TCCSĐT - Sáng 26-5, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã báo cáo Quốc hội một số nội dung của bộ, ngành.

Đến năm 2020, xử lý xong 12 dự án lỗ nghìn tỷ

 
 Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phát biểu, giải trình các vấn đề đại biểu nêu. Ảnh: TTXVN

Tiếp tục phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, sáng 26-5, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã báo cáo Quốc hội một số nội dung về phát triển xuất khẩu, thị trường; vấn đề giải cứu nông sản; công nghiệp hỗ trợ và các dự án kém hiệu quả.

* Thay đổi mô hình, cơ chế chính sách để thu hút đầu tư của doanh nghiệp

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, trong những năm vừa qua, lĩnh vực xuất khẩu đã đi theo đúng định hướng. Cơ cấu mặt hàng xuất khẩu đã có sự chuyển biến tích cực theo hướng giảm thiểu sản phẩm thô sơ, tăng cường các sản phẩm công nghiệp chế biến chế tạo cũng như các sản phẩm chế biến lĩnh vực nông nghiệp.

Cùng với đó, thị trường đã có cải thiện đáng kể với quan hệ thương mại trên 200 quốc gia và các thị trường. Đến nay đã có 28 ngành hàng xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD...

Để bảo đảm được áp lực của sản xuất và nền kinh tế Việt Nam, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, chiến lược tham gia hội nhập quốc tế của Việt Nam rất đúng định hướng và kịp thời.

Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và một loạt đối tác song phương, đa phương đã cơ bản tại được thị trường đảm bảo năng lực sản xuất đang ngày càng gia tăng của Việt Nam. Chất lượng và giá trị gia tăng trong xuất khẩu cũng ngày càng được cải thiện cùng với những phát triển về thương hiệu và sự tham gia vào chuỗi cung cầu thế giới.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, việc phát triển chưa bền vững do chất lượng sản phẩm chưa có sự đồng nhất, ổn định. Đây là trở ngại rất lớn để thị trường Việt Nam xây dựng thương hiệu và phát triển theo chuỗi; đồng thời đáp ứng được những yêu cầu của các hiệp định thương mại tự do, tập quán thương mại quốc tế về truy xuất nguồn gốc và kiểm tra chất lượng sản phẩm

Một vấn đề nữa được Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhắc đến là sự phụ thuộc vào thị trường trọng yếu, đặc biệt là một số thị trường phát triển nóng như: Trung Quốc, Liên minh châu Âu. Trong việc tháo dỡ các rào cản, cần gia tăng năng lực sản xuất, đảm bảo được các điều kiện thị trường, giảm thiểu các hàng rào quan thuế. Có được những điều này nhưng nếu không đảm bảo được chất lượng, vượt qua được hàng rào kỹ thuật, đặc biệt là vấn đề về an toàn thực phẩm, kiểm dịch động vật thực vật thì chắc chắn nhiều mặt hàng sẽ bị khống chế, dẫn đến khó bảo đảm được phát triển bền vững về thị trường này.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, cần nhìn nhận thực tế có sự yếu kém trong phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước và các bộ ngành đối với việc nghiên cứu, theo dõi, phân tích đánh giá về tín hiệu thị trường nhằm gắn kết hơn nữa giữa thị trường với lực lượng sản xuất trong nước.

“Đặc biệt, từ chỗ nghiên cứu nắm bắt được tín hiệu thị trường thì khâu xử lý tiếp theo là như thế nào trong việc hỗ trợ cho người nông dân tổ chức sản xuất; cần xác định đây chỉ là các ngành hàng nằm trong các nhóm ngành hàng trọng điểm hay chỉ là những ngành hàng thời vụ”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu rõ.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, phải tạo ra được sự thay đổi lớn, trong đó có sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp vào các hoạt động sản xuất để tổ chức theo chuỗi đó; đồng thời thay đổi mô hình, cơ chế chính sách nhằm thu hút sự đầu tư của doanh nghiệp vào các khâu sản xuất, chế biến, phân phối với chuỗi cung ứng của trong nước, khu vực và thế giới.

* Thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ

Liên quan đến vấn đề về công nghiệp hỗ trợ và các ngành công nghiệp chế biến chế tạo, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, theo báo cáo của Chính phủ, công nghiệp chế biến chế tạo và ngành công nghiệp nói chung đã có không ít dấu hiệu bền vững với tỷ lệ tăng trưởng bình quân hàng năm tới 14,5 % và ngành công nghiệp nói chung khoảng 9,7%. Đây chính là động lực trong phát triển kinh tế thời gian tới, cũng như đảm bảo chiến lược công nghiệp hóa đất nước.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, bên cạnh những yếu tố tích cực, vai trò của công nghiệp hỗ trợ còn một số tồn tại, hạn chế. Hiện trên cả nước mới có khoảng hơn 1.800 doanh nghiệp tham gia lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, trong đó chỉ có 0,32% tham gia công nghiệp chế biến chế tạo. Với đặc thù của các doanh nghiệp Việt Nam là hạn chế về năng lực, công nghệ; quy mô doanh nghiệp ở mức siêu nhỏ, nhỏ và vừa thì khả năng tiếp cận ngành công nghiệp hỗ trợ của khu vực và thế giới còn rất hạn chế.

Cùng với đó, cạnh tranh ngày càng gay gắt trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng và toàn cầu hóa đang gây ra áp lực rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Vì vậy, thời gian tới, cần tiếp tục tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp khai thác những cơ hội của hội nhập để tiếp cận với công nghệ và thị trường thế giới; hỗ trợ tham gia vào các chuỗi cung ứng, trong đó có vai trò của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các doanh nghiệp tại các chuỗi cung ứng ở trong nước, khu vực và thế giới; có biện pháp hỗ trợ cụ thể để các doanh nghiệp tham gia các cơ chế thí điểm tại các thị trường năng lượng, cơ khí chế tạo…; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, coi đó là nguồn lực cơ bản thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ.

* Đến năm 2020 hoàn thành giải quyết 12 dự án kém hiệu quả thuộc ngành công thương

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, Chính phủ đã lập Ban Chỉ đạo xử lý do 1 Phó Thủ tướng làm Trưởng ban, Bộ trưởng Công Thương làm Phó Trưởng Ban, hiện đã triển khai nghiên cứu đánh giá toàn bộ lại các dự án này. Trên cơ sở 138 văn bản chỉ đạo các nhiệm vụ thực hiện, trong năm 2017, Ban Chỉ đạo đã hoàn thành đề án xử lý 12 dự án; phấn đấu hết 2018 sẽ xử lý cơ bản những tồn tại lớn của 12 dự án này, đến năm 2020 hoàn thành xử lý, đồng thời có giải pháp ngăn chặn việc hình thành những dự án yếu kém mới trong tương lai.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, trong năm 2018, Ban Chỉ đạo đã thực hiện hàng loạt giải pháp đồng bộ và toàn diện với sự tham gia của tất cả các bộ ngành tới các cấp. Với tinh thần không cấp thêm vốn Nhà nước cho việc xử lý các dự án này, đến nay, trong số 6 dự án dừng hoạt động sản xuất kinh doanh do thua lỗ, đã có 2 dự án đã hoạt động trở lại và có lãi mặc dù lãi còn ở mức khiêm tốn, đó là Nhà máy phân bón DAP Hải Phòng, Nhà máy thép Việt Trung.

Đối với ba dự án: PVTex Đình Vũ, Ethanol Quảng Ngãi và Ethanol Bình Phước thì nhà máy xơ sợi Đình Vũ đã hoạt động trở lại, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm nhà máy với đối tác nước ngoài. Hiện đã có 1 dây chuyền hoạt động, sắp tới sẽ có 3 dây chuyền hoạt động. Bốn dự án: Nhà máy phân đạm Ninh Bình, Đạm Hà bắc, DAP Lào Cai, Công ty đóng tàu Dung Quất đang tiếp tục được khắc phục.

Tại Nhà máy Gang thép Thái Nguyên đã rút được khoảng 1.000 tỷ đồng vốn Nhà nước ra khỏi dự án này, đang làm quy trình pháp lý thoái toàn bộ vốn ra khỏi hai nhà máy: gang thép Thái Nguyên và Tisco để bảo đảm nguồn vốn nhà nước, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư mới giải quyết tồn đọng với các nhà thầu.

Cho rằng, việc thực hiện các giải pháp này mới chỉ ở khía cạnh kinh tế thương mại và hiệu quả của dự án, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, vấn đề rất quan trọng là việc xử lý các sai phạm của các cá nhân và tổ chức.

Đến nay, về cơ bản cả 12 dự án này đều đã được các cơ quan chức năng gồm: Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán nhà nước, thanh tra Bộ Công Thương, thành tra Bộ Tài chính lần lượt tiến hành các hoạt động điều tra, cơ bản bước đầu đã chỉ ra rõ những sai phạm của các cá nhân và tổ chức ở mức độ khác nhau và đang tiếp tục hoàn thiện những vụ việc có dấu hiệu vi phạm hình sự, cố ý làm trái thì đã có xử lý bước đầu với một số cá nhân, tổ chức.

Tiếp tục siết chặt kỷ luật chi ngân sách

 
 Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu. Ảnh: TTXVN

Vấn đề tái cơ cấu ngân sách nhà nước; chấp hành kỷ luật, kỷ cương tài chính... là những nội dung Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng báo cáo, giải đáp ý kiến của các đại biểu Quốc hội, sáng 26-5.

* Tái cơ cấu lại ngân sách Nhà nước theo hướng bền vững

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nêu rõ thực hiện Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị về tái cơ cấu ngân sách Nhà nước và quản lý nợ công; Nghị quyết 25 của Quốc hội về kế hoạch tài chính ngân sách 5 năm, Chính phủ đã, đang thực hiện đồng bộ các giải pháp để tái cơ cấu lại ngân sách Nhà nước và nợ công theo hướng bền vững.

Cụ thể, thu ngân sách nhà nước 2 năm 2016 - 2017 đều vượt khá so với dự toán: năm 2016 vượt 9,3%; năm 2017 vượt 6,3% so với dự toán. Tỷ trọng huy động vào ngân sách nhà nước bình quân là 25,2% GDP, trong đó, từ thuế và phí là 21,3% GDP đã góp phần đảm bảo các nhiệm vụ chi ngân sách. Cơ cấu thu chuyển dịch tích cực.

Tỷ trọng thu bình quân 2 năm đạt 80% tổng thu cân đối ngân sách nhà nước, trong khi giai đoạn 2011 - 2015 là 68%. Thu ngân sách trung ương chiếm tỷ trọng 55-56%; thu ngân sách địa phương chiếm khoảng 44% - 45% tổng thu ngân sách nhà nước.

Chính sách thu tiếp tục được hoàn thiện theo hướng giảm nghĩa vụ nộp thuế, trong đó, thuế thu nhập doanh nghiệp đã giảm từ 23% xuống 20% năm 2016. Thực tế trong 2 năm, do thực hiện nhiều ưu đãi miễn giảm thuế, thực tế đã thu được bằng 15% thuế thu nhập doanh nghiệp; riêng khu vực có vốn đầu tư nước ngoài thu được trên 10%...

Theo cam kết hội nhập, Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa lĩnh vực thuế, hải quan. Đến nay, cơ bản tất cả các doanh nghiệp đã thực hiện tự khai, tự nộp thuế, thực hiện thủ tục hoàn thuế qua hệ thống điện tử. Tất cả các đơn vị của hải quan đã được áp dụng thủ tục hải quan điện tử và triển khai cổng thanh toán điện tử hệ thống quy tắc ECUSK tại các cơ quan Hải quan, chuyển sang cơ chế một cửa quốc gia.

Bộ Tài chính đã mở rộng kết nối thu thuế điện tử giữa cơ quan thuế hải quan, các ngân hàng thương mại với Kho bạc nhà nước, góp phần nâng cao chỉ số xếp hạng cạnh tranh của quốc gia, Bộ trưởng khẳng định.

Đối với vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương, Bộ trưởng thừa nhận thực tế tỷ trọng thu của ngân sách Trung ương trong tổng thu ngân sách nhà nước có xu hướng giảm.

Thu ngân sách trung ương bình quân hai năm 2016 - 2017 đạt khoảng 56% - 57% tổng thu ngân sách Nhà nước, thấp hơn bình quân của giai đoạn trước là 61,3%. Nguyên nhân chủ yếu là do tỷ trọng thu từ dầu thô và hoạt động xuất nhập khẩu mà ngân sách trung ương hưởng 100% giảm.

Việc thực hiện cắt giảm một số sắc thuế với mức cao, nhanh hơn so với lộ trình thời gian qua đã tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh song cũng ảnh hưởng đến số thu cân đối ngân sách nhà nước nói chung và ngân sách Trung ương nói riêng.

Bên cạnh đó, đối với ngân sách Trung ương, tỷ trọng các khoản thu, hưởng 100% dầu thô, hoạt động xuất nhập khẩu giảm đã làm giảm nguồn thu của ngân sách Trung ương; trong khi đó, việc điều chỉnh chính sách thu, tăng thu, tăng cường vai trò chủ đạo của Trung ương theo dự kiến còn chậm.

Về chi ngân sách Nhà nước, kết quả 2 năm 2016 - 2017 đã kiểm soát chặt chẽ hơn về chi và vay nợ trong phạm vi khả năng nguồn lực của nền kinh tế; tập trung cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước tỷ trọng chi đầu tư phát triển, bình quân đạt 27% tổng chi ngân sách Nhà nước cao hơn mục tiêu đề ra là 25% - 26%.

Tỷ lệ chi thường xuyên 2 năm khoảng 62% - 63%; riêng dự toán năm 2018 là 61,7%, mục tiêu giảm xuống dưới 64% trong khi Việt Nam vẫn thực hiện mục tiêu tăng lương cơ sở là 7%/năm.

Bộ Tài chính sẽ tiếp tục siết chặt kỷ luật chi ngân sách, đẩy mạnh thực hành tiết kiệm chống lãng phí, nâng cao hiệu quả chi ngân sách..., Bộ trưởng nhấn mạnh.

* Siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính

Liên quan đến việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương tài chính, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, vừa qua, Quốc hội đã ban hành các một số Luật, trong đó quy định rõ trách nhiệm của các ngành, các cấp và đơn vị quản lý ngân sách.

Cùng với việc đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, xử lý nghiêm các sai phạm, về cơ bản tình hình chấp hành kỷ luật, kỷ cương tài chính đã có những chuyển biến rất tích cực.

Tuy nhiên, việc chấp hành kỷ luật ngân sách nhà nước ở nhiều nơi, nhiều chỗ còn chưa nghiêm, kể cả ở Trung ương, địa phương, kể cả các cơ quan nhà nước lẫn doanh nghiệp, bao gồm cả doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp ngoài quốc doanh.

Trong lĩnh vực thu ngân sách nhà nước, tình trạng kê khai thiếu số thuế phải nộp, gian lận thương mại, chuyển giá, trốn thuế, chiếm đoạt tiền hoàn thuế... còn xảy ra ở nhiều nơi.

Nguyên nhân của tình trạng này là do công tác tuyên truyền hỗ trợ pháp luật của cơ quan quản lý thu ngân sách chưa tốt; ý thức chấp hành pháp luật của người nộp thuế chưa cao.

Cùng đó, vừa qua đã có một số thay đổi cơ chế quản lý về thuế từ tiền kiểm sang hậu kiểm và quản lý rủi ro. Theo đó, các doanh nghiệp tự khai, tự nộp thuế, làm thủ tục hoàn thuế qua mạng điện tử, hạn chế tiếp xúc trực tiếp của cán bộ thuế hải quan với doanh nghiệp, người nộp thuế.

Việc chuyển đổi cơ chế quản lý này là phù hợp với thông lệ quốc tế, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh nhưng vẫn còn các kẽ hở các đối tượng nộp thuế lợi dụng để chiếm đoạt. Dù vậy, Bộ Tài chính cho rằng đây là hướng đi đúng cần kiên trì thực hiện; vấn đề là phải có những giải pháp để khắc phục điểm yếu của cơ chế này.

Bộ sẽ tiếp tục hoàn thiện quy định pháp lý về quản lý thuế, có tiêu chí phân loại, phân nhóm rủi ro để có phương thức quản lý phù hợp, đảm bảo công khai và minh bạch. cùng với đó tiếp tục hoàn thiện thể chế về thu ngân sách; nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của doanh nghiệp, người nộp thuế thông qua công tác tuyên truyền pháp luật về thuế và các biện pháp cưỡng chế thuế, đẩy mạnh hoạt động của các trung gian tư vấn thuế.

Bên cạnh đó, tăng cường hoạt động của các cơ quan thanh tra, kiểm toán, kế toán, xác định đúng trọng tâm đối tượng, địa bàn, lĩnh vực có rủi ro, rủi ro cao để tiến hành và xử lý nghiêm các sai phạm theo quy định của pháp luật.

Bộ Tài chính cũng đang tích cực rà soát, hoàn chỉnh cơ sở pháp lý để trình quốc hội cho xoá số nợ thuế không có khả năng thu để bảo đảm phản ánh đúng thực chất số nợ thuế, minh bạch trong quản lý thuế, Bộ trưởng nêu rõ.

Nhận định tình trạng chi sai quy định vượt tiêu chuẩn dự toán nhiều công trình; việc giải ngân vốn vay nước ngoài vượt kế hoạch; nợ đọng xây dựng cơ bản còn lớn, thất thoát lãng phí vẫn còn xảy ra ở một số đơn vị, Bộ trưởng cho rằng nguyên nhân của tình trạng trên một phần do hệ thống các văn bản pháp luật chưa đồng bộ, cản trở quá trình triển khai. Tiêu chuẩn chế độ chi tiêu vẫn còn lạc hậu, chưa phù hợp với thực tiễn. Nhiều chương trình dự án dã được phê duyệt nhưng chậm triển khai. Bên cạnh đó, một bộ phận cơ quan, đơn vị, cá nhân chưa có ý thức chấp hành pháp luật về quản lý sử dụng ngân sách, để xảy ra tình trạng tham nhũng, chiếm đoạt tiền tài sản của nhà nước.

Để khắc phục tình trạng này, thời gian tới, theo Bộ trưởng cần tiếp tục thực hiện các giải pháp mạnh mẽ hơn để siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, như: thường xuyên rà soát sửa đổi bổ sung chế độ định mức chi tiêu; quản lý chặt chẽ chi ngân sách, đảm bảo chỉ được chi khi có dự toán và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đồng thời, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm toán, xử lý nghiêm các sai phạm về quản lý tài chính, ngân sách, quản lý tài sản của Nhà nước; thu hồi đầy đủ vào ngân sách nhà nước đối với các khoản chi sai chế độ, tiêu chuẩn, định mức...

Ngoài ra, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng giải trình về một số vấn đề liên quan đến quản lý tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; kiểm soát bội chi ngân sách nhà nước và cơ cấu lại nợ công./.