Chính sách đối ngoại của Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden
TCCS - Trở thành Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ, Tổng thống Joe Biden đã bước đầu đề ra đường lối đối ngoại mới đối với các quốc gia, khu vực, những nơi đóng vai trò then chốt trong chiến lược toàn cầu của Mỹ. Mặc dù mới ra đời, nhưng chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Joe Biden được đánh giá là tương đối đồng bộ, toàn diện khi vừa có sự kế thừa chính sách của những người tiền nhiệm, vừa có sự thay đổi linh hoạt cho phù hợp với vai trò và sức mạnh hiện tại của Mỹ. Quá trình triển khai chính sách này được dự báo sẽ đem lại cho nước Mỹ những cơ hội và thách thức đan xen.
Trong Thông điệp liên bang ngày 4-2-2021, Tổng thống Mỹ J. Biden đã đề ra đường lối đối ngoại mới cho nước Mỹ giai đoạn 2021 - 2025 dựa trên phương châm “Nước Mỹ đã sẵn sàng trở lại, sẵn sàng dẫn dắt trật tự thế giới” và “sẵn sàng tìm lại linh hồn cho nước Mỹ”. Đường lối đối ngoại mới này được dự báo sẽ có nhiều khác biệt so với chính sách đối ngoại biệt lập mà chính quyền tiền nhiệm đã áp dụng trong giai đoạn 2017 - 2020. Đồng thời, đây được coi là sự trở lại của nền tảng ngoại giao đa phương truyền thống mà các chính quyền Mỹ đã từng áp dụng trong giai đoạn 1945 - 2016.
Mục tiêu và biện pháp của chính sách
Trong 100 ngày cầm quyền đầu tiên (20-1 đến 30-4-2021), chính quyền của Tổng thống J. Biden đã tập trung vào một số vấn đề chính, đó là: Giải quyết những mâu thuẫn trong quan hệ với Trung Quốc; từng bước đưa Mỹ trở lại một số tổ chức quốc tế mà chính quyền D. Trump đã từ bỏ, như: Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP-21), hàn gắn lại mối quan hệ với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và thúc đẩy mô hình “ngoại giao vaccine” với một số đồng minh và đối tác trong nhóm “Bộ Tứ” (Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia) và các nước trong Liên minh châu Âu (EU).
Trong giai đoạn tiếp theo, chính quyền của Tổng thống J. Biden sẽ tập trung giải quyết một số vấn đề như: Cải thiện quan hệ với các nước đồng minh và đối tác trên thế giới để hình thành một “liên minh các nền dân chủ toàn cầu” nhằm đối phó với Trung Quốc; từng bước đưa nước Mỹ trở lại dẫn dắt trật tự kinh tế đa phương thông qua việc thúc đẩy đàm phán các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương xuyên Đại Tây Dương với EU, Hàn Quốc, Nhật Bản; xây dựng và phát triển liên minh công nghệ toàn cầu để đưa nước Mỹ trở thành quốc gia đứng đầu thế giới về mạng 5G; từ bỏ chính sách chia sẻ chi phí quân sự với các nước đồng minh, đối tác để các nước này tham gia vào các liên minh quân sự do Mỹ dẫn dắt ở châu Âu - Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, như: Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), nhóm “Bộ Tứ” và “Bộ Tứ” mở rộng.
Có thế thấy, mục tiêu đối ngoại cốt lõi và xuyên suốt của chính quyền Tổng thống J. Biden trong bốn năm tới là từng bước xác lập lại vị thế lãnh đạo toàn cầu của Mỹ, đồng thời hiện thực hóa ba mục tiêu chiến lược trong quan hệ với Trung Quốc, đó là kiềm chế Trung Quốc về quân sự; duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông theo luật pháp quốc tế và làm thay đổi nhận thức của Trung Quốc trong quan hệ với Mỹ.
Để hiện thực hóa các mục tiêu trên, chính quyền của Tổng thống J. Biden sẽ theo đuổi một số biện pháp sau:
Về hợp tác song phương, chính quyền của Tổng thống J. Biden sẽ tiếp tục tăng cường mối quan hệ song phương với các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương để thúc đẩy ký kết các FTA với sáu nước, gồm: Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Việt Nam, New Zealand và Indonesia ngay trong giai đoạn 2021 - 2022. Đồng thời, chính quyền của Tổng thống J. Biden cũng sẽ triển khai các hoạt động ngoại giao song phương với các đồng minh, đối tác trong các vấn đề như: chiến tranh thương mại, thao túng tiền tệ và đàm phán để kéo dài Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược (Hiệp ước START) mới với Nga.
Về hợp tác đa phương, mặc dù cam kết sẽ từ bỏ một số sáng kiến về đối ngoại - quốc phòng dưới thời chính quyền D. Trump như: mạng lưới kinh tế thịnh vượng, tổ chức Hiệp ước Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương…, nhưng chính quyền của Tổng thống J. Biden vẫn sẽ duy trì các sáng kiến như: Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP), Mạng lưới điểm xanh (BDN), sáng kiến kết cấu hạ tầng châu Á chất lượng cao. Thêm vào đó, Mỹ cũng sẽ nỗ lực đàm phán để tham gia các tổ chức đa phương khác như: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Như vậy, trong thời gian tới, chính quyền của Tổng thống J. Biden vẫn sẽ kế thừa một số chính sách của chính quyền tiền nhiệm, nhưng về cơ bản sẽ có những điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của nước Mỹ hiện nay khi Mỹ cam kết lấy “hòa giải” thay cho “đối đầu”, lấy “hợp tác” thay cho “đối kháng” và “xung đột”. Tuy nhiên, chính sách đối ngoại mới này có triển khai được hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào tiềm lực kinh tế, vai trò của nước Mỹ và khả năng hoạch định chính sách của chính quyền Tổng thống J. Biden.
Quá trình triển khai chính sách
Đối với Trung Quốc
Sau khi lên cầm quyền, Tổng thống J. Biden đã có một số điều chỉnh chính sách đối với Trung Quốc. Theo đó, nước Mỹ dần từ bỏ việc coi Trung Quốc là “đối thủ chiến lược” để chuyển sang “vừa hợp tác, vừa cạnh tranh” dựa trên phương châm “hợp tác khi có thể, đối đầu khi cần thiết và đối kháng trong một số lĩnh vực nhất định”. Quan điểm này được Mỹ xác định dựa trên phương châm “3C” (Cooperation - hợp tác, Competition - cạnh tranh, Confrontation - đối đầu). Theo đó, Mỹ sẽ hợp tác với Trung Quốc trong các vấn đề: thương mại, biến đổi khí hậu, phòng, chống dịch bệnh COVID-19, vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên; cạnh tranh về công nghệ, hạt nhân; đối đầu quyết liệt trong các vấn đề: nhân quyền, Biển Đông… Điều này lý giải cho một thực tế là dưới thời chính quyền của Tổng thống J. Biden, chính sách cứng rắn của Mỹ đối với Trung Quốc được dự báo sẽ không có nhiều thay đổi so với thời kỳ của chính quyền tiền nhiệm, có chăng chỉ là sự điều chỉnh trong cách tiếp cận mang tính tình huống ở một số lĩnh vực mà Mỹ không thể đơn phương giải quyết được. Bên cạnh đó, chính quyền của Tổng thống J. Biden sẽ tái thúc đẩy đàm phán để gia nhập CPTPP và hình thành “Liên minh Thái Bình Dương phiên bản mới” nhằm kiềm chế Trung Quốc, nhất là sau khi Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã khẳng định tại Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) ngày 20-11-2020 rằng: Trung Quốc đang xem xét và đàm phán để gia nhập CPTPP trong tương lai gần(1). Đối với chính quyền của Tổng thống J. Biden, việc Mỹ tái gia nhập CPTPP là cơ hội để nước này thu hẹp khoảng cách về thâm hụt thương mại ngày một lớn với Trung Quốc (vốn luôn dao động ở mức 345 tỷ USD/năm trong giai đoạn 2016 - 2020)(2) và dự báo mức thâm hụt này sẽ không có nhiều thay đổi nếu như Mỹ không có sự điều chỉnh chính sách về kinh tế với Trung Quốc.
Đối với châu Âu
Với việc bổ nhiệm 4 nhà ngoại giao, an ninh, kinh tế có uy tín, kinh nghiệm và am hiểu về châu Âu là: tân Ngoại trưởng Antony Blinken (một người nhập cư gốc Do Thái, từng sinh sống ở Pháp); Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin (người luôn ủng hộ đoàn kết NATO); cựu Ngoại trưởng John Kerry (người có đóng góp lớn vào quá trình đàm phán thành công COP-21 ở Paris năm 2015) và tân Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen (người ủng hộ Hiệp định Thương mại tự do xuyên Đại Tây Dương (TTIP) và liên kết kinh tế với châu Âu), nên trong thời gian tới, chính sách của Mỹ đối với châu Âu được dự báo sẽ phát triển theo hướng ưu tiên thúc đẩy hợp tác và cải thiện quan hệ với Pháp, Đức, Italia và từ bỏ chính sách chia sẻ chi phí quân sự với các nước này. Tuy nhiên, Mỹ vẫn duy trì mức tiêu chuẩn 2% chi tiêu quốc phòng/GDP với các nước thành viên của EU(3); coi đoàn kết NATO là trung tâm trong chính sách ngoại giao xuyên Đại Tây Dương; góp phần giải quyết các mâu thuẫn, xung đột giữa một số nước thành viên EU như: Hy Lạp, Pháp, Italia với Thổ Nhĩ Kỳ trong vấn đề Đông Địa Trung Hải; phối hợp với EU, NATO để giảm bớt mối đe dọa quân sự từ Nga ở Vùng Baltic, Đông Ukraine; giải quyết các mâu thuẫn giữa Đức, Ba Lan, Séc, Hungary trong vấn đề tài chính và nhân quyền; từ bỏ kế hoạch rút 12.000 quân ra khỏi Đức và thúc đẩy hợp tác với EU, NATO trong vấn đề chia sẻ vaccine nhằm phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Còn trong quan hệ với Anh, chính quyền của Tổng thống J. Biden dự kiến sẽ thúc đẩy đàm phán FTA với Anh vào năm 2024(4) và phối hợp chặt chẽ với Anh để kiềm chế Trung Quốc, Nga trong các vấn đề, như: công nghệ 5G, nhân quyền, an ninh hạt nhân…
Đối với Nga
Chính sách đối ngoại của chính quyền J. Biden đối với Nga được dự báo sẽ tiếp tục căng thẳng như dưới thời kỳ cầm quyền của Tổng thống D. Trump khi Mỹ vẫn coi Nga là “đối thủ chiến lược” chứ không phải “đối tác hợp tác, đối thủ cạnh tranh”. Theo đó, bằng việc tái thiết lập quan hệ với châu Âu, Mỹ muốn thông qua các nước này để siết chặt hơn nữa các vòng vây về kinh tế, chiến lược với Nga. Chính quyền của Tổng thống J. Biden còn dự kiến sẽ gia tăng sự hiện diện quân sự tại Bắc Cực để kiềm chế Nga. Bên cạnh đó, Mỹ còn muốn Nga ký thỏa thuận COP-26 dự kiến tổ chức vào tháng 11-2021 nhằm làm suy yếu ngành công nghiệp dầu khí (chiếm 60% GDP của Nga) và từng bước ngăn chặn sự liên kết giữa Nga với Trung Quốc trong tuyến vận tải biển xuyên Bắc Băng Dương, vốn đem lại cho Nga khối lượng vận chuyển hàng hóa lên tới 32 triệu tấn (năm 2020) và dự kiến là 80 triệu tấn (năm 2024).
Tuy nhiên, Mỹ và Nga vẫn còn nhiều cơ hội để thúc đẩy hợp tác. Ngày 3-2-2021, Mỹ và Nga đã thông qua Hiệp ước START mới với thời hạn 5 năm để thay thế Hiệp ước START II đã hết hiệu lực. Bộ Quốc phòng hai nước đã tiến hành giám sát chung kho vũ khí hạt nhân 328 lần trong giai đoạn 2011 - 2021 (5) nhằm duy trì tính hiệu quả của Hiệp ước này. Việc chính quyền của Tổng thống J. Biden bổ nhiệm cựu Đại sứ Mỹ tại Nga William Burns (người luôn ủng hộ giải trừ quân bị và lên án kế hoạch NATO mở rộng về phía Đông) làm giám đốc Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) sẽ tạo ra cơ hội để hai nước tái khởi động quan hệ song phương như trước.
Đối với Đông Bắc Á
Chính sách của chính quyền Tổng thống J. Biden đối với khu vực Đông Bắc Á điều chỉnh theo hướng có lợi cho Nhật Bản và Hàn Quốc. Theo đó, Mỹ sẽ từ bỏ chính sách chia sẻ chi phí quân sự công bằng, đình chỉ chiến tranh thương mại, tránh trừng phạt thuế quan với mặt hàng thuế quan, thép, sợi của hai nước này. Đồng thời, thúc đẩy hợp tác giữa Mỹ với hai nước này trong các vấn đề về Triều Tiên, Trung Quốc. Trong cuộc điện đàm giữa Tổng thống J. Biden với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga ngày 22-1-2021, Mỹ cam kết tiếp tục thúc đẩy hợp tác với hai nước này trong liên minh quân sự Mỹ - Nhật Bản, Mỹ - Hàn Quốc. Còn trong cuộc họp cấp ngoại trưởng thuộc nhóm “Bộ Tứ” ngày 27-2-2021 và Hội nghị Thượng đỉnh nhóm “Bộ Tứ” ngày 12-3-2021, Mỹ đã cam kết với Nhật Bản, Hàn Quốc về việc phối hợp chia sẻ vaccine để phòng, chống dịch bệnh COVID-19 của chương trình Đối tác vaccine 1 tỷ liều trong giai đoạn 2021 - 2022, trong đó, Mỹ là nhà tài trợ về tài chính (4,7 tỷ USD) (6), còn Nhật Bản đóng vai trò trung chuyển, Hàn Quốc là đối tác có trách nhiệm. Bên cạnh đó, Mỹ cũng phối hợp với Nhật Bản và Hàn Quốc trong khuôn khổ liên minh dân chủ châu Á - Thái Bình Dương nhằm kiềm chế Trung Quốc và thúc đẩy một trật tự đa phương ở khu vực do Mỹ dẫn dắt.
Đối với Đông Nam Á
Với việc bổ nhiệm các nhà ngoại giao có uy tín trong khu vực Đông Nam Á như: cựu Ngoại trưởng John Kerry, chuyên gia về chính sách đối ngoại Kurt Campbell, chính sách Đông Nam Á của Mỹ được cho rằng sẽ diễn ra thuận lợi hơn so với chính sách Đông Nam Á của chính quyền D. Trump. Mỹ sẽ dần từ bỏ các chính sách trừng phạt thương mại đối với Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Singapore, nhưng vẫn tiếp tục duy trì các biện pháp này với Myanmar, Campuchia với lý do “tình hình nhân quyền ở các nước này chưa được cải thiện”. Các nhà lãnh đạo cấp cao của Mỹ, trong đó có Tổng thống J. Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris dự kiến sẽ tham gia các hội nghị cấp cao ASEAN trong năm 2021 và tiếp tục ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong các vấn đề như Biển Đông.
Đối với Ấn Độ
Chính sách của Mỹ với Ấn Độ được cho rằng sẽ đem lại cho Mỹ những cơ hội và thách thức đan xen. Một mặt, Mỹ sẽ tiếp tục coi Ấn Độ là đối tác kinh tế, thương mại quan trọng nhất của Mỹ ở Nam Á và vành đai Ấn Độ Dương; từ bỏ cuộc chiến thép, nhôm với Ấn Độ. Đồng thời, đưa Ấn Độ tham gia các chương trình hợp tác quân sự với Mỹ nhằm làm suy yếu mối quan hệ quốc phòng Ấn Độ - Nga. Trong chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin tới Ấn Độ (từ ngày 19 đến ngày 21-3-2021), hai bên đã ký kết nhiều hiệp định hợp tác quốc phòng quan trọng. Mặt khác, Mỹ sẽ giảm sự hỗ trợ về an ninh với Ấn Độ; đưa ra vấn đề nhân quyền đối với nước này.
Đối với Trung Đông
Chính sách Trung Đông của chính quyền Tổng thống J. Biden được dự báo sẽ đẩy các quốc gia trong khu vực đứng trước hai trạng thái khác nhau. Một mặt, Mỹ sẽ thúc đẩy can dự vào vấn đề hạt nhân Iran, vấn đề Palestine và Israel, chống khủng bố. Điều này sẽ giúp Mỹ thúc đẩy quan hệ với các nước như: Palestine, Syria, Iraq, Iran; mặt khác, chính sách Trung Đông sẽ vấp phải sự phản đối của các đồng minh truyền thống trong khu vực như: Israel, Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Ai Cập, bởi các nước này luôn lo ngại vấn đề hạt nhân Iran và cũng như hợp tác giữa Iran với Thổ Nhĩ Kỳ trong các vấn đề an ninh khu vực, nhất là trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đang đẩy mạnh học thuyết “Ottoman” mới ở khu vực nhằm giành lại ảnh hưởng ở những địa bàn thuộc Trung Đông, Bắc Phi vốn từng là thuộc địa của Đế chế Ottoman.
Việc chính quyền của Tổng thống J. Biden giảm can dự trực tiếp bằng quân sự vào Trung Đông thông qua chính sách “rút quân khỏi Afghanistan, Syria” được dự báo sẽ hình thành một vòng bất ổn an ninh mới ở Trung Đông kéo dài từ Lebanon đến Afghanistan trong thời gian tới. Đây có thể sẽ là mầm mống để hình thành một phong trào “Mùa xuân Arab” mới nhưng không phải do Mỹ lãnh đạo mà do các cường quốc trong và ngoài khu vực can thiệp để tranh giành ảnh hưởng với Mỹ, trong đó trực tiếp là Nga, Trung Quốc, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và mối quan hệ giữa Mỹ với Saudi Arabia được dự báo sẽ gia tăng căng thẳng.
Đối với Mỹ La-tinh
Chính sách của chính quyền J. Biden đối với Mỹ La-tinh được dự báo sẽ có thay đổi lớn. Mỹ sẽ mở rộng chính sách nhập cư với công dân Mỹ La-tinh; điều chỉnh quan hệ với các nước trong Liên minh Bolivar cho châu Mỹ (ALBA) theo hướng ôn hòa hơn, nhất là trong bối cảnh nhóm LIMA do Mỹ lãnh đạo đang bị đe dọa do sự trỗi dậy của các lực lượng cánh tả.
Chính sách của Mỹ đối với Venezuela được dự báo sẽ có điều chỉnh theo hướng từ đối đầu quân sự sang “diễn biến hòa bình” thông qua việc Mỹ tiếp tục coi “Tổng thống tự phong” Juan Guaido là “Tổng thống hợp hiến”, còn Tổng thống đương nhiệm Nicolas Maduro là “độc tài”; đồng thời, dùng vấn đề người tị nạn, an ninh lương thực, đói nghèo để cô lập Venezuela trên trường quốc tế.
Chính sách của Mỹ đối với Cuba cũng sẽ được hạ nhiệt từ gia tăng lệnh cấm vận sang cải thiện quan hệ song phương và duy trì đại sứ quán ở mỗi nước. Tuy nhiên, vấn đề dân chủ, nhân quyền và “cách mạng màu” vẫn được chính quyền Tổng thống J. Biden sử dụng để chống cách mạng Cuba.
Triển vọng thực hiện chính sách
Với mục tiêu, biện pháp và việc triển khai chính sách với từng nước, khu vực, chính quyền Tổng thống J. Biden sẽ có những cơ hội và thách thức đan xen trong việc hiện thực hóa các chính sách.
Về cơ hội, trong chính quyền của Tổng thống J. Biden có nhiều nhà ngoại giao uy tín, kinh nghiệm, mang tư tưởng ôn hòa, tôn trọng các giá trị truyền thống của nền ngoại giao Mỹ. Điều này sẽ góp phần triển khai các chính sách đối ngoại hiệu quả hơn. Hiện Mỹ vẫn là quốc gia có ảnh hưởng lớn trên thế giới về đối ngoại, chính trị, kinh tế, quân sự. Cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã từng phát biểu (năm 2010) rằng: Thế giới không thể thiếu Mỹ trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế. Ngược lại, Mỹ không thể tự mình giải quyết các vấn đề quốc tế mà không có thế giới (7).
Về thách thức, một là, sự chia rẽ và bất ổn trong lòng xã hội Mỹ ngày càng sâu sắc, nhất là vấn đề người nhập cư và người Mỹ gốc Á. Do đó, nếu nước Mỹ không giải quyết được vấn đề này thì hình ảnh của Mỹ sẽ bị ảnh hưởng và việc triển khai chính sách đối ngoại sẽ gặp khó khăn; hai là, chương trình tiêm chủng vaccine cho 300 triệu người Mỹ trong 100 ngày đầu tiên ông J. Biden cầm quyền đã không trở thành hiện thực, điều này được dự báo sẽ đẩy nền kinh tế Mỹ tiếp tục phải đối mặt với khủng hoảng khi người dân không được tiếp cận với vaccine, các doanh nghiệp không thể tiếp cận với thị trường bên ngoài khiến nền kinh tế Mỹ sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức; ba là, sự suy giảm niềm tin của các đồng minh đối với Mỹ ngày càng sâu sắc. Ngay sau khi ông J. Biden đắc cử Tổng thống Mỹ, EU đã ký với Trung Quốc hiệp định thương mại tự do nhằm tạo sự cân bằng trong quan hệ Mỹ - Trung Quốc; bốn là, chính sách của chính quyền Mỹ sẽ gặp phải sự cạnh tranh với Trung Quốc và Nga, nhất là về kinh tế và quân sự. Trung Quốc đã đặt ra mục tiêu vượt Mỹ, trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2028 và đứng đầu thế giới về sức mạnh hải quân. Còn Nga sẽ tiếp tục phát triển các lực lượng răn đe hạt nhân để kiềm chế sức mạnh quân sự của Mỹ, ngăn không Mỹ can dự vào nội tình của Nga, nhất là cuộc bầu cử Tổng thống Nga vào năm 2024; năm là, việc Trung Quốc thông qua luật hải cảnh cũng đặt ra cho Mỹ những thách thức lớn trong việc cam kết bảo vệ tự do an toàn hàng hải ở Tây Thái Bình Dương và Biển Đông.
Có thể thấy, chính sách đối ngoại của Mỹ dưới thời Tổng thống J. Biden là tổng thể các chính sách, mục tiêu, biện pháp trên tất cả các lĩnh vực, được đặt ra một cách cụ thể với từng quốc gia, khu vực và đóng vai trò then chốt trong chiến lược toàn cầu mới của Mỹ nhằm giúp Mỹ từng bước lấy lại vị thế toàn cầu. Trong quá trình triển khai chính sách đối ngoại mới này, dự báo, chính quyền Tổng thống J. Biden sẽ đứng trước những cơ hội và thách thức đan xen. Liệu nước Mỹ có hóa giải được những khó khăn, biến thách thức thành những cơ hội và từng bước lấy lại sức mạnh vốn có của nước này, còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố chưa thể đoán định./.
------------------------------------
(1) Thông tấn xã Việt Nam: Tài liệu tham khảo đặc biệt, số 23, ngày 26-1-2021, tr. 25
(2) Thông tấn xã Việt Nam: Tài liệu tham khảo đặc biệt, số 73, ngày 24-3-2021, tr. 6
(3) Max Bergmann and Siena Cicarelli: “NATO’s Financing Gap”,
https://www.americanprogress.org/issues/security/reports/2021/01/13/494605/natos-financing-gap/, ngày 13-1-2021
(4) Victoria Langro: “The US will accelerate FTA negotiations with the UK by 2024”,
https://www.just-style.com/analysis/what-might-a-us-uk-trade-deal-mean-for-apparel_id139253.aspx, ngày 28-8-2020
(5) Thông tấn xã Việt Nam: Tài liệu tham khảo đặc biệt, số 65, ngày 16-3-2021, tr. 5
(6) Thông tấn xã Việt Nam: Tài liệu tham khảo đặc biệt, số 66, ngày 13-3-2021, tr. 24
(7) Thông tấn xã Việt Nam: Tài liệu tham khảo đặc biệt, số 198, ngày 16-7-2020, tr. 14
Chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đối với khu vực Đông Nam Á: Một số đánh giá bước đầu  (21/05/2021)
Cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc tại Mỹ La-tinh: Những thách thức đối với chính quyền mới của Mỹ  (05/05/2021)
Dự án “Dòng chảy phương Bắc 2”: Bài toán trong chính sách của Mỹ đối với khu vực châu Âu  (28/04/2021)
Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương: Tầm nhìn và thực tiễn  (15/12/2020)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên