Xây dựng đời sống văn hóa cơ sở vùng đồng bằng sông Hồng hiện nay
TCCS - Những biến đổi văn hóa vùng đồng bằng sông Hồng những năm gần đây cho thấy, văn hóa là lĩnh vực hết sức nhạy cảm, sẽ cho thấy những “phản ứng” sớm trước các tác động, cho dù là tích cực hay tiêu cực. Môi trường văn hóa là môi trường hình thành đạo đức, nhân cách con người, hình thành các mối quan hệ, từ phạm vi gia đình đến nhà trường và ngoài xã hội. Do đó, xây tạo môi trường văn hóa lành mạnh là tạo điều kiện cho phát triển bền vững.
Đặc trưng văn hóa và những biến đổi văn hóa trong cộng đồng dân cư vùng đồng bằng sông Hồng
Vùng đồng bằng sông Hồng có vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội nói chung ở Việt Nam. Là nơi có vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên rất thuận lợi, có cửa ngõ thông thương lớn và quan trọng, là vùng có điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế và giao lưu văn hóa với các khu vực lân cận và thế giới. Có tài nguyên thiên nhiên phong phú, là vựa lúa lớn thứ hai của Việt Nam, có trữ lượng than, khí đốt lớn. Dân cư đông đúc, đặc biệt là có trình độ cao. Có những trung tâm lớn về chính trị, kinh tế, văn hóa, có hệ thống đô thị phát triển...
Về văn hóa, vùng đồng bằng sông Hồng có đặc trưng nổi trội về cả ẩm thực, trang phục, đến các làng nghề truyền thống,… Các món ăn đậm nét đồng bằng Bắc Bộ, như phở Nam Định, bánh cuốn Thanh Trì, cá kho Hà Nam,… đã trở thành các món ăn truyền thống của Việt Nam được thế giới biết đến. Đặc biệt, các làng nghề vùng đồng bằng sông Hồng là hiện thân sinh động của lịch sử lâu đời của người Việt cổ, nhiều làng nghề thủ công đã có lịch sử phát triển hàng trăm năm, như làng Ngũ Xã Tràng (Hà Nội) nổi tiếng với nghề đúc đồng, làng gốm sứ Bát Tràng (Hà Nội), làng tranh Đông Hồ (Bắc Ninh), lụa Hà Đông (Hà Nội), gốm Chu Đậu (Hải Dương)…
Đặc trưng văn hóa tinh thần cũng được hình thành từ môi trường sống cộng đồng. Đó là chân ái, kính trên nhường dưới, coi trọng tình làng nghĩa xóm, truyền thống thờ cúng tổ tiên, cúng giỗ…, tín ngưỡng thờ thành hoàng, thờ mẫu, thờ cụ tổ nghề… Đó là văn hóa dân gian múa rối nước, quan họ…; là lễ hội chùa Hương (Hà Nội), hội Đền Hùng (Phú Thọ), Hội Lim (Bắc Ninh),...
Trong tiến trình lịch sử, người Việt vùng đồng bằng sông Hồng luôn giữ được những nét văn hóa độc đáo, những phong cách sống riêng biệt trên cơ sở tiếp nhận, sàng lọc những yếu tố văn hóa Đông - Tây. Từ thực tế phức tạp, sống động, đa dạng và diễn ra lâu dài trong suốt hàng ngàn năm, môi trường văn hóa của người Việt ở đồng bằng sông Hồng với hạt nhân là văn hóa gia đình vẫn bảo lưu được những nền nếp gia phong truyền thống, có vai trò quan trọng trong đời sống sinh hoạt của gia đình, xã hội.
Những đặc điểm lịch sử - xã hội, môi trường văn hóa của cộng đồng dân cư đồng bằng sông Hồng cũng chủ yếu giới hạn sinh hoạt văn hóa của cá nhân, gia đình, dòng họ và cộng đồng xã hội trong bốn tiểu không gian văn hóa của làng: Không gian văn hóa cư trú; không gian văn hóa sinh kế; không gian văn hóa tâm linh; không gian văn hóa sinh hoạt cộng đồng. Sự hợp nhất và tương tác hài hòa của các tiểu không gian văn hóa trên, tạo nên một môi trường văn hóa đáp ứng nhu cầu tối thiểu của cộng đồng, hướng về con người, cho con người và con người chính là hạt nhân trung tâm. Và trong không gian môi trường văn hóa đó, sự hiện diện của văn hóa gia đình luôn luôn giữ vai trò nòng cột, bên cạnh đó, các thành tố dòng họ cũng có ảnh hưởng lớn đến ý thức và hành vi của từng cá nhân trong cuộc đời. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại, trước tác động của hội nhập quốc tế, của đô thị hóa, của biến đổi cơ cấu xã hội, dịch chuyển cơ cấu kinh tế, đặc biệt là những tác động mặt trái của nền kinh tế thị trường…, các biểu hiện văn hóa vùng đồng bằng sông Hồng cũng có những biến đổi. Trước hết, đó là những tác động sâu, rộng đến lối sống, đạo đức xã hội và đạo đức cá nhân. Con người vốn là chủ thể các quan hệ xã hội, tạo nên các giá trị xã hội và khi cá nhân, lợi ích cá nhân không còn chịu tác động nhiều của các yếu tố gia đình, dòng họ, cộng đồng mà vượt lên thể hiện có lúc, có việc thái quá, làm mất đi các chuẩn mực giá trị vốn đã được xã hội truyền thống công nhận, coi trọng, làm biến đổi các thang giá trị chuẩn mực chung. Sự thay đổi có tính bước ngoặt và lịch sử đó diễn ra trong bối cảnh chủ thể là đại bộ phận thế hệ nông dân đã gắn bó với phương thức tự quản khép kín, những chuẩn mực đạo đức trong quan hệ ứng xử còn nặng tính truyền thống cố hữu, trọng nghĩa, trọng tình. Với chủ thể của một nền kinh tế tồn tại theo phương thức truyền thống như vậy, sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ chế quản lý kinh tế, phương thức quản lý kinh tế và chính sách kinh tế nói chung đã có những tác động đa diện và sâu sắc, vừa có mặt tích cực, vừa mang những tiêu cực, hiện diện vào đời sống xã hội, trở thành thách thức đối với bộ máy quản lý nhà nước về lĩnh vực văn hóa.
Một số giải pháp gìn giữ, phát huy các đặc trưng văn hóa trong cộng đồng dân cư vùng đồng bằng sông Hồng
Để khắc phục tình trạng trên, một trong những yêu cầu cấp thiết được đặt ra là xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách đủ sức “ứng phó” với tình hình mới, phù hợp với điều kiện tiếp biến cái mới (đang còn chưa định hình) với sự chọn lọc, kế thừa giá trị văn hóa truyền thống mà hạt nhân là những chuẩn mực đạo đức được xã hội công nhận (hiện đã và đang có nguy cơ bị phân hóa, biến thái). Cụ thể:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của các cấp chính quyền trong quá trình xây dựng và phát triển văn hóa.
Trước hết, cần nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về xây dựng đời sống văn hóa; có kiến thức và khả năng vận dụng sáng tạo phù hợp với thực tế địa phương để chủ động đề ra giải pháp kịp thời, đúng đắn. Tăng cường vai trò của tổ chức đảng, tích cực kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, giúp đỡ, đẩy mạnh hoạt động xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở; thường xuyên đúc rút kinh nghiệm, triển khai nhân rộng những điển hình tiên tiến; khen thưởng thường xuyên và đột xuất để kịp thời động viên phong trào phát triển; lồng ghép việc lấy kết quả phong trào làm một trong những tiêu chí thi đua để xếp loại đảng viên.
Đổi mới, tăng cường, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước; thể chế hóa các quan điểm, đường lối, định hướng của Đảng về phát triển văn hóa; đưa nhiệm vụ xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, thực thi pháp luật về văn hóa thành những chương trình, mục tiêu cụ thể và hằng năm có sơ kết, tổng kết chuyên đề công tác này.
Hai là, hoàn thiện cơ chế, chính sách bảo tồn, phát huy các giá trị đặc trưng gắn với các phong trào xây dựng đời sống văn hóa cơ sở.
Khi xây dựng hương ước, quy ước, xây dựng các quy định nếp sống văn hóa, quy định hoạt động các phố nghề, làng nghề…, cần gắn với thuần phong mĩ tục của dân tộc, địa phương, gắn với việc thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và không trái với các quy định khác trong hệ thống pháp luật Việt Nam.
Xây dựng và hoàn thiện quy định về xét tặng các danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Khu phố văn hóa”..., trong đó làm rõ các tiêu chí, tiêu chuẩn bình xét, bảo đảm dễ nhớ, dễ thực hiện, thực chất, tránh hình thức, bao trùm được tất cả các giá trị cốt lõi của văn hóa và phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương.
Ba là, chú trọng đào tạo, bảo đảm nguồn nhân lực có chất lượng trong xây dựng văn hóa từ cơ sở.
Cần xây dựng một chiến lược phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển văn hóa trong thời kỳ mới. Xây dựng đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng động, sáng tạo, sử dụng tốt cơ sở vật chất, phương tiện hoạt động, có khả năng thu hút đông đảo mọi tầng lớp nhân dân tham gia sinh hoạt văn hóa cộng đồng, đưa đời sống văn hóa ở các địa phương không ngừng phát triển. Bên cạnh đó, mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ văn hóa và tìm hiểu pháp luật cho cán bộ cơ sở (cán bộ phụ trách tư pháp và văn hóa); bổ sung, hoàn thiện chế độ, chính sách về lương, chế độ thù lao đối với đối tượng làm công tác văn hóa - thông tin cơ sở, các lĩnh vực mang tính đặc thù, giúp họ yên tâm công tác, cống hiến cho sự nghiệp xây dựng đời sống văn hóa tại cơ sở, địa phương.
Bốn là, đổi mới nội dung và hình thức tổ chức, hoạt động các phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.
Để phong trào xây dựng đời sống văn hóa cơ sở đạt được hiệu quả thực tế, có bước phát triển mạnh mẽ, sâu rộng, thực sự tạo động lực quan trọng góp phần thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, cần đổi mới về nội dung và hình thức tổ chức, hoạt động. Đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng, củng cố và hoàn thiện mạng lưới hoạt động văn hóa các cấp, khai thác, phát huy nguồn lực to lớn từ cộng đồng, đặc biệt thực hiện tốt các mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa, gắn với “Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
Định hướng đổi mới là: góp phần dẫn hướng, điều chỉnh sự phát triển của văn hóa, hiện thực hóa các chủ trương, đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng vào thực tiễn, kiểm soát sự tùy tiện, sai lệch, vi phạm trong quá trình thực thi các cơ chế, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên lĩnh vực văn hóa, bảo vệ tài nguyên văn hóa của làng quê nói riêng và của cộng đồng xã hội nói chung.
Năm là, đẩy mạnh xã hội hóa các nguồn lực đầu tư, xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở đáp ứng yêu cầu.
Bên cạnh việc đầu tư của Nhà nước và chính quyền địa phương, cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức về xã hội hóa hoạt động văn hóa, huy động các nguồn lực từ cộng đồng để đầu tư xây dựng, tôn tạo, nâng cấp kết cấu hạ tầng, như trung tâm văn hóa, đài phát thanh, nhà văn hóa, hệ thống điểm bưu điện văn hóa, tủ sách, trường học, trạm y tế, cơ sở rèn luyện thể chất... đáp ứng nhu cầu hưởng thụ các giá trị văn hóa của đông đảo các tầng lớp nhân dân.
Sáu là, thực hiện thường xuyên, đột xuất công tác thanh tra, kiểm tra, thi đua - khen thưởng.
Thực hiện thường xuyên, đột xuất và đổi mới công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá các hoạt động văn hóa và việc công nhận cơ quan, đơn vị, tổ dân phố văn hóa, làng văn hóa, gia đình văn hóa… bảo đảm công bằng, thiết thực. Thực hiện thi đua, khen thưởng đúng người, đúng việc, phát huy tầm ảnh hưởng, nhân rộng các điển hình tiên tiến, tấm gương người tốt, việc tốt trong cộng đồng. Công tác khen thưởng cũng cần được đổi mới, hướng về cơ sở, tăng cường khen thưởng cho người trực tiếp lao động, sản xuất, công tác, tập thể, cá nhân điển hình. Bám sát các quy định về đối tượng, tiêu chuẩn, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị; đặc biệt khen thưởng đột xuất cần được thực hiện kịp thời đối với cá nhân, tập thể có thành tích đặc biệt xuất sắc./.
Đẩy mạnh phát triển du lịch văn hóa - một trong những ngành công nghiệp văn hóa quan trọng của Thủ đô Hà Nội  (22/07/2023)
Xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh để thúc đẩy đất nước phát triển bền vững  (14/06/2023)
Ðổi mới phương thức lãnh đạo của Ðảng đối với lĩnh vực văn hóa, văn nghệ  (05/06/2023)
- Quyết tâm đưa Vĩnh Phúc cùng cả nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
- Tỉnh Vĩnh Phúc và iMarket Việt Nam ký kết Bản ghi nhớ về việc nghiên cứu, khảo sát, tìm hiểu đầu tư dự án hạ tầng khu công nghiệp và sân golf
- Vĩnh Phúc sẽ phân bổ, giao chi tiết vốn đầu tư công năm 2025 cho các dự án trước ngày 31-12-2024
- Sở Kế hoạch và Đầu tư Vĩnh Phúc: Phấn đấu năm 2025 nằm trong top 10 về chuyển đổi số
- Vĩnh Phúc: Tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm tiểu thủ công nghiệp
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay