Kinh tế Thủ đô 9 tháng đầu năm 2007

Nguyễn Thùy Chinh - Nguyễn Minh Phong
13:55, ngày 05-10-2007

Trong 9 tháng đầu năm 2007, Hà Nội đã phải đối phó với nhiều khó khăn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Đó là: nguy cơ tái phát dịch cúm gia cầm; tình trạng tăng giá khá phổ biến, nhất là ở một số hàng hoá, vật tư, nguyên liệu; sự trầm lắng trên thị trường chứng khoán; mức độ gia tăng sức ép cạnh tranh từ hàng ngoại nhập do thực hiện các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt trong năm đầu tiên chính thức là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO)... Tuy nhiên, xét về tổng thể, tình hình kinh tế - xã hội của Thủ đô trong 9 tháng đầu năm 2007 có nhiều chuyển biến tích cực:

Tổng sản phẩm nội địa (GDP) trên địa bàn Hà Nội tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước; tổng vốn đầu tư xã hộiđạt khoảng 29.380 tỉ đồng, tăng 17,3%, trong đó, vốn trong nước đạt 24.480 tỉ đồng (tăng 15,7% so cùng kỳ năm trước), vốn ngoài nước đạt 4.900 tỉ đồng (tăng 25,6%). Trong 9 tháng đầu năm 2007, có 8.100 doanh nghiệp được cấp giấy phép đăng ký kinh doanh (tăng 13%), với tổng số vốn đăng ký là 85.000 tỉ đồng (tăng 325% so cùng kỳ năm trước).Tính đến hết tháng 8-2007, trên địa bàn Hà Nội đã có hơn 54.000 doanh nghiệp đang hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, với tổng số vốn điều lệ hơn 11 tỉ USD…

GDP ngành công nghiệp - xây dựng tăng 14,6% (đóng góp 6,3% vào mức tăng chung). Vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ ngân sách nhà nước địa phương trong 9 tháng đầu năm 2007 đạt trên 4375,6 tỉ đồng, bằng 55,6% kế hoạch năm. Tốc độ tăng trưởng của ngành xây dựng đạt 9,3% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn Hà Nội 9 tháng đầu năm 2007 tăng 20,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế nhà nước tăng 5,6% (kinh tế nhà nước trung ương tăng 4,6%, kinh tế nhà nước địa phương tăng 8,7%); khu vực kinh tế ngoài nhà nước tăng 28,5% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 31,3%. Sản xuất công nghiệp chủ yếu tăng cao ở lĩnh vực công nghiệp chế biến (tăng 17,9%); khu vực kinh tế ngoài nhà nước, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, do một số doanh nghiệp có quy mô lớn ở khu vực này tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất, đưa ra những sản phẩm có chất lượng cao, hợp nhu cầu người tiêu dùng, nên tiêu thụ tốt. Chẳng hạn như: Công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi Tân Minh Hà, Công ty dây cáp điện Yên Viên, Xí nghiệp tư doanh Xuân Kiên, Công ty Nhật Linh, Hợp tác xã Song Long, Công ty Sơn Kova, Công ty Hiệp Hưng... Bên cạnh đó phải kể đến nhiều doanh nghiệp mới được thành lập, bắt đầu đi vào hoạt động.

Một số ngành có tốc độ tăng cao so cùng kỳ năm trước như: sản xuất thực phẩm đồ uống, dệt tăng 12,4%; sản xuất trang phục tăng 14,3%; thuộc sơ chế da tăng 35%; sản xuất kim loại tăng 25,3%; sản xuất các sản phẩm từ kim loại tăng 32,3%; sản xuất máy móc thiết bị tăng 25%; sản xuất xe có động cơ tăng 58,3%; sản xuất giường tủ bàn ghế tăng 25,7%. Trong 9 tháng đầu năm 2007, có nhiều doanh nghiệp nhà nước địa phương đầu tư mở rộng sản xuất như: Công ty Dược phẩm Hà Nội, Công ty Kim khí Thăng Long, Công ty Khoá Việt Tiệp, Công ty Dệt 19/5, Công ty Đóng tàu Hà Nội, Công ty Kinh doanh nước sạch Hà Nội... Một số sản phẩm của công nghiệp nhà nước địa phương do có thị trường tiêu thụ tốt nên đạt tốc độ tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm trước như: bia (tăng 0,6%), quần áo may sẵn (tăng 10,4%), quạt điện (tăng 51,3%)... Hai ngành sản xuất có tốc độ tăng sụt giảm là: sản xuất sản phẩm dầu mỏ (giảm 2,6%); sản xuất dụng cụ chính xác (giảm 5,5%).

Sản xuất công nghiệp nhà nước tăng 5,6% (kinh tế nhà nước trung ương tăng 4,6%, kinh tế nhà nước địa phương tăng 8,7%). Đây là mức tăng không cao, thậm chí có một số ngành giảm mạnh, do giá cả nguyên liệu, vật tư đầu vào tăng đột biến và do khả năng cạnh tranh của một số sản phẩm bị hạn chế. Một nguyên nhân khác dẫn đến mức tăng không cao là: một số doanh nghiệp nhà nước cổ phần hoá có vốn nhà nước chi phối dưới 50% chuyển sang khu vực kinh tế ngoài nhà nước.

GDP ngành nông - lâm - thuỷ sản tăng 1,1% (đóng góp 0,02% mức tăng chung). Trong thời gian 9 tháng qua, dịch vụ nông nghiệp và lâm nghiệp giảm, nhưng do giá gia súc gia cầm tăng, chăn nuôi có lãi nên nông dân không ngừng mở rộng sản xuất, vì thế giá trị sản xuất ngành nông - lâm - nghiệp - thuỷ sản tăng 2,3% so cùng kỳ năm trước.

GDP các ngành dịch vụ tăng 9,7% (đóng góp 5,28% vào mức tăng chung). Một số ngành dịch vụ có tốc độ tăng khá ấn tượng và được coi là hệ quả trực tiếp của việc nước ta là thành viên của WTO như: tài chính tín dụng tăng 18,6%, thương nghiệp tăng 10,2%. Tổng mức bán hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng 21,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó bán lẻ tăng 22,8%. Hiện nay, Hà Nội có khoảng 16 ngàn doanh nghiệp và 100 ngàn cơ sở kinh doanh cá thể, kinh doanh thương mại dịch vụ, 1200 văn phòng đại diện, 60 siêu thị và trung tâm thương mại. Hoạt động thương mại có nhiều thay đổi với sự phát triển mạnh mẽ, đa dạng các hình thức bán lẻ mới, hấp dẫn và tiện dụng cao, làm cho thị trường Hà Nội ngày càng phong phú, sầm uất.

Tổng lượng khách du lịch đến Hà Nội tăng 11,4% so cùng kỳ năm trước, trong đó khách quốc tế tăng 33,3% (khoảng 933 ngàn lượt khách) và khách nội địa tăng 7,2% (khoảng 3.887 ngàn lượt khách). Công suất sử dụng buồng phòng ở các khách sạn xếp hạng cao đạt 80-90%, tuy nhiên, ở các khách sạn xếp hạng thấp và bình dân vẫn ít khách.

Doanh thu của các đơn vị kinh doanh lữ hành khách sạn trong 9 tháng đầu năm 2007 tăng 22% so cùng kỳ, chủ yếu do giá tour tăng cao hơn so năm trước. Hà Nội có gần 500 khách sạn với 12.700 phòng, trong đó, 187 khách sạn có công suất sử dụng buồng phòng luôn đạt trên 80%. Hằng năm, Hà Nội có khoảng 1 triệu lượt khách quốc tế đến (chiếm 30% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam). Điểm hạn chế hiện nay của du lịch Hà Nội là: thiếu nơi tham quan du lịch đặc sắc; địa điểm vui chơi giải trí ít; khách sạn cao cấp thiếu và luôn bị quá tải trong các dịp tổ chức các sự kiện, khiến Hà Nội chỉ là điểm trung chuyển, chưa hấp dẫn khách ở lại lâu ngày và quay lại.

Khối lượng hàng hoá vận chuyển tăng 11%, khối lượng hàng hoá luân chuyển tăng 12,9%, doanh thu vận chuyển hàng hoá tăng 17,1%, khối lượng hành khách vận chuyển tăng 10,6%, khối lượng hành khách luân chuyển tăng 18,5% và doanh thu vận chuyển hành khách tăng 19,7%. Trong 9 tháng đầu năm 2007, Hà Nội vận chuyển bằng xe buýt khoảng 265 triệu lượt khách, tăng 10% so cùng kỳ, chiếm 80% hoạt động vận tải hành khách. Trong thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục tăng cường mở rộng cả về số lượng, quy mô, chất lượng vận chuyển bằng xe buýt, tiếp tục mở thêm một số tuyến kế cận đi Hoà Bình, Thái Nguyên.

Theo ước tính, giá trị tăng thêm của ngành vận tải, bưu chính và viễn thông tăng 9,6% so cùng kỳ năm trước. Số lượng thuê bao mới tăng gồm: 105,3 ngàn thuê bao điện thoại (trong đó 40% thuê bao điện thoại di động) và 21,7 ngàn thuê bao internet. Để cạnh tranh thu hút khách, các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông đã đầu tư nâng cấp các mạng và liên tục giảm giá dịch vụ, vì thế hạn chế bớt tình trạng nghẽn mạng, người tiêu dùng được hưởng nhiều lợi ích mà giá cước lại giảm đi. Một số dịch vụ bưu chính tăng chậm, doanh thu bưu chính 9 tháng năm 2007 đạt 329 tỉ đồng, tăng 0,7% so cùng kỳ năm trước.

Trong bối cảnh Nhà nước đã sử dụng một số công cụ tài chính tiền tệ khá mạnh để gia tăng kiểm soát thị trường chứng khoán và kiềm chế lạm phát (trong đó đặc biệt là 3 quyết định: Bỏ quy định trần lãi suất tiền gửi USD của pháp nhân tại tổ chức tín dụng; Khống chế mức dư nợ đầu tư, cho vay kinh doanh chứng khoán dưới mức 3% tổng dư nợ; Nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc tiền gửi), thì hoạt động ngân hàng tại địa bàn Hà Nội trong 9 tháng đầu năm vẫn phát triển khá ổn định, các chỉ tiêu đều ở mức cao so với toàn quốc. Mạng lưới ngân hàng được mở rộng: đến đầu tháng 9-2007, đã có 203 tổ chức tín dụng và đơn vị thành viên tổ chức tín dụng trên địa bàn. Tổng nguồn vốn huy động đến cuối tháng 9-2007 đạt 311.990 tỉ đồng, tăng 2,06% so với tháng 8 và tăng 28,51% so với tháng 12-2006, trong đó, tiền gửi của dân cư tăng 1,66% và 14,76%, tiền gửi của các tổ chức kinh tế tăng 2,32% và 39,37%. Tổng dư nợ cho vay đến cuối tháng 9 năm 2007 đạt 153.437 tỉ đồng, tăng 2,3% so với tháng trước và tăng 28,7% so với tháng 12-2006, trong đó, dư nợ ngắn hạn tăng tương ứng: 2,4% và 27,79%, dư nợ trung và dài hạn tăng 2,13% và 30,28%.

Kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn 9 tháng đầu năm 2007 tăng 20,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu địa phương tăng 23,6%. Trong các mặt hàng xuất khẩu, máy in phun vẫn là một trong những nhóm đứng đầu về trị giá và đạt tốc độ tăng khá nhất (tăng 35,4%), sau đó là hàng nông sản (tăng 19,4%), xăng đầu tạm nhập tái xuất sang Lào (tăng 16,2%)...

Kim ngạch nhập khẩu trên địa bàn Hà Nội 9 tháng qua, dự báo, tăng 17,8% so cùng kỳ năm trước, trong đó, nhập khẩu địa phương tăng 17,8%. Xăng dầu vẫn là mặt hàng được nhập nhiều nhất và có tốc độ tăng cao (tăng 19,3%), tiếp đó là máy móc, thiết bị phụ tùng (tăng 15,8%), vật tư nguyên liệu chủ yếu (tăng 19,9%) và hàng tiêu dùng (tăng 14,9%).

Với những kết quả và hạn chế đã phân tích ở trên, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2007 trên 12%, Hà Nội còn nhiều việc phải làm, trong đó có phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP là 13,2% trong quý IV này.