Chiến lược của các nước lớn tại khu vực Bắc Cực và một số vấn đề đặt ra hiện nay
TCCS - Vài thập niên trở lại đây, Trái đất nóng lên đã tạo điều kiện cho quá trình tiếp cận và khám phá vùng Bắc Cực trở nên dễ dàng hơn. Băng tan nhanh không chỉ giúp thúc đẩy các hoạt động kinh tế, nghiên cứu khoa học tại khu vực chứa tới 1/4 trữ lượng dầu mỏ của thế giới chưa được khai thác, mà còn giúp mở ra các tuyến đường vận tải biển mới mang đến sự an toàn, cũng như rút ngắn hơn 40% khoảng cách từ Bắc Cực đến kênh đào Xu-ê trong bối cảnh khu vực Tây Á và Trung Đông ngày càng có nhiều diễn biến bất ổn. Việc tiếp cận Bắc Cực cũng giúp gia tăng các lợi ích địa - chính trị và kinh tế của nhiều chủ thể quốc tế, trong đó có Mỹ, Nga và Trung Quốc, nhưng đồng thời cũng khiến cạnh tranh giữa các quốc gia này gia tăng.
Về mặt địa lý, vùng Bắc Cực là khu vực xung quanh Bắc Cực Trái đất, đối diện với vùng Nam Cực xung quanh Nam Cực. Vùng Bắc Cực bao gồm Bắc Băng Dương, các vùng biển lân cận và một phần của bang A-lát-xca (Mỹ), một phần phía Bắc Ca-na-đa, hòn đảo Grin-len (Greenland, Đan Mạch), Nga, Ai-xơ-len, Na Uy, Thụy Điển và Phần Lan. Đây cũng được xem là “hoang mạc” lớn thứ hai trên thế giới tính theo diện tích (sau châu Nam Cực). Vùng đất trong khu vực Bắc Cực có tuyết và băng phủ thay đổi theo mùa, với tầng đất đóng băng vĩnh cửu(1) có chứa tài nguyên. Hiện có khá nhiều quốc gia quan tâm đến nguồn tài nguyên nằm ở vòng tròn cực Bắc này. Các nước Mỹ, Nga và Trung Quốc trong những năm qua đã tăng cường triển khai nhiều chiến lược, chính sách nhằm thực hiện các lợi ích chiến lược về kinh tế, quân sự và an ninh tại khu vực Bắc Cực.
Chiến lược của Mỹ, Nga và Trung Quốc tại Bắc cực
Đối với Mỹ, Bắc Cực có vai trò chiến lược quan trọng trong việc bảo vệ an ninh quốc gia và thực hiện các lợi ích kinh tế cũng như quân sự của nước này. Văn bản nền tảng cho chính sách Bắc Cực của Mỹ là Chỉ thị số 66 được Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma ban hành năm 2009(2), tập trung vào bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, cùng với việc nhấn mạnh vai trò của người bản địa cũng như người dân khác ở Bắc Cực là các chủ thể lợi ích. Tháng 5-2013, tiếp nối Chỉ thị số 66, Chính quyền của Tổng thống B. Ô-ba-ma ban hành Chiến lược quốc gia đối với khu vực Bắc Cực, đề ra các ưu tiên chiến lược của Mỹ đối với khu vực này trong vòng 10 năm tới, nhằm: 1- Bảo vệ lợi ích an ninh nội địa Mỹ; 2- Thúc đẩy vai trò quản lý của Mỹ ở khu vực Bắc Cực; 3- Thúc đẩy hợp tác quốc tế(3). Ủy ban thường trực hành pháp (AESC) do Nhà Trắng quản lý sẽ tổ chức, triển khai chiến lược này. Năm 2014, Nhà Trắng ban hành Kế hoạch thực hiện chiến lược, nhấn mạnh tầm quan trọng của khu vực Bắc Cực và thông tin về nguồn tài nguyên với trữ lượng rất lớn về khí ga tự nhiên ở khu vực này, cũng như việc tăng cường năng lực và hạ tầng tại đây; đồng thời khẳng định các hạm đội và tàu của Mỹ hoạt động tại khu vực Bắc Cực hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế.
Năm 2016, AESC ban hành báo cáo và phụ lục về việc triển khai thực hiện chiến lược trên. Tài liệu nghiên cứu cho thấy, Mỹ đang hết sức quan tâm đến những diễn biến, thay đổi một cách nhanh chóng trong những năm qua ở khu vực Bắc Cực. Trong giai đoạn 2015 - 2017, Mỹ đảm nhiệm Chủ tịch Hội đồng Bắc Cực và bổ nhiệm đại diện đặc biệt của Mỹ tại khu vực Bắc Cực(4). Năm 2017, Chính quyền của Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm đã ban hành Chiến lược An ninh quốc gia, theo đó khu vực Bắc Cực được xếp trong nhóm không gian trên bộ, trên biển, vũ trụ và không gian mạng mà Mỹ coi có chủ quyền, là ưu tiên, lợi ích chiến lược, an ninh quan trọng, do vậy Mỹ cần phải bảo vệ và thúc đẩy(5). Trong báo cáo gửi Quốc hội Mỹ (tháng 6-2019) về việc thực hiện Chiến lược quốc gia đối với khu vực Bắc Cực và Chiến lược Bắc Cực của Bộ Quốc phòng Mỹ, Lầu Năm Góc nhấn mạnh về sự cần thiết tăng cường khả năng quân sự, quan hệ đối tác và đồng minh, thúc đẩy các kết cấu hạ tầng tại khu vực Bắc Cực. Báo cáo cũng phân loại các ưu tiên, lợi ích chiến lược của Mỹ đối với khu vực Bắc Cực thành ba nhóm chính: Một là, Bắc Cực là vùng lãnh thổ thuộc nội địa Mỹ. Lợi ích của Mỹ gắn liền với việc bảo vệ chủ quyền, các lợi ích kinh tế đối với khu vực Bắc Cực thông qua việc triển khai các biện pháp, như thiết lập hệ thống phòng thủ tên lửa cảnh báo sớm, bảo vệ các kết cấu hạ tầng thiết yếu và nâng cao sự nhận thức chung về không gian Bắc Cực, nhằm bảo vệ các lợi ích của Mỹ ở khu vực. Hai là, Bắc Cực là một không gian chia sẻ lợi ích. Theo đó, an ninh và sự ổn định của khu vực phụ thuộc vào việc các quốc gia Bắc Cực giải quyết những thách thức chung một cách tích cực. Hợp tác khu vực được xây dựng trên nền tảng các nguyên tắc được quốc tế công nhận. Điều này được củng cố bởi một liên minh do Mỹ dẫn dắt và một mạng lưới đối tác của Mỹ tại khu vực Bắc Cực, thông qua việc duy trì các hoạt động trong khu vực phù hợp với những quy chuẩn quốc tế. Ba là, Bắc Cực là một hành lang tiềm tàng cho một cuộc cạnh tranh chiến lược đang mở rộng giữa các cường quốc, nhất là Nga và Trung Quốc, đang cạnh tranh với những lợi ích của Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương và châu Âu. Do vậy, Bộ Quốc phòng Mỹ cũng khẳng định sẽ tập trung vào việc cạnh tranh với Nga và Trung Quốc ở khu vực này, coi đây là thách thức chính đối với sự thịnh vượng và an ninh lâu dài của Mỹ(6).
Đối với Nga, Bắc Cực là khu vực chiến lược, mang lại lợi ích kinh tế, quân sự, khai thác tài nguyên và lợi ích từ việc quản lý các tuyến đường hàng hải mới. Do đó, Nga cũng chú trọng việc mở rộng lãnh thổ ở Bắc Cực thông qua đẩy mạnh thám hiểm và xây dựng các căn cứ quân sự vĩnh cửu ở khu vực này. Năm 2008, Nga đã ban hành Chỉ thị về các nguyên tắc cơ bản trong chính sách Bắc Cực của Nga đến năm 2020, tập trung vào bốn nội dung chính, bao gồm: 1- Sử dụng vùng Bắc Cực của Nga là căn cứ tài nguyên chiến lược nhằm cung cấp các giải pháp cho những vấn đề phát triển kinh tế - xã hội của Nga; 2- Duy trì Bắc Cực là một khu vực hòa bình và hợp tác; 3- Bảo tồn các hệ sinh thái đơn nhất ở Bắc Cực; 4- Sử dụng tuyến Biển Bắc (Northern Sea Route - NSR) là tuyến đường vận tải hàng hải liên cảng của Nga ở Bắc Cực(7). Nga cho rằng, việc quản trị khu vực Bắc Cực hết sức quan trọng, do vậy cần thực hiện chính sách quản lý tập trung. Theo đó, tháng 2-2015, Nga thành lập Ủy ban liên bang về Bắc Cực, có nhiệm vụ điều phối công việc của tất cả các cơ quan khác tham gia các vấn đề Bắc Cực, gồm Hội đồng An ninh quốc gia, Bộ Tài nguyên, Bộ Năng lượng, Bộ Phát triển kinh tế và Bộ Giao thông. Với việc tạo ra ủy ban này, Tổng thống Nga Vla-đi-mia Pu-tin muốn thông qua một cơ quan duy nhất thực hiện chính sách Bắc Cực. Trước đó, Chính phủ Nga đã tuyên bố tất cả các hoạt động của Nga tại Bắc Cực cần gắn với lợi ích “quốc phòng và an ninh ở mức độ cao nhất”.
Tháng 4-2020, Tổng thống V. Pu-tin đã ban hành Chỉ thị về các nguyên tắc cơ bản trong chính sách Bắc Cực của Nga đến năm 2035, tập trung vào sáu nội dung chính, bao gồm: 1- Bảo đảm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Nga; 2- Bảo toàn Bắc Cực là một khu vực hòa bình với các đối tác ổn định và cùng có lợi; 3- Bảo đảm tiêu chuẩn cao về mức sống và sự thịnh vượng của người dân Nga ở vùng Bắc Cực; 4- Phát triển khu vực Bắc Cực của Nga là khu căn cứ tài nguyên chiến lược và sử dụng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; 5- Phát triển NSR thành hành lang giao thông quốc gia có tính cạnh tranh toàn cầu và bảo vệ môi trường Bắc Cực; 6- Bảo vệ vùng đất và môi trường sống nguyên thủy của người bản địa sống tại vùng Bắc Cực của Nga(8). Nguyên tắc cơ bản trong chính sách Bắc Cực của Nga đến năm 2035 cũng chỉ ra các mối đe dọa đối với an ninh của Nga, như đề cập việc “một số quốc gia” có ý định sửa đổi các điều khoản trong những hiệp định quốc tế quy định các hoạt động kinh tế và các hoạt động khác ở khu vực Bắc Cực hay thiết lập hệ thống quy định quốc gia mà không tính đến các thể thức hợp tác cấp khu vực và quốc tế(9). Ngoài ra, Chỉ thị về các nguyên tắc cơ bản trong chính sách Bắc Cực của Nga đến năm 2035 cũng đề cập đến việc một số nước cản trở hoạt động kinh tế và các hoạt động khác của Nga ở Bắc Cực.
Đối với Trung Quốc, khu vực Bắc Cực liên quan đến Trung Quốc bởi một số lý do sau: Thứ nhất, nhiều nghiên cứu cho thấy các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt và thiên tai diễn ra thường xuyên ở Trung Quốc trong những năm gần đây có liên quan mật thiết đến hiện tượng ấm lên và băng tan ở Bắc Cực. Thứ hai, Trung Quốc cần nguồn cung năng lượng đa dạng và an toàn hơn nhằm bảo đảm an ninh năng lượng cho phát triển bền vững và ổn định. Bắc Cực là khu vực lựa chọn mới đối với Trung Quốc. Thứ ba, kinh tế Trung Quốc sẽ ngày càng phụ thuộc vào thương mại và vận chuyển. Việc sử dụng các tuyến đường hàng hải được mở ra tại Bắc Cực là lựa chọn chiến lược, giúp giảm thời gian và quãng đường vận chuyển cùng với chi phí thấp và tăng hiệu quả; đồng thời, mang lại những cơ hội lớn cho các nhà đầu tư Trung Quốc trong việc tìm kiếm các cơ hội mở rộng hoạt động kinh doanh ở Bắc Cực. Thứ tư, Bắc Cực có thể là một phép thử quan trọng giúp Trung Quốc trở thành “lãnh đạo thế giới” đối với một số lĩnh vực khoa học - công nghệ nhất định.
Từ năm 2010, Chính phủ Trung Quốc cho rằng, Trung Quốc có quyền bình đẳng như các quốc gia thành viên khác trong Hội đồng Bắc Cực(10). Trung Quốc đã và đang triển khai thực hiện các chính sách về đầu tư, liên doanh với bản địa cũng như đóng góp tài chính cho các hoạt động từ thiện bản địa tại Bắc Cực... Tháng 6-2017, Trung Quốc giới thiệu “Tầm nhìn vì hợp tác quân sự” trong khuôn khổ Sáng kiến“Vành đai, Con đường” (BRI) xác định các tuyến hàng hải Bắc Cực là một trong những “tuyến kinh tế xanh”, nhấn mạnh cần có các nỗ lực nhằm “thúc đẩy khái niệm về một an ninh hàng hải chung cùng có lợi”. Tháng 1-2018, Trung Quốc xuất bản Sách Trắng về Bắc Cực, tập trung vào việc tìm hiểu, khám phá về Bắc Cực, môi trường Bắc Cực, tác động của biến đổi khí hậu, việc sử dụng các nguồn tài nguyên tại Bắc Cực, hợp tác quốc tế và quản trị tại Bắc Cực, tầm quan trọng của hòa bình và ổn định tại Bắc Cực(11). Trung Quốc nhấn mạnh tầm quan trọng của giao thông hàng hải ở Bắc Cực và gắn với tuyến đường NRS cũng như “Vành đai kinh tế con đường tơ lụa” của mình, đồng thời thông tin về việc thành lập “Con đường tơ lụa Bắc Cực”; bác bỏ ý kiến cho rằng, “việc đầu tư của Trung Quốc vào khu vực này là một hình thức xâm chiếm thị trường” và chấp nhận không tuyên bố lãnh thổ ở Bắc Cực và sẽ hợp tác trong khuôn khổ các quy định, luật lệ quốc tế đang tồn tại; nhắc lại “quyền tôn trọng nghiên cứu khoa học, hàng không, hàng hải, đánh bắt cá, đặt cáp tàu ngầm và đường ống ở các vùng biển cao và các khu vực biển liên quan khác ở Bắc Băng Dương, quyền khám phá và khai thác tài nguyên ở Bắc Cực”(12). Bên cạnh đó, Trung Quốc triển khai chính sách “ngoại giao Hải Cảnh” thông qua việc tham gia Diễn đàn cảnh sát biển Bắc Cực nhằm gia tăng tiếng nói và vai trò của mình trong quản lý Bắc Cực(13). Ngoài ra, Sách Trắng tiếp tục sử dụng thuật ngữ “quốc gia cận Bắc Cực” nhưng ở mức độ ít hơn trước đây. Trung Quốc cũng triển khai cách tiếp cận nhiều mặt để phát triển ngoại giao Bắc Cực, bao gồm việc tập trung mạnh vào hợp tác khoa học ở khu vực, can dự kinh tế, xây dựng thể chế thông qua can dự song phương và đa phương cũng như sử dụng kênh chính phủ và các cơ quan, tổ chức nghiên cứu(14).
Một số vấn đề đặt ra hiện nay
Thứ nhất, vấn đề Bắc Cực liên quan đến tất cả các chủ thể trên thế giới, đòi hỏi sự chung tay xây dựng một chính sách chung giải quyết các thách thức do băng tan làm nước biển dâng hoặc do thời tiết khắc nghiệt gây ra. Tuy nhiên, thực tế là các quốc gia đang tham gia và triển khai nhiều hoạt động tại khu vực này lại không cùng quan điểm như vậy, bởi các nước này được cho là đã và đang sử dụng nhiều biện pháp khác nhau từ chính trị, kinh tế đến quân sự nhằm thu lợi nhiều nhất có thể từ “chiếc bánh” Bắc Cực.
Thứ hai, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn đã lan tỏa đến khu vực Bắc Cực, thể hiện qua việc Mỹ, Trung Quốc và Nga công khai chỉ trích các chính sách của nhau tại khu vực này. Về quan hệ Mỹ - Trung Quốc, báo cáo thường niên của Bộ Quốc phòng Mỹ với tiêu đề “Các hoạt động quân sự và an ninh liên quan đến Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa năm 2019”, chỉ ra rằng “nghiên cứu khoa học dân sự của Trung Quốc có thể hỗ trợ tăng cường sự hiện diện của quân đội Trung Quốc ở khu vực biển Bắc Cực, bao gồm việc triển khai các tàu ngầm đến khu vực này nhằm răn đe các cuộc tấn công hạt nhân”(15). Trung Quốc được cho là sẽ tranh thủ các quyền và tự do hàng hải dành cho các nước tham gia Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) để thực hiện các hoạt động, như thử vũ khí, tập trận trên và dưới biển sâu ở Bắc Cực. Giới nghiên cứu trước đó cũng đã đề cập việc Trung Quốc triển khai lực lượng quân đội, bao gồm tàu ngầm để bảo vệ lợi ích của mình trong quá trình sử dụng các tuyến đường hàng hải ở Bắc Cực. Ngoài ra, Mỹ cho rằng Trung Quốc có kế hoạch xây dựng kết cấu hạ tầng tại vùng lãnh thổ của Ca-na-đa ở Bắc Cực và Xéc-bi-a. Đáp lại, Trung Quốc cho rằng Mỹ đang tìm cách xây dựng kế hoạch ngăn chặn chống Trung Quốc thông qua mặt trận chiến lược ở Bắc Cực. Giới nghiên cứu Trung Quốc nhận định, việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước tên lửa tầm trung (INF) và Tổng thống Đ. Trăm dự định mua đảo Grin-len(16) của Đan Mạch nằm trong một chiến lược lớn hơn của Mỹ là tăng cường răn đe hạt nhân, theo đó Mỹ xây dựng một mạng lưới tên lửa phòng thủ và các hệ thống tên lửa hậu INF ở Bắc Cực là nhằm chống lại Trung Quốc và Nga(17).
Về quan hệ Mỹ - Nga, Mỹ và các nước láng giềng của Nga ở Bắc Cực quan ngại Nga sẽ xây dựng tuyến đường độc quyền về hậu cần để cung cấp khí ga, hàng hóa, hàng tiêu dùng thiết yếu đến khu vực châu Á và châu Âu, nhằm giúp Nga có thể giảm bớt các đối thủ cạnh tranh. Về quân sự, Mỹ quan ngại Nga tăng cường sự hiện diện quân sự dọc tuyến đường biển này trong khi có Trung Quốc ngấm ngầm bên cạnh(18). Đáp lại, Nga cho rằng các hoạt động của Mỹ ở khu vực Bắc Cực và Bắc Át-lan-tích đang là thách thức đối với các học thuyết hàng hải và quân sự của Nga; đồng thời, quan ngại việc quân đội các nước bên ngoài, nhất là Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tăng cường hiện diện trong khu vực, đe dọa an ninh quốc gia của Nga(19). Nhiều chuyên gia cho rằng, Bắc Cực có thể sẽ là khu vực bắt đầu một cuộc “Chiến tranh lạnh mới” trong tương lai.
Ba là, thực tế cho thấy, các quốc gia, nhất là các cường quốc đều tranh thủ thực hiện và quan tâm đến lợi ích riêng, đã khiến họ xao nhãng vấn đề rất quan trọng hiện nay của khu vực này, đó là việc băng tan nhanh ở Bắc Cực làm cho Trái đất ấm hơn và gây ra những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, đe dọa đến hòa bình và an ninh quốc tế. Hiện tượng nước biển dâng dẫn đến nguy cơ xóa sổ một phần lãnh thổ của các quốc gia ven biển; thời tiết cực đoan, lũ lụt, hạn hán và các nguy cơ, hiểm họa xuất hiện trở lại từ các loại vi-rút, mầm bệnh từng gây kinh hoàng trong lịch sử, như cúm Tây Ban Nha, đậu mùa, dịch hạch,... có thể được lưu trữ trong lớp băng tan; nguy cơ hơn 1,7 triệu tấn thủy ngân (bị giữ lại trong lớp băng ở Bắc Cực) khi băng tan sẽ làm nhiễm độc nguồn thức ăn không chỉ của con người mà còn của toàn bộ sinh vật trên Trái đất(20). Bên cạnh đó, băng tan sẽ thải ra lượng các-bon nhiều gấp hai lần lượng các-bon có trong bầu khí quyển và nhiều gấp ba lần lượng các-bon được lưu trữ trong tất cả những cánh rừng già trên Trái đất. Hàm lượng các-bon tăng sẽ kéo theo sự nóng lên không thể kiểm soát của Trái đất(21). Khu vực châu Á, trong đó có Đông Nam Á, được cho là sẽ hứng chịu nặng nề bởi biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, các nguy cơ phân tích nêu trên nếu xảy ra sẽ gây ra sự bất ổn, mất an ninh, thậm chí là xung đột vũ trang tại các quốc gia, khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề từ các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.
Bốn là, nguy cơ có thể xảy ra một cuộc chạy đua vũ trang, thậm chí là xung đột quân sự ở khu vực Bắc Cực giữa Mỹ, các nước châu Âu và Nga, Trung Quốc trong tương lai. Phó Thủ tướng Nga Đmi-tơ-ri Rô-gô-din cho rằng, “sự phát triển năng động trong thềm lục địa Bắc Cực sẽ không tránh khỏi xung đột lợi ích giữa các quốc gia. Giải quyết các xung đột này có thể sẽ không chỉ dừng ở các biện pháp ngoại giao”(22).
Sáu là, một số quốc gia châu Á khác, như Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Xin-ga-po những năm qua cũng tăng cường sự hiện diện tại khu vực Bắc Cực thông qua những đánh giá chiến lược về các vấn đề ở khu vực này(23). Về ngắn hạn, điều này sẽ mở ra “cơ hội vàng” về kinh tế cho các quốc gia ven biển ở châu Á khi tham gia, nghiên cứu, sử dụng và hưởng lợi từ NSR được khai phá và mở rộng. Bất ổn ngày càng gia tăng ở Ai Cập, tình hình bấp bênh ở Tây Á sẽ khiến các quốc gia, như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc hướng đến NSR làm lựa chọn thay thế nhằm ổn định bền vững phục vụ chiến lược dự trữ năng lượng cho tương lai. Đối với Xin-ga-po, quốc gia Đông Nam Á đầu tiên can dự ở khu vực Bắc Cực(24), các tuyến hàng hải mới là thách thức đối với tuyến đường vận chuyển chiến lược qua eo biển Ma-lắc-ca của nước này trong nhiều năm qua. Thời gian tới, Trung Quốc có khả năng sẽ tăng cường xuất khẩu hàng hóa sang châu Âu thông qua tuyến NSR và quan trọng hơn là nhập khẩu nguồn tài nguyên thiên nhiên từ Bắc Cực. Tuy nhiên, về dài hạn việc băng ở Bắc Cực tan nhanh hơn có là tín hiệu tích cực cho các quốc gia này hay không vẫn cần thời gian kiểm chứng.
Bên cạnh đó, việc xuất hiện những tuyến đường hàng hải mới sẽ khiến các quốc gia trên thế giới quan tâm đến các quyền lợi về tự do đi lại, qua lại vô hại trên biển,... mặc dù đã được quy định trong UNCLOS 1982 nhưng việc triển khai trong thực tế tại những khu vực có tuyến đường hàng hải mới nêu trên cần được nghiên cứu, thảo luận, thống nhất và hợp tác triển khai.
Một số đề xuất tham chiếu đối với Việt Nam
Trong 25 năm tới, khu vực Bắc Cực được dự báo sẽ không còn băng vào mùa hè và thực trạng lớp băng ở Bắc Cực mỏng đi nhiều trong những năm qua là lời cảnh báo hiện hữu đối với những tác động của biến đổi khí hậu. Hơn nữa, các vấn đề đặt ra ở trên không chỉ có tác động đối với các nước khu vực Bắc Cực mà còn đối với các quốc gia châu Á kết nối với biển, trong đó có Việt Nam. Thứ nhất, với đường bờ biển dài 3.260km, Việt Nam là một trong những nước chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Việt Nam đã và đang phải hứng chịu nhiều tác động tiêu cực của nước biển dâng, xâm nhập mặn, ảnh hưởng tới sinh kế của hàng chục triệu người dân, đe dọa an ninh lương thực quốc gia và khu vực. Thứ hai, chạy đua vũ trang ở khu vực Bắc Cực giữa các cường quốc khiến các nước khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tăng đầu tư mua sắm vũ khí và khí tài quân sự nhằm chuẩn bị cho các tình huống có thể xảy ra, tác động đến cục diện chính trị, an ninh khu vực. Thứ ba, việc hình thành các tuyến đường biển mới ở Bắc Cực đặt ra thách thức cho các tuyến đường vận tải đi qua khu vực Biển Đông và có tác động nhất định đến an ninh biển của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nói chung và Việt Nam nói riêng. Thứ tư, những nguy cơ, tác động đối với việc thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế biển đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 của Việt Nam trong tương lai cần được nghiên cứu và đánh giá.
Có thể thấy, Mỹ, Trung Quốc và Nga tích cực mở rộng hoạt động ở khu vực Bắc Cực đã và đang gây ra những tác động không nhỏ về kinh tế, chính trị, quân sự và môi trường không chỉ đối với khu vực này mà còn cả với các khu vực khác trên thế giới. Bên cạnh đó, việc các nước châu Á tăng cường can dự và hiện diện tại Bắc Cực cho thấy sự cấp thiết cũng như sự ảnh hưởng và tầm quan trọng của các vấn đề ở khu vực này trong tương lai đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nói chung và Việt Nam nói riêng. Trên cơ sở đó, xin đề xuất một số biện pháp tham chiếu đối với Việt Nam trong nghiên cứu, góp phần tham gia giải quyết các vấn đề ở khu vực Bắc Cực thời gian tới như sau:
Ở cấp độ toàn cầu, cân nhắc có kế hoạch bước đầu tham gia các dự án, tọa đàm nghiên cứu về Bắc Cực thông qua các chủ đề liên quan đến biến đổi khí hậu tại các diễn đàn đa phương, nhất là Liên hợp quốc. Nghiên cứu việc sớm xin tham gia cơ chế quan sát viên của Hội đồng Bắc Cực để có cơ sở cho những đóng góp cụ thể và tham gia sâu hơn đối với các thách thức của khu vực này; đồng thời, thể hiện sự quan tâm và trách nhiệm của Việt Nam đối với các vấn đề ở Bắc Cực, đặc biệt là tác động của biến đổi khí hậu, có ảnh hưởng toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng...; tham gia, đóng góp vào việc thúc đẩy ngoại giao khí hậu và ngoại giao công nghệ ở cấp độ toàn cầu, qua đó lồng ghép lợi ích của Việt Nam, góp phần bảo vệ các lợi ích chiến lược của quốc gia - dân tộc phù hợp với luật pháp quốc tế(25).
Ở cấp độ khu vực, nghiên cứu tham gia các diễn đàn trao đổi, hợp tác về các vấn đề tại Bắc Cực, như Diễn đàn châu Á vì khoa học Bắc Cực do Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đề xuất thành lập; Nhóm làm việc về khu vực Bắc Cực - Thái Bình Dương; tham gia Diễn đàn châu Á về khoa học Bắc Cực (AfoPS) do Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc thành lập (Ấn Độ, Ma-lai-xi-a là thành viên, Thái Lan hiện là quan sát viên); ủng hộ các sáng kiến của Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc trong việc đưa vấn đề Bắc Cực vào chương trình nghị sự của diễn đàn ASEAN+3; cân nhắc cùng Xin-ga-po đưa nội dung hợp tác giải quyết các vấn đề Bắc Cực vào trong nội dung họp của ASEAN (6 quốc gia ASEAN có kết nối với biển).
Ở cấp độ quốc gia, nghiên cứu, xây dựng các kịch bản trong 20 - 25 năm tới khi băng ở Bắc Cực tan, gây ra các hệ lụy về môi trường như nước biển dâng, tác động đối với an ninh quốc gia của Việt Nam, sinh kế của người dân tại các thành phố dọc bờ biển trên lãnh thổ Việt Nam; cân nhắc lồng ghép việc đánh giá vấn đề Bắc Cực trong chương trình quốc gia về biến đổi khí hậu; cân nhắc xây dựng Chiến lược ngoại giao khí hậu, trong đó có nội dung Bắc Cực; đề xuất các kế hoạch hợp tác với các viện, cơ quan nghiên cứu về Bắc Cực của Mỹ, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ như Viện Nghiên cứu hàng hải, Viện Nghiên cứu cực trái đất của Hàn Quốc... Trong khuôn khổ quan hệ song phương với các nước Bắc Âu, Nam Âu, đề xuất mở rộng hợp tác, trao đổi nghiên cứu khoa học về biến đổi khí hậu, băng và hệ sinh thái ở Bắc Cực.Tìm hiểu cơ hội hợp tác kinh tế và khai thác tài nguyên, như dầu mỏ, khí ga ở Bắc Cực trong tương lai. Sớm có kế hoạch, lộ trình nghiên cứu về tác động của việc băng tan, nước biển dâng; tác động của biến đổi khí hậu đến an ninh biển, an ninh lương thực và chiến lược phát triển kinh tế biển bền vững đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 của Việt Nam. Tìm hiểu, nghiên cứu các khả năng, kế hoạch của các nước lớn xây dựng các căn cứ quân sự ngầm ở dưới đáy các vùng biển ở Biển Đông (tương tự như ở khu vực Bắc Cực)... phục vụ công tác bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ trên biển, phát triển nhanh và bền vững./.
-----------------
(1) Đây là lớp băng ngầm đóng băng vĩnh viễn
(2) Chỉ thị số 66 còn được gọi là Chỉ thị về An ninh nội địa Mỹ số 25 (năm 2009)
(3) Xem: National Strategy for the Arctic Region, https://obamawhitehouse.archives.gov/sites/default/files/docs/nat_arctic_strategy.pdf, tháng 5-2013
(4) Chủ đề năm Chủ tịch của Mỹ là “Một Bắc Cực: Chia sẻ trách nhiệm, thách thức và cơ hội”, tập trung vào một số mục tiêu: 1- Nâng cao các điều kiện kinh tế và điều kiện sống trong các cộng đồng Bắc Cực; 2- An toàn, an ninh và quản lý đại dương ở Bắc Cực; 3- Giải quyết những tác động của biến đổi khí hậu. Đáng chú ý, sau năm 2017, Mỹ không tiếp tục cử Đại sứ ở Hội đồng Bắc Cực và trong tương lai không có kế hoạch thiết lập lại Văn phòng đại diện của Mỹ ở Bắc Cực
(5) Xem: National Security Strategy for the United States of America, https://www.whitehouse.gov/wp-content/uploads/2017/12/NSS-Final-12-18-2017-0905.pdf, tháng 12-2017
(6) Xem: Report to Congress Department of Defense Arctic Strategy, https://media.defense.gov/2019/Jun/06/2002141657/-1/-1/1/2019-DOD-ARCTIC-STRATEGY.PDF
(7) Tuyến NSR được đặt tên theo pháp luật của Nga, do tuyến đường này chạy dọc từ eo biển Bơ-ring (miền Đông nước Nga) cho đến khu vực cổng Ca-ra (Karra, phía Tây nước Nga), dài khoảng 5.600km. Gần đây, Nga đưa ra một số thay đổi trong việc sử dụng tuyến đường này, trong đó trao quyền cho Cơ quan Năng lượng hạt nhân Rosatom (Nga) quản lý tuyến đường và hạn chế giao thông của các tàu nước ngoài mà không có thông báo trước 45 ngày, cũng như sự cho phép của Chính phủ Nga. Nga coi NSR là khu vực nội thủy của mình, trong khi đại đa số cộng đồng quốc tế coi NSR là tuyến đường hàng hải quốc tế
(8) Xem: Russia’s new Arctic policy document signals continuity rather than change, https://www.sipri.org/commentary/essay/2020/russias-new-arctic-policy-document-signals-continuity-rather-change
(9) Na Uy bỏ qua ý kiến của Nga đối với việc diễn giải Hiệp ước Svalbard năm 1920. Bên cạnh đó, Nga phản đối việc Na Uy thiết lập khu vực bảo vệ ngư trường và tự mở rộng các khu vực bảo vệ tự nhiên nhằm giới hạn hoạt động kinh tế trong khu vực quần đảo. Tháng 2-2020, nhân kỷ niệm 100 năm Hiệp ước Svalbard, Nga đã nêu lại vấn đề này trong một bức thư gửi Bộ Ngoại giao Na Uy
(10) Xem: Gordon G. Chang: China’s Arctic Play, March 09, 2010, http://thediplomat.com/2010/03/09/china%E2%80%99s-arctic-play/
(11) Xem: China, https://www.thearcticinstitute.org/countries/china/
(12) Xem: China, Tlđd
(13) Tháng 4-2020, tàu Hải Cảnh (Trung Quốc) đã thực hiện tập trận thực thi luật pháp hàng hải với tên gọi “Bảo vệ biển sâu 2020” về bảo vệ tuyến cáp in-tơ-nét ngầm dưới vùng biển sâu quốc tế, hay còn được gọi là khu vực lợi ích chung ở Bắc Cực
(14) Identity and Relationship-Building in China’s Arctic Diplomacy, xem thêm tại: https://www.thearcticinstitute.org/identity-relationship-building-china-arctic-diplomacy/
(15) Xem: China’s strategic interest in the Arctic goes beyond economics, https://www.defensenews.com/opinion/commentary/2020/05/11/chinas-strategic-interest-in-the-arctic-goes-beyond-economics/
(16) Grin-len được cho là vùng khoáng sản lớn nhất ngoài Trung Quốc có đất hiếm dùng để chế tạo pin và điện thoại. Cơ quan khảo sát địa chất Mỹ ước tính có khoảng 17,5 tỷ thùng dầu chưa được khai thác và 4,1 nghìn tỷ m3 khí thiên nhiên ở ngoài khơi vùng biển quanh Grin-len
(17) Xem: China’s strategic interest in the Arctic goes beyond economics, https://www.defensenews.com/opinion/commentary/2020/05/11/chinas-strategic-interest-in-the-arctic-goes-beyond-economics/
(18) Xem: Diane Francis: The Arctic Is American, https://www.the-american-interest.com/2019/09/19/the-arctic-is-american/
(19) Xem: Russia’s new Arctic policy document signals continuity rather than change, Tlđd
(20) Một nhà khoa học người Pháp đã lấy mẫu một loại vi-rút có 30.000 năm tuổi trong lớp băng mang về phòng thí nghiệm. Ngay sau khi được làm ấm, loại vi-rút này lập tức sống lại mặc dù đã “ngủ đông” khoảng 300 thế kỷ. Xem: https://surdurulebilirlik.garantibbva.com.tr/sustainability-blog/there-are-diseases-hidden-in-the-ice-and-they-are-waking-up/
(21) There are diseases hidden in ice and they are waking up, Tlđd
(22) Arctic - a Mirror of Great Powers’ Geopolitical Interests?, xem https://www.lai.lv/viedokli/arctic-a-mirror-of-great-powers-geopolitical-interests-305
(23) Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Xin-ga-po đang là quan sát viên của Hội đồng Bắc Cực
(24) Thái Lan là quốc gia Đông Nam Á thứ hai bắt đầu có những hoạt động tại Bắc Cực. Tháng 7-2018, Nhóm nghiên cứu khoa học gồm 13 người của Thái Lan đã thực hiện nhiệm vụ khám phá biển sâu ở Bắc Cực và tác động của hạt vi nhựa (microplastic) đối với hệ sinh thái biển ở Bắc Cực. Theo Cục Đại dương và Khí quyển quốc gia của Mỹ (NOAA, National Oceanic and Atmospheric Administration), “microplastics” được định nghĩa là những miếng nhựa nhỏ có chiều dài dưới 5mm, có thể gây hại cho đại dương và sinh vật dưới nước
(25) Nguyễn Việt Lâm: “Tác động của biến đổi khí hậu đến hòa bình, an ninh quốc tế hiện nay và đề xuất đối với Việt Nam”, Tạp chí Cộng sản, số 945 (tháng 7-2020), tr. 98
Chuyển đổi trọng tâm phát triển kinh tế Trung Quốc năm 2020  (09/11/2020)
“Sức mạnh mềm” của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump  (26/08/2020)
Cục diện khu vực Nam Á năm 2019 và triển vọng năm 2020  (03/03/2020)
Xung đột và thỏa hiệp trong quan hệ quốc tế  (14/01/2020)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
- Tăng cường công tác dân vận nhằm thực hiện hiệu quả chính sách xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển