Báo cáo do Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) công bố ngày 15-10 cho thấy các hoạt động kinh tế của Mỹ suy giảm trong tháng 9-2008 trên toàn liên bang trong khi giới doanh nghiệp tỏ ra "bi quan hơn" về triển vọng của nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Cùng lúc đó, các quan chức chính phủ cũng thừa nhận rằng kinh tế Mỹ đang phải đối mặt với thời kỳ khó khăn song hy vọng kế hoạch giải cứu ngân hàng có thể giúp khởi động lại thị trường tín dụng và tránh một cuộc suy thoái kéo dài.

Phát biểu trên kênh truyền hình ABC ngày 15-10, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Hen-ri Pao-xơn (Henry Paulson) - tác giả của kế hoạch cứu nguy tài chính trị giá 700 tỉ USD - tuyên bố, nước Mỹ sẽ phải đối mặt với một số thách thức trong những tháng tới và sẽ mất không ít thời gian để vượt qua khó khăn này.

Ông Pao-xơn thừa nhận có những trở ngại và thách thức mà nước Mỹ đã, đang và sẽ phải vượt qua, song hy vọng với kế hoạch giải cứu ngân hàng trị giá 700 tỉ USD được Quốc hội thông qua đầu tháng 10, nước Mỹ "có những công cụ cần thiết để vực dậy nền kinh tế".

Theo báo cáo trên, các hoạt động kinh tế ở Mỹ đồng loạt suy giảm trong tháng Chín trên tất cả các lĩnh vực. Báo cáo công bố hàng tháng này của FED cho biết doanh thu của khu vực bán lẻ, ngành chế tạo ôtô và du lịch đều sụt giảm do người tiêu dùng hạn chế chi tiêu. Các chỉ số kinh tế công bố cho thấy doanh số bán lẻ giảm 1,2% trong tháng 9, gấp 2 lần so với dự kiến. Đây được cho là một dấu hiệu "hụt hơi" của người tiêu dùng, nhân tố chính của nền kinh tế Mỹ.

Các chỉ số khác cũng đã vượt qua ngưỡng báo động, nhất là chỉ số hoạt động công nghiệp trên thị trường chứng khoán Niu Oóc trong tháng 10 đã giảm xuống mức thấp nhất trong lịch sử. Hơn nữa, nhiều doanh nghiệp lớn như Tập đoàn chế tạo ô-tô Daimler và Hãng Pepsico đã thông báo kế hoạch cơ cấu lại, trong đó có việc cắt giảm nhân công ở khu vực Bắc Mỹ.

Phố Uôn bị giáng một đòn mạnh, chỉ số công nghiệp chủ chốt Dow Jones đã mất tới 7,87% điểm, mức sụt giảm mạnh nhất kể từ cú sốc tháng 10-1987, thị trường lo ngại trước những tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính bắt đầu từ một năm trước, song chỉ lên cơn "kịch phát" từ giữa tháng 9 sau vụ phá sản của Lehman Brothers.

Tuy nhiên, bức tranh kinh tế Mỹ không chỉ toàn một màu xám xịt. Vẫn có một vài điểm sáng xuất hiện ở "mảng" nông nghiệp và tài nguyên thiên nhiên, bất chấp những cơn bão nhiệt đới gây thiệt hại khá lớn cho một số bang ở Mỹ. Một điểm tích cực khác là lạm phát vẫn được kiềm chế ở mức vừa phải trong bối cảnh các chỉ số kinh tế suy giảm và thị trường tài chính chao đảo./.