Dự án “Dòng chảy phương Bắc 2”: Bài toán trong chính sách của Mỹ đối với khu vực châu Âu
TCCS - Đầu tháng 3-2021, Bộ Ngoại giao Mỹ công bố Hướng dẫn chiến lược an ninh quốc gia tạm thời nhằm truyền tải tầm nhìn của Tổng thống Mỹ Joe Biden về cách thức nước Mỹ sẽ can dự với thế giới, đồng thời cung cấp hướng dẫn cho các bộ, ngành, cơ quan của Mỹ thống nhất về hành động. Theo Hướng dẫn này, chính sách đối ngoại của Mỹ sẽ dành ưu tiên cao nhất cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tiếp đến là châu Âu, sau đó tới các khu vực khác. Vấn đề Dự án “Dòng chảy phương Bắc 2” là một trong bốn nội dung trọng tâm (1) mà Mỹ đề cập trong chính sách đối ngoại đối với khu vực châu Âu.
“Dòng chảy phương Bắc 2” và quan điểm của châu Âu
Dự án “Dòng chảy phương Bắc 2”(2) là một dự án đường ống dẫn khí thiên nhiên xa bờ từ thành phố Vyborg (Nga) đến thành phố Greifswald (Đức) đi dọc theo đáy biển Baltic, bao gồm cả các đường ống cung cấp khí trên cạn ở Nga và xa hơn nữa là nối liền hệ thống này với khu vực Tây Âu. Hệ thống đường ống trên biển sẽ do Công ty Nord Stream AG - một liên doanh với Tập đoàn Dầu khí Gazprom (Nga), Tập đoàn Hóa chất đa quốc gia BASF (Đức), Tập đoàn EON và Tập đoàn N. V. Nederlandse Gasunie (Đức, Hà Lan) - lắp đặt và vận hành. Bên cạnh đó còn có sự tham gia của các tập đoàn năng lượng lớn khác vào dự án này, như Uniper, Wintershall (Đức), OMV (Áo), Shell (Anh, Hà Lan), Engie (Pháp). Với giá trị khoảng 9,5 tỷ euro, có công suất vận chuyển là 55 tỷ m³/năm, dự án đang trong giai đoạn cuối ở phần lãnh thổ của Đức và ngày 26-3-2018, Đức đã cấp bộ giấy phép hoàn chỉnh cho việc xây dựng dự án này trong lãnh thổ của mình.
Dự án “Dòng chảy phương Bắc 2” được Thủ tướng Đức Gerhard Schröder và Tổng thống Nga Vladimir Putin ký kết vào năm 2005. Đối với Nga, dự án “Dòng chảy phương Bắc 2” có tầm quan trọng chiến lược vì nó củng cố vị thế của Nga với tư cách là nhà xuất khẩu khí đốt tự nhiên hàng đầu sang các thị trường ở châu Âu. Dự án có khả năng cung cấp khoảng 110 tỷ m³ khí tự nhiên cho châu Âu mỗi năm. Dự án này giúp Nga có thể phá bỏ sự kiểm soát của Ucraina đối với đường dẫn khí (3), đồng thời cho phép Nga có thể áp dụng các vòng kiểm soát đối với Ucraina và Ba Lan.
Hiện nay, việc xây dựng đường ống dẫn khí “Dòng chảy phương Bắc 2” từ Nga qua biển Baltic đến Đức đã hoàn thành hơn 93%. Kế hoạch giải ngân đã được các thành viên trong liên doanh nhất trí, theo đó Tập đoàn Dầu khí Gazprom với tư cách là cổ đông lớn nhất sẽ đầu tư ½ trong số 9,5 tỷ euro mà dự án đã được đánh giá. Số kinh phí còn lại được thực hiện dưới hình thức cho vay do Tập đoàn Năng lượng Shell, OMV, Engie, Uniper và Wintershall cam kết (4). Do đó, mỗi đối tác chiếm tới 950 triệu euro được bảo đảm bằng 10% của dự án “Dòng chảy phương Bắc 2”. Trong bối cảnh Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt, công việc đặt đường ống dẫn khí đốt đã tạm dừng lại một năm do sự rút lui của Công ty Pipelayer thuộc Tập đoàn Volvo (Thụy Điển), Tập đoàn Allseas (Thụy Sĩ) và mới chỉ được nối lại vào đầu tháng 2-2021.
Đối với châu Âu, ngoài lượng khí đốt tự khai thác và nhập khẩu từ các nguồn khác bên ngoài (năm 2017, Qatar chiếm 43% thị phần, Algieria chiếm 16% thị phần xuất khẩu khí đốt cho châu Âu), phần nhu cầu năng lượng còn lại được nhập khẩu từ Nga. Khí đốt nhập khẩu từ Nga được đánh giá là cạnh tranh về giá cả (5) và tỷ trọng nhập khẩu từ Nga đang tăng dần hằng năm. Năm 2018, lượng nhập khẩu khí đốt từ Nga chiếm 35% tổng nhu cầu của châu Âu, nghĩa là khoảng 195 tỷ m³ và gần ½ số đó được nhập trung chuyển qua hệ thống đường ống của Ucraina (93 tỷ m³).
Tuy nhiên, tháng 12-2015, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk tuyên bố, giai đoạn hai của dự án đường ống dẫn khí “Dòng chảy phương Bắc 2” không phù hợp với quy tắc năng lượng của Liên minh châu Âu (gói năng lượng thứ ba) và làm suy yếu vai trò quốc gia quá cảnh khí đốt của Ucraina. Ngày 5-4-2018, Quốc hội Ucraina đã kêu gọi cộng đồng quốc tế lên tiếng ngăn chặn việc xây dựng “Dòng chảy phương Bắc 2”. Ngay sau đó, ngày 6-4-2018, Ủy ban châu Âu (EC) cho biết sẽ không ủng hộ việc xây dựng “Dòng chảy phương Bắc 2”. Ngày 9-4-2018, người đứng đầu Ban Giám đốc Năng lượng của EC Dominique Ristori đã tuyên bố, EC sẽ ủng hộ Ucraina trong việc thảo luận với Nga về việc ký kết hợp đồng trung chuyển khí đốt mới khi hợp đồng cũ hết hạn vào cuối năm 2019.
Bên cạnh đó, dự án hợp tác này cũng gặp nhiều sự phản đối liên quan đến các vấn đề môi trường, chính trị và an ninh quốc gia ở một số nước EU, như Thụy Điển, Phần Lan và các quốc gia vùng Baltic - nơi mà đường ống đi qua. Còn các nước khác, như Ucraina, Ba Lan, Latvia, Moldova, Lithuania, Hungary, Romania, Slovakia, Estonia và Séc coi “Dòng chảy phương Bắc 2” là mối đe dọa đối với an ninh năng lượng của châu Âu, làm cho châu Âu phụ thuộc nhiều hơn vào khí đốt của Nga; cho rằng, dự án này thực chất là “sự tư lợi và lợi ích quốc gia của Nga và Đức”. Mỹ và nhiều nước EU, cùng với những người phản đối ở Đức thậm chí còn lập luận rằng, Đức và phương Tây không cần dự án “Dòng chảy phương Bắc 2” bởi lẽ giá dầu trong nhiều năm qua đã giảm còn ½ kể từ giai đoạn đỉnh điểm vào năm 2008. Thêm vào đó, với nhiều mỏ khí đốt mới được khai thác, nhất là ở vùng Địa Trung Hải, chưa kể khu vực Bắc Mỹ, giá khí đốt đã giảm mạnh vào thời gian qua. Tình trạng dư thừa khí đốt cũng không phải tạm thời, trong bối cảnh đã có nhiều nguồn năng lượng thay thế khác xâm nhập vào thị trường. Hơn nữa, dự án này sẽ làm cho châu Âu gia tăng sự phụ thuộc vào Nga.
