TCCSĐT - Theo tin từ Oa-sinh-tơn (Mỹ), ngày 3-11, Ngân hàng Thế giới (WB) đã công bố báo cáo mới nhất về tình hình kinh tế khu vực Ðông Á và Thái Bình Dương. Báo cáo cho biết, sự tăng trưởng của khu vực Đông Á sau cơn suy thoái kinh tế đã diễn ra nhanh chóng.

Kinh tế khu vực Đông Á chưa thực sự phục hồi

Các chương trình kích thích kinh tế và tài chính được thực hiện mạnh mẽ và đúng thời điểm ở hầu hết các nước Ðông Á, dẫn đầu là Trung Quốc và Hàn Quốc, cùng với các biện pháp mang tính quyết định ở hầu hết các nền kinh tế phát triển đã giúp ngăn chặn sự suy thoái trong các hoạt động kinh tế và tạo điều kiện cho sự phục hồi. WB đã nâng mức dự đoán tăng trưởng thực tế ở khu vực các nền kinh tế đang phát triển của Ðông Á lên 6,7%, tăng 1,3% so với mức dự đoán 5,4% đưa ra tháng 4-2009.

Tuy nhiên, theo WB, sự tăng trưởng kinh tế vừa qua của khu vực Ðông Á vẫn chưa phải là sự phục hồi. Chính phủ các nước trong khu vực vẫn phải tính đến những rủi ro của việc rút sớm các gói kích thích kinh tế trong lúc vẫn còn những khoản thiếu hụt lớn về sản lượng và những quan ngại rằng các nước phát triển đều đang ở trạng thái tăng trưởng chậm.

Theo báo cáo này, cuộc khủng hoảng kinh tế đã buộc các nước trong khu vực Ðông Á phải tính toán lại chiến lược phát triển của họ. Hầu hết các quốc gia cần điều chỉnh chính sách thúc đẩy tăng trưởng bằng xuất khẩu. Các nước cần phải chống lại sự bảo hộ mậu dịch, mở rộng cửa hơn nữa và hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu để tiếp tục gặt hái những lợi ích của kiến thức, công nghệ và đổi mới toàn cầu, đồng thời tăng cường kích cầu trong nước.

Việt Nam đã đối phó tương đối tốt với khủng hoảng

Trong báo cáo nói trên, WB nhận định rằng, Việt Nam đã đối phó tương đối tốt với những tác động của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu. Những dấu hiệu tích cực của sự phục hồi kinh tế ở Việt Nam đã xuất hiện nhờ các nỗ lực của chính phủ nhằm hỗ trợ các hoạt động kinh tế.

Theo báo cáo, mặc dù cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và suy thoái kinh tế đã làm chậm tốc độ phát triển kinh tế của Việt Nam, nhưng nhờ có những nỗ lực của Chính phủ nhằm hỗ trợ các hoạt động kinh tế, những dấu hiệu tích cực của sự phục hồi cũng đang xuất hiện. Chính phủ đã công bố gói kích thích bao gồm nhiều biện pháp khác nhau, từ việc trợ cấp lãi suất, hoãn thuế đến việc giải ngân thêm vốn. Kết quả là tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam đã tăng từ mức 3,1% trong quý I/2009 lên mức 4,5% trong quý II và 5,8% trong quý III, nâng mức tăng GDP thực tế trong 9 tháng đầu năm lên 4,6%.

WB cho rằng, trong khi sản xuất vẫn phải đối mặt với những khó khăn do nhu cầu sụt giảm, xây dựng đang là nhân tố dẫn đầu của sự phục hồi mà theo dự kiến, tăng trưởng hai con số trong cả năm nay. Tiêu thụ nội địa cũng là một nhân tố quan trọng của tiến trình phục hồi kinh tế Việt Nam với bán lẻ tăng 9,3% trong 8 tháng đầu năm. WB ước tính tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong cả năm 2009 sẽ đạt 5,5%.

Báo cáo của WB cũng nhận định, chính sách tiền tệ của Việt Nam đã được nới lỏng đáng kể nhằm hỗ trợ nhu cầu trong nước sau một thời gian được thắt chặt trong năm 2008 để đối phó với tình trạng phát triển quá “nóng”. Tỷ lệ nghèo đói ở Việt Nam tiếp tục giảm, bất chấp sự tăng mạnh về giá lương thực và nhiên liệu trong nửa đầu năm 2008.

Vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức

Cuộc suy thoái kinh tế thế giới đã có ảnh hưởng rõ rệt đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Trong 8 tháng đầu năm 2009, xuất khẩu tính theo đồng USD đã giảm 14,2% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu từ xuất khẩu đều giảm ở hầu khắp các mặt hàng và các thị trường truyền thống của Việt Nam. Mặc dù sự giảm sút này còn ít hơn ở các nước đang phát triển khác, nhưng nó cũng làm cho năm 2009 trở thành năm đầu tiên Việt Nam phải gánh chịu sự sụt giảm về xuất khẩu kể từ khi bắt đầu cải cách kinh tế. Báo cáo của WB cũng cảnh báo, tình hình trong hai năm qua đã cho thấy những nhân tố dễ bị tổn thương và những thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam./.