TCCSĐT - Chính phủ Mỹ vừa công bố chiến lược chống khủng bố mới, trong đó xác định các nhóm khủng bố Hồi giáo cực đoan là mối đe dọa xuyên biên giới hàng đầu đối với Mỹ và các lợi ích của Mỹ ở nước ngoài, đồng thời khẳng định Mỹ sẽ triển khai mọi biện pháp cần thiết để bảo đảm an toàn cho nước Mỹ.

Chiến lược chống khủng bố mới của Mỹ

 
 Các binh sĩ Mỹ trong một chiến dịch chống IS ở tỉnh Nangarhar (Afghanistan). Ảnh: ABC News

Kể từ khi nhậm chức vào tháng 01-2017, Tổng thống Mỹ D. Trump xác định, nước Mỹ bị thách thức bởi nhiều mối đe dọa, trong đó nghiêm trọng nhất là mối đe dọa đến từ Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, nguy cơ khủng bố và chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan. Do vậy, Chính phủ Mỹ xác định tăng đầu tư cho quân đội, sử dụng sức mạnh để bảo đảm hòa bình, an ninh quốc gia cả ở bên trong và bên ngoài nước Mỹ.

Theo đó, Mỹ đã công bố tài liệu mới mang tên “Chiến lược quốc gia về chống khủng bố của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ”. Đây là chiến lược chống khủng bố đầu tiên kể từ sau chiến lược chống khủng bố của Tổng thống B. Obama đưa ra năm 2011, thời điểm trước khi IS trỗi dậy. Kể từ đó đến nay, mối đe dọa khủng bố đã mở rộng cả về kích thước, phạm vi và mức độ phức tạp.

Do đó, chiến lược chống khủng bố mới của chính quyền D. Trump được xây dựng trên nền tảng các bài học rút ra từ những nỗ lực chống khủng bố trong quá khứ và đưa ra cách tiếp cận mới nhằm tăng cường sự an toàn của người dân Mỹ. Chiến lược này tập trung 6 nội dung chính: Truy tìm nguồn gốc của các mối đe dọa khủng bố; cô lập những đối tượng khủng bố khỏi các nguồn bảo trợ tài chính, vật chất và hậu cần; hiện đại hóa và hợp nhất các công cụ chống khủng bố của Mỹ; bảo vệ kết cấu hạ tầng của Mỹ và nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu; chống cực đoan hóa khủng bố và tuyển mộ tay súng khủng bố; tăng cường năng lực chống khủng bố của các đối tác quốc tế.

Theo Ngoại trưởng Mỹ M. Pompeo, chiến lược này đề cao tầm quan trọng của các nỗ lực ngoại giao cũng như vai trò của các đối tác quốc tế trong nỗ lực chung chống khủng bố. Bên cạnh đó, người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ cũng cho rằng chiến lược đã nêu rõ sự cần thiết của việc chia sẻ trách nhiệm một cách bình đẳng giữa các quốc gia trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố, đồng thời giúp nâng cao năng lực chống khủng bố của các nước đối tác của Washington.

Cuộc chiến chống khủng bố của mà Mỹ phát động trên phạm vi toàn cầu đến nay đã bước sang năm thứ 17. Cuộc chiến này được Tổng thống Mỹ G. W.Bush phát động ngay sau sự kiện vụ khủng bố kinh hoàng ngày 11-9-2001. Đây được xem là cuộc chiến phiêu lưu, đầy tham vọng, với nhiều toan tính. Trong vòng 17 năm qua, Mỹ đã tiến hành hai cuộc chiến tranh trên bộ tại Afghanistan và Iraq và chiến dịch không kích tại Syria nhằm xóa bỏ các cứ địa của khủng bố. Ngoài ra, hàng loạt chiến dịch chống khủng bố ở Nam Á, Đông Nam Á, Trung Đông và châu Phi cũng đã được Mỹ phát động nhằm tiêu diệt các nhóm khủng bố.

Hiện chưa thể biết được chiến lược chống khủng bố của chính quyền Trump sẽ mang lại hiệu quả đến đâu. Nhưng một thực tế có thể nhìn thấy rõ, đó là cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ trong suốt 17 năm qua đã tiêu tốn ngân sách của nước Mỹ lên đến hàng chục nghìn tỷ USD.

Dấu mốc mới trong hợp tác Mekong - Nhật Bản

 
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: TTXVN

Hội nghị Cấp cao hợp tác Mekong - Nhật Bản lần thứ 10 diễn ra tại Nhà khách Quốc gia Akasaka ở thủ đô Tokyo dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nhật Bản S. Abe đã kết thúc tốt đẹp. Với quyết định nâng cấp hợp tác giữa các nước Mekong và Nhật Bản lên quan hệ đối tác chiến lược và thông qua Chiến lược hợp tác Tokyo 2018 định hướng cho hợp tác Mekong - Nhật Bản giai đoạn 2019 - 2021, Hội nghị đã tạo một dấu mốc mới trong hợp tác Mekong - Nhật Bản.

Tại Hội nghị, Thủ tướng S. Abe và các nhà lãnh đạo các nước Mekong đã rà soát tình hình hợp tác thời gian qua; thảo luận các phương hướng lớn của hợp tác giai đoạn mới cũng như trao đổi về một số vấn đề quốc tế và khu vực. Thủ tướng S. Abe và các nhà lãnh đạo các nước Mekong ghi nhận sau 10 năm hình thành, hợp tác Mekong - Nhật Bản đã đạt được nhiều thành tựu theo định hướng được đề ra, đó là xây dựng một tiểu vùng hòa bình và ổn định lâu dài; phát triển kinh tế, đóng góp tích cực cho hội nhập ASEAN; phát triển bền vững thông qua cơ chế họp cấp cao định kỳ, trao đổi về hợp tác ở các cấp và thực hiện các dự án cụ thể trong các lĩnh vực chuyên ngành cho từng giai đoạn theo các chiến lược 3 năm.

Về chiến lược Tokyo 2015 cho giai đoạn 2016 - 2018, các nhà lãnh đạo hoan nghênh việc triển khai hàng trăm dự án trong nhiều lĩnh vực, giúp cải thiện kết nối cơ sở hạ tầng, thúc đẩy gắn kết kinh tế - công nghiệp và giao lưu nhân dân giữa Nhật Bản và khu vực Mekong. Lãnh đạo các nước Mekong đánh giá cao việc Nhật Bản đã hỗ trợ hơn 750 tỷ yên giai đoạn 2016 - 2018.

Thủ tướng S. Abe và các nhà lãnh đạo các nước Mekong đã quyết định nâng cấp hợp tác giữa các nước Mekong và Nhật Bản lên quan hệ đối tác chiến lược. Theo đó, phương hướng hợp tác trong thời gian tới sẽ tập trung vào ba trụ cột chính gồm: Kết nối sống động và hiệu quả: tiếp tục xây dựng hạ tầng, tích cực triển khai sáng kiến “Tầm nhìn công nghiệp Mekong 2.0” và “Quan hệ đối tác mở rộng về cơ sở hạ tầng chất lượng”, trong các lĩnh vực hạ tầng giao thông, viễn thông, năng lượng, thương mại, đầu tư, kinh tế số; Xã hội lấy người dân làm trung tâm, với trọng tâm là phát triển nguồn nhân lực trong các lĩnh vực công nghiệp, kinh doanh quốc tế, trí tuệ nhân tạo, tài chính, nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm; hợp tác y tế, giáo dục, tư pháp. Hội nghị nhất trí sẽ tổ chức “Năm giao lưu Mekong - Nhật Bản 2019” nhằm thúc đẩy hiểu biết và giao lưu giữa nhân dân các nước Mekong và Nhật Bản; Hiện thực hóa một Mekong xanh, với các nội dung chính gồm tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế và khu vực, đặc biệt là Ủy hội sông Mekong về quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước Mekong; ứng phó biến đổi khí hậu; hợp tác về cắt giảm, xử lý và tái chế chất thải; bảo tồn và sử dụng bền vững các nguồn lợi thủy sản.

Các nhà lãnh đạo cũng đã thảo luận về các vấn đề quốc tế và khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông và Bán đảo Triều Tiên. Lãnh đạo các nước tái khẳng định cam kết chung duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, bao gồm việc tôn trọng đầy đủ các tiến trình pháp lý và ngoại giao, không đe dọa sử dụng hoặc sử dụng vũ lực, phù hợp với các nguyên tắc được công nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982.

Kết thúc Hội nghị, các nhà lãnh đạo đã thông qua Chiến lược Tokyo 2018 cho hợp tác giai đoạn 2019 - 2021 cùng ba phụ lục danh sách các dự án phối hợp giữa hợp tác Mekong - Nhật Bản với các chương trình/khuôn khổ hợp tác phát triển toàn cầu và khu vực.

Tín hiệu tích cực đối với Bán đảo Triều Tiên

 
 Ngoại trưởng Mỹ M. Pompeo. Ảnh: cnn.com

Ngoại trưởng Mỹ M. Pompeo vừa kết thúc chuyến công du 4 nước Đông Bắc Á gồm Nhật Bản, Triều Tiên, Hàn Quốc và Trung Quốc từ ngày 06 đến 08-10-2018 với mục đích nhằm phá vỡ bế tắc trong đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên. Những kết quả đạt được trong chuyến thăm này, đặc biệt là cuộc gặp với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã mở ra tín hiệu tích cực đối với vấn đề phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên.

Tại chặng dừng chân đầu tiên ở Tokyo (Nhật bản), Ngoại trưởng M. Pompeo đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản S. Abe về vấn đề phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên. Ngoại trưởng M. Pompeo cho biết, Washington sẽ phối hợp chặt chẽ với Tokyo trong tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa với Triều Tiên; cam kết Washington và Tokyo sẽ duy trì quan điểm phối hợp và đồng nhất trong cách thức thúc đẩy đàm phán với Bình Nhưỡng hướng tới mục tiêu phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên. Bên cạnh đó, ông M. Pompeo cũng cho rằng, Nhật Bản và Mỹ đang đứng trước cơ hội đạt được một thỏa thuận thương mại song phương sau khi Thủ tướng S. Abe và Tổng thống D. Trump thảo luận về nội dung này tại New York hồi tháng trước.

Trong cuộc gặp kéo dài 2 tiếng tại Bình Nhưỡng, Ngoại trưởng M. Pompeo và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã thảo luận về tiến trình phi hạt nhân hóa và thiết lập một cơ chế hòa bình cũng như về khả năng tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh Triều - Mỹ lần thứ hai. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un “bày tỏ ý định và tin tưởng rằng chắc chắn sẽ đạt được tiến triển lớn” trong cuộc gặp thứ hai với Tổng thống Mỹ D. Trump. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un “đã giải thích chi tiết các đề xuất giải quyết vấn đề phi hạt nhân hóa và các vấn đề hai bên cùng quan tâm”. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un cam kết cho phép các thanh sát viên quốc tế tới thị sát Punggye-ri, khu vực thử tên lửa hạt nhân quan trọng của Triều Tiên được dỡ bỏ tháng 5 vừa qua ngay khi hoàn tất các công tác hậu cần. Trong khi đó, người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ cũng bày tỏ sự lạc quan rằng Washington và Bình Nhưỡng đang tiến “khá gần” tới thỏa thuận về các vấn đề chi tiết cho cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ hai.

Tại Nhà Xanh ở thủ đô Seoul (Hàn Quốc), Ngoại trưởng M. Pompeo đã gặp Tổng thống nước chủ nhà Moon Jae-in chia sẻ kết quả cuộc gặp giữa ông và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Tại cuộc gặp này, người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định ông đã có “các cuộc trao đổi mang tính xây dựng và tốt đẹp” với nhà lãnh đạo Triều Tiên. Về phần mình, Tổng thống Moon Jae In bày tỏ hy vọng chuyến thăm tới Bình Nhưỡng của ông M. Pompeo lần này và cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ hai sắp tới giữa Mỹ và Triều Tiên sẽ tạo đà mang tới một sự đột phá cho tiến trình phi hạt nhân, mang đến hòa bình cho Bán đảo Triều Tiên.

Tại Trung Quốc, Ngoại trưởng Mỹ M. Pompeo đã gặp các lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc gồm Ủy viên Quốc vụ viện Dương Khiết Trì và Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị, trong đó tái khẳng định mục tiêu chung của hai nước là phi hạt nhân hóa hoàn toàn và có kiểm chứng Bán đảo Triều Tiên. Tại cuộc gặp, giới chức hai nước tái khẳng định quyết tâm chung nhằm đạt được tiến trình phi hạt nhân hóa hoàn toàn Triều Tiên. Nhấn mạnh Mỹ và Trung Quốc nhất trí duy trì việc gây sức ép với Bình Nhưỡng và cam kết đem lại “một tương lai tươi sáng” cho Triều Tiên nếu nước này thực hiện phi hạt nhân hóa nhanh chóng.

Có thể thấy mục đích chính trong chuyến công du Đông Bắc Á của Ngoại trưởng M. Pompeo là nhằm thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên sau một thời gian rơi vào thế bế tắc do Mỹ và Triều Tiên chưa nhất trí được về một số vấn đề mấu chốt. Và việc Ngoại trưởng M. Pompeo lần lượt tới Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc trước và sau chuyến thăm Triều Tiên cũng cho thấy Washington thừa nhận vai trò quan trọng của những nước này trong tiến trình phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên. Thông qua đó, Mỹ đang để ngỏ khả năng phối hợp với các bên liên quan trong mục tiêu chung trên Bán đảo Triều Tiên.

Bầu cử Tổng thống Brazil còn nhiều đoán định

 
Hai ứng viên J. Bolsonaro của đảng Xã hội tự do (PSL) và F. Haddad của đảng Lao động (PT). Ảnh: veja.abril.com.br

Do không có ứng cử viên nào giành được số phiếu quá bán tại vòng I, Brazil sẽ phải tổ chức vòng II cuộc bầu cử tổng thống giữa hai ứng viên hàng đầu là J. Bolsonaro của đảng Xã hội tự do (PSL) và F. Haddad của đảng Lao động (PT). Vòng bầu cử này được dự báo là sẽ không ít khó khăn, gay cấn và khó đoán định.

Ngày 07-10, khoảng 147 triệu cử tri Brazil đã đi bỏ phiếu để lựa chọn người kế nhiệm Tổng thống Brazil M. Temer. Cùng với bầu cử tổng thống, cử tri Brazil cũng bỏ phiếu để bầu 27 thống đốc bang, 54 thượng nghị sĩ, 513 hạ nghị sĩ liên bang và 1.059 nghị sĩ cấp tiểu bang.

Cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh Brazil đang phải trải qua một giai đoạn đầy biến động. Những vụ bê bối chính trị tại Brazil liên quan tới nhiều chính trị gia có tầm ảnh hưởng lớn, những mâu thuẫn căng thẳng giữa các đảng phái, sự chia rẽ trong xã hội, nền kinh tế rơi vào giai đoạn suy thoái dài nhất trong lịch sử và tình hình bạo lực vẫn gia tăng phần nào khiến người dân hoang mang và mất lòng tin.

Thực tế cho thấy, tại cuộc bầu cử lần này, đảng PT đã gặp bất lợi lớn khi buộc phải thay ứng cử viên đại diện cho đảng ra tranh cử chức tổng thống. Mặc dù đã từng giữ cương vị Bộ trưởng Giáo dục dưới thời cựu Tổng thống Lula da Silva và cựu Tổng thống D. Rousseff lẫn chức Thị trưởng thành phố Sao Paulo, song đến trước chiến dịch tranh cử lần này, ông F. Haddad vẫn là một chính trị gia ít tên tuổi. Được đánh giá có nhiều đóng góp cho chính phủ trong những năm đảng PT cầm quyền, nhưng vai trò của ông F. Haddad vẫn chưa đủ sức tạo ra sự lan tỏa rộng rãi trong dư luận. Chính vì vậy, thời gian chưa đầy một tháng để ứng cử viên của đảng PT F. Haddad thay đổi hình ảnh, tạo lòng tin về một sự kế tục xứng đáng nhà lãnh đạo có tầm ảnh hưởng lớn lao như ông Lula da Silva, là một thách thức không nhỏ đối với chính trị gia này.

Hơn nữa, đảng PT cũng bị tác động không nhỏ bởi vụ bê bối tham nhũng trong Tập đoàn dầu khí quốc gia Petrobras bị phanh phui hồi năm 2014 dẫn tới việc hàng loạt quan chức cao cấp trong chính phủ bị vướng vào vòng lao lý. Tiếp đó là cuộc điều tra mạng lưới hối lộ, rửa tiền khổng lồ của Tập đoàn xây dựng Brazil Odebrecht kéo dài trong hơn 3 năm, liên quan tới hàng trăm quan chức cao cấp, nghị sỹ và doanh nhân. Các chuyên gia phân tích cho rằng, trong cuộc bầu cử tổng thống Brazil vòng hai sắp tới nếu ứng cử viên F. Haddad muốn thu hút được các cử tri vốn luôn dành sự ủng hộ cho cựu Tổng thống Lula da Silva, đặc biệt là tầng lớp người nghèo từng được hưởng lợi từ các chương trình xã hội dưới thời của nhà lãnh đạo cánh tả nổi tiếng này, ông cần phải sâu sát với đời sống thực tế của mọi người dân.

Đối với PSL, trong bối cảnh niềm tin vào đảng truyền thống đang bị suy giảm ở một bộ phận cử tri, đảng PSL cánh hữu đã đề cử ông J. Bolsonaro, một ứng cử viên tiềm tàng, có khả năng cản trở đảng PT trở lại nắm quyền. Ứng cử viên J. Bolsonaro của đảng PSL là một sỹ quan quân đội, bắt đầu nổi lên trên chính trường Brazil từ đầu năm 2017 khi thể hiện một quan điểm khác biệt so với các đảng truyền thống, từ việc bảo vệ những giá trị gia đình truyền thống, phản đối hôn nhân đồng giới, cam kết cứng rắn trong vấn đề tham nhũng và tình trạng tội phạm có tổ chức ngày một gia tăng, cho tới cải thiện tình hình kinh tế vốn bị suy giảm trong những năm qua tại quốc gia Nam Mỹ này.

Với sự tham gia tranh cử của một nhân vật dân túy J. Bolsonaro, đây là lần đầu tiên bầu cử tổng thống ở Brazil không chỉ là cuộc ganh đua giữa các ứng cử viên PT và đảng PSDB. Kết quả thăm dò dư luận hiện cho thấy, kết quả cuộc bầu cử tổng thống Brazil vòng hai sẽ rất khó dự đoán ứng cử viên cánh hữu J. Bolsonaro của đảng PSL hay ứng cử viên cánh tả F. Haddad của đảng PT sẽ giành chiến thắng để trở thành chủ nhân mới của Cung Planalto (Phủ tổng thống của Brazil) tại Brasilia. Song, dù là phe cực hữu hay cánh tả chiến thắng thì vấn đề quan trọng hàng đầu của Brazil trong những năm tới vẫn là việc ổn định tình hình chính trị, tập trung giải quyết các vấn đề kinh tế, an ninh xã hội để từng bước khôi phục vị thế của Brazil tại khu vực và trên thế giới./.