Sau 30 năm phát triển quan hệ với Việt Nam, vai trò của Tổ chức Nông Lương của Liên hợp quốc (FAO) đang tiến tới quan hệ đối tác để cùng Việt Nam phát triển bền vững, thay vì vai trò là nhà “viện trợ” và “hỗ trợ” như trước đây.

Cùng với nhận định này, phát biểu nhân dịp kỷ niệm 30 năm quan hệ Việt Nam - FAO, Trưởng đại diện FAO tại Việt Nam Andrew Speedy cho rằng, sự thay đổi đó là nhờ những thành tựu trong phát triển nông nghiệp của Việt Nam, đặc biệt là sự vươn lên tự chủ về lương thực.

Theo đánh giá của FAO, Việt Nam hiện nay có thể được mô tả như một quốc gia đi đầu trên thế giới về công nghệ sản xuất lúa gạo, nuôi trồng, chế biến thủy sản và nhiều nông sản khác như cà phê, hạt tiêu, cao su cũng như sản xuất đồ gỗ. Không những thế, Việt Nam còn có thể cử chuyên gia sang các quốc gia kém phát triển hơn ở châu Phi để hỗ trợ về sản xuất lương thực.

“Vì điều đó, các hoạt động hỗ trợ của FAO đã chuyển từ việc cung cấp dựa trên nguồn cung sang việc cung cấp theo nhu cầu nhằm bổ sung cho năng lực kỹ thuật ngày càng được cải thiện của Việt Nam”, ông Andrew Speedy nói.

Giai đoạn đầu, từ năm 1978 đến năm 1990, những hỗ trợ của FAO ưu tiên khôi phục phát triển và giúp chính phủ Việt Nam xây dựng lại các thể chế. Từ năm 1990, FAO mở rộng phạm vi hoạt động sang tư vấn chính sách, chủ yếu là quy hoạch và chiến lược, nhằm giúp nền nông nghiệp Việt Nam đương đầu với những thách thức và tận dụng các cơ hội từ môi trường kinh tế thị trường mới.

Đến nay, FAO đã tham gia thực hiện hơn 400 dự án thuộc các lĩnh vực phát triển nông nghiệp bền vững, an ninh lương thực tại Việt Nam. Trong đó, chương trình quản lý sâu bệnh tổng hợp (IPM) triển khai từ năm 1992 đến năm 2007 được coi là dự án hiệu quả nhất, được triển khai ở tất cả các tỉnh, thành phố và có hơn 90% số xã đã được hưởng lợi từ chương trình.

Về phía Việt Nam, Viện trưởng Viện chính sách Nông nghiệp Đặng Kim Sơn cho biết một chiến lược và hệ thống chính sách mới cũng đang được xây dựng cho phù hợp với bối cảnh mới, theo hướng gắn kết cơ cấu sản xuất với khâu chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm.

“Với cam kết của Chính phủ về việc tăng đầu tư công cho nông nghiệp, nền nông nghiệp Việt Nam sẽ đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của xã hội, tăng thu nhập cư dân nông thôn, góp phần ổn định giá nông sản và đóng góp vào an ninh lương thực thế giới” ông Sơn nói “công tác cải cách thể chế được ưu tiên hàng đầu để đạt mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững”.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, 10 năm qua, thu nhập bình quân đầu người ở nông thông đã tăng 2,7 lần; vốn tích lũy của hộ gia đình nông thôn năm 2006 tăng hơn 2 lần so với năm 2001; tỷ lệ hộ nghèo cũng giảm đáng kể.

Tuy vậy, FAO cũng chỉ ra nguy cơ lớn nhất của Việt Nam trong việc đảm bảo an ninh lương thực hiện nay là quỹ đất nông nghiệp đang giảm dần theo từng năm. Mặc dù không phải đối mặt với việc thiếu hụt lương thực và sản lương nông nghiệp Việt Nam hiện đang rất tốt nhưng giá lương thực tăng lại làm gia tăng khả năng tổn thương trong những nhóm dân và một số vùng cụ thể, nhất là những vùng có tỷ lệ hộ nghèo, thiếu dinh dưỡng cao và những vùng chịu nhiều tác động của thiên tai và mất mùa.

Trong bối cảnh này, hợp tác Việt Nam-FAO thời gian tới sẽ hướng trọng tâm vào việc đảm bảo an ninh lương thực cho tất cả mọi người, phát triển nông-lâm nghiệp bền vững và thích ứng tốt với những biến đổi khí hậu.

Trưởng đại diện FAO tại Việt Nam Andrew Speedy cũng cho biết giá lương thực, khả năng tổn thương và an ninh lương thực ở Việt Nam cũng là một chủ đề được bàn thảo trong Hội nghị Bộ trưởng Nông nghiệp ASEAN diễn ra đầu tuần tới tại Hà Nội./.