Hôm nay, 11-10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn tất 7 nội dung chủ yếu của phiên họp thứ 13 - phiên họp “tổng rà soát” lại các nội dung chuẩn bị cho kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XII (được bắt đầu từ ngày 6-10-2008).

1. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc tiếp tục chuẩn bị cho kỳ họp thứ tư

Trên cơ sở đề nghị của Văn phòng Quốc hội và xem xét, dự kiến nội dung, chương trình kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí bổ sung vào chương trình kỳ họp nội dung trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Điều 126 Luật nhà ở và báo cáo Quốc hội về bản Hiến chương ASEAN (đã được Thủ tướng Chính phủ ký và Chủ tịch nước phê chuẩn). Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã tập trung cho ý kiến về cách thức tiến hành phiên họp tại hội trường, việc chia tổ thảo luận; thời gian chất vấn và trả lời chất vấn; việc tiếp tục gửi tài liệu kỳ họp tới các vị đại biểu Quốc hội…

Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Văn phòng Quốc hội phối hợp với Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và các cơ quan hữu quan tiếp tục rà soát các nội dung, tiếp tục cải tiến, nâng cao hiệu quả công tác phục vụ kỳ họp.

2. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe các thành viên chính phủ báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2008; phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2009

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy rằng, việc chuẩn bị các báo cáo của Chính phủ, các cơ quan Chính phủ và các báo cáo thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội về các vấn đề trên đã cơ bản bảo đảm được các nội dung; các cơ quan hữu quan cần tiếp thu các ý kiến tại phiên họp này, bổ sung, hoàn thiện để báo cáo Quốc hội.

3. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung Điều 126 Luật Nhà ở; Luật Đăng ký bất động sản; Luật Đăng ký giao dịch bảo đảm; dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2009 và việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Cán bộ, công chức

- Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 126 Luật nhà ở: Luật Nhà ở được Quốc hội thông qua năm 2005 đã đi vào cuộc sống và đạt được những kết quả nhất định, trong đó có quy định về quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam của người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Tuy nhiên, Luật hiện hành vẫn chưa khuyến khích được mạnh mẽ nhiều người thuộc đối tượng trên. Để hoàn thiện các nội dung của Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành việc sửa đổi, bổ sung Điều 126 theo hướng quy định cụ thể các đối tượng là người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam; các loại giấy tờ cần thiết nhằm tạo cơ sở pháp lý cho các địa phương triển khai thực hiện.

- Về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2009: Nội dung này đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 12 (9-2008). Trên cơ sở Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban pháp luật, đề nghị của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban khác của Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan; căn cứ vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và yêu cầu đặt ra đối với công tác xây dựng pháp luật năm 2009, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành nội dung Chương trình theo định hướng: chú trọng xây dựng và ban hành các đạo luật bảo đảm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; bảo đảm an sinh xã hội; hoàn thiện tổ chức bộ máy nhà nước; bảo vệ các quyền tự do dân chủ của nhân dân. Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhấn mạnh việc tập trung ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung các luật, pháp lệnh phục vụ yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế; ưu tiên các dự án thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2008 chưa được thông qua, một số dự án có yêu cầu bức xúc được cơ quan, tổ chức đề nghị đưa vào Chương trình và đã có thuyết minh sáng rõ về mỗi dự án.

4. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2009

Dự kiến Chương trình giám sát sẽ tập trung vào những vấn đề quan trọng thuộc các lĩnh vực kinh tế, xã hội, khoa học, công nghệ, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, đảm bảo sự cân đối giữa các lĩnh vực đã được giám sát ở những năm trước.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lựa chọn chuyên đề đưa vào Chương trình giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2009; đồng thời, đề nghị Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và Văn phòng Quốc hội chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp với các cơ quan hữu quan, các Đoàn đại biểu Quốc hội để điều hoà phối hợp hoạt động giám sát; nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả của hoạt động này.

5. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Đề án thực hiện thí điểm việc không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường và nhân dân trực tiếp bầu Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã

Từ khi được thành lập đến nay, bộ máy nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở từng thời kỳ đều được nghiên cứu cải tiến, sắp xếp, tổ chức lại để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện việc xây dựng và hoàn hiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Trong điều kiện hiện nay, việc đổi mới, đẩy mạnh cải cách hành chính, tổ chức hợp lý chính quyền địa phương là một yêu cầu cấp bách. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tập trung cho ý kiến về chủ trương thực hiện thí điểm Đề án này nhằm có thêm kinh nghiệm thực tiễn về việc tổ chức bộ máy chính quyền địa phương; khắc phục sự trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ của chính quyền các cấp; góp phần làm tinh gọn và nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quá trình hoạt động.

6. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về công tác phòng, chống tham nhũng và công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

- Về công tác phòng, chống tham nhũng: Trong gần một năm qua, công tác phòng, chống tham nhũng tiếp tục được xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đã tích cực tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng; xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách; kiện toàn tổ chức và công khai, minh bạch hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; phát động toàn xã hội tích cực tham gia công tác này…do đó đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, việc tổ chức triển khai thực hiện còn gặp không ít khó khăn, kết quả còn hạn chế; bộ máy chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng ở một số địa phương hiệu quả hoạt động chưa cao…

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ nhanh chóng hoàn thiện thể chế, đẩy nhanh tiến độ xây dựng và hoàn thiện các quy định về thực hiện phòng, chống tham nhũng; chỉ đạo rà soát các vụ việc tham nhũng gây thất thoát lớn và xử lý nghiêm minh đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu tăng cường hơn nữa công tác giám sát của các cơ quan Quốc hội, đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội theo hướng làm rõ trách nhiệm cụ thể của đối tượng bị giám sát.

- Về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí: Trong bối cảnh năm 2008 lạm phát ở mức cao và có nhiều diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tới phát triển bền vững của đất nước và đời sống nhân dân, Chính phủ đã nỗ lực chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện các biện pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí gắn với việc triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước. Vì vậy, công tác này đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Chính sách tiết kiệm trong chi tiêu được các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân tích cực hưởng ứng. Việc quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, nhà ở công vụ, các công trình công cộng dần dần vào đúng mục đích, theo tiêu chuẩn quy định. Công tác quản lý đất đai, tài nguyên thiên nhiên được quan tâm, xử lý kịp thời hơn. Tuy nhiên, ở một số bộ, ngành, đơn vị, công tác này vẫn còn mang tính hình thức, chưa thể hiện tính tự giác cao, kết quả đạt được chưa nhiều. Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ tổng kết, đánh giá việc thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đồng thời tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh công tác cải cách hành chính; đẩy nhanh tiến độ, chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; lập lại trật tự trong thăm dò và khai thác khoáng sản; tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong nhân dân và thực thi nghiêm chỉnh pháp luật trong các cơ quan nhà nước, các đoàn thể quần chúng.

7. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về công tác dân nguyện, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2008

Trong năm qua, tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân đã có dịu hơn; tính chất, mức độ phức tạp giảm đáng kể; số lượng vụ việc ít hơn so với năm 2007. Riêng tình hình khiếu nại về thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng ở các địa phương giảm rõ rệt. Tuy nhiên, tỷ lệ đơn từ được gửi vượt cấp lên Trung ương còn cao. Tại một số địa phương ở những thời điểm nhất định, tình hình khiếu nại, tố cáo còn phức tạp. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tập trung làm rõ nguyên nhân phát sinh khiếu nại, tố cáo; đồng thời cho ý kiến về chủ trương, giải pháp xử lý nhằm khắc phục tình trạng khiếu kiện đông người, vượt cấp; đảm bảo hài hoà quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, của tổ chức nhà nước.

Ngoài ra, cũng tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe và cho ý kiến về các nội dung sau:

- Các báo cáo công tác năm 2008 của Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án, về tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật và công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trong năm 2008;

- Cơ chế khoán biên chế và kinh phí hoạt động đối với các ngành thuế, kho bạc nhà nước và hải quan;

- Vấn đề quản lý và sử dụng vốn nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước./.