Theo các chính trị gia Ucraina, việc cho phép Nga lắp đặt đường ống dẫn khí đốt sẽ là đòn bẩy bổ sung để Nga gây áp lực với EU và tạo ra không chỉ nguy cơ về năng lượng, mà còn đe dọa cả an ninh quân sự của Ucraina, làm mất ổn định khu vực EU. Ucraina mong muốn các nhà chính trị cũng như doanh nghiệp Đức cân nhắc lại việc cho phép xây dựng dự án này vì nó không khả thi nếu xét trên quan điểm địa - chính trị. Đồng thời, hiện Ucraina vẫn có một đường ống vận chuyển khí đốt với chi phí vận chuyển rẻ và hiệu quả cao. Hệ thống dẫn khí đốt nối liền Nga qua Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (đã được xây dựng và đang vận hành) dài 3.700km, có giá trị 30 tỷ USD và gồm bốn ống dẫn chính với công suất vận chuyển 146 tỷ m³/năm. Hệ thống đường ống này có thể được nâng cấp dễ dàng và không tốn kém. Hiện nay, nó có khả năng vận chuyển tới 140 tỷ m³ nguyên liệu khí hằng năm. Trong năm 2017, hệ thống đường ống này đã vận chuyển được 94 - 97 tỷ m³ cung ứng khí đốt cho châu Âu. Bên cạnh đó, Ucraina khẳng định việc xây dựng đường ống quá cảnh qua Ucraina không cần đến khoản vốn đầu tư đáng kể và Ucraina sẵn sàng thu hút các đối tác châu Âu tới điều hành các doanh nghiệp khí đốt.
Tuy nhiên, dự án “Dòng chảy phương Bắc 2” lại được Nga, Đức, thậm chí ban đầu cả Pháp, rất ủng hộ vì được đánh giá là hiệu quả cao do giá bán khí đốt của Nga khi đó sẽ trở nên rẻ hơn do tiết giảm được chi phí vận chuyển xuống mức thấp nhất. Năm 2018, Thủ tướng Đức A. Merkel cho rằng, “Dòng chảy phương Bắc 2” chỉ là một dự án kinh doanh, không liên quan tới chính trị và là một dự án tốt để đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng cho Đức (Đức đang sử dụng 40% nhu cầu khí khí đốt có xuất xứ từ Nga). Đối với Nga, dự án này bên cạnh ý nghĩa về kinh tế còn có ý nghĩa về chính trị và không còn phụ thuộc vào việc vận chuyển khí đốt sang khu vực Tây Âu quá cảnh qua Ucraina.
Thế nhưng, hiện chính quyền của Thủ tướng A. Merkel đang hoạt động trong bối cảnh mới, với sự dư cung cũng như sự suy giảm về nhu cầu khí đốt khi thế giới công nghiệp chuyển sang sử dụng năng lượng mặt trời, gió cho hiệu suất cao hơn. Hơn nữa, trong thời gian gần đây, chính quyền của bà A. Merkel cũng phải đối mặt với không ít “sóng gió” trong nội bộ đất nước. Ngay cả những nghị sĩ trong Đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) và Đảng Xanh (Đức) có tư tưởng hòa bình cũng phản đối Nga. Bên cạnh đó, không chỉ có Mỹ, Anh và những người Đông Âu lo lắng muốn từ bỏ dự án “Dòng chảy phương Bắc 2”, ngay cả Pháp cũng đang “quay lưng” lại với dự án này. Trông cậy vào năng lượng hạt nhân, Pháp không cần đến nguồn khí đốt của Nga và tỏ rõ lo lắng nhiều hơn về “mối quan hệ đặc biệt” của Đức và ảnh hưởng ngày càng lan rộng của Nga đối với khu vực châu Âu.
Ở một diễn biến khác cho thấy, sau chuyến công du ba ngày tới Nga (từ ngày 4-2 đến ngày 6-2-2021), ngày 7-2-2021, Cao ủy Đối ngoại của EU Josep Borrell (6) cho biết, ông hết sức quan ngại việc chính quyền Nga từ chối đối thoại “xây dựng hơn” với EU, nhất là liên quan tới việc xét xử nhân vật đối lập Alexei Navalny (7). Bởi vậy, Nghị viện châu Âu đã thông qua một nghị quyết kêu gọi tạm dừng dự án “Dòng chảy phương Bắc 2”. Bộ trưởng Ngoại giao Pháp về các vấn đề châu Âu Clément Beaune cũng cho rằng, dự án “Dòng chảy phương Bắc 2” nên được tạm dừng. Trong một phát biểu vào ngày 19-2-2021, Ngoại trưởng Litva Linas Linkevicius nhấn mạnh cần tạm dừng xây dựng dự án “Dòng chảy phương Bắc 2” cho đến kỳ bầu cử Quốc hội Nga vào tháng 9-2021 nhằm gây sức ép đối với Nga về cải cách dân chủ.
Nhất trí với quan điểm trên, ngày 22-2-2021, Ngoại trưởng Ucraina Kuleba và Ngoại trưởng Ba Lan Zbigniew Rau kêu gọi ngừng xây dựng đường ống dẫn khí đốt, đồng thời nhấn mạnh vai trò quan trọng của Mỹ trong việc ngăn chặn triển khai dự án này vì một châu Âu tự do, đoàn kết, thịnh vượng và hòa bình. Theo Ngoại trưởng Ucraina và Ba Lan, từ năm 2006 - 2009, Nga với vai trò là nhà cung cấp khí đốt duy nhất đã cắt nguồn cung khí đốt cho Ucraina mà không giải thích lý do, khiến cả khu vực châu Âu phải chịu hậu quả, do Ucraina đóng vai trò vận chuyển khí đốt của Nga sang Tây Âu (8). Tiếp đó, ngày 27-2-2021, Tổng thống Ukraina Volodymyr Oleksandrovych Zelensky đã điện đàm với Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda về việc phối hợp hành động ngăn chặn xây dựng đường ống “Dòng chảy phương Bắc 2”. Tổng thống U. V. Zelensky nhấn mạnh, dự án này là cái bẫy đối với toàn bộ châu Âu, không nên cho phép triển khai dự án và cần tiếp tục áp dụng trừng phạt để bảo đảm an ninh năng lượng châu Âu.
Tuy nhiên, quan điểm trên đã không được Đức ủng hộ hoàn toàn. Cả Thủ tướng A. Merkel và tân Chủ tịch CDU Armin Laschet đều tuyên bố rằng, dự án không bị đe dọa và họ không có ý định thay đổi lập trường của mình, bất chấp sức ép từ Mỹ và nhiều nước EU. Phát biểu trước sự việc này, Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmeier cho rằng, không nên gắn việc xây dựng đường ống dẫn khí của dự án “Dòng chảy phương Bắc 2” với vụ việc liên quan đến chính trị gia người Nga Alexei Navalny. Theo ông P. Altmeier, nếu dự án không được hoàn thành, Đức sẽ bị thiệt hại với những khoản đầu tư lớn, hơn nữa ngay cả khi dự án chưa hoàn thành, lượng bán khí đốt của Nga cho châu Âu cũng không ít hơn (9).
Tại Quốc hội Đức, đại diện của Đảng Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) và Dân chủ Xã hội (SPD) đã ủng hộ một nghị quyết lên án việc bắt giữ ông A. Navalny. Mặc dù vậy, lãnh đạo SPD Norbert Walter-Borjans tuyên bố, “việc gắn kết sự ủng hộ dành cho ông Navalny vào dự án “Dòng chảy phương Bắc 2” là hoàn toàn không thể chấp nhận được”. Do đó, Đức khó rút khỏi dự án này và sẵn sàng thảo luận để đạt được thỏa thuận với các đối tác châu Âu, Mỹ. Có thể giả định rằng, các điều khoản của thỏa thuận sẽ liên quan đến các vấn đề như tăng cường sự tham gia của Đức trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hoặc tăng cường hỗ trợ kinh tế của Đức cho Ucraina.
Bài toán đối với chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden
Trong cuộc họp với tổng thống các nước vùng Baltic vào ngày 3-4-2018, tại Thủ đô Washington (Mỹ), cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chỉ trích Đức khi ngày 26-3-2018, nước này cấp phép cho dự án “Dòng chảy phương Bắc 2”. Mỹ và Canada cũng là những nước đứng về phía các quốc gia phản đối dự án, tuyên bố sẽ cấm vận các công ty nào tham gia dự án này. Khi ông J. Biden đắc cử Tổng thống Mỹ, người Đức hy vọng việc ông Anthony Blinken trở thành Ngoại trưởng Mỹ sẽ mang lại một cách tiếp cận mới đối với dự án “Dòng chảy phương Bắc 2”. Các bộ trưởng của Đức đang cố gắng xây dựng những đề xuất để thuyết phục đội ngũ của Tổng thống J. Biden từ bỏ các lệnh trừng phạt. Một trong các ý tưởng đó là cơ chế “Snapback”, theo đó cho phép Đức dừng dự án nếu Nga gây áp lực đối với Ucraina. Đức lập luận, việc triển khai dự án sẽ giúp gia tăng sức mạnh thương lượng của EU trước Nga. Tuy nhiên, việc xác định cơ chế “Snapback” không dễ bởi các quan chức Đức muốn tự mình ra quyết định, dựa trên tình hình thực tế, còn phía Mỹ lại muốn kích hoạt tự động và hy vọng Ukraina được tham gia vào quá trình thảo luận về cơ chế.
Cho đến nay, dường như quan điểm về các biện pháp trừng phạt đối với các dự án năng lượng của Nga tại EU của chính quyền Tổng thống J. Biden khá tương đồng với quan điểm người tiền nhiệm Donald Trump. Theo người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki, Tổng thống J. Biden cho rằng dự án “Dòng chảy phương Bắc 2” không có lợi cho châu Âu (10). Lập trường này của Mỹ hiện đang trái ngược với quan điểm của Đức, vốn muốn tìm cách hoàn tất dự án bất kể thái độ của Mỹ như thế nào. Do đó, có thể thấy rằng, Mỹ sẽ tiếp tục duy trì một số biện pháp trừng phạt đối với các thực thể liên quan đến dự án “Dòng chảy phương Bắc 2” của Nga. Điều này không chỉ vì lý do chính trị mà còn vì mục đích kinh tế, bởi Mỹ rất muốn xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) sang các thị trường châu Âu, nhưng dự án “Dòng chảy phương Bắc 2” đã hạn chế nhu cầu cung cấp thêm nguồn năng lượng này cho châu Âu.
Trong khi đó, trong chiến dịch tranh cử, Tổng thống J. Biden đã tuyên bố rằng, một trong những mục tiêu của Mỹ về mặt chính trị quốc tế là cải thiện quan hệ với các nước chủ chốt trong EU, cụ thể là Pháp và Đức. Mỹ xem Đức là một đồng minh quan trọng trên mọi vấn đề, từ đối phó với Trung Quốc đến đàm phán với Iran hay vấn đề biến đổi khí hậu. Giải quyết vấn đề của dự án “Dòng chảy phương Bắc 2” sẽ cho phép họ tập trung vào nghị trình chung. Tuy nhiên, tranh cãi về dự án “Dòng chảy phương Bắc 2” lại liên quan đến một trong những vấn đề cơ bản trong quan hệ xuyên Đại Tây Dương, cụ thể là chính sách chung đối với Nga. Như vậy, rõ ràng đường ống dẫn khí “Dòng chảy phương Bắc 2” sẽ là một chủ đề quan trọng trong các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Đức thời gian tới. Với quyết tâm của Đức trong việc hoàn thành dự án này, việc cải thiện quan hệ xuyên Đại Tây Dương giữa Đức và Mỹ có thể sẽ khó khăn hơn so với dự kiến.
Hơn nữa, lập trường của Mỹ về dự án “Dòng chảy phương Bắc 2” rất quan trọng đối với các quốc gia nằm ở sườn phía đông của NATO. Họ là đối tác chiến lược hàng đầu của Mỹ trong khi NATO đang mở rộng kết cấu hạ tầng quân sự trên lãnh thổ của họ. Điều này tạo ra một tình thế khó xử cho chính quyền Mỹ: một mặt, việc thiết lập quan hệ chặt chẽ với các nền kinh tế lớn nhất EU (Pháp, Đức) có thể làm giảm vai trò chính trị của Mỹ ở sườn phía đông của NATO; mặt khác, việc tiếp tục các dự án ở khu vực Trung Âu và Đông Âu, độc lập với Pháp và Đức, có thể dẫn đến sự chia rẽ giữa Mỹ và các quốc gia hàng đầu của EU, từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương. Bởi vậy, liên quan đến dự án “Dòng chảy phương Bắc 2”, có thể trong thời gian tới, Mỹ sẽ phải thực thi chính sách cân bằng, như hỗ trợ các dự án quan trọng ở khu vực Trung Âu và Đông Âu, chẳng hạn như “Sáng kiến Ba biển” và tìm cách giải quyết bất đồng với Đức. Tuy nhiên, điều cốt yếu đối với chính quyền Mỹ là phải loại bỏ được khả năng Nga sử dụng dự án này như một phương tiện gây áp lực chính trị đối với các quốc gia Trung Âu và Đông Âu (11)./.
---------------------
(1) 1- Quan hệ với Nga; 2- Quan hệ với các đồng minh trong NATO; 3- Kế hoạch điều chuyển quân đội Mỹ tại Đức, Bỉ và Ba Lan; 4- Quan điểm đối với dự án “Dòng chảy phương Bắc 2”
(2) Còn có tên là Đường ống dẫn khí Nga - Đức, hay Đường ống dẫn khí biển Baltic
(3) Ucraina chính là nước trung chuyển khí đốt sang EU ngay từ thời điểm ban đầu khi EU tham gia xây dựng đường ống cho các nước cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây; và đổi lại Liên Xô phải cung cấp nhiên liệu cho EU. Nhưng nếu dự án “Dòng chảy phương Bắc 2” đi vào hoạt động, nhiều khả năng Ucraina bị đẩy ra khỏi hệ thống trung chuyển khí từ Nga sang EU
(4) German Wintershall Dea - một đối tác của Tập đoàn Dầu khí Gazprom (Nga) công bố trong báo cáo tài chính năm 2020 rằng, họ đã hoàn thành việc cấp vốn cho Dự án “Dòng chảy phương Bắc 2” bằng cách đầu tư 730 triệu euro thay vì 950 triệu euro như dự kiến. Các khoản thanh toán theo khoản vay của dự án (100% thuộc về Tập đoàn Dầu khí Gazprom), hoàn thành trước khi Mỹ sửa đổi các khuyến nghị đối với Điều 232 của Đạo luật trừng phạt của Mỹ chống lại kẻ thù (CAATSA). Theo Điều 232 của CAATSA, bất kỳ khoản tài trợ dự án nào với số tiền hơn 1 triệu USD mỗi năm đều phải chịu các biện pháp trừng phạt, ngay cả khi các thỏa thuận đã được ký kết trước khi CAATSA có hiệu lực
(5) Trong giai đoạn 2017 - 2018, giá giao ngay của Nga tại các trung tâm giao dịch khí đốt châu Âu chỉ ở mức khoảng 200 USD/1.000m³, trong khi giá khí đốt hóa lỏng của Mỹ giao ngay tại khu vực châu Âu là 260 USD - 300 USD/1.000 m³
(6) Xem: Hans Von Der Burchard:Borrell Defends Controversial Russian Trip, Threatens Sanction, Politico Online, ngày 9-2-2021, https://www.politico.eu/article/josep-borrell-defends-controversial-russia-trip-threatens-sanctions/)
(7) Nhân vật đối lập Alexei Navalny bị Nga cáo buộc là đã vi phạm quy định về án treo khi dưỡng bệnh ở Đức. Ông A. Navalny còn bị thụ án hai năm tù vì đã xúc phạm cựu chiến binh Ignat Artemenko - người ủng hộ việc sửa đổi Hiến pháp nhằm cho phép Tổng thống Nga V. Putin cầm quyền tới sau năm 2024
(8) The first news, Kyivpost, ngày 22-2-2021
(9) Website của Bộ Ngoại giao Đức, ngày 8-2-2021
(10) Năm 2016, trên cương vị Phó Tổng thống Mỹ, ông Biden từng có chuyến công du châu Âu để nêu sự phản đối của ông đối với dự án này
(11) Jakub Lachert: “Lập trường “chia đôi ngả” của EU và Mỹ về Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 của Nga”, Nhật báo Ba Lan Dziennik Związkowy, ngày 3-3-2021
Nước Mỹ: Những thách thức sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ  (13/02/2021)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam