Xây dựng thành phố thông minh: Kinh nghiệm quốc tế và một số hàm ý chính sách đối với Thủ đô Hà Nội
TCCS - Cùng với chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh đang trở thành xu hướng tất yếu trên thế giới, nhằm đáp ứng được nhu cầu ngày càng gia tăng cả về số lượng và chất lượng cuộc sống của người dân thành phố với một nguồn lực hạn chế. Hiện nay, nhiều thành phố trên thế giới xây dựng thành công mô hình thành phố thông minh. Việc nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm của các nước tiên tiến trên thế giới có ý nghĩa quan trọng giúp Thủ đô Hà Nội có thể vận dụng nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng thành phố thông minh theo hướng bền vững.
Về thành phố thông minh
Thành phố thông minh (smart city) là mô hình của một thành phố áp dụng những công nghệ hiện đại tiên tiến nhất giúp kết nối và tạo nên một hệ thống hữu cơ tổng thể để nâng cao chất lượng cuộc sống, phục vụ chính quyền và cải thiện cuộc sống cho người dân. Thành phố thông minh còn được hiểu là thành phố sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big Data) để thu thập dữ liệu, sau đó sử dụng dữ liệu này để quản lý tài sản và nguồn tài nguyên thiên nhiên một cách hiệu quả.
Mục tiêu dài hạn của xây dựng thành phố thông minh là phát triển bền vững, trong đó bảo đảm những lợi ích, như: 1- Tăng trưởng kinh tế. Quá trình đầu tư vào thành phố thông minh sẽ thu hút nhiều thành phần kinh tế tham gia (các doanh nghiệp khởi nghiệp, trường đại học, trung tâm cạnh tranh…). Trên cơ sở đó, tạo việc làm và các động lực nghề nghiệp mới cho xã hội; 2- Tiết kiệm nguồn tài chính cho chính quyền. Thành phố thông minh cho phép chính quyền địa phương tiết kiệm ngân sách quản lý và vận hành; 3- Mang lại lợi ích cho người dân. Người dân sẽ thụ hưởng những thành quả do phát triển thành phố thông minh mang lại, như bảo đảm về y tế, môi trường sống, giáo dục… Ba trụ cột này đều nhằm phát triển bền vững.
Thành phố thông minh được xác định trên cơ sở một số đặc điểm: Kết cấu hạ tầng dựa trên công nghệ thông tin và truyền thông; sáng kiến về môi trường; giao thông công cộng hiệu quả; mọi người dân có thể sống và làm việc trong thành phố, sử dụng các nguồn lực của thành phố. Tóm lại, thành phố thông minh sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông để tạo dựng, triển khai và thúc đẩy các hoạt động phát triển nhằm giải quyết những thách thức đô thị và tạo ra một kết cấu hạ tầng bền vững.
Theo đánh giá của Liên hợp quốc, đến năm 2050, 2/3 dân số toàn cầu và 64% dân số tại các nước khu vực châu Á sẽ tập trung ở những thành phố, 80% tổng sản phẩm nội địa (GDP) toàn cầu sẽ đến từ các thành phố và tiêu thụ tới 60% năng lượng trên toàn thế giới. Với tình trạng gia tăng đô thị hóa và dân số nhanh chóng, sự phát triển bền vững trở thành thách thức đối với các thành phố, từ vấn đề môi trường, giao thông, nhà ở, cho đến bảo đảm nguồn cung năng lượng. Để ứng phó với các thách thức về quản trị đô thị đương đại, cải thiện môi trường, bảo đảm tính bền vững, tăng cường lợi thế cạnh tranh, yêu cầu đặt ra đối các thành phố trên thế giới hiện nay là phải đổi mới và phát triển thành thành phố thông minh.
Một số kinh nghiệm quốc tế
Hiện nay, dân số đô thị trên toàn thế giới được thống kê nhiều hơn so với dân số nông thôn. Các thành phố đang phải đối mặt với nhu cầu về nước sạch, lương thực, đất đai, … ; đồng thời yêu cầu cung cấp những dịch vụ chất lượng hơn, kiến tạo một nền kinh tế cạnh tranh hơn, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, gia tăng hiệu quả và năng suất lao động, bảo vệ môi trường, giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Xu hướng xây dựng thành phố thông minh được nhiều thành phố trên thế giới nhìn nhận như một giải pháp tối ưu nhất.
Chính vì vậy, trên thế giới đã có khoảng hơn 100 thành phố triển khai các chương trình để hiện thực hóa mục tiêu trở thành thành phố thông minh. Tùy thuộc vào bối cảnh và điều kiện cụ thể, mỗi quốc gia hoặc thành phố lựa chọn cách thức riêng để đạt được mục tiêu của mình. Nhiều thành phố trên thế giới đã thành công hoặc đang xây dựng thành phố thông minh để cân bằng giữa việc theo đuổi các mục tiêu tăng trưởng với nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, nâng cao chất lượng đô thị hóa, hướng đến phát triển bền vững.
Malaysia xác định xây dựng thành phố thông minh là một trong những trọng tâm của Kế hoạch năm năm lần thứ 12 của nước này với sự tham gia của cả ba cấp chính phủ cũng như khu vực tư nhân để hợp lý hóa và điều phối sự phát triển của các thành phố thông minh. Theo kế hoạch, các thành phố thông minh tại Malaysia sẽ bao gồm công nghệ kết nối 5G, cộng đồng không tiền mặt, giao thông công cộng tự động, giao hàng không người lái, tòa nhà tiết kiệm năng lượng, quản lý nước và xử lý chất thải thông minh. Nhằm thực hiện kế hoạch này, Chính phủ Malaysia đã triển khai Chương trình Kembara Digital Malaysia để giúp người dân Malaysia trang bị các kiến thức cơ bản và nâng cao khả năng sử dụng các công nghệ, thiết bị kỹ thuật số hiện đại. Chương trình cũng cung cấp nền tảng internet băng thông rộng, phủ khắp Malaysia với giá cả ưu đãi. Trước đó, Malaysia cũng xác định 8 trụ cột của thành phố thông minh, bao gồm: quản trị thông minh, năng lượng thông minh, tòa nhà thông minh, di chuyển/giao thông thông minh, kết cấu hạ tầng thông minh, công nghệ thông minh, chăm sóc sức khỏe thông minh và công dân thông minh. Nhìn chung, Malaysia sử dụng cách tiếp cận từ trên xuống với một chiến lược quốc gia về thành phố hóa, trong đó có một phần dành cho thành phố thông minh, nhằm thúc đẩy và điều phối quy hoạch phát triển thành phố bền vững, nhấn mạnh vào sự phát triển cân bằng về thể chất, môi trường, xã hội và kinh tế ở Malaysia (1). Hiện nay, nhiều thành phố tại Malaysia đã phát triển theo mô hình thành phố thông minh, như Thủ đô Kuala Lumpur, thành phố Kota Kinabalu, Kuching, Iskandar và Kulim.
Trong xây dựng thành phố thông minh, Thái Lan sử dụng cách tiếp cận theo hai chiều: từ trên xuống thông qua việc xây dựng Ban chỉ đạo quốc gia về xây dựng thành phố thông minh và từ dưới lên thông qua Liên minh các thành phố thông minh và các doanh nghiệp phát triển thành phố. Mặc dù xác định các vấn đề đô thị đặt ra tương đối giống nhau giữa các thành phố của Thái Lan, như: vấn đề ngập lụt thành phố, rác thải thành phố, an ninh thành phố, nhưng mỗi thành phố của Thái Lan lại đưa ra một mục tiêu khác nhau khi xây dựng thành phố thông minh. Chẳng hạn, Thủ đô Bangkok đưa ra bốn mục tiêu cụ thể: an toàn, chỉ dẫn thông minh, xanh và chất lượng sống dành cho mọi người. Mục tiêu chính của thành phố Khon Kaen là cơ hội cho đổi mới sáng tạo (khởi nghiệp, vườn ươm khởi nghiệp, phòng thí nghiệm thành phố) và chất lượng cuộc sống. Trong khi đó, thành phố Laem Chabang đặt ra ba mục tiêu khi xây dựng thành phố thông minh: cửa ngõ của hành lang kinh tế phía Đông, môi trường trong sạch, cân bằng công việc và cuộc sống (2).
Là một quốc gia nhỏ, nghèo tài nguyên thiên nhiên, nhưng Singapore đã khai thác thành công công nghệ, bao gồm cảm biến và đồng hồ tự động. Singapore được bình chọn là một trong những thành phố thông minh nhất trên thế giới. Về giao thông, Singapore đã triển khai hệ thống giao thông một cổng thông tin toàn diện, gọi là “one monitoring”. Trong hệ thống này, người dân có thể truy cập thông tin giao thông thu thập từ các camera giám sát được lắp đặt trên đường và xe taxi bằng GPS. Bên cạnh đó, Singapore triển khai hệ thống hướng dẫn đỗ xe, cung cấp cho các tài xế thông tin theo thời gian thực về tình trạng chỗ đỗ xe. Về hệ thống điện, Singapore thực hiện đầu tư cải tạo lưới điện để tiết kiệm năng lượng hơn và triển khai các cảm biến có thể thu thập dữ liệu thời gian thực về gió, ánh sáng mặt trời và bóng râm trong khu dân cư. Bằng cách phân tích thông tin này, các nhà quy hoạch đô thị sẽ có thể hiểu rõ hơn về cách thiết kế và xây dựng các khu nhà ở trong tương lai để giảm nhu cầu sử dụng điều hòa không khí. Điều này góp phần làm giảm lượng khí thải carbon ra môi trường. Singapore cũng thực hiện chương trình quản lý chất thải với việc lắp đặt thùng rác thông minh trên đường phố. Các thùng rác này tự động sạc bằng năng lượng mặt trời cùng hệ thống lưu trữ điện phòng khi không có ánh nắng. Thùng rác có kích cỡ khá nhỏ gọn nhưng nhờ một hệ thống nén được lắp đặt bên trong, có thể chứa lượng rác lớn gấp 8 lần so với những thùng rác trung bình. Không chỉ vậy, thùng rác thông minh còn có hệ thống cảm biến để nhận biết khi thùng rác đã đầy và sẽ tự động gửi tin nhắn thông báo tới điện thoại của nhân viên vệ sinh. Nhân tố góp phần quan trọng cho thành công của Singapore trong việc xây dựng và phát triển thành phố thông minh chính là các dự án, chiến lược mang tầm quốc gia với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính phủ nước này. Hai dự án quan trọng nhất của Singapore mang tầm quốc gia đã được Chính phủ xác định là động lực quan trọng để phát triển đô thị thông minh gồm dự án “Smart Nation” (quốc gia thông minh) và Virtual Singapore (Singapore số).
Theo đó, Smart Nation bao gồm 5 dự án chiến lược: 1- Hệ thống nhận diện điện tử cấp quốc gia; 2- Hệ thống cảm biến thông minh trên cả nước; 3- Nền tảng giao thông thông minh; 4- Cổng thanh toán điện tử và Moments of Life (ứng dụng di động giúp Chính phủ Singapore chuyển các dịch vụ phù hợp đến người dân một cách nhanh chóng và kịp thời). Virtual Singapore là dự án được triển khai từ năm 2014. Đây được coi là một bản sao kỹ thuật số có thể tương tác và được hiển thị dưới dạng hình ảnh 3 chiều. Dự án này là một bước đột phá lớn trong quá trình xây dựng và phát triển thành phố thông minh tại Singapore, cho phép các chuyên viên quy hoạch đô thị dễ dàng quan sát toàn cảnh của thành phố, lựa chọn phóng to/thu nhỏ kết cấu, kiến trúc của các tòa nhà, từ đó đánh giá đặc điểm cụ thể của từng khu vực. Đồng thời, Virtual Singapore giúp chính phủ quan sát hoạt động của toàn bộ kết cấu hạ tầng thành phố theo thời gian thực, theo dõi, phân tích tình hình an ninh, mật độ dân cư, chất lượng không khí… Bên cạnh đó, dự án này còn cho phép tiến hành các thử nghiệm quy hoạch và giúp ứng phó với thảm họa thiên nhiên, dịch bệnh hoặc khủng bố.
Nhìn chung, để có được những thành công trong việc xây dựng và phát triển thành phố thông minh tại Sigapore, yếu tố không thể không nhắc đến là sự đầu tư của Chính phủ Singapore dành cho nghiên cứu và phát triển. Chính phủ Singapore đã đầu tư đến 1% GDP vào các dự án mới nhằm phát triển thành phố thông minh.
Hàn Quốc cũng là một trong những quốc gia tiêu biểu trên thế giới về xây dựng thành phố thông minh. Thủ đô Seoul là một ví dụ điển hình. Từng là một thành phố đổ nát từ sau cuộc chiến tranh Triều Tiên (năm 1953) trong vòng hơn nửa thế kỷ, Thủ đô Seoul ngày nay đã phát triển trở thành một đại đô thị công nghệ cao toàn cầu. Đặc biệt, kể từ năm 2014, các chiến dịch công nghệ thông minh của Thủ đô Seoul ngày càng phát triển mạnh mẽ. Seoul có hệ thống phân tích lưu lượng giao thông, tốc độ và chất lượng không khí bằng cảm biến, camera quan sát. Đây là tiền đề tạo cơ sở vững chắc cho kết cấu hạ tầng và dịch vụ thông minh. Seoul cũng có sáng kiến an toàn để hỗ trợ người già neo đơn. Khi không phát hiện thấy chuyển động trong một khoảng thời gian nhất định hoặc nếu cảm biến môi trường phát hiện nhiệt độ, độ ẩm hoặc ánh sáng bất thường, nhân viên phụ trách sẽ được liên hệ ngay lập tức. Ngoài ra, Seoul còn tăng cường triển khai các dịch vụ hành chính công thông qua điện thoại thông minh (100% các dịch vụ xác thực, cấp giấy tờ, thanh toán), kèm theo các tính năng đặt hẹn (85% tất cả hồ sơ liên quan đến dịch vụ công được hẹn trước), cảnh báo, khiếu nại và theo dõi xử lý khiếu nại,... (3). Tháng 3-2019, Seoul triển khai kế hoạch lắp đặt 50.000 cảm biến IoT trên toàn thànhphố trước năm 2022 nhằm thu thập thông tin về bụi mịn, giao thông và các yếu tố khác liên quan đến cuộc sống người dân. Chính quyền Seoul cũng giới thiệu chatbot cho 120 tổng đài dân sự, cũng như một hệ thống đỗ xe công cộng để người dùng kiểm tra chỗ trống. Đây là một phần trong dự án thành phố thông minh trị giá 1,24 tỷ USD trong 4 năm, (kể từ năm 2019), với mục tiêu đưa Seoul trở thành “thủ đô của dữ liệu lớn” (4). Tương tự, Seoul đang xem xét sử dụng nền tảng dữ liệu tạo ra thám tử AI để phát hiện các mô hình tội phạm tiềm ẩn. Hiện tại, Seoul cũng là một trong những thành phố đầu tiên sử dụng công nghệ 5G trong giao thông.
Hàm ý chính sách đối với Thủ đô Hà Nội
Quy hoạch Thủ đô Hà Nội được lập trong bối cảnh Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng (tháng 2-2021) xác định rõ về định hướng phát triển của đất nước đến năm 2045; Nghị quyết số 30-NQ/TW, của Bộ Chính trị, “Về phát triển vùng đồng bằng sông Hồng đến 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 5-5-2022, của Bộ Chính trị, “Về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” cùng Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020 - 2025. Trong thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu, việc quản lý, vận hành đô thị một cách hiệu quả, thông minh hơn hướng tới phát triển đô thị tăng trưởng xanh và bền vững là cần thiết, phù hợp để hội nhập trong bối cảnh phát triển chung của thế giới. Với vai trò và vị thế “trái tim của cả nước”, việc xây dựng và thực hiện Quy hoạch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cần định hướng để Hà Nội tiên phong trở thành đô thị thông minh.
Từ việc nghiên cứu những đặc điểm chính của thành phố thông minh và kinh nghiệm xây dựng thành phố thông minh của một số thành phố trên thế giới, có thể rút ra cho Hà Nội những bài học tham chiếu sau:
Một là, đẩy mạnh phát triển công nghệ, nâng cao khả năng tương tác và kết nối của hạ tầng mạng, qua đó nâng cao kết nối giữa các ban, ngành của chính quyền; giữa chính quyền với doanh nghiệp và người dân, góp phần tạo ra phương thức giao dịch hiện đại, minh bạch, tiết kiệm chi phí, thời gian thực hiện thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Hai là, triển khai xây dựng hạ tầng hệ thống giao thông thông minh với các ứng dụng tiên tiến, như hệ thống giám sát, điều hành giao thông sử dụng camera giám sát, trung tâm điều khiển giao thông, hệ thống radio để thu thập thông tin, điều hành giao thông và cung cấp thông tin cho người sử dụng; thành lập Trung tâm quản lý đường cao tốc Hà Nội quản lý an toàn giao thông, xử lý tai nạn giao thông và các biện pháp phòng ngừa với các công nghệ hiện đại phân loại phương tiện giao thông tự động, hệ thống camera giám sát, cân tự động, bảng thông báo điện tử…
Ba là, sử dụng công nghệ một cách thông minh. Việc xây dựng và phát triển thành phố thông minh không chỉ là ứng dụng những công nghệ tiên tiến, hiện đại nhất, mà còn là sử dụng công nghệ một cách thông minh nhằm cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Bốn là, nâng cao văn hóa của người dân. Việc phát triển thành phố thông minh không thể bỏ qua hay xem nhẹ yếu tố văn hóa của người dân, bởi văn hóa chính là “linh hồn” của một thành phố.
Năm là, chú trọng đến nhân tố con người. Nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng trong xây dựng thành công một thành phố thông minh, bởi việc triển khai, vận hành và bảo trì các hạ tầng trong thành phố thông minh phải được thực hiện đúng cách và đạt hiệu quả cao phụ thuộc vào nguồn nhân lực thông minh. Theo đó, việc trang bị cho đội ngũ nguồn nhân lực những kỹ năng cần thiết hết sức có ý nghĩa, không chỉ là những kỹ năng nghiệp vụ chuyên môn, mà còn phải là kỹ năng nghiên cứu, đổi mới và sáng tạo không ngừng.
Sáu là, thiết lập những phương thức và nền tảng để các bên xóa bỏ khác biệt, đẩy mạnh hợp tác và xây dựng đồng thuận trong giải quyết các vấn đề mang tính chiến lược, các xung đột về lợi ích, ứng phó với biến đổi khí hậu và thực hiện mục tiêu phát triển bền vững. Bên cạnh đó, thiết lập hệ thống quản lý thông tin và cơ sở dữ liệu thành phố bảo đảm chất lượng, tin cậy và phản ánh đúng thực trạng. Hệ thống cơ sở dữ liệu đầy đủ là nền tảng để phân tích, đánh giá và đưa ra những định hướng, giải pháp quy hoạch trên cơ sở cân nhắc các yếu tố thuận lợi, khó khăn của mỗi định hướng, mục tiêu./.
----------------------
(1), (2) Xem: Cục Phát triển đô thị Việt Nam - Bộ Xây dựng: Tài liệu tham khảo “Xây dựng và phát triển đô thị thông minh: Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam”, Diễn đàn cấp cao về đô thị thông minh ASEAN 2020, tháng 10-2020
(3) Xem: “Đô thị thông minh: Kinh nghiệm của một số nước trên thế giới, bài học cho phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam”, Cục thông tin khoa học và công nghệ quốcgia(NASATI),tháng5-2021,https://chuyendoiso.thainguyen.gov.vn/documents/8553098/8704095/%C4%90%C3%94+th%E1%BB%8B+th%C3%B4ng+minh.pdf/308e664b-218a-4663-ab62-531ded56f23d
(4) Xem: “Đô thị thông minh Hàn Quốc - Lấy người dân làm trung tâm”, Cổng thông tin điện tử Bộ Xây dựng, https://moc.gov.vn/tl/tin-tuc/73779/do-thi-thong-minh-han-quoc---lay-nguoi-dan-lam-trung-tam.aspx, ngày 21-10-2022
Du lịch trải nghiệm gắn với di sản và làng nghề Hà Nội  (15/11/2024)
Vận dụng Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giáo dục văn hóa ứng xử cho cán bộ, chiến sĩ công an phường trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội  (12/11/2024)
Xây dựng thành phố Hà Nội tiêu biểu về lối sống, phong cách ứng xử, xứng đáng là Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”  (12/11/2024)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay