Nhìn lại quá trình cải cách, cải tổ ở Liên Xô và những bài học đối với công cuộc đổi mới ở Việt Nam
TCCS - Năm 2021, sự kiện Liên Xô sụp đổ tròn 30 năm (1991 - 2021). Nhân dịp này, việc nhìn lại các chương trình cải cách kể từ sau Cách mạng Tháng Mười tới công cuộc “cải tổ” dẫn đến sụp đổ Liên Xô giúp chúng ta đúc rút những bài học kinh nghiệm sâu sắc để kiên định và tiếp tục vững bước trên con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Nhìn lại quá trình cải cách, cải tổ ở Liên Xô kể từ sau Cách mạng Tháng Mười
Trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: “Trước đây, khi còn Liên Xô và hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa thế giới thì vấn đề đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam dường như không có gì phải bàn, nó mặc nhiên coi như đã được khẳng định. Nhưng từ sau khi mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và nhiều nước Đông Âu sụp đổ, cách mạng thế giới lâm vào thoái trào thì vấn đề đi lên chủ nghĩa xã hội lại được đặt ra và trở thành tâm điểm thu hút mọi sự bàn thảo, thậm chí tranh luận gay gắt. Các thế lực chống cộng, cơ hội chính trị thì hí hửng, vui mừng, thừa cơ dấn tới để xuyên tạc, chống phá. Trong hàng ngũ cách mạng cũng có người bi quan, dao động, nghi ngờ tính đúng đắn, khoa học của chủ nghĩa xã hội, quy kết nguyên nhân tan rã của Liên Xô và một số nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu là do sai lầm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin và sự lựa chọn con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội. Từ đó họ cho rằng chúng ta đã chọn đường sai, cần phải đi con đường khác. Có người còn phụ họa với các luận điệu thù địch, công kích, bài bác chủ nghĩa xã hội, ca ngợi một chiều chủ nghĩa tư bản. Thậm chí có người còn sám hối về một thời đã tin theo chủ nghĩa Mác - Lê-nin và con đường xã hội chủ nghĩa! Thực tế có phải như vậy không?”(1).
Trên thực tế, các chương trình cải cách kể từ sau Cách mạng Tháng Mười tới công cuộc “cải tổ” dẫn tới sụp đổ Liên Xô chỉ là sự sụp đổ của một mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực cụ thể, giáo điều, xơ cứng; tuyệt đối không xuất phát từ sai lầm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin cũng như sự lựa chọn con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Kể từ sau Cách mạng Tháng Mười (năm 1917), Liên Xô đã tiến hành nhiều chương trình cải cách kinh tế - xã hội. Đây là nhu cầu tất yếu khách quan bởi xây dựng chủ nghĩa xã hội là con đường chưa từng có tiền lệ trong lịch sử thế giới nên phải vừa xây dựng, vừa rút kinh nghiệm. Ngay cả chủ nghĩa tư bản thế giới trong lịch sử hàng trăm năm cũng phải nhiều lần cải cách và điều chỉnh mô hình phát triển. Tuy nhiên, các chương trình cải cách đó ở Liên Xô không nhất quán, thậm chí mâu thuẫn, thiếu tính cập nhật, thậm chí là chệch hướng, sai lầm. Tổng thống Nga V. Pu-tin từng nhận định: “Lẽ ra, Liên Xô không sụp đổ nếu có các biện pháp cải cách đúng hướng và có hiệu quả”(2).
Chương trình cải cách lần thứ nhất ở Liên Xô được thực thi dưới sự lãnh đạo của Gi. Xta-lin (1927 - 1953). Sau Cách mạng Tháng Mười năm 1917, trong điều kiện bên ngoài bị liên minh nhiều nước tư bản bao vây, chống phá, còn bên trong là cuộc nội chiến, V.I. Lê-nin buộc phải áp dụng “Chính sách cộng sản thời chiến” (1918 - 1920). Sau khi hóa giải sự can thiệp từ bên ngoài và dẹp yên nội chiến, V.I. Lê-nin chuyển sang thực hiện “Chính sách kinh tế mới” (NEP). Bản chất của NEP là xây dựng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa ở nước Nga Xô-viết trên cơ sở chấp nhận nhiều hình thức sở hữu và vận dụng cơ chế kinh tế thị trường, nhất là phát huy vai trò của chủ nghĩa tư bản nhà nước vào điều kiện kinh tế - xã hội ở Nga dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. “Chính sách cộng sản thời chiến” và NEP đã đưa Liên Xô thoát khỏi nguy cơ lớn đe dọa sự tồn vong của chính quyền Xô-viết và bắt đầu bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội. V.I. Lê-nin cho rằng, trong giai đoạn đầu sau Cách mạng Tháng Mười, chính quyền Xô-viết cần phải xây dựng nền tảng công nghệ, công nghiệp và vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội bằng cách kế thừa thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp ở các nước tư bản, đồng thời phát huy tiềm năng động viên vô tận của chế độ xã hội chủ nghĩa ưu việt. V.I. Lê-nin đề ra công thức xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô: “Chủ nghĩa cộng sản = chính quyền Xô-viết + điện khí hóa”(3). V.I. Lê-nin nhận định: “Chủ nghĩa tư bản độc quyền - nhà nước là sự chuẩn bị vật chất đầy đủ nhất cho chủ nghĩa xã hội, là phòng chờ đi vào chủ nghĩa xã hội, là nấc thang lịch sử mà giữa nó (nấc thang đó) với nấc thang được gọi là chủ nghĩa xã hội thì không có một nấc nào ở giữa cả”(4).
Sau khi V. I. Lê-nin qua đời (năm 1924), trên cương vị Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô (1922 - 1953) và về sau là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô (1941 - 1953), Gi. Xta-lin lãnh đạo thực hiện chương trình cải cách rộng lớn và toàn diện. Về mục tiêu của chương trình này, Gi. Xta-lin tuyên bố: “Nước Nga lạc hậu so với các nước tiên tiến trên thế giới khoảng 50 - 100 năm. Chúng ta cần phải vượt qua khoảng cách này trong 10 năm”(5). Chương trình cải cách này còn được gọi là chiến lược công nghiệp hóa Liên Xô, mở đầu kỷ nguyên hiện đại hóa mạnh mẽ và làm thay đổi căn bản nền tảng kinh tế - xã hội, công nghệ và công nghiệp của Liên Xô(6).
Chương trình công nghiệp hóa ở Liên Xô có nhiều điểm khác biệt căn bản so với quá trình công nghiệp hóa ở phương Tây. Trong khi các nước tư bản tập trung trước hết phát triển công nghiệp nhẹ và trên cơ sở đó phát triển công nghiệp nặng, thì Liên Xô chủ trương ưu tiên phát triển công nghiệp nặng do phải đáp ứng yêu cầu về quốc phòng. Bên cạnh đó, Liên Xô chủ trương hợp tác kinh tế và công nghiệp với các nước tư bản phát triển hàng đầu thế giới, trước hết là Mỹ, trên cơ sở đường lối chính trị độc lập, tự chủ dưới sự lãnh đạo tập trung thống nhất của Đảng Cộng sản Liên Xô(7). Ngay từ đầu những năm 1930, Gi. Xta-lin nhận định, Chiến tranh thế giới thứ hai sắp nổ ra và Liên Xô sẽ bị tiêu diệt nếu không có nền công nghiệp đủ mạnh. Theo nhận định của giới lãnh đạo ở Liên Xô, Hiệp ước Véc-xây kết thúc Chiến tranh thế giới thứ nhất, “không có gì hơn một lệnh ngừng bắn giữa hai cuộc đại chiến thế giới”(8). Vì vậy, chương trình công nghiệp hóa tăng tốc quyết liệt dưới sự lãnh đạo của Gi. Xta-lin nhằm đáp ứng yêu cầu quốc phòng cấp bách trong bối cảnh đó(9).
Theo nhận định của G. A. Giu-ga-nốp - Chủ tịch Đảng Cộng sản Liên bang Nga - chương trình cải cách thời Gi. Xta-lin đã được hoàn thành chỉ trong 10 năm và đạt được thành tựu vĩ đại, chưa có tiền lệ trong lịch sử công nghiệp hóa của thế giới(10). Trong một thời gian ngắn kỷ lục, Liên Xô từ một nước có nền kinh tế và công nghiệp lạc hậu trở thành cường quốc công nghiệp hàng đầu thế giới. Thành công này tạo tiền đề vật chất - kỹ thuật cần thiết để Liên Xô tiến hành thành công cuộc Chiến tranh vệ quốc vĩ đại (1941 - 1945), đánh bại phát-xít Đức trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Sau chiến tranh, chế độ xã hội chủ nghĩa ưu việt là động lực mạnh mẽ thúc đẩy nhân dân Liên Xô hoàn thành công cuộc vĩ đại khôi phục đất nước.
Đến cuối năm 1949, đầu những năm 1950, nhà lãnh đạo Liên Xô nhận thấy những hạn chế và khiếm khuyết của nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung ở Liên Xô và đưa ra chủ trương tổ chức các cuộc thảo luận rộng rãi trên toàn Liên bang về lợi ích của phương pháp hạch toán kinh tế theo cơ chế thị trường để triển khai rộng rãi phương pháp này trong thực tế. Theo đó, chế độ sở hữu nhà nước không phải là hình thức sở hữu duy nhất và có thể chấp nhận hình thức sở hữu tư nhân, trước hết trong lĩnh vực nông nghiệp. Trên cơ sở kết quả của các cuộc thảo luận đó, trong những năm 1951 - 1953, một số xí nghiệp của Liên Xô bắt đầu thử nghiệm phương thức được trao quyền tự chủ và hoạt động theo cơ chế kinh tế thị trường, trước hết trong lĩnh vực nông nghiệp(11). Tuy nhiên, cuộc thử nghiệm phương thức quản lý mới bị gián đoạn do Gi. Xta-lin đột ngột từ trần vào ngày 5-3-1953.
Chương trình cải cách lần thứ hai ở Liên Xô được tiến hành trong những năm 1953 - 1964 dưới sự lãnh đạo của N. Khru-sốp trên cương vị Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô. Sự kiện có ý nghĩa quyết định trong chương trình cải cách lần này là N. Khru-sốp trình bày bản báo cáo với tiêu đề “Về tệ sùng bái cá nhân của Gi. Xta-lin” tại Đại hội lần thứ XX của Đảng Cộng sản Liên Xô (tháng 2-1956). Bản báo cáo này mở đầu chiến dịch xuyên tạc một giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội rực rỡ nhất và thành công nhất ở Liên Xô. Theo đó, một chiến dịch xuyên tạc đã được tiến hành nhằm phủ nhận vai trò quyết định của Liên Xô trong cuộc đấu tranh nhằm tiêu diệt chủ nghĩa phát-xít và cứu loài người thoát khỏi thảm họa diệt chủng. Với khẩu hiệu “đảng toàn dân” và “nhà nước toàn dân”, N. Khru-sốp đã hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Liên Xô và phá hoại nền tảng tư tưởng của hệ thống chính trị Xô viết(12). Vì thế, chương trình cải cách của N. Khru-sốp đưa Liên Xô lâm vào tình trạng khủng hoảng lý luận và nhận thức về chủ nghĩa xã hội. Do phạm những sai lầm nghiêm trọng, ngày 14-10-1964, Hội nghị Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô chỉ trích, phê phán N. Khru-sốp và buộc ông phải từ chức. Cũng tại Hội nghị này, L. Brê-giơ-nép được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô(13). Về sau này, công cuộc cải cách ở Liên Xô trong những năm N. Khru-sốp lãnh đạo được gọi là “cải tổ 1.0”, tạo tiền đề cho “cải tổ 2.0” thời kỳ M. Goóc-ba-chốp dẫn tới sụp đổ Liên Xô(14).
Chương trình cải cách lần thứ ba ở Liên Xô diễn ra trong những năm 1964 - 1982 dưới sự lãnh đạo của L. Brê-giơ-nép trên cương vị Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, còn người trực tiếp chỉ đạo thực hiện là A. Cô-xư-gin trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô (1964 - 1980). Trên thực tế, chương trình cải cách của A. Cô-xư-gin là áp dụng phương pháp hạch toán kinh tế theo cơ chế thị trường và trao quyền tự chủ cho các xí nghiệp đã từng được đề xuất. Chương trình này đã mang lại kết quả rất ấn tượng, trong đó cơ chế quản lý kinh tế mới là động lực đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế và xuất khẩu sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp, đồng thời góp phần nâng cao đáng kể mức sống của người dân. Đến năm 1970, Liên Xô đã chiếm vị trí hàng đầu trong bảng xếp hạng chỉ số phát triển con người của Liên hợp quốc(15). Tuy nhiên, chương trình cải cách của A. Cô-xư-gin đã vấp phải sự phản đối của các thế lực bảo thủ trong Đảng Cộng sản Liên Xô. Rốt cuộc, Tổng Bí thư L. Brê-giơ-nép quyết định ngừng chương trình cải cách này với lập luận rằng, Liên Xô cần sự ổn định kinh tế và chính trị vì đã bước sang giai đoạn chủ nghĩa xã hội phát triển và chuẩn bị tiến lên chủ nghĩa cộng sản(16). Nhận định này của L. Brê-giơ-nép xa rời thực tế ở Liên Xô vào thời điểm đó.
Chương trình cải cách lần thứ tư do Y. An-đrô-pốp khởi xướng trên cương vị Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô sau khi L. Brê-giơ-nép qua đời vào năm 1982 sau 18 năm cầm quyền. Chương trình này chịu tác động của công cuộc cải cách, mở cửa của Trung Quốc từ năm 1979. Mục đích của chương trình là đưa Liên Xô mở cửa và hội nhập với nền kinh tế thị trường của phương Tây(17). Về kinh tế, Y. An-đrô-pốp chủ trương xây dựng ở Liên Xô 10 vùng kinh tế thử nghiệm. Từ thử nghiệm này, Liên Xô sẽ rút kinh nghiệm để xây dựng mô hình kinh tế chung cho cả nước(18). Về chính trị, Y. An-đrô-pốp chủ trương củng cố và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Liên Xô, chống tham nhũng, làm trong sạch bộ máy quản lý nhà nước, thắt chặt kỷ cương xã hội và luật lao động... Về đối ngoại, Y. An-đrô-pốp chủ trương đưa Liên Xô mở cửa và hội nhập bình đẳng với phương Tây(19). Công cuộc cải cách do Y. An-đrô-pốp khởi xướng, chỉ diễn ra trong 15 tháng do ông đột ngột qua đời (tháng 2-1984). Chỉ trong một thời gian rất ngắn, chương trình cải cách của Y. An-đrô-pốp đã tạo được niềm tin, phấn khởi và hy vọng cho người dân Liên Xô. So với năm 1982, năm 1983, sản xuất công nghiệp của Liên Xô tăng 4%, năng suất lao động tăng 3,5% và tổng sản lượng lương thực tăng 5%.
Chương trình cải cách, cải tổ lần thứ năm dưới thời M. Goóc-ba-chốp (1985 - 1991). Về kinh tế, thay vì từng bước cải cách hệ thống quản lý theo cơ chế kế hoạch hóa tập trung trên cơ sở tiếp nhận các yếu tố hợp lý của cơ chế kinh tế thị trường, M. Goóc-ba-chốp chủ trương tư nhân hóa và tự do hóa toàn bộ hoạt động kinh tế - xã hội, phá hoại hệ thống quản lý kinh tế thống nhất trên toàn liên bang(20). Về chính trị, M. Goóc-ba-chốp thực hiện chủ trương “công khai hóa”. Theo đó, nhà nước bãi bỏ các hạn chế kiểm duyệt, chấp nhận “quyền tự do ngôn luận” trong toàn xã hội và thành lập các hãng truyền thông tư nhân. Chủ trương “công khai hóa” mở đầu chiến dịch xuyên tạc lịch sử Liên Xô trong cuộc Chiến tranh giữ nước vĩ đại và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội; xuyên tạc các giá trị của Cách mạng Tháng Mười; coi hệ thống chính trị của Liên Xô là “cản trở đối với sự phát triển kinh tế”(21). M. Goóc-ba-chốp chủ trương xây dựng “chế độ đa nguyên, đa đảng”, theo đó sẽ tách Đảng Cộng sản Liên Xô ra khỏi bộ máy lãnh đạo của chính quyền Xô-viết. Thực hiện chủ trương đó, M. Goóc-ba-chốp đề nghị sửa đổi nội dung của Điều 6 Hiến pháp Liên Xô trong đó quy định Đảng Cộng sản Liên Xô “đóng vai trò lãnh đạo nhà nước và toàn bộ xã hội Xô-viết” thành “chia sẻ quyền lãnh đạo với các chính đảng khác và chấp nhận chế độ đa đảng”. Xuyên tạc khẩu hiệu của V.I. Lê-nin “cán bộ quyết định tất cả”, M. Goóc-ba-chốp loại bỏ tất cả các cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng Cộng sản Liên Xô có tư tưởng chống “cải tổ” và thay vào đó bằng những phần tử cơ hội có tư tưởng chống Đảng và chống chủ nghĩa xã hội. Chủ trương này của M. Goóc-ba-chốp mở đầu quá trình tan rã Đảng Cộng sản Liên Xô. Trong chính sách đối ngoại, thay vì đưa Liên Xô hội nhập thế giới với vị thế bình đẳng, M. Goóc-ba-chốp đã chấp nhận thỏa hiệp với Mỹ và phương Tây theo chủ trương xây dựng “ngôi nhà chung châu Âu”(22). Hậu quả tất yếu của chương trình cải cách của M. Goóc-ba-chốp là sự sụp đổ của Liên Xô và hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu.
Các tài liệu đã được giải mật chứng tỏ, toàn bộ quá trình cải tổ ở Liên Xô trong thời kỳ Chiến tranh lạnh chịu tác động của chiến lược “diễn biến hòa bình”, “chiến thắng không cần chiến tranh” do Mỹ và các nước phương Tây thực hiện. Chiến lược “diễn biến hòa bình” của Mỹ được thực thi theo ba giai đoạn và kéo dài trong khoảng 40 năm kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Trong đó, giai đoạn cuối cùng trùng hợp với thời kỳ “cải tổ” ở Liên Xô(23). Vì thế, chiến lược “diễn biến hòa bình” còn được gọi là “Chiến tranh thế giới lần thứ ba”(24).
Nhìn lại toàn bộ quá trình cải cách ở Liên Xô, có thể thấy, sự sụp đổ nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới là do nhiều nguyên nhân, trong đó có ba nguyên nhân cơ bản và có ý nghĩa quyết định. Nguyên nhân thứ nhất là sự thiếu nhất quán và chậm trễ trong quá trình cải cách tìm tòi mô hình phát triển phù hợp từng giai đoạn trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Về nguyên nhân này, Tổng thống Nga V. Pu-tin từng nhận định rằng, có thể ngăn chặn được Liên Xô sụp đổ nếu có các chương trình cải cách đúng hướng và có hiệu quả. Vì thế, Tổng thống V. Pu-tin coi sự sụp đổ Liên Xô là thảm họa địa chính trị trong thế kỷ XX(25). Nguyên nhân thứ hai là quá trình “tự diễn biến”, thoái hóa, biến chất của bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên Đảng Cộng sản Liên Xô dẫn tới sự phản bội chủ nghĩa xã hội của nhiều cán bộ lãnh đạo cao cấp trong Đảng Cộng sản Liên Xô(26). Chính M. Goóc-ba-chốp đã tự thú nhận sự phản bội của mình trong bài phát biểu tại một cuộc hội thảo tại Đại học Hoa Kỳ ở Thổ Nhĩ Kỳ. Trong đó, M. Goóc-ba-chốp xác nhận mục đích của “cải tổ” là xóa bỏ Đảng Cộng sản Liên Xô và chế độ xã hội chủ nghĩa(27). Nguyên nhân thứ ba là chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch chống phá Liên Xô trong kỷ nguyên Chiến tranh lạnh. Chiến lược này liên quan chặt chẽ với quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng Cộng sản Liên Xô để tạo nên hiệu ứng “nội công, ngoại kích” chống chủ nghĩa xã hội. Vì thế, giới lãnh đạo ở phương Tây luôn cho rằng họ là “người chiến thắng” trong Chiến tranh lạnh, còn Liên Xô là “kẻ chiến bại” trong cuộc chiến này.
Bài học cho công cuộc đổi mới ở Việt Nam
Trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cập đến những bài học mà Đảng ta rút ra được từ sự thất bại của quá trình cải tổ ở Liên Xô đối với công cuộc đổi mới của Việt Nam và khẳng định rằng, Việt Nam lựa chọn con đường phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa là hoàn toàn phù hợp với xu thế tất yếu của thời đại(28).
Bài học thứ nhất, Liên Xô sụp đổ không xuất phát từ sai lầm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Trong bài viết: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, vào những năm cuối thế kỷ XX, mặc dù trên thế giới, chủ nghĩa xã hội hiện thực bị đổ vỡ một mảng lớn, hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa không còn, phong trào xã hội chủ nghĩa lâm vào giai đoạn khủng hoảng, thoái trào, Đảng và nhân dân ta vẫn quyết tâm xây dựng đất nước Việt Nam theo con đường xã hội chủ nghĩa trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Với quyết tâm chính trị đó, Đại hội lần thứ VI của Đảng ta (tháng 12-1986) thông qua quyết định có ý nghĩa lịch sử về thời kỳ quá độ phát triển theo con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam(29). Tại Đại hội lần thứ VII diễn ra trước khi Liên Xô sụp đổ (tháng 6-1991), Đảng ta đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, chính là lời tuyên bố đanh thép về lập trường kiên định của Đảng Cộng sản Việt Nam: Kiên định mục tiêu và định hướng đi lên chủ nghĩa xã hội, kiên định nền tảng tư tưởng chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh... Đây là văn kiện chính trị vô cùng quan trọng, không chỉ có ý nghĩa lịch sử đối với cách mạng Việt Nam mà còn đối với phong trào cách mạng trên thế giới. Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội khẳng định rằng, đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử(30).
Bài học thứ hai, không đồng nhất kinh tế thị trường với chủ nghĩa tư bản; phủ nhận kinh tế thị trường sẽ hạn chế đến giải phóng nguồn lực, cản trở sự phát triển sức sản xuất trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Phát triển luận điểm của V.I. Lê-nin cho rằng, “chủ nghĩa tư bản nhà nước độc quyền là sự chuẩn bị vật chất đầy đủ nhất cho chủ nghĩa xã hội, là nấc thang trong quá trình phát triển chủ nghĩa tư bản và cũng là bước phát triển chuyển tiếp lên chủ nghĩa xã hội”(31), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, việc kế thừa những thành tựu của chủ nghĩa tư bản phải có chọn lọc trên quan điểm khoa học và phát triển, không đồng nhất kinh tế thị trường với chủ nghĩa tư bản. Trên cơ sở đó, Đảng ta đề ra chủ trương xây dựng ở Việt Nam nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ, mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hướng tới mục tiêu xây dựng một xã hội mà trong đó, sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người; sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội; một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, chứ không phải cạnh tranh bất công, “cá lớn nuốt cá bé” vì lợi ích vị kỷ của một số ít cá nhân và các phe nhóm; sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai, chứ không phải để khai thác, chiếm đoạt tài nguyên, tiêu dùng vật chất vô hạn độ và hủy hoại môi trường; một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có. Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chỉ có thể xây dựng được một xã hội tốt đẹp như vậy dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam - một chính đảng luôn đặt lợi ích của người dân lên trên hết, coi người dân là trung tâm của chính sách phát triển kinh tế(32).
Bài học thứ ba, giữ vững và phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng, coi đó là yếu tố có ý nghĩa quyết định thắng lợi của công cuộc đổi mới ở Việt Nam. Rút kinh nghiệm từ việc Đảng Cộng sản Liên Xô đánh mất vai trò lãnh đạo là một trong những nguyên nhân có ý nghĩa quyết định dẫn tới sụp đổ của Liên Xô, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định rằng, Đảng ta nhận thức sâu sắc sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản là nhân tố quyết định thắng lợi của công cuộc đổi mới và bảo đảm cho đất nước phát triển theo đúng định hướng xã hội chủ nghĩa. Do đó, Cương lĩnh của Đảng ta về xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội đã xác định rõ, sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân tố hàng đầu bảo đảm thắng lợi của cách mạng ở nước ta(33). Vai trò lãnh đạo của Đảng ta đối với cách mạng Việt Nam đã được hiến định trong Điều 4 của Hiến pháp năm 2013.
Bài học thứ tư, cảnh giác và làm thất bại chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch kết hợp với cuộc đấu tranh nhằm ngăn chặn các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Rút kinh nghiệm từ tác động phá hoại hết sức nguy hiểm của sự kết hợp quá trình “tự diễn biến” với chiến lược “diễn biến hòa bình”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cảnh báo: “Đặc biệt, tình trạng tham nhũng, lãng phí, suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống vẫn diễn ra trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Trong khi đó, các thế lực xấu, thù địch lại luôn tìm mọi thủ đoạn để can thiệp, chống phá, gây mất ổn định, thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” nhằm xóa bỏ chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”(34). Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội XIII của Đảng nêu rõ “Công tác xây dựng Đảng về đạo đức được đề cao, góp phần rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng, “lợi ích nhóm”, những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”(35). Đảng ta đã ban hành và chỉ đạo thực hiện nhiều nghị quyết, quyết định, chỉ thị để không ngừng tiến hành cuộc đấu tranh chống âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, đi liền với tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đẩy lùi sự thoái hóa, biến chất, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, kiên quyết đấu tranh nhằm ngăn chặn hiệu quả tình trạng tham nhũng, lãng phí, biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, qua đó củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân vào chế độ xã hội chủ nghĩa. Điển hình như Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22-10-2018, của Bộ Chính trị, “Về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” nhằm làm thất bại chiến lược diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch; Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25-10-2021, “Về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị” kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”,...
Đến nay, sau 30 năm nhìn lại, có thể nhận thức sâu sắc rằng, sự sụp đổ mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu tuy là tổn thất to lớn đối với phong trào cách mạng thế giới, nhưng đó chỉ là sự sụp đổ của một mô hình cụ thể giáo điều, xơ cứng, do không được cập nhật kịp thời, hoàn toàn không phải là sự sụp đổ của học thuyết khoa học cách mạng là chủ nghĩa Mác - Lê-nin và cũng không thể thay đổi tính tất yếu của thời đại ngày nay là thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội. Ngoài Việt Nam, một số nước xã hội chủ nghĩa khác đã kịp thời đúc rút kinh nghiệm từ sự sụp đổ mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô, vẫn tiếp tục kiên định, tìm tòi, sáng tạo con đường đi lên chủ nghĩa xã hội và đã đạt được những thành tựu ấn tượng. Trong thời đại ngày nay, chủ nghĩa xã hội có sức sống đầy sinh động, sáng tạo...
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, ngay khi mới ra đời và trong suốt quá trình đấu tranh cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn khẳng định chủ nghĩa xã hội là mục tiêu, lý tưởng của Đảng Cộng sản và nhân dân Việt Nam; đi lên chủ nghĩa xã hội là yêu cầu khách quan, là con đường tất yếu của cách mạng Việt Nam, là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng ta dựa trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử. Nhờ đó, chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử sau hơn 35 năm đổi mới: “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”(36)./.
--------------------------
(1) Nguyễn Phú Trọng: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Tạp chí Cộng sản, số 966, tháng 5-2021, tr. 3 - 4
(2) Аксенов: “Путин удержал бы СССР от распада” (Aksenov: “Nếu Liên Xô có nhà lãnh đạo như V. Pu-tin thì không bị tan rã”), https://vz.ru/news/2020/6/25/1047013.html
(3) Lê-nin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, t. 42, tr. 280
(4) Lê-nin: Toàn tập, Sđd, t. 34, tr. 258
(5), (6) Politologija: “Сталинский вариант технологической модернизации и социально-политические процессы в советском обществе 1930-х гг” (Politologija: “Phương án của Stalin hiện đại hóa công nghệ và các quá trình chính trị - xã hội trong xã hội Xô-viết trong những năm 1930”), https://all-politologija.ru/knigi/politicheskaya-istoriya-rossii-lancov/stalinskij-variant-texnologicheskoj-modernizacii-i-socialno-politicheskie-processi-v-sovetskom-obshestve-1930-x-gg
(7) Xem: Михаил Диунов: “Как американцы создали главные заводы СССР” (Mikhail Diunov: “Người Mỹ giúp Liên Xô xây dựng các nhà máy chủ chốt ra sao”), https://vz.ru/society/2021/6/1/1101590.html
(8) Дмитрий Акунев: “Не мир а перемирие: почему Россию не пустили в Версаль” (Dmitry Akunhev: “Không phải là hòa bình mà chỉ là tạm ngừng chiến: do đâu Nga không được tham dự Hiệp ước Versale”), https://www.gazeta.ru/science/2019/06/28_a_12458905.shtml
(9) Xem: Politologija: “Сталинский вариант технологической модернизации и социально-политические процессы в советском обществе 1930-х гг” (Politologija: “Phương án của Stalin hiện đại hóa công nghệ và các quá trình chính trị - xã hội trong xã hội Xô-viết trong những năm 1930”), Tlđd
(10) Xem: Zyuganov G.A: “Thời đại của Stalin - Số liệu, dữ kiện, kết luận” (Зюганов Г.А: “Эпоха Сталина. цифры, факты, выводы”), https://www.politpros.com/library/9/224/
(11) Xem: А. Чичкин: “На рыночные рельсы” (A. Chichin: “Phát triển theo con đường thị trường”), https://rg.ru/2008/10/14/reformy.html
(12) Xem: В. Шапинов: “О хрущёвском псевдокоммунизме и его всемирно-историческом уроке. Великая полемика-5” (V. Shapinov: “Về chủ nghĩa cộng sản giả hiệu của Khrushev và bài học lịch sử toàn thế giới”), http://library.maoism.ru/Shaping/Khrushchovs_phoney-communism.htm
(13) Xem: Поляков А.A.: “Социально-экономические последствия реформ А.Н.Косыгина” (A. A. Poliakov: “Hệ quả kinh tế - xã hội từ chương trình cải cách A. Kosygin”), https://tiec.mgimo.ru/2020/2020-02/kosygin-reform-consequences
(14) Xem: VP43: “Первая и Вторая “Перестройка”- Хрущёва и Горбачёва - шаги одного пути развала СССР” (VP43: “Cải tổ 1.0 và 2.0. Khrushev và Gorbachyov dẫn tới sự sụp đổ Liên Xô”), https://vp43.ru/blog/3449
(15) Xem: Русская история: “Начало реформы А.Н. Косыгина” (Lịch sử Nga: “Mở đầu cải cách của A. N. Kosygin”), https://histrf.ru/lenta-vremeni/event/view/nachalo-rieformy-a-n-kosyghina
(16) Xem: А.A. Поляков: “Социально-экономические последствия реформ А.Н.Косыгина” (A. A. Poliakov: “Hệ quả kinh tế - xã hội từ chương trình cải cách A. Kosygin”), Tlđd
(17), (18), (19) Xem: Военное обозрение: “План Андропова по интеграции России в западную цивилизацию” (Bình luận quân sự: “Kế hoạch của Andropov hội nhập Nga vào nền văn minh phương Tây”), https://topwar.ru/153959-plan-andropova-po-integracii-rossii-v-zapadnuju-civilizaciju.html
(20) Xem: Совет Министров Советского Союза. Постановление от 13 января 1987 года N 48 (Nghị quyết số 48, ngày 13-1-1987, của Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô), http://docs.cntd.ru/document/9026949
(21) Юрий Абрамочкин: “Реформы и нововведения в горбачевский период”, (Yuri Abramokin: “Cải cách và đổi mới trong thời kỳ Gorbachev”) https://ria.ru/20110228/337418349.html
(22) Lenta.ru: “Это выглядит как настоящее надувательство” (Lenta.ru: “Đây là trò lửa đảo đích thực”), https://lenta.ru/articles/2019/12/07/drsmd/
(23) Xem: Гарвардский и Хьюстонский проект: “план разделения и уничтожения СССР и России” (Dự án Harvard và Houston: “Kế hoạch chia rẽ và tiêu diệt Liên Xô và Nga”), https://vk.com/@-59636450-plan-razdeleniya-i-unichtozheniya-rossii
(24) V. A. Lisichkin, L. A. Shelepin: “Chiến tranh thông tin - tâm lý là cuộc chiến tranh thế giới lần thứ ba”, http://malchish.org/lib/politics/infwar.htm
(25) Xem: Rianovosti: “Путин о развале Советского Союза” (Rianovosti: “Putin nói về sự sụp đổ Liên Xô”), https://ria.ru/20180303/1515665033.html
(26) Xem: Николай Рыжков, Валентин Павлов, Борис Олейник: “Горбачев. Анатомия предательства” (Nikolay Ryzhkov, Valentin Pavlov, Boris Oleinik: “M. Gorbachyov - Giải phẫu sự phản bội”), https://secrethistory.su/ 153-gorbachev-anatomiya-predatelstva.html; VP43: “Первая и Вторая “Перестройка”- Хрущёва и Горбачёва - шаги одного пути развала СССР” (VP43: “Cải tổ 1.0 và 2.0. Khrushev và Gorbachyov dẫn tới sự sụp đổ Liên Xô”), Tlđd
(27) Xem: Patronica.ru: “Речь М.С. Горбачева на семинаре в Американском университете в Турции” (“Bài phát biểu của Gorbachev tại cuộc hội thảo tại Đại học Hoa Kỳ ở Thổ Nhĩ Kỳ”), http://www.patriotica.ru/ enemy/gorbachev_speech.html
(28) Xem: Nguyễn Phú Trọng: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Tlđd
(29) Xem: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1987
(30) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 70
(31) Laws Studio: “Ленинский анализ государ-ственно-монополистического капитализма” (Laws Studio: “Phân tích của Lê-nin về chủ nghĩa tư bản nhà nước độc quyền”), Tlđd
(32) Xem: Nguyễn Phú Trọng: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Tlđd
(33) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Sđd, tr. 60
(34) Nguyễn Phú Trọng: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Tlđd, tr. 13
(35) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 74
(36) Nguyễn Phú Trọng: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Tlđd, tr. 12
Đấu tranh tư tưởng, lý luận trong bối cảnh mới ở Việt Nam hiện nay  (13/07/2021)
Đấu tranh tư tưởng, lý luận trong bối cảnh mới ở Việt Nam hiện nay  (30/06/2021)
Cách mạng Tháng Mười Nga với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam  (26/11/2020)
Vận dụng tư tưởng của V.I.Lê-nin về con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam  (01/06/2020)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
- Tăng cường công tác dân vận nhằm thực hiện hiệu quả chính sách xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển