Hà Nội đẩy mạnh quản trị đô thị, hướng tới một chính quyền đô thị tự chủ, hiệu quả
TCCS - Xây dựng chính quyền đô thị là xu thế tất yếu, khách quan của các thành phố trên thế giới, trong đó có Thủ đô Hà Nội. Do đó, Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua tháng 6-2024, có hiệu lực từ ngày 1-1-2025 đã đưa ra nhiều quy định mới về chính sách, cơ chế đặc thù, trong đó đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền, tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền đô thị cho Thủ đô Hà Nội. Đây là động lực, không gian mới để Hà Nội tập trung nguồn lực, bứt phá phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Tăng cường phân cấp, phân quyền cho chính quyền đô thị trên cả nước
Ngày nay, xây dựng chính quyền đô thị đang được nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm, trong đó có Việt Nam. Bởi đô thị hóa đang là xu hướng tất yếu của toàn cầu, là quá trình mở rộng và phát triển mạng lưới đô thị. Phát triển đô thị khác với đô thị hóa ở chỗ, phát triển đô thị chỉ xét cho từng đô thị riêng biệt, còn đô thị hóa thì xét cho cả mạng lưới đô thị, hệ thống đô thị quốc gia phát triển nhanh và đóng vai trò là trung tâm phát triển kinh tế - xã hội, tạo ra sự khác biệt lớn về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, trật tự xã hội. Chính vì vậy, quá trình đô thị hóa nhanh không chỉ đặt ra những vấn đề về kinh tế - văn hóa, xã hội phải giải quyết, mà còn đòi hỏi phải nghiên cứu xác lập đơn vị hành chính đô thị và tổ chức bộ máy quản lý nhà nước trên địa bàn đô thị một cách hợp lý. Việc xây dựng và hoàn thiện chính quyền đô thị là một nhu cầu khách quan và phù hợp với yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn(1).
Ở Việt Nam, chính quyền đô thị được tổ chức phù hợp với các đặc điểm của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và các điều kiện tự nhiên của đô thị, nhằm quản lý đô thị và mang đầy đủ đặc điểm cơ bản của chính quyền địa phương. Chính quyền đô thị vừa thể hiện các vấn đề chung của chính quyền địa phương về bản chất, vị trí, vai trò, chức năng đại diện của nhân dân và các mối quan hệ giữa chính quyền các cấp theo quy định của pháp luật, vừa thể hiện các yêu cầu đặc thù riêng của phương thức tổ chức, quản lý và phát triển đô thị.
Thời gian qua, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã ban hành những nghị quyết, chỉ thị quy định về xây dựng chính quyền đô thị. Có thể kể đến như, tháng 7-2012, Ban Chỉ đạo Trung ương xây dựng Đề án thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị đã ban hành Kế hoạch số 78/KH-BCĐTWCQĐT “Về xây dựng đề án thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị” kèm theo “Đề cương Đề án thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị”. Trong đó nêu rõ quan điểm: Việc đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền đô thị đang đặt ra yêu cầu cần thiết phải làm rõ sự khác biệt giữa đô thị và nông thôn, từ đó xác định mô hình tổ chức bộ máy, quy định chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm và cơ chế hoạt động phù hợp đối với chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn nhằm bảo đảm tính thống nhất, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả quản lý của mỗi cấp chính quyền.
Trên cơ sở quan điểm, chủ trương của Đảng và quy định của Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức chính quyền đô thị năm 2015, ngày 27-11-2019, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 97/2019/QH14, “Về thí điểm tổ chức mô hình CQĐT tại Thành phố Hà Nội”; Nghị quyết số 119/2020/QH14, ngày 19-6-2020, “Về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng”. Căn cứ quy định của Luật Tổ chức chính quyền đô thị sửa đổi, bổ sung năm 2019, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 131/2020/QH14, ngày 16-11-2020, “Về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh”.
Trên thực tiễn, việc thí điểm chính quyền đô thị tại một số thành phố trên cả nước thời gian qua đã bước đầu đạt được một số kết quả tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số những hạn chế, bất cập, như: chức năng, nhiệm vụ của chính quyền đô thị và phân cấp, phân quyền giữa Trung ương với chính quyền thành phố trực thuộc Trung ương cũng như giữa các cấp chính quyền đô thị chưa hợp lý. Vai trò quyết định, giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp trong nội bộ đô thị chưa được thể hiện rõ; năng lực quản lý phát triển đô thị của Ủy ban nhân dân các cấp còn hạn chế;… Nguyên nhân là do chưa xây dựng được mô hình chính quyền đô thị phù hợp, thống nhất trong cả nước; việc phân cấp, phân quyền cho chính quyền đô thị còn hạn chế, phát sinh một số vấn đề cần nghiên cứu để có phương án giải quyết. Do vậy, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đề ra nhiệm vụ “thực hiện và tổng kết việc thí điểm chính quyền đô thị nhằm xây dựng và vận hành các mô hình quản trị chính quyền đô thị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”(2). Nghị quyết số 06-NQ/TW, ngày 24-1-2022, của Bộ Chính trị, “Về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã đề ra nhiệm vụ: “Tổng kết việc thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và các cơ chế, chính sách riêng, có tính đặc thù đối với một số địa phương để làm căn cứ sớm hoàn thiện thể chế về chính quyền đô thị... Tiếp tục hoàn thiện chức năng quản lý nhà nước về đô thị từ Trung ương đến các cấp chính quyền địa phương; xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước đầu mối về phát triển đô thị ở Trung ương và địa phương”.
Hà Nội quán triệt đẩy mạnh tổ chức chính quyền đô thị
Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước; là đô thị đặc biệt, có quy mô dân số đứng thứ hai của cả nước và có mật độ dân số cao thứ hai trong 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (mật độ dân số là 2.398 người/km2, cao gấp 8,2 lần so với mật độ dân số cả nước). Do vậy, Kết luận số 22-KL/TW, ngày 7-11-2017, của Bộ Chính trị, “Về sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011 - 2020” tích cực định hướng để thành phố Hà Nội được triển khai thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị trong khu vực các quận. Ngày 19-4-2019, Bộ Chính trị đã thông qua Kết luận số 46-KL/TW về Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội.
Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết số 97/2019/QH14, ngày 27-11-2019, “Về thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội”. Sau đó, Chính phủ ban hành Nghị định số 32/2021/NĐ-CP, ngày 29-3-2021, quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 97/2019/QH14, ngày 27-11-2019, của Quốc hội, “Về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội”. Để thực hiện Nghị định số 32/2021/NĐ-CP, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 100/KH-UBND, ngày 12-4-2021, triển khai thực hiện, phân công nhiệm vụ các sở, ngành, các quận và thị xã Sơn Tây bảo đảm các điều kiện thực hiện thí điểm quản lý mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội.
Ngày 1-7-2021, mô hình chính quyền đô thị bắt đầu được triển khai thí điểm ở các thành phố Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh. Theo đó, thành phố Hà Nội đã chính thức triển khai thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại 175 phường thuộc 12 quận và thị xã Sơn Tây theo Nghị quyết số 97/2019/QH14.
Mới đây nhất, Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua vào tháng 6-2024, bao gồm 7 chương với 54 điều, quy định rõ vị trí, vai trò của Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, nơi đặt trụ sở của các cơ quan Trung ương của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế; là thành phố trực thuộc Trung ương, là đô thị loại đặc biệt, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục, đào tạo, khoa học và công nghệ và hội nhập quốc tế của cả nước.
Với quy định trên, về tổ chức chính quyền đô thị, Luật Thủ đô (sửa đổi) bảo đảm tổ chức chính quyền Thủ đô theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; quy định cơ cấu tổ chức và nhiệm vụ, quyền hạn của các cấp chính quyền tại thành phố Hà Nội không chỉ thực hiện theo quy định của Luật Thủ đô, mà còn cả quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương (khoản 1 Điều 8). Cụ thể, Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định chính quyền địa phương ở thành phố Hà Nội, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc thành phố, xã, thị trấn là cấp chính quyền địa phương gồm Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân; chính quyền địa phương ở phường tại Hà Nội là Ủy ban nhân dân phường. Trên cơ sở đó, phân cấp cho chính quyền thành phố quyết định thành lập mới đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý; Hội đồng nhân dân thành phố thực hiện tăng thêm hơn 80 nội dung nhiệm vụ, quyền hạn; Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân, cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc Ủy ban nhân dân các cấp được phân cấp hoặc ủy quyền thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn do pháp luật quy định. Như vậy, việc thí điểm chính quyền địa phương ở phường tại thành phố Hà Nội đã được luật hóa, không còn thực hiện phương thức thí điểm theo Nghị quyết số 97/2019/QH14.
Ngoài ra, cùng với quy định về việc phân cấp, ủy quyền giữa các cấp chính quyền của thành phố Hà Nội, Luật Thủ đô đã bổ sung quy định về việc phân cấp, ủy quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ, ngành cho các cơ quan của thành phố Hà Nội để cụ thể hóa chủ trương đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền. Để bảo đảm cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực trong việc thực hiện các nhiệm vụ được phân cấp, ủy quyền, tránh lạm dụng, ủy quyền tràn lan, Luật Thủ đô giao Hội đồng nhân dân thành phố quy định chi tiết phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được ủy quyền. Bên cạnh đó, giao Ủy ban nhân dân thành phố quy định việc điều chỉnh hồ sơ, trình tự, thủ tục, thẩm quyền phù hợp với việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp, ủy quyền; giao Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp của thành phố và các tổ chức thành viên giám sát việc thực hiện các nội dung được phân cấp, ủy quyền theo quy định của Luật.
Để Luật Thủ đô nhanh chóng đi vào cuộc sống, đặc biệt là phát huy hiệu quả vai trò của chính quyền đô thị Hà Nội, Chính phủ đã giao cho Hà Nội xây dựng văn bản quy phạm pháp luật cũng như các văn bản hướng dẫn thuộc trách nhiệm thẩm quyền. Đồng thời, Hà Nội cần phải phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trung ương ban hành các văn bản để khi luật có hiệu lực, việc triển khai thực hiện có hiệu quả. Trước mắt, thành phố Hà Nội tập trung triển khai một số nhiệm vụ sau:
Một là, triển khai tích cực việc phân cấp, phân quyền cho chính quyền đô thị của Hà Nội gắn với đề cao trách nhiệm, bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý thống nhất của Trung ương. Trên cơ sở quy định được ban hành tại Luật Thủ đô, Hà Nội cần quán triệt rõ chức năng, nhiệm vụ của chính quyền đô thị với nhiệm vụ của các cấp hành chính trong nội bộ đô thị nhằm bảo đảm tính thống nhất, thông suốt và hiệu lực, hiệu quả của chính quyền đô thị. Đồng thời, phát huy tính năng động, sáng tạo và tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong chỉ đạo, điều hành của các cấp hành chính trong đô thị.
Hai là, Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định một trong những trách nhiệm của Hà Nội là xây dựng, phát triển Thủ đô văn minh, hiện đại, tiêu biểu cho cả nước. Vì vậy, bên cạnh việc thực hiện các chức năng quản lý kinh tế - xã hội nói chung, chính quyền đô thị Hà Nội cần phát huy vai trò trong: 1- Xây dựng quy hoạch đô thị và quản lý quy hoạch phát triển đô thị theo nguyên tắc đa dạng hóa các nguồn lực, kết hợp nguồn lực của nhà nước với xã hội, tư nhân, đẩy mạnh hợp tác công - tư; 2- Xây dựng, bảo đảm hệ thống kết cấu hạ tầng thống nhất, đồng bộ; 3- Thực hiện triệt để các biện pháp bảo vệ môi trường, hướng tới phát triển đô thị xanh và bền vững; 4- Tổ chức cung ứng các dịch vụ công cơ bản, thiết yếu cho người dân.
Ba là, xây dựng chính quyền đô thị hướng tới một chính quyền và đô thị thông minh hơn (kinh tế thông minh, con người thông minh, quản trị thông minh, di động thông minh, môi trường thông minh và cuộc sống thông minh,...). Chính quyền thông minh tạo điều kiện cho đổi mới, sáng tạo, đưa ra những giải pháp thông minh để giải quyết các vấn đề phức tạp nhằm bảo vệ môi trường sống, tạo cơ hội tốt hơn cho mọi người dân(3).
Bốn là, trong quản trị đô thị, chính quyền đô thị Hà Nội cần thể hiện đầy đủ tính dân chủ, công khai, minh bạch, có năng lực đáp ứng và tinh thần trách nhiệm. Cần lấy sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững và sự hài lòng của người dân làm các tiêu chí đánh giá hiệu quả của quản trị đô thị. Ngoài ra, phát huy mô hình quản trị có sự phối hợp và hợp tác có hiệu quả giữa chính quyền, doanh nghiệp và xã hội. Chính quyền cần phối hợp với công dân, doanh nghiệp trong quá trình phân bổ các nguồn lực phát triển, trong quản lý, giải quyết các vấn đề chung liên quan đến phát triển đô thị.
Năm là, cùng với việc tăng cường phân quyền, phân cấp cho chính quyền đô thị, cần có cơ chế kiểm soát hữu hiệu từ chính quyền trung ương thông qua các hoạt động lập pháp, ngân sách và hỗ trợ kỹ thuật, cũng như cơ chế bảo đảm cho các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và người dân có khả năng giám sát tổ chức và hoạt động của chính quyền đô thị. Thông qua đó, người dân có khả năng tác động đến hoạt động của chính quyền đô thị, bảo đảm hoạt động của chính quyền đô thị đặt dưới sự kiểm soát của người dân./.
-------------------
(1) Nguyễn Đức Thắng: “Hoàn thiện chính sách xây dựng chính quyền đô thị ở Việt Nam hiện nay”, Tạp chí Quản lý Nhà nước, ngày 23-7-2024, https://www.quanlynhanuoc.vn/2024/07/23/hoan-thien-chinh-sach-xay-dung-chinh-quyen-do-thi-o-viet-nam-hien-nay/
(2) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 178
(3) Nguyễn Văn Vẹn: “Tiếp cận đa chiều chính quyền thông minh - Định hướng cho xây dựng chính quyền đô thị ở Việt Nam”, Tạp chí Cộng sản điện tử, https://www.tapchicongsan.org.vn/gop-y-du-thao-cac-van-kien-trinh-dai-hoi-xiii-cua-dang/-/2018/816732/view_content
Phát huy giá trị di sản văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội tại Thủ đô Hà Nội  (25/11/2024)
Đẩy mạnh liên kết vùng đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Hà Nội  (24/11/2024)
Xây dựng đội ngũ công chức ở Nhật Bản và một số hàm ý tham chiếu đối với Thủ đô Hà Nội  (22/11/2024)
Hà Nội gắn kết bảo tồn di sản văn hóa và phát triển du lịch trong bối cảnh mới  (22/11/2024)
Phát triển kinh tế số tại Hà Nội: Thực trạng và một số vấn đề đặt ra  (20/11/2024)
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
- Tăng cường công tác dân vận nhằm thực hiện hiệu quả chính sách xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới
- Kỷ nguyên số - Bối cảnh và cơ hội cho kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Hoàn thiện hệ thống pháp luật đáp ứng mục tiêu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
- Nhận diện những thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức chủ yếu của Việt Nam trong kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
-
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX