Ngày 30-8-2011, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam tổ chức họp báo công bố Báo cáo kiểm toán 2010 về niên độ ngân sách năm 2009.

Theo công bố, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã tiến hành kiểm toán báo cáo quyết toán của 16 bộ, cơ quan trung ương; 32 tỉnh, thành phố; 28 dự án đầu tư; 4 chương trình thực hiện mục tiêu, dự án quốc gia; 4 chuyên đề; 28 tập đoàn, tổng công ty và các tổ chức tài chính ngân hàng; 17 đơn vị thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh; tỉnh ủy 10 tỉnh...

Một số kết quả, vấn đề nổi bật là:

Tăng thu,  giảm chi

Năm 2010, KTNN thực hiện kiểm toán đối với niên độ ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2009 tại 131 đầu mối, từ đó đã kiến nghị xử lý tài chính hơn 17.095 tỉ đồng. Trong đó, các khoản tăng thu là 4.904,4 tỉ đồng; giảm chi 2.462,7 tỉ đồng; nợ đọng phát hiện tăng thêm là 697,7 tỉ đồng; các khoản phải nộp, hoàn trả và quản lý qua NSNN là 7.962,2 tỉ đồng; xử lý khác là 1.068 tỉ đồng.

Mặc dù trong điều kiện nền kinh tế suy giảm, phải thực hiện chính sách miễn, giảm, giãn nộp thuế để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, nhưng thu ngân sách vẫn vượt dự toán 16,6%. Các khoản vay, viện trợ đã được tổ chức, quản lý hợp lý hơn; thu huy động vốn trái phiếu chính phủ được thực hiện trên nguyên tắc huy động theo tiến độ giải ngân, sử dụng linh hoạt nguồn huy động để tránh đọng vốn.

Công tác quản lý và điều hành chi ngân sách đã có những chuyển biến, chi NSNN tuy vượt dự toán nhưng chủ yếu là chi cho đầu tư phát triển (vượt 60,7%), chi trả nợ để giảm trả lãi vay, thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Phần lớn các đơn vị đã sử dụng ngân sách đúng quy định; các khoản chi không đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức giảm so với năm trước; tình trạng chi sai đối tượng, nội dung của các chương trình mục tiêu đã có chuyển biến, các sai phạm dần được khắc phục, phân bổ vốn cơ bản đúng định mức, đối tượng, nội dung của chương trình và kịp thời hơn, hạn chế chi chuyển nguồn. Số chi chuyển nguồn sai quy định đã giảm nhiều so với năm 2008.

Tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi của các phóng viên về kết quả của cuộc kiểm toán quỹ bình ổn xăng, dầu, ông Lê Minh Khái – Phó Tổng kiểm toán nhà nước cho biết: Hiện đơn vị này đang tiến hành kiểm toán về quỹ bình ổn tại 10 doanh nghiệp kinh doanh đầu mối xăng, dầu, nhưng chưa có kết quả cuối cùng. Theo kế hoạch, năm 2011 Tổng kiểm toán Nhà nước sẽ tiến hành 2 đợt kiểm toán tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) – đợt 1, được kiểm toán từ tháng 4-2011 và đợt 2 sẽ kiểm toán Quỹ bình ổn xăng dầu. Đến thời điểm này, đợt 1 đã hoàn tất nhưng đang trong giai đoạn xử lý, nên chưa công bố phát hành báo cáo cuối cùng. Riêng đợt 2, tức kiểm toán quỹ bình ổn giá xăng dầu thì đang trong giai đoạn thu thập số liệu nên cũng chưa có kết quả cuối cùng.

Kết quả kiểm toán tại các bộ, ngành và địa phương về chi ngân sách nhà nước cũng cho thấy: việc điều hành kế hoạch vốn còn bị điều chỉnh, bổ sung nhiều lần; kinh phí không giao hết ngay từ đầu năm; bố trí vốn cho các dự án còn dàn trải, chưa phù hợp với thời gian, tiến độ theo quyết định đầu tư, chưa ưu tiên bố trí vốn thanh toán nợ đọng; một số tỉnh điều chuyển vốn chương trình mục tiêu quốc gia không đúng mục tiêu, đối tượng; bố trí vốn cho các dự án ngoài kế hoạch không được hội đồng nhân dân phê duyệt...

Về chi thường xuyên, một số bộ, ngành khi lập và giao dự toán chưa khắc phục những thiếu sót từ năm trước như: lập dự toán chậm, dự toán một số nhiệm vụ thiếu cơ sở (không tập hợp đầy đủ từ dự toán của các đơn vị trực thuộc), thiếu thuyết minh...; giao dự toán cho một số đơn vị còn chậm, không giao hết kinh phí ngay từ đầu năm; một số khoản chi được lập và giao dự toán chưa sát yêu cầu nhiệm vụ nên khi thực hiện phải hủy dự toán, hoàn trả ngân sách hoặc chuyển nguồn sang năm sau.

25/27 tập đoàn, tổng công ty nhà nước có lãi

Trong năm 2009, KTNN đã thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính của 27 doanh nghiệp nhà nước (24 tập đoàn, tổng công ty và 3 công ty nhà nước độc lập).  Kết quả cho thấy, có 25/27 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có lãi, bảo toàn và phát triển vốn. Tổng lợi nhuận trước thuế 48.461 tỉ đồng, tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên tổng doanh thu, thu nhập bình quân đạt 15,98%, trên vốn đầu tư chủ sở hữu bình quân đạt 25,13%.

Trong đó, kết quả sản xuất kinh doanh của nhiều tập đoàn, tổng công ty tiếp tục tăng trưởng so với năm 2008, như: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (lợi nhuận trước thuế là 34.314 tỉ đồng, tăng 4,18%;), Tập đoàn Dệt may Việt Nam (768,7 tỉ đồng, tăng 78,5%), Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn (428,7 tỉ đồng, tăng 28,79 %) ..., nên giữ được vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế hoặc nhiều rủi ro tiềm ẩn khiến các tập đoàn, tổng công ty chưa phát huy được hết vai trò đầu tầu của nền kinh tế, hoạt động với hiệu quả chưa cao, “đe dọa” đến việc bảo toàn vốn.

Đối với công tác quản lý tài chính, kế toán năm 2009, về cơ bản, các doanh nghiệp tuân thủ quy định của Nhà nước. Tổng nợ phải thu của 27 doanh nghiệp là 88.065 tỉ đồng, tỷ lệ trên tổng tài sản là 14,23%, trên vốn chủ sở hữu là 26,93%. Các doanh nghiệp đã theo dõi theo quy định, nhưng tại nhiều đơn vị việc đối chiếu, xác nhận nợ chưa đầy đủ; chưa rà soát phân loại nợ để có biện pháp thu hồi kịp thời, dẫn đến nhiều khoản nợ khó đòi, tồn đọng nhiều năm chưa được xử lý dứt điểm. Về chấp hành nghĩa vụ với NSNN, việc hạch toán, kê khai thuế và các khoản phải nộp NSNN đã được các doanh nghiệp thực hiện theo quy định./.