Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế
TCCS - Ngày 29-12-2024, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế về tình hình phát triển kinh tế - xã hội; sắp xếp, bố trí bộ máy hành chính mới gắn với thành phố Huế trực thuộc Trung ương.
Tham gia đoàn có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; Nguyễn Thanh Hải, Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; Lê Quang Mạnh, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội; Thượng tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an.
Về phía tỉnh Thừa Thiên Huế có đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lê Trường Lưu; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Đức Tiến; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Văn Phương, cùng các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Báo cáo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và đoàn công tác, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương cho biết, năm 2024, toàn tỉnh có 13/15 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch đề ra, trong đó tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 8,15%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 2.840 USD. Tổng thu ngân sách nhà nước đạt gần 13 nghìn tỷ đồng. Khu vực dịch vụ tăng trưởng 7,9%, tổng lượt khách du lịch đến Huế đạt trên 4 triệu lượt khách. Festival Huế tiếp tục khẳng định vị thế và thương hiệu của Huế - thành phố lễ hội. Nghị quyết số 38/2021/QH15, của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đã tạo điều kiện cho Huế khai thác tối đa các nguồn lực để đầu tư hạ tầng đô thị, trùng tu và bảo tồn di sản, phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Năm 2024, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 8,15%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, dịch vụ chiếm 50%; công nghiệp - xây dựng chiếm 31,3%; nông, lâm, ngư nghiệp chiếm 10,3%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt trên 34 nghìn tỷ đồng, tăng gần 17%. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt 96% kế hoạch, xếp trong nhóm cao cả nước. Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng chủ lực ước đạt 1,3 tỷ USD, tăng 33,1%. Tổng lượt khách du lịch đến Huế đạt trên 4 triệu lượt. Festival Huế tiếp tục khẳng định vị thế và thương hiệu thành phố lễ hội.
Thực hiện việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương và sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo Nghị quyết số 175/2024/QH15, của Quốc hội và Nghị quyết số 1314/NQ-UBTVQH15, của Ban Thường vụ Quốc hội, đến nay, đã cơ bản hoàn thành việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tại các đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp, sáp nhập. Cụ thể gồm: quận Phú Xuân, quận Thuận Hóa, thị xã Phong Điền, huyện Phú Lộc (mới) và các xã, phường, thị trấn. Bảo đảm ổn định tổ chức bộ máy đáp ứng ngay yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, không để tình trạng bỏ trống, gián đoạn công việc.
Năm 2025 là năm tăng tốc, bứt phá để phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và là năm đầu tiên thực hiện nhiệm vụ của thành phố trực thuộc Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ tập trung triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 175/2024/QH15 và Nghị quyết số 1314/NQ-UBTVQH15; phối hợp với các cơ quan trung ương tiến hành sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII để báo cáo Bộ Chính trị và kiến nghị, đề xuất những chủ trương, định hướng mới bổ sung các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Huế trong thời gian tới.
Tại cuộc làm việc, các thành viên đoàn công tác đánh giá cao những kết quả phát triển kinh tế - xã hội mà tỉnh Thừa Thiên Huế đã đạt được thời gian qua; bày tỏ vui mừng trước tốc độ tăng trưởng của tỉnh Thừa Thiên Huế. Sau gần 3 năm thực hiện Nghị quyết số 38/2021/QH15 của Quốc hội với 6 nhóm chính sách đặc thù liên quan đến quản lý tài chính, ngân sách nhà nước đã góp phần tạo “cú hích” trong đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn. Đặc biệt, tỉnh Thừa Thiên Huế đã rất nỗ lực, phối hợp các cấp có thẩm quyền trình Quốc hội thông qua Nghị quyết thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của thành phố Huế giai đoạn 2023 - 2025. Các nghị quyết này đánh dấu cột mốc phát triển mới, mở ra những cơ hội mới để địa phương tiếp tục phát triển.
Các thành viên đoàn công tác cũng lưu ý, một số khó khăn, thách thức của Huế, như: Quy mô kinh tế còn nhỏ, tổng GRDP ước đạt 80.960 tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người mới đạt 68,6 triệu đồng (hơn 2.840 USD), trong khi cả nước cuối năm 2024 đã là gần 4.469USD; tốc độ tăng trưởng của Huế còn khiêm tốn; thu nội địa đạt 11.336 tỷ đồng, vượt dự toán, nhưng còn thấp so với tiềm năng. Do đó, Huế phải có những giải pháp quyết liệt hơn trong phát triển, thể hiện ngay trong năm 2025 và trong xây dựng văn kiện Đại hội Đảng bộ thành phố Huế nhiệm kỳ 2026 - 2030 và mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể trong thời gian tới. Chính quyền cần tập trung cải thiện thu nhập bình quân đầu người cho người dân, nâng cao đời sống cho huyện A Lưới vừa thoát nghèo. Địa phương cần chú trọng huy động nguồn lực đầu tư cho giáo dục, bảo tồn văn hóa và phát huy giá trị di sản.
Kết luận cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn biểu dương, đánh giá cao những thành quả của tỉnh Thừa Thiên Huế đạt được thời gian qua, nhất là trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, bảo tồn di sản. Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội rất ấn tượng trước nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế trong hành trình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương thứ 6 của Việt Nam. Đó là kết quả, quyết tâm phấn đấu của các thế hệ lãnh đạo tỉnh, của toàn thể nhân dân. Thành phố Huế trực thuộc Trung ương rất đặc biệt so với những thành phố trực thuộc Trung ương khác, từ vùng đất Cố đô, có đặc trưng riêng biệt về văn hoá, di sản. Đây cũng là vùng đất “địa linh nhân kiệt”; là trung tâm kinh tế - xã hội của khu vực và cả nước; là cửa ngõ hành lang kinh tế Đông - Tây, có hệ thống giao thông đồng bộ.
Chủ tịch Quốc hội chúc mừng Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương và nhấn mạnh, kết quả này là minh chứng cho sự nỗ lực, phấn đấu của các thế hệ cán bộ, lãnh đạo và nhân dân Thừa Thiên Huế trong gần 30 năm qua.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Huế có nhiều tiềm năng, thế mạnh để tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Trong đó, Huế là vùng đất địa linh nhân kiệt, là cố đô, chứa đựng tinh hoa hồn cốt của dân tộc Việt Nam; có truyền thống cách mạng vẻ vang, được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng cờ luân lưu "Quyết chiến quyết thắng" và Nhà nước tặng danh hiệu “Tấn công, nổi dậy, anh dũng, kiên cường”.
Cùng với đó, Huế thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh của miền Trung và cả nước; có nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng, cảnh quan thiên nhiên hùng vỹ và là cửa ngõ của hành lang kinh tế Đông - Tây; hệ thống giao thông phát triển (có đường cao tốc, đường quốc lộ, Cảng hàng không quốc tế Phú Bài...).
Nhất trí với ý kiến của các thành viên đoàn công tác về những khó khăn, thách thức của Huế, Chủ tịch Quốc hội đề nghị thành phố Huế phải quyết tâm, quyết liệt hơn nữa. Huế phải đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế hai con số, thực hiện định hướng tại Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị trở thành trung tâm lớn, đặc sắc của Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu.
Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ rõ, “Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 38/2021/QH15 của Quốc hội đã mở ra cho Huế rất nhiều việc. Nghị quyết của Bộ Chính trị đã xác định mục tiêu rất rõ. Nghị quyết số 38/2021/QH15 của Quốc hội cũng đã có tới 6 cơ chế, chính sách đặc thù dành cho Thừa Thiên Huế, nhưng vì sao kết quả vẫn còn khiêm tốn? Nguyên nhân chủ quan là gì? Nguyên nhân khách quan là gì? Chúng ta đã làm tới nơi tới chốn chưa? Có quyết đoán, quyết liệt, quyết tâm nhưng chưa quyết làm, chưa có sản phẩm thì thuộc ngành nào, thuộc lĩnh vực nào? Phải đánh giá thật kỹ lưỡng”.
Sau cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Kinh tế có cuộc làm việc chuyên sâu với các sở, ngành của Huế về việc thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù tại Nghị quyết số 38/2021/QH15 của Quốc hội xem những cơ chế, chính sách nào chưa thực hiện được, thực hiện chưa hiệu quả. Cùng với đó, địa phương cũng phải tập trung phân tích, đánh giá kỹ các lợi thế để tiếp tục phát huy; đồng thời, những mặt hạn chế thì phải làm rõ nguyên nhân, nhất là những nguyên nhân thuộc về chủ quan để khắc phục.
Về nhiệm vụ trọng tâm của năm 2025, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Huế tập trung thực hiện việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Trung ương với tinh thần hết sức quyết liệt để sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý, trên Trung ương sắp xếp như thế nào thì địa phương sắp xếp như thế. Ngoài các sở, ngành sắp xếp thì các sở, ngành không thuộc diện sắp xếp cũng phải rà soát, sắp xếp bộ máy bên trong của mình, bảo đảm tới đây bộ máy không còn cồng kềnh, biên chế không được “phình ra”. Chúng ta làm tới đâu chắc chắn tới đó, làm tốt công tác tư tưởng, công tác tổ chức, công tác cán bộ để sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy sẽ thực sự tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Có chế độ, chính sách cho cán bộ sau sắp xếp, tăng cường cán bộ cho cơ sở.
Ghi nhận các kiến nghị của lãnh đạo tỉnh, Chủ tịch Quốc hội đề nghị địa phương phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, các ủy ban liên quan của Quốc hội có đề án, tờ trình cụ thể, nhất là đề xuất sửa đổi Nghị quyết số 38/2021/QH15 của Quốc hội thì sửa cơ chế gì, sửa vấn đề nào và sửa theo hướng nào. Cùng với đó, cần đề xuất được các cơ chế, chính sách đột phá, đặc biệt để thành phố Huế phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
* Tối cùng ngày, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và trao các nghị quyết của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương và Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của thành phố Huế.
Trước đó, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cùng đoàn công tác đã thăm, dâng hương tại Nhà văn hóa Đại tướng Lê Đức Anh, Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và đến thăm hỏi, tặng quà thuơng binh trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế./.
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Nhà lãnh đạo chiến lược xuất sắc của cách mạng Việt Nam  (30/12/2023)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác của Chính phủ làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế  (26/03/2023)
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay