ông Na-ô-tô Can (Naoto Kan), vừa từ chức tuần qua. Chiến thắng này cũng đem đến cho ông Y. Nô-đa một thách thức không dễ dàng trong công cuộc lãnh đạo nước Nhật vượt qua cuộc khủng hoảng.
Kết thúc 1 năm đầy sóng gió trong nhiệm kỳ của Thủ tướng Na-ô-tô Can
Ngày 26-8-2011, Thủ tướng Nhật Bản Na-ô-tô Can (Naoto Kan) đã tuyên bố từ chức, mở đường cuộc đua tới chiếc ghế “nóng” cho các ứng cử viên tiềm năng của Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) cầm quyền, đúng như cam kết cách đây hơn hai tháng của ông rằng sẽ từ chức sau khi đạt được những tiến bộ rõ ràng trong việc xử lý sự cố hạt nhân tại Nhà máy điện Phư-cư-si-ma số 1 và tái thiết các khu vực bị tàn phá bởi thảm họa động đất, sóng thần ngày 11-3. Đây là vị thủ tướng thứ 5 của Nhật Bản từ chức trong 5 năm qua. Tuyên bố chính thức của ông Na-ô-tô Can được đưa ra sau khi Quốc hội thông qua 3 dự luật do Chính phủ đệ trình. Đó là Dự thảo Ngân sách bổ sung lần thứ 2 trong tài khóa 2011; Dự Luật phát hành trái phiếu chính phủ để bù đắp thâm hụt ngân sách; và Dự Luật về thúc đẩy việc sử dụng các nguồn năng lượng tái sinh.
Tuyên bố từ chức của Thủ tướng Nhật Bản Na-ô-tô Can không phải là điều bất ngờ khi sự kiện này được thông báo từ trước. Trong bối cảnh Chính phủ của ông Na-ô-tô Can vấp phải những lời chỉ trích về cách điều hành đất nước trong thời gian gần đây vì chỉ đạo sai lầm trong khắc phục thảm họa kép động đất - sóng thần hồi tháng 3, gây ra cuộc khủng hoảng hạt nhân tồi tệ ở Phư-cư-si-ma số 1, Chính phủ của ông Na-ô-tô Can còn phải đối mặt với sự tranh giành quyền lực trong nội bộ Đảng DPJ và sự chia rẽ tại Quốc hội, khi Đảng Dân chủ Tự do đối lập (LDP) đã không thông qua nhiều dự luật. Kết quả thăm dò dư luận mới nhất của hãng tin Ky-ô-đô cho thấy, tỷ lệ ủng hộ nội các của ông Na-ô-tô Can đã rớt không phanh từ 66% tại thời điểm ông nhậm chức xuống còn 15,8% khi ông ra đi. Tuy nhiên thực tế đã chứng minh vai trò quan trọng của Thủ tướng Na-ô-tô Can trong một thời kỳ đầy khó khăn khi đất nước Nhật Bản phải đối mặt với những thách thức chưa từng có.
Dưới góc nhìn của các chuyên gia, những gì ông Na-ô-tô Can làm được để đưa nước Nhật vượt qua được thảm họa động đất và sóng thần là một thành tựu đáng tự hào. Theo Báo cáo của Nội các Nhật Bản ngày 15-8 cho biết, trong quý II/2011, tính từ tháng 4 đến tháng 6, chỉ số tăng trưởng kinh tế Nhật Bản giảm 0,3% so với quý I/2011, và giảm 1,3% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá tiêu dùng giảm 0,1%, trong khi xuất khẩu giảm 4,9% so với quý I/2011. Đây cũng là mức sụt giảm xuất khẩu lớn nhất của Nhật Bản trong hơn 2 năm qua, trong đó nguyên nhân lớn nhất được cho là do đồng yên tăng mạnh, sản xuất công nghiệp nội địa suy giảm do ảnh hưởng từ thảm họa kép động đất, sóng thần, cộng với việc kinh tế các nước khác cũng có mức tăng trưởng chậm.
Cho dù vậy, các chuyên gia kinh tế vẫn đánh giá bất chấp đà suy thoái trên, các chỉ số khác của Nhật Bản như công nghiệp phụ trợ, hoạt động tái thiết thảm họa động đất tại các vùng bị ảnh hưởng, đã bắt đầu có những dấu hiệu phục hồi ở nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này. Chuyên gia kinh tế của Viện nghiên cứu NLI (Nhật Bản) nhận định, kinh tế Nhật Bản có khả năng sẽ phục hồi mạnh mẽ vào quý tới. Ông Na-ô-tô Can, 64 tuổi, nhậm chức Thủ tướng Nhật Bản ngày 4-6-2010, thay thế ông Ha-tô-y-a-ma (Hatoyamang). Trong thời gian cầm quyền, ông Na-ô-tô Can đã được dư luận đánh giá cao khi tập trung ưu tiên tái thiết nền kinh tế trì trệ trong suốt nhiều năm qua.
Mở ra một nhiệm kỳ đầy thách thức đối với tân Thủ tướng Y-ô-si-hi-cô Nô-đa
Cuộc bỏ phiếu bầu cử thủ tướng Nhật Bản lần này diễn ra đầy gay cấn, khi lần bỏ phiếu thứ nhất cả 5 ứng cử viên của chức vụ này đều không dành đủ phiếu bầu để trở thành người thắng cuộc. Bộ trưởng Tài chính Y-ô-si-hi-cô Nô-đa là người thắng cuộc khi ở vòng 2, ông nhận được 215 phiếu ủng hộ trên tổng số 392 phiếu hợp lệ, trong khi đối thủ của ông - Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Ban-ri Cai-ê-đa (Banri Kaieda) - chỉ được 177 phiếu ủng hộ.
Thách thức đối với Chính phủ mới của ông Y. Nô-đa là sẽ phải gánh vác những nhiệm vụ khổng lồ, bao gồm việc tái thiết đất nước sau thảm họa “kép” hôm 11-3; việc đồng yên tăng giá, và mới đây nhất là việc Nhật Bản bị hãng đánh giá tín nhiệm tín dụng Moody's hạ mức tín nhiệm từ AA3 xuống còn AA2. Moody's cho biết, quyết định hạ mức tín nhiệm của Nhật Bản là do khoản thâm hụt ngân sách khổng lồ và khoản nợ công ngày một gia tăng của Chính phủ Nhật Bản kể từ cuộc suy thoái toàn cầu năm 2009.
Lời phát biểu đầu tiên của ông Y. Nô-đa cũng là lời cam kết khi gánh vác trách nhiệm nặng nề này. “Tất cả chúng ta phải cùng nhau thể hiện những nỗ lực vượt bậc. Tôi muốn lãnh trách nhiệm đó với mục đích làm cho người dân Nhật Bản thấy rằng, sự thay đổi của Đảng Dân chủ là đáng giá”.
Theo ông Rô-bớt Phen-man (Robert Feldman), Trưởng Nhóm nghiên cứu chính sách của Morgan Standley, điều quan trọng hiện nay đối với Đảng Dân chủ (DPJ) là sự tin tưởng của người dân đối với vị thủ tướng mới được bầu một cách rộng rãi. Điều đó sẽ giúp tân Thủ tướng Nhật Bản thúc đẩy rộng rãi các chính sách của mình. Các nhà phân tích cho rằng, sự thay đổi nhanh chóng của vị trí thủ tướng Nhật Bản đã cản trở nước này đối phó với các vấn đề nghiêm trọng hiện nay. Và ông Y. Nô-đa người sắp trở thành tân Thủ tướng của đất nước mặt trời mọc sẽ phải nỗ lực rất nhiều để có một nhiệm kỳ bền vững.
Ông Y. Nô-đa sẽ là thủ tướng thứ ba trong vòng 2 năm qua hoặc sẽ là thủ tướng thứ sáu trong vòng 5 năm của Nhật Bản. Trong bối cảnh chính trường vẫn còn rất nhiều biến động, chiếc ghế thủ tướng luôn luôn là chiếc ghế nóng. Danh sách các thách thức của tân Thủ tướng Nhật Bản còn kéo dài với việc giải quyết vấn đề hạt nhân, tái thiết sau sóng thần và động đất, đối phó với đồng yên tăng giá và giảm phát. Năm vị thủ tướng trước của Nhật Bản đã phải trật vật thực thi những chính sách của mình ở quốc hội, nơi mà đảng đối lập có thể phản đối các dự luật. Ông Y. Nô-đa sẽ phải làm thế nào để vượt qua được những thách thức đó?./.
Họp báo công bố kết quả kiểm toán năm 2010 về niên độ ngân sách năm 2009  (30/08/2011)
Thư của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gửi ngành Giáo dục nhân dịp khai giảng năm học mới  (30/08/2011)
Không kỳ thị, phân biệt đối xử với người được đặc xá  (30/08/2011)
Đối thoại chiến lược quốc phòng an ninh Việt - Trung lần thứ 2  (30/08/2011)
Thi đua thực hiện thành công các mục tiêu kinh tế - xã hội  (30/08/2011)
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam