Vai trò của hệ thống chính trị cơ sở đối với sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới
Do đặc thù của xã hội Việt Nam - đa số dân cư sống ở nông thôn nên hệ thống chính trị ở cơ sở có vai trò đặc biệt quan trọng với đời sống người dân. Đặc biệt, vào thời điểm hiện nay, ở cơ sở, phụ nữ và lực lượng lao động nữ đang chiếm tỷ trọng rất lớn, vì lẽ đó hệ thống chính trị cơ sở trở nên có vai trò hết sức quan trọng đối với sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới. Thực hiện bình đẳng giới ở cơ sở, một mặt, phát huy, khai thác và huy động được mọi tiền năng, trí tuệ của phụ nữ vào quá trình phát triển; mặt khác, từng bước tạo điều kiện tốt nhất để phụ nữ ở cơ sở có cơ hội và thời cơ tham gia vào quá trình hội nhập và phát triển đất nước.
Quan điểm của Chủ nghĩa Mác - Lê-nin về vai trò và sự tiến bộ của phụ nữ được Chủ tịch Hồ Chí Minh quán triệt trong quá trình thực hiện cách mạng ở Việt Nam. Người viết: "Ông Các Mác nói rằng: " Ai đã biết lịch sử thì biết rằng muốn sửa sang xã hội mà không có phụ nữ giúp vào thì chắc không làm nổi". Xem tư tưởng và việc làm của đàn bà con gái, thì biết xã hội tiến bộ thế nào. Ông Lê-nin nói: "Đảng cách mệnh phải làm sao dạy cho đàn bà nấu ăn cũng biết làm việc nước, như thế cách mệnh mới gọi là thành công"... Xem trong lịch sử cách mệnh chẳng có lần nào là không có đàn bà con gái tham gia cách mệnh"[1]
Về vai trò của phụ nữ Việt Nam, Hồ Chí Minh khẳng định: "Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ"[2]. Người đánh giá rất cao sự đóng góp của phụ nữ trong cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước: "Trong cuộc kháng chiến to lớn của dân tộc ta, phụ nữ ta đang gánh một phần quan trọng"[3], " Muốn có nhiều sức lao động thì phải giải phóng sức lao động của phụ nữ"[4]. Người khẳng định: "Nói phụ nữ là nói phần nửa xã hội. Nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người. Nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng chủ nghĩa xã hội chỉ một nửa"[5]. Tuy nhiên, theo Người để thực hiện sự bình quyền nam nữ ở nước ta là một việc làm không dễ, mà: "Đó là một cuộc cách mạng to và khó. Vì trọng trai khinh gái là một thói quen mấy nghìn năm để lại. Vì nó ăn sâu trong đầu óc của mọi người, mọi gia đình, mọi tầng lớp xã hội... Phải cách mạng từng người, từng gia đình đến toàn dân. Dù to và khó nhưng nhất định thành công"[6]
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong công cuộc đổi mới phát triển đất nước, vai trò của phụ nữ ngày càng thể hiện rõ trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Chương trình quốc gia về dân số và phát triển, trong đó nội dung quan trọng là kế hoạch hoá gia đình đã được triển khai từ nhiều năm. Phụ nữ là đối tượng chính tham gia và đã mang lại kết quả rất lớn, góp phần giảm tỷ lệ sinh và ổn định mức tăng dân số, phát triển kinh tế. Theo Tổng cục Thống kê, năm 2005, tỷ lệ phát triển dân số của nước ta đã giảm xuống ở mức 1,37%, trong đó có sự đóng góp to lớn của phụ nữ.
Trong quá trình phát triển nền kinh tế hàng hoá, tỷ lệ nữ tham gia lao động là 83%, chiếm 48% lực lượng lao động xã hội và 50,2% tỷ trọng lao động trong sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp. Phụ nữ năng động sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn, đầu tư thâm canh sản xuất, đẩy mạnh kinh tế hộ gia đình phát triển kinh tế trang trại, góp phần tăng giá trị sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp, bảo đảm đời sống, xoá đói giảm nghèo, kinh tế tăng trưởng. Họ tham gia vào hầu khắp các ngành trong nền kinh tế, đặc biệt ở một số ngành, lao động nữ chiếm ưu thế cả về số lượng và chất lượng như y tế, giáo dục.
Phụ nữ chiếm 70% lực lượng cán bộ giáo viên ở các trường học, tỷ lệ phụ nữ được tiếp cận với giáo dục đào tạo ngày càng cao. Tỷ lệ dân số nữ biết chữ đạt gần 90%. Đội ngũ trí thức là nữ được tăng lên cả số lượng và chất lượng, chiếm 37% trong tổng số có trình độ đại học, cao đẳng; nữ tiến sĩ chiếm 19,9%. Phụ nữ chiếm 57% lực lượng lao động ngành y tế, góp phần nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Trong ngành dịch vụ, thương mại, du lịch, bưu chính viễn thông, tài chính, ngân hàng, lao động nữ với tỷ lệ 51,8%, họ đã có những đóng góp to lớn cho sự phát triển của các ngành này, làm tăng giá trị sản xuất dịch vụ, cải thiện nền tài chính quốc gia.
Số lượng đảng viên nữ, đội ngũ cán bộ nữ ngày càng phát triển, tỷ lệ phụ nữ tham gia các vị trí lãnh đạo, quản lý ngày càng tăng, nhất là trong các cơ quan dân cử. Việt Nam là nước dẫn đầu châu Á về tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội. Trong các cơ quan quản lý nhà nước, tỷ lệ nữ bộ trưởng và tương đương là 11,29%, thứ trưởng và tương đương là 12,85%(7). Sự tham gia một cách đầy đủ của phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo, ra quyết định và vào đời sống cộng đồng sẽ không chỉ mang lại lợi ích cho người phụ nữ nói riêng, mà cho cả xã hội nói chung. Tỷ lệ phụ nữ tham gia vào các vị trí lãnh đạo không chỉ là sự tăng lên về số lượng ở các vị trí quyền lực mà cả trong việc tăng cường tiếng nói của phụ nữ đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Việt Nam được coi là điểm sáng về thực hiện 8 mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc, đặc biệt là mục tiêu thứ ba về sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới.
Tuy nhiên, trong thời kỳ chuyển đổi của đất nước, từ nền kinh tế tập trung bao cấp chuyển sang nền kinh tế thị trường có nhiều vấn đề nẩy sinh mà người phụ nữ phải gánh chịu. Mặc dù vị thế của người phụ nữ đã được cải thiện đáng kể so với trước đây, nhưng trong gia đình quyền hạn của nam giới vẫn chiếm ưu thế do ảnh hưởng của những quan niệm lâu đời; phụ nữ thường chỉ quen với khái niệm bổn phận và trách nhiệm mà hiếm khi đề cập đến khái niệm quyền, đặc biệt là quyền của bản thân. Nhận thức chính trị của một bộ phận phụ nữ còn hạn chế, dễ bị kẻ xấu lợi dụng, lôi kéo. Trình độ năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của phụ nữ còn nhiều bất cập trước yêu cầu của thời kỳ đổi mới đất nước. Tỷ lệ phụ nữ được đào tạo nghề còn thấp, cơ hội việc làm hạn chế, chiếm phần đông trong lao động giản đơn, thiếu ổn định, thu nhập thấp. Tỷ lệ cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý còn thấp, chưa tương xứng với lực lượng và sự đóng góp của phụ nữ. Đời sống của một bộ phận phụ nữ còn khó khăn, đặc biệt phụ nữ dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Một bộ phận phụ nữ còn thụ động, thiếu tự tin, chưa có ý thức vươn lên tự khẳng định mình. Mặt khác, nhận thức của xã hội và của phụ nữ về bình đẳng giới còn nhiều hạn chế, việc xã hội hoá công tác vận động phụ nữ chưa được quan tâm đúng mức. Đó là biểu hiện của sự bất bình đẳng giới trong thực tiễn hiện nay ở nước ta.
Để đạt được các mục tiêu cam kết với quốc tế về bình đẳng giới và nâng cao năng lực cho người phụ nữ, trước hết cần có sự nhận thức đúng đắn của toàn xã hội, trong đó có hệ thống chính trị, đẩy mạnh hơn nữa sự kết hợp giữa điều kiện và nhu cầu cơ bản của phụ nữ trên cơ sở bình đẳng về quyền và các mối quan hệ, thúc đẩy và bảo vệ các quyền của phụ nữ cùng nam giới. Đẩy lùi các thiên kiến về giới làm hạn chế tiềm năng to lớn của phụ nữ, củng cố, tạo điều kiện cho phụ nữ tiếp cận bình đẳng và kiểm soát các nguồn lực về tài chính và kinh tế từ trong gia đình và ngoài xã hội.
Một trong các điều kiện trực tiếp để khắc phục định kiến giới, thúc đẩy sự tiến bộ của phụ nữ, xoá bỏ dần bất bình đẳng giới, thực hiện bình đẳng giới đó là hoạt động và quan hệ giữa các bộ phận cấu thành của hệ thống chính trị ở cơ sở.
Hiện nay, nước ta có 10.538 đơn vị xã - phường - thị trấn, trong đó có 8.947 xã, 565 thị trấn. Xã và thị trấn thuộc khu vực nông thôn chiếm một tỷ lệ cao (9.512/ 10.538) đơn vị cơ sở. Như vậy có thể nói, cơ sở ở nước ta trước hết và chủ yếu là cơ sở nông thôn, vùng dân tộc ít người. Hệ thống chính trị cơ sở ở nước ta trước hết và chủ yếu là hệ thống chính trị cấp xã. Xã trở thành đại diện và mang đặc trưng tiêu biểu, phổ biến cho cấp cơ sở của quản lý hành chính nhà nước và của hệ thống chính trị ở cơ sở. Mặc dù chức năng, nhiệm vụ, phương thức tổ chức và hoạt động có khác nhau, các tổ chức trong hệ thống chính trị cùng hướng tới các mục tiêu chung là phát triển kinh tế- xã hội ở cơ sở, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào ở địa phương, góp phần đạt mục tiêu chung của xã hội "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh", từng bước làm thay đổi bộ mặt đời sống dân cư theo chiều hướng tích cực, đặc biệt theo chiều hướng bình đẳng giới..
Trong sự thống nhất của hệ thống chính trị ở cơ sở, tổ chức Đảng cơ sở là hạt nhân lãnh đạo chính trị bảo đảm cho đường lối của Đảng được cụ thể hoá và được thực hiện thắng lợi ở cơ sở. Quan điểm "nam nữ bình quyền", "phụ nữ có vai trò to lớn trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc" được Đảng chỉ đạo trong hệ thống chính trị ở cơ sở nhằm thúc đẩy sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới. Thông qua nghị quyết của mình, tổ chức đảng cơ sở vạch ra chủ trương, phương hướng phát triển kinh tế - xã hội trên cơ sở đánh gía nguồn nhân lực nam giới và phụ nữ với những trải nghiệm và tiềm năng của họ trong hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của cơ sở; quyết định những vấn đề về tổ chức và cán bộ của hệ thống chính trị ở cơ sở. Quán triệt quan điểm của Đảng, trong các nghị quyết của mình, vấn đề nâng cao năng lực cho phụ nữ và bình đẳng giới được tổ chức đảng cơ sở xây dựng thành chủ trương, phương hướng khắc phục dần các định kiến giới và thực hiện mục tiêu bình đẳng giới tại địa phương.
Chính quyền cấp cơ sở ở phường, xã, thị trấn là bộ phận quan trọng cấu thành hệ thống chính trị ở cơ sở, có vai trò rất quan trọng. Chính quyền cấp cơ sở là tổ chức quyền lực có địa bàn rộng, trực tiếp nhất với cuộc sống nhân dân; các tổ chức nhà nước cấp trên thông qua vai trò của chính quyền cơ sở để thực thi quyền lực của mình; mọi quan hệ của dân với Đảng và Nhà nước trước hết và trực tiếp cũng là thông qua quan hệ của dân với chính quyền cơ sở trong việc giải quyết các nội dung cụ thể, trực tiếp hàng ngày; sức mạnh hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền là ở nơi dân, là việc quy tụ được lòng dân, phát huy tình đoàn kết, truyền thống, tinh thần làm chủ của nhân dân; hệ thống chính trị cơ sở có thực hiện được những mục tiêu chung là xây dựng một địa phương có kinh tế - xã hội - văn hoá phát triển hay không, đời sống nhân dân được nâng lên hay không, mối quan hệ giữa nam và nữ có được cải thiện theo hướng bình đẳng hay không, công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá nói riêng, sự nghiệp đổi mới nói chung tuỳ thuộc rất lớn vào chính quyền cơ sở.
Vì vậy, chính quyền sơ sở bao gồm Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân xã, phường có trách nhiệm quyết định các biện pháp và tổ chức thực hiện kế hoạch trên các lĩnh vực đời sống xã hội. Đặc biệt trên lĩnh vực thúc đẩy sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới, chính quyền cơ sở quyết định những biện pháp thực hiện kế hoạch xây dựng cơ cấu bộ máy của mình với tỷ lệ phụ nữ tham gia quản lý, lãnh đạo cho phù hợp. Bởi trên địa bàn cơ sở, số lượng cư dân là phụ nữ chiếm hơn 50% dân số, họ chiếm tỷ lệ khá lớn trong lực lượng lao động, nhất là trong lao động nông nghiệp, họ cần có đại biểu tham gia trong bộ máy chính quyền để giải quyết những nhu cầu giới nảy sinh trong điều kiện cụ thể, để có nhiều điều kiện thuận lợi thúc đẩy sự tiến bộ của phụ nữ, góp phần xoá bỏ dần định kiến giới. Trong thời gian vừa qua, Đảng và Nhà nước đặt chỉ tiêu tỷ lệ phụ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý ở cấp cơ sở là 30%, song trong thực tế chúng ta mới đạt được khoảng 15-20%. Không giải quyết tốt vấn đề này sẽ hạn chế sự đóng góp của phụ nữ trong công cuộc phát triển đất nước.
Chính quyền cơ sở quyết định biện pháp thực hiện việc phát triển sự nghiệp văn hoá, giáo dục ở địa phương bảo đảm các điều kiện cần thiết để trẻ em, cả trai và gái đều được đến trường đúng độ tuổi; hoàn thành chương trình phổ cập giáo dục; thực hiện bổ túc văn hoá và xoá mù chữ cho những người trong độ tuổi đi học để phụ nữ có điều kiện tham gia lao động sản xuất và hoạt động xã hội, nâng cao trình độ học vấn, trình độ chuyên môn. Đồng thời, quyết định biện pháp và thực hiện chương trình y tế chăm sóc sức khoẻ sinh sản không chỉ cho phụ nữ mà cả nam giới, không chỉ vận động phụ nữ mà vận động cả nam giới tích cực tham gia thực hiện chương trình dân số, kế hoạch hoá gia đình với mục tiêu mỗi gia đình hạt nhân chỉ nên có từ một đến hai con để "dân số ổn định, đất nước phồn vinh, gia đình hạnh phúc".
Chính quyền cơ sở là bộ phận có vai trò quan trọng trực tiếp, sâu sắc và triệt để thúc đẩy sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới. Vấn đề đặt ra là cần nâng cao nhận thức về giới cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của chính quyền cơ sở cùng với việc truyền thông về giới cho quần chúng nhân dân nhằm thay đổi nhận thức, xoá bỏ dần định kiến giới, phấn đấu thực hiện mục tiêu bình đẳng giới ở ngay chính trên địa bàn cơ sở.
Các đoàn thể nhân dân cơ sở ở nông thôn bao gồm năm tổ chức chính là Mặt trận Tổ quốc, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh.
Mặt trận Tổ quốc ở cơ sở là tổ chức có tính rộng rãi nhất. Mặt trận Tổ quốc luôn đóng vai trò quan trọng trong việc hiệp thương bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp cơ sở; phối hợp với Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn tổ chức các cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp bảo đảm dân chủ, đúng pháp luật, bình đẳng giới. Với sự tuyên truyền vận động của Mặt trận Tổ quốc, cử tri trong địa bàn bầu cử hiểu rõ hơn vai trò của các nữ đại biểu tham gia ứng cử và đề cử trong các cuộc bầu cử, cử tri sẽ dành cho họ những lá phiếu tín nhiệm. Tỷ lệ phụ nữ trong các cơ quan dân cử do đó có chiều hướng tăng lên đáng kể, khoảng cách giới ở vị trí lãnh đạo, quản lý trong cơ quan dân cử dần thu hẹp.
Một tổ chức trong đoàn thể nhân dân ở cơ sở có vai trò rất lớn thúc đẩy sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới, đó là Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (Đoàn Thanh niên). Đoàn Thanh niên là thành viên của hệ thống chính trị ở cơ sở. Cho đến thời gian này, có tới 23.164 tổ chức đoàn cơ sở với hơn 3.700.000 đoàn viên (8). Đoàn cùng với Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam có vai trò nòng cốt, là chỗ dựa về chính trị tinh thần và là người bạn của nam nữ thanh niên.Trên thực tế, các tổ chức đoàn cơ sở đã có nhiều hoạt động cụ thể giúp đỡ nam nữ thanh niên, đặc biệt là nữ thanh niên phấn đấu, học tập và trưởng thành, đáp ứng được những yêu cầu và nguyện vọng chính đáng của thanh niên, góp phần đáng kể trong việc khắc phục những định kiến giới, phấn đấu vì mục tiêu bình đẳng giới cho một xã hội tiến bộ văn minh.
Một trong các đoàn thể nhân dân ở cơ sở có vai trò đặc biệt và mang tính quyết định tới sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới đó là Hội phụ nữ cơ sở. Hiện nay, Hội là tổ chức lớn mạnh nhất của phụ nữ. Mục đích hoạt động của Hội là vì sự bình đẳng và phát triển của phụ nữ, chăm lo, bảo vệ quyền lợi chính đáng và hợp pháp của phụ nữ. Hội động viên phụ nữ tự lực, tự cường học tập nâng cao hiểu biết về giới, chính sách, pháp luật và trình độ mọi mặt; tham gia tích cực vào các chương trình phát triển kinh tế- xã hội của đất nước. Hội động viên, hướng dẫn phụ nữ tham gia xây dựng và kiểm tra giám sát nhà nước trong việc thực hiện Hiến pháp, pháp luật, chính sách có liên quan đến quyền lợi, đời sống của phụ nữ và trẻ em nhằm tạo điều kiện để phụ nữ thực hiện bình đẳng và phát triển. Hội hướng dẫn, giúp đỡ phụ nữ hiểu biết về nuôi dạy con, giữ gìn giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam, biết tổ chức cuộc sống gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Hội phụ nữ ở cơ sở sáng tạo những phong trào nổi tiếng "Ba đảm đang", "Giỏi việc nước, đảm việc nhà". Ngày nay, trong thời kỳ xây dựng đất nước, Hội phụ nữ ở cơ sở lại vận động, thu hút chị em trong các phong trào thi đua " Người phụ nữ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc", "Phụ nữ tích cực học tập, lao động, sáng tạo, nuôi dạy con tốt, xây dựng gia đình hạnh phúc", "Phụ nữ giúp nhau xây dựng gia đình, cần kiệm xây dựng đất nước", "Phụ nữ giỏi việc nước, đảm việc nhà" với những nội dung cụ thể đã có tác dụng lôi cuốn đông đảo phụ nữ tham gia. Trong các chương trình hoạt động "xoá đói, giảm nghèo", "Nhóm phụ nữ tín dụng", "Ngày tiết kiệm vì phụ nữ nghèo" với nội dung thiết thực, phù hợp đã mang lại hiệu quả rất tốt không chỉ cho phụ nữ, mà còn có tác động mạnh mẽ tới cộng đồng dân cư, tạo nên một không khí sôi động ở cơ sở.
Để thực hiện các mục tiêu của kế hoạch, ở cơ sở, Hội đã chủ động lồng ghép vào các chương trình, dự án quốc gia của địa phương, các cuộc vân động của Mặt trậnTổ quốc và các đoàn thể. Nổi bật nhất trong hoạt động kinh tế của phụ nữ là Hội đã có nhiều hình thức hoạt động tạo vốn, vay vốn để phụ nữ giúp nhau làm kinh tế và xoá đói giảm nghèo. Hiện nay, số vốn do Hội phụ nữ các cấp khai thác và sử dụng là hơn 4.000 tỉ đồng. Với số vốn này, Hội đã giúp phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ nghèo được vay vốn sản xuất, chuyển giao khoa học - kỹ thuật. Ở nhiều cơ sở, phụ nữ năng động sáng tạo, nhiều chị em đã thoát khỏi đói nghèo, trở thành những chủ doanh nghiệp, chủ trang trại hoặc chủ hộ khá giả, giàu có. Với những hoạt động tích cực có hiệu quả, Hội là đại diện bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của phụ nữ thông qua hệ thống pháp luật và chính sách của Đảng và Nhà nứơc. Đó chính là những điều kiện thúc đẩy sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới có hiệu quả thiết thực và trực tiếp nhất ở cơ sở.
Hiện nay, nước ta có hơn 75% dân cư và hơn 70% lao động đang sống trên địa bàn nông nghiệp và nông thôn, Hội nông dân đã trở thành tổ chức chính trị - xã hội rộng rãi của giai cấp nông dân cả nước. Trong quá trình đổi mới, Hội nông dân ở cơ sở đã thực sự là "chỗ dựa" của bà con nông dân và của chính quyền cơ sở. Hội đã làm tốt chức năng đại diện quyền lợi hợp pháp của nông dân, trong đó có nữ nông dân chiếm tỷ lệ gần 70% lao động trong nông nghiệp. Trong mục tiêu xoá đói giảm nghèo, công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn hiện nay, hai vấn đề bức xúc nhất để phát triển sản xuất, thực hiện các mục tiêu chiến lược là vấn đề vốn và chuyển giao khoa học- kỹ thuật cho nông dân, nhất là nữ nông dân - lực lượng lao động đông đảo, trình độ thấp, chiếm tỉ lệ nghèo đói cao trong dân cư. Vì vậy hình thức hoạt động chủ yếu của Hội ở cơ sở là dùng tín chấp, qua kênh Trung ương Hội để vay vốn cho bà con nông dân, đặc biệt là phụ nữ nông dân nghèo. Hàng triệu nông dân và nữ nông dân đã thoát khỏi đói nghèo nhờ vay vốn và sự giúp đỡ của Hội nông dân ở cơ sở.
Mặt khác, thông qua chương trình khuyến nông, Hội ở cơ sở phối kết hợp với các tổ chức, các dự án tổ chức các lớp tập huấn nhằm chuyển giao công nghệ cho bà con nông dân, đặc biệt cho nữ nông dân, giúp họ áp dụng khoa học kỹ thuật trong qúa trình chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng đạt năng suất cao. Thông qua hình thức bồi dưỡng, tập huấn kỹ thuật, người nông dân nói chung, nữ nông dân nói riêng ngày càng mạnh dạn, tự tin trong tìm tòi, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất làm thay đổi cách nghĩ, cách làm, thay đổi đời sống của chính họ trên quê hương của họ. Với 86.080 chi Hội gồm 7,4 triệu hội viên (9), Hội nông dân ở cơ sở không chỉ đóng góp phần to lớn làm thay đổi diện mạo địa phương ở cơ sở trên lĩnh vực chính trị - kinh tế, mà còn làm thay đổi mối quan hệ giới ở địa phương theo hướng văn minh, tiến bộ, bình đẳng trên cơ sở sự tiến bộ của phụ nữ.
[1], [2],[3],[4],[5],[6] Hồ Chủ tịch với vấn đề giải phóng phụ nữ, Nxb Phụ nữ ,1970, tr 17, 29, 28, 33, 33, 31
[7] Uỷ ban quốc gia về sự tiến bộ phụ nữ Việt Nam, 2005
[8],[9 GS.TS Hoàng Chí Bảo. Hệ thống chính trị ở cơ sở nông thôn nước ta hiện nay. Nxb Lý luận chính trị, H, 2005, tr 263, 269
Nâng cao trình độ lý luận của cán bộ, đảng viên theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong Tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc"  (02/10/2007)
Việt - Pháp: Mối quan hệ hợp tác mẫu mực giữa một nước đang phát triển và một nước công nghiệp phát triển  (02/10/2007)
Chấp hành nghị quyết (?)  (02/10/2007)
Hãy bình tâm hơn khi xem xét vấn đề nhân quyền Việt Nam  (02/10/2007)
Gia đình, dòng họ - những giá trị cơ bản của văn hóa làng, xã Việt Nam  (02/10/2007)
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên