Chính sách đối ngoại “hậu Bu-sơ”
“Tôi sẵn lòng gặp gỡ các nhà lãnh đạo của tất cả các nước, cả bạn hữu lẫn kẻ thù”- câu nói trong chiến dịch tranh cử của Tổng thống Mỹ thứ 44 B. Ô-ba-ma. Đây cũng là mối quan tâm của dư luận đối với nhiệm kỳ mới của tổng thống Mỹ, bởi trước nay những sự thay đổi lớn trong chính sách đối ngoại của Mỹ rất ít, có chăng chỉ là điều chỉnh. Vậy chính sách đối ngoại “hậu Bu-sơ” của Mỹ sẽ thế nào khi người ta tính tới những yếu tố lịch sử, thời đại hay tư tưởng cách tân với chủ trương ôn hòa của Đảng Dân chủ?
Yếu tố lịch sử
Tính đến nay, nước Mỹ đã có hơn hai thế kỷ lập quốc. Suốt chiều dài lịch sử, mọi học thuyết chiến lược của Mỹ đều theo đuổi mục tiêu tranh giành ảnh hưởng trên chính trường và thương trường quốc tế. Từ cuối thế kỷ XVIII, với tuyên bố “châu Mỹ là của người châu Mỹ”, Mỹ thực hiện học thuyết Monroe, trong đó nhấn mạnh chủ nghĩa biệt lập nhằm hạn chế ảnh hưởng của các cường quốc châu Âu đối với châu Mỹ; mở rộng lãnh thổ, trở thành bá chủ ở Tây bán cầu, biến Mỹ La-tinh thành “sân sau” của mình.
Đến cuối thế kỷ XIX, Mỹ trở thành cường quốc số một về kinh tế trên thế giới. Sang đầu thế kỷ XX, tương quan lực lượng giữa Mỹ và các cường quốc khác trên thế giới tiếp tục chuyển biến theo hướng có lợi cho Mỹ, chủ yếu là nhờ những đột phá về khoa học - kỹ thuật, những bước nhảy vọt về sức mạnh kinh tế sau Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914 - 1918). Lúc này, Mỹ tỏ rõ tham vọng “lãnh đạo” thế giới. Tuy nhiên, khoảng thời gian giữa hai cuộc Chiến tranh thế giới, Mỹ phải đối phó với chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, cuộc đại suy thoái kinh tế (1929 - 1933) và hiểm họa chủ nghĩa phát-xít.
Sau Chiến tranh thế giới thứ hai (1939 - 1945), Mỹ trở thành một siêu cường với sức mạnh áp đảo