TCCSĐT - Ngày 26-5-2018, tại thành phố Cần Thơ, Ban Công tác đại biểu - Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Thường trực Hội đồng Nhân dân thành phố Cần Thơ tổ chức Hội nghị Thường trực Thường trực Hội đồng Nhân dân các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long lần thứ tư, nhiệm kỳ 2016 - 2021 với chủ đề “Nâng cao chất lượng ban hành Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân trong việc quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương theo quy định của pháp luật”. Đồng chí Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, đã đến dự và chủ trì Hội nghị.

Tham dự Hội nghị có hơn 200 đại biểu đại diện lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội, Ban Công tác đại biểu, một số bộ, ngành Trung ương; Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân (HĐND), các Ban và Văn phòng HĐND, các sở, ngành có liên quan của các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long và Thường trực Hội đồng nhân dân các tỉnh: Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, Lâm Đồng, thành phố Hồ Chí Minh.

Báo cáo đề dẫn do đồng chí Trần Văn Túy, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, trình bày tại Hội nghị nêu rõ: Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, nhìn chung, việc ban hành nghị quyết về những vấn đề quan trọng của HĐND các địa phương đã có nhiều đổi mới phù hợp, lựa chọn đúng và quyết định nhiều vấn đề mà cử tri và nhân dân quan tâm. Đây là cơ sở, định hướng quan trọng để các địa phương tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, an sinh xã hội và giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra trong đời sống xã hội ở địa phương. Tuy nhiên, việc ban hành nghị quyết của HĐND trong việc quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương vẫn còn một số vấn đề khó khăn, vướng mắc. Hội nghị này là dịp để Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố thảo luận, trao đổi kinh nghiệm, nhằm tìm ra giải pháp nâng cao hơn nữa chất lượng ban hành nghị quyết của HĐND trong việc quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương theo quy định của pháp luật trong thời gian tới.

Theo gợi ý của Chủ tọa hội nghị, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận 05 nội dung: Một là, việc thực hiện nghiêm quy trình, thủ tục xây dựng và ban hành nghị quyết, nhất là những nghị quyết là văn bản quy phạm pháp luật. Hai là, nâng cao chất lượng các báo cáo thẩm tra. Ba là, đổi mới quy trình ban hành nghị quyết tại kỳ họp để phát huy trí tuệ của đại biểu với các quyết sách của HĐND. Bốn là, sự phối hợp giữa Thường trực HĐND với Ủy ban nhân dân trong triển khai thực hiện nghị quyết. Năm là, kiến nghị, đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật về việc thực hiện chức năng quyết định của HĐND.

Các tham luận trình bày tại Hội nghị, bên cạnh việc khẳng định những kết quả đạt được từ đầu nhiệm kỳ đến nay cũng đã dành nhiều thời gian để nêu lên những khó khăn, bất cập trong việc xây dựng, ban hành các nghị quyết của HĐND. Trong đó, những vấn đề được nhiều đại biểu nêu lên là:

- Việc phối hợp giữa Thường trực, các Ban của HĐND với Ủy ban nhân dân cùng cấp trong công tác chuẩn bị hồ sơ dự thảo nghị quyết, đề án, tờ trình để trình tại kỳ họp HĐND có lúc, có nơi còn chưa được chặt chẽ, chậm tiến độ; hồ sơ trình ban hành nghị quyết chưa bảo đảm chặt chẽ theo trình tự luật định nên nghị quyết được ban hành còn có nội dung thiếu tính khả thi...

- Việc tổ chức lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức và các đối tượng chịu tác động của chính sách chưa đảm bảo thời gian theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật; chưa thực hiện thường xuyên việc lấy ý kiến của bộ, ngành có liên quan đối với nội dung nghị quyết sẽ được ban hành theo quy định.

- Một số nghị quyết chưa bảo đảm các quy định về kỹ thuật xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, như phần căn cứ xây dựng nghị quyết, việc đánh số thứ tự nghị quyết giữa các địa phương chưa thống nhất.

- Việc gửi hồ sơ dự thảo nghị quyết để các Ban HĐND thẩm tra còn chậm, hoặc chưa đầy đủ các tài liệu yêu cầu; thể thức, kỹ thuật trình bày dự thảo nghị quyết chưa bảo đảm theo quy định, dẫn đến ảnh hưởng đến chất lượng thẩm tra và chất lượng nghị quyết được ban hành,...

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, nhấn mạnh: Các báo cáo, tham luận trình bày tại hội nghị đã nêu lên nhiều bài học kinh nghiệm quý báu để HĐND các tỉnh, thành phố trong và ngoài khu vực đồng bằng sông Cửu Long tham khảo, rút kinh nghiệm trong việc ban hành Nghị quyết của HĐND. Tuy cũng còn những mặt hạn chế khi ban hành nghị quyết của HĐND, nhưng nhìn chung, hầu hết các nghị quyết được HĐND ban hành thời gian qua đã được thực tế khẳng định là đúng đắn, phù hợp, đi vào cuộc sống, góp phần động viên đồng bào, đồng chí tham gia tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh ở địa phương.

Để tiếp tục thực hiện tốt việc ban hành nghị quyết HĐND trong việc quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương thời gian tới, đáp ứng sự kỳ vọng của cử tri, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị Thường trực HĐND các địa phương cần quan tâm hơn một số vấn đề sau:

Một là, HĐND các tỉnh, thành phố cần cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết của Quốc hội, các quyết sách của Chính phủ thành các nghị quyết phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Mỗi nghị quyết của HĐND khi ban hành cũng cần đón, bắt những ưu thế của tiến bộ khoa học - công nghệ phù hợp với thời kỳ mới để tiếp tục đổi mới, sáng tạo hơn nữa trong việc quyết định những vấn đề quan trọng ở địa phương, bắt nhịp được xu thế phát triển thời kỳ mới.

Hai là, việc xây dựng và ban hành nghị quyết của HĐND, nhất là nghị quyết quy phạm pháp luật cần phải tuân thủ đầy đủ quy trình, thủ tục của Luật ban hành văn bản quy pháp luật năm 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Cần thực hiện nghiêm túc việc lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức liên quan và đối tượng chịu tác động trực tiếp của chính sách theo quy định; đồng thời, cần xác định rõ các nội dung lấy ý kiến phù hợp với từng nhóm đối tượng, nhất là đối với các dự thảo nghị quyết có tác động sâu rộng đến đời sống nhân dân.

Ba là, Thường trực HĐND cần duy trì phân công cụ thể nội dung thẩm tra của từng Ban HĐND, bảo đảm khoa học, đúng lĩnh vực; có sự phối hợp chặt chẽ giữa các Ban HĐND để phân tích kỹ những vấn đề liên quan đến nhiều lĩnh vực. Các báo cáo thẩm tra phải thực sự là cơ sở tin cậy giúp cho đại biểu HĐND có thêm thông tin trong việc thảo luận và quyết định tại kỳ họp. Nếu có đề án, tờ trình, dự thảo nghị quyết chuẩn bị chưa kỹ, thời gian gửi chậm, không đúng quy định, các Ban HĐND phải kiên quyết đề nghị không đưa vào chương trình nghị sự và yêu cầu chuẩn bị kỹ lưỡng hơn, trình HĐND thông qua vào kỳ họp sau.

Bốn là, tiếp tục đổi mới quy trình thông qua nghị quyết tại kỳ họp HĐND theo hướng giảm thời gian đọc tài liệu, nghe báo cáo tại hội trường, tăng thời gian thảo luận. Tại phiên họp, việc điều hành thảo luận phải dân chủ, gần gũi, chân thành, xây dựng, đối thoại, tranh luận. Tại kỳ họp, Thường trực HĐND cần có bản tiếp thu, giải trình cụ thể từng vấn đề đại biểu đặt ra và khi cần thiết có thể xin ý kiến đại biểu trước khi biểu quyết; có thể tiến hành biểu quyết các vấn đề còn có ý kiến khác nhau trước khi HĐND biểu quyết thông qua toàn bộ nghị quyết.

Năm là, sau khi nghị quyết được ban hành, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại HĐND cần chú trọng khâu tổ chức giám sát, kiểm tra tình hình triển khai thực hiện nghị quyết. Việc điều hành, tổ chức thực hiện nghị quyết của Ủy ban nhân dân cùng cấp và các cơ quan có liên quan chính là yếu tố thực tiễn để kiểm chứng về tính phù hợp, tính khả thi của các nghị quyết. Nếu có những vấn đề chưa phù hợp khi thực hiện nghị quyết, Thường trực HĐND cần trao đổi với Ủy ban nhân dân và trình HĐND xem xét, điều chỉnh cho phù hợp.

Sáu là, hiệu quả hoạt động của HĐND phụ thuộc rất lớn vào chất lượng và hiệu quả hoạt động của các vị đại biểu HĐND, nhất là đại biểu HĐND chuyên trách. Cần tạo không khí dân chủ trong các hoạt động của HĐND để đại biểu HĐND phát huy khả năng, trí tuệ, tâm huyết với hoạt động của cơ quan dân cử. Đồng thời, quan tâm đổi mới và tăng cường công tác thông tin phục vụ hoạt động của đại biểu, thường xuyên bồi dưỡng kỹ năng hoạt động, trình độ chuyên môn cho đại biểu HĐND./.