Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt - Pháp.
Ảnh Website Chính phủ.
Nhận lời mời của Thủ tướng Pháp Francois Fillon, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam đã thăm chính thức Cộng hoà Pháp từ ngày 30-9 đến 3-10-2007

Trong chuyến thăm đặc biệt này, Thủ tướng đã có các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc với các nhà lãnh đạo cao nhất của Cộng hoà Pháp; hội kiến với Tổng thống Pháp; hội đàm với Thủ tướng; gặp Chủ tịch Thượng viện, Chủ tịch Hạ viện, tiếp lãnh đạo Đảng Cộng sản, đảng cánh tả, và giới doanh nghiệp hàng đầu của Pháp. Chuyến thăm của Đoàn đã thành công tốt đẹp, thể hiện ở những điểm chủ yếu sau:

Một là, đưa quan hệ hai nước lên tầm cao mới mang tính chiến lược. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các nhà lãnh đạo Pháp đã nhất trí cao trong việc cùng nhau nỗ lực hợp tác để đưa quan hệ hai nước lên tầm cao mới mang tính chiến lược theo phương châm mà lãnh đạo cấp cao hai nước đã thống nhất là quan hệ “hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, lâu dài và tin cậy cho thế kỷ XXI”.

Các nhà lãnh đạo Pháp đánh giá cao thành tựu của công cuộc Đổi mới, cũng như vị thế và vai trò của Việt Nam ngày càng được nâng lên trong khu vực và trên trường quốc tế, đồng thời, bày tỏ sự tin tưởng vào triển vọng phát triển của Việt Nam trong thời gian tới, nhất là khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới và có khả năng trở thành thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Với cách nhìn nhận như vậy, Pháp xác định Việt Nam là một đối tác quan trọng, là một trong những ưu tiên lớn trong chính sách châu Á. Tổng thống Cộng hòa Pháp Nicholas Sarkozy đã bày tỏ những tình cảm hết sức tốt đẹp trong quan hệ với Việt Nam và cho rằng, đây là cuộc gặp lịch sử, tạo bước ngoặt quan trọng trong quan hệ hai nước và khẳng định Pháp sẽ luôn là người bạn chung thủy với Việt Nam; Pháp mong muốn phát triển quan hệ mang tính chiến lược với Việt Nam.

Hai là, đẩy mạnh quan hệ kinh tế thương mại và đầu tư. Trong các cuộc tiếp xúc với lãnh đạo cấp cao cũng như gặp gỡ giới doanh nghiệp Pháp, hai bên đã thảo luận và nhất trí nhiều biện pháp cụ thể nhằm đẩy mạnh quan hệ kinh tế thương mại và đầu tư giữa hai nước tương xứng với quan hệ chính trị tốt đẹp và phù hợp với tiềm năng và thế mạnh của hai bên.

Lãnh đạo Pháp hứa sẽ tích cực xem xét việc tăng ODA và đưa Việt Nam vào danh sách các nước ưu tiên xúc tiến thương mại, khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp Pháp làm ăn tại Việt Nam, đồng thời khẳng định sẵn sàng tham gia vào nhiều dự án đặc biệt là một số dự án lớn có ý nghĩa kinh tế -xã hội.

Trong thời gian chuyến thăm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đoàn cấp cao Chính phủ đã tiếp lãnh đạo tập đoàn giới chủ và hàng chục tập đoàn lớn của Pháp. Giới doanh nghiệp Pháp đánh giá cao môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng hấp dẫn của Việt Nam và coi đây là thị trường đầy tiềm năng và triển vọng cho sự thành công. Doanh nghiệp của hai bên đã ký được trên 20 thoả thuận, hợp đồng với tổng trị giá khoảng 6 tỉ USD.

Ba là, tăng cường hơn nữa quan hệ giáo dục - đào tạo, y tế, văn hoá, khoa học, kỹ thuật… Lãnh đạo Pháp khẳng định sẽ tăng học bổng và tạo điều kiện thuận lợi để nâng cao số lượng học sinh Việt Nam sang du học tại Pháp ở trình độ đại học và sau đại học; tăng cường hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực y tế và nhất trí sẽ sớm ký thỏa thuận hai bên về việc thành lập và đi vào hoạt động của Trung tâm văn hóa Việt Nam tại Pháp và của Pháp tại Việt Nam.

Bốn là, tăng cường tham khảo ý kiến thường xuyên về các vấn đề an ninh khu vực và quốc tế. Hai bên hài lòng nhận thấy có quan điểm gần gũi, tương đồng trên nhiều vấn đề quốc tế và toàn cầu, vì thế đã nhất trí trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng cường tham khảo ý kiến thường xuyên về các vấn đề an ninh khu vực và quốc tế mà hai bên cùng quan tâm, phối hợp với nhau trên các diễn đàn đa phương. Hai bên nhất trí Việt Nam sẽ là cầu nối giúp tăng cường quan hệ của Pháp với ASEAN và châu Á, đồng thời Pháp sẽ là cầu nối của Việt Nam thúc đẩy quan hệ với EU và châu Âu. Cộng hoà Pháp hứa hỗ trợ Việt Nam tăng cường quan hệ với EU, đặc biệt là trong quá trình đàm phán và ký kết với EU hiệp định hợp tác mới thay thế Hiệp định năm 1995 cũng như việc vận động EU công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chuyển lời mời của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Minh Triết mời Tổng thống Sarkozy thăm Việt Nam. Tổng thống Sarkozy đã vui vẻ nhận lời và dự định sẽ sang thăm Việt Nam vào nửa đầu năm 2008, nhằm tiếp tục tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống, quan hệ kinh tế và những gắn kết lịch sử giữa hai dân tộc.