Phát huy vai trò người có uy tín trong phát triển kinh tế, giữ vững an ninh chính trị ở Gia Lai
21:54, ngày 15-03-2019
TCCSĐT - Gia Lai là tỉnh Tây Nguyên có 17 đơn vị hành chính huyện, thị xã, thành phố (14 huyện, 02 thị xã, 01 thành phố Pleiku) với 222 đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn (184 xã, 24 phường, 14 thị trấn); 2.161 thôn, làng, tổ dân phố. Dân số toàn tỉnh là 1.437.400 người, với 34 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 44,79% dân số toàn tỉnh.
Những năm qua, đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Gia Lai đã có thay đổi vượt bậc. Bà con không còn bị đói, rét. Nhiều gia đình đã có ti vi để xem, đài để nghe tin tức, có điện thoại để thông tin liên lạc, có xe máy để đi lại. Nhiều nhà khá giả hơn còn có xe ô tô, xe công nông, xe tải phục vụ lao động sản xuất vươn lên làm giàu. Con em đồng bào dân tộc thiểu số đều được đi học. Học sinh được cấp sách vở, thẻ bảo hiểm y tế, và thực tế đã có nhiều em đỗ các trường cao đẳng, đại học trong cả nước. Bộ mặt nhiều buôn, làng vùng đồng bào các dân tộc thiểu số ngày càng khang trang, sạch đẹp. Các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào được nhà nước quan tâm phục dựng, trùng tu, bảo tồn và phát huy, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Có được kết quả như trên là nhờ sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ già làng, trưởng bản và người có uy tín trong công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, xóa bỏ các dần các hủ tục lạc hậu, vươn lên xóa đói giảm nghèo.
Có thể nói, người có uy tín giữ vị trí, vai trò hết sức to lớn, họ là cầu nối giữa Đảng, chính quyền và nhân dân địa phương, là lực lượng nòng cốt trong các phong trào thi đua yêu nước, có vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; các chủ trương, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - trật tự của địa phương. Thực tế cũng cho thấy, trong những năm qua, bằng uy tín của mình, người có uy tín trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã đi đầu trong việc vận động, tuyên truyền nhân dân đoàn kết đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực, các tệ nạn trong xã hội, nhất là hủ tục lạc hậu như “Mai lai”, “Thuốc thư”, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, góp phần không nhỏ để phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” đạt hiệu quả.
Công tác xây dựng, sử dụng và phát huy vai trò của lực lượng nòng cốt, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số được các cấp ủy trên địa bàn tỉnh Gia Lai xác định là một nhiệm vụ quan trọng. Nhận thức được tầm quan trọng đó, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể, lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh đã quan tâm rà soát, lập danh sách ngưới có uy tín để đưa vào diện vận động, tranh thủ trên cơ sở đó đánh giá, phân loại, định hướng tư tưởng nhằm phục vụ kịp thời nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong tỉnh đã xây dựng được 3.768 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tại 17 huyện, thị xã, thành phố. Lực lượng nòng cốt và người có uy tín đã phát huy tốt vai trò là hạt nhân, nêu gương sáng, tích cực đi đầu trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nhất là bài trừ các tệ nạn xã hội, xóa bỏ hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, giữ gìn và phát huy những giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình; đẩy mạnh sản xuất, xóa đói giảm nghèo, tích cực tham gia hoạt động đền ơn đáp nghĩa, từ thiện nhân đạo, thực hiện quy ước, hương ước nông thôn, xây dựng nếp sống văn hóa ở khu dân cư. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, đến nay, tỉnh Gia Lai có 256.334/ 339.819 gia đình văn hóa, đạt 75,43%, và có 1.614/2.161 thôn, làng, tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa, đạt 74,68%; góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh đến cuối năm 2018 còn 10,04% (còn 34.873 hộ nghèo), giảm 3,3% so với năm 2017. Hai năm gần đây không còn vụ việc nghiêm trọng nào liên quan đến các hủ tục, trả lại sự bình yên cho buôn làng.
Già làng, trưởng bản, cá nhân tiêu biểu rất quan tâm và tham gia nhiệt tình công tác xây dựng Đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể. Thông qua các đợt tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, nhiều người là những người có uy tín đã có ý kiến đóng góp thiết thực vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội và công tác xây dựng Đảng, chính quyền, mặt trận các cấp. Nhiều người là cán bộ hưu trí, tuy tuổi cao nhưng vẫn tâm huyết tham gia công tác cơ sở, đảm đương các chức vụ như Bí thư chi bộ, Trưởng thôn bản, Trưởng ban công tác Mặt trận và các đoàn thể, tham gia tổ hòa giải, tổ an ninh... Với uy tín và ảnh hưởng của mình, nhiều vụ việc phát sinh phức tạp tại cơ sở đã được người có uy tín tham gia hòa giải thành công.
Trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc ở khu dân cư, các vị già làng, trưởng thôn, cá nhân tiêu biểu là những người có tinh thần trách nhiệm cao với cộng đồng và xã hội, tận tụy, gương mẫu trong phong trào. Đây là lực lượng đông đảo, đóng vai trò quan trọng trong công tác nắm tình hình, tuyên truyền, vận động nhân dân, nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, kịp thời phản bác luận điệu xuyên tạc của các thế lực phản động, thù địch; giáo dục, cảm hoá người lầm lỗi, đối tượng tù cải tạo được tha về tại cộng đồng dân cư; giải quyết các vụ tranh chấp, khiếu kiện, hoà giải mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân; đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả âm mưu, ý đồ hoạt động chống phá cách mạng của các thế lực thù địch và các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật khác, nhất là trong phòng, chống âm mưu, hoạt động kích động lôi kéo đồng bào dân tộc thiểu số tham gia gây rối, gây bạo loạn, trốn đi Campuchia, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội tại cơ sở, thúc đẩy phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở vùng dân tộc thiểu số ngày càng vững chắc. Các vị đã chủ động, tích cực phối hợp với các cấp, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trực tiếp đứng ra tổ chức tuyên truyền vận động quần chúng nhân dân với 78.850 buổi tại các thôn làng với hơn 3 triệu lượt người tham dự; vận động cá biệt cho hơn 15 nghìn lượt quần chúng, các đối tượng lầm lỡ; kêu gọi, tuyên truyền, vận động 1.321 lượt đối tượng cầm đầu, cốt cán tham gia hoạt động FULRO ra tự thú và tự khai báo về hành vi hoạt động phạm tội trước dân làng, cam kết từ bỏ hoạt động chống phá, không tin, không nghe theo sự xúi dục của kẻ xấu.
Bên cạnh đó, già làng, trưởng thôn, cá nhân tiêu biểu còn vận động các hộ gia đình có nương, rẫy giáp biên giới tự quản cột mốc, đoạn biên giới thuộc phần đất mình canh tác, sử dụng; tham gia đấu tranh, phòng ngừa tội phạm, giáo dục những người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư trở về cuộc sống lương thiện; cung cấp các tin có giá trị cho ngành chức năng phục vụ kịp thời cho công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020, phong trào “Xoá đói giảm nghèo”, cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” , các già làng, trưởng thôn, cá nhân tiêu biểu đã tuyên truyền vận động bà con tích cực tham gia, hưởng ứng, thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội ở địa phương, giúp nhau phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng.
Ngoài ra, các vị còn vận động nhân dân chấp hành tốt các quy định trong quy ước, hương ước thôn làng, từng bước xóa bỏ các hủ tục trong các việc cưới, đám tang; vận động người dân ăn ở hợp vệ sinh; thực hiện nếp sống văn minh, gìn giữ các phong tục tập quán, văn hoá cổ truyền của dân tộc. Hầu hết gia đình của các già làng, trưởng thôn, cá nhân tiêu biểu đều đăng kí phấn đấu xây dựng gia đình có con cháu không mắc tệ nạn xã hội, không mê tín dị đoan, không truyền đạo trái pháp luật, đảm bảo trật tự an toàn giao thông… Đối với công tác xã hội và các hoạt động nhân đạo từ thiện, nhiều già làng, trưởng thôn, người có uy tín gương mẫu thực hiện và vận động nhân dân tham gia các hoạt động quyên góp, ủng hộ quỹ “Ngày vì người nghèo”, xóa nhà dột nát, tạm bợ, ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do thiên tai, bão lũ, vận động bà con ủng hộ hiến đất làm nhà sinh hoạt cộng đồng, đường giao thông nông thôn, trạm xá, trường học, kênh mương nội đồng… Tiêu biểu ở thành phố Pleiku có già làng Kril (Làng Osơr, xã Biển Hồ), già làng Mên (Làng Mơ Nú, xã Chư Á ), già làng Sin (Làng Nha Prông, phường Thắng Lợi), già làng Rơ Lan Juk (Làng Chuét 2, phường Thắng Lợi ), già làng So Kol (Làng Kép, phường Đống Đa),… đã vận động nhân dân đấu tranh xóa bỏ các tập tục lạc hậu, ngăn chặn sự xâm nhập của các loại tà đạo, đạo lạ; vận động nhân dân không mê tín dị đoan, không tin vào lời kẻ xấu, tích cực cảnh giác với người lạ, góp phần xây dựng thôn, làng trong sạch, văn minh.
Các vị già làng, trưởng thôn và những người uy tín tiêu biểu cũng đã có những đóng góp tích cực trong việc tham gia giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội, xây dựng đời sống văn hóa, đảm bảo an ninh trật tự, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, thực hiện đại đoàn kết dân tộc, xây dựng ý thức pháp luật cho người dân trong cộng đồng dân tộc mình. Việc làm cụ thể, thiết thực của đội ngũ già làng, trưởng thôn và người có uy tín ở từng thôn, làng, khu dân cư đã giúp cho cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tại địa phương hiểu rõ hơn tâm tư nguyện vọng và những kiến nghị chính đáng của bà con nhân dân, từ đó giúp chính quyền giải quyết nhanh và thấu đáo những vụ, sự việc phát sinh từ cấp cơ sở, xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh.
Có thể thấy, người có uy tín là lực lượng đặc biệt trong khối dân cư của địa phương, họ góp phần quan trọng để cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước vào đời sống vật chất cũng như tinh thần của đồng bào, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa. Họ thật sự là cầu nối giữa các cơ quan, ban, ngành với đồng bào dân tộc thiểu số, là tai mắt quan trọng trong thế trận an ninh nhân dân và là cơ sở để thực hiện tốt chính sách đại đoàn kết dân tộc. Bởi vậy, nhiều người có uy tín đã trở thành chỗ dựa tin cậy của cấp ủy, chính quyền địa phương; là trung tâm đoàn kết, cầu nối giữa Đảng với nhân dân./.
Hoạt động của các Phó Thủ tướng Chính phủ trong ngày 14-3  (14/03/2019)
Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng làm việc tại Trà Vinh  (14/03/2019)
Thủ tướng: Xử lý nghiêm sai phạm trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng  (14/03/2019)
Thủ tướng yêu cầu các bộ làm tốt các nhiệm vụ từ quý I  (14/03/2019)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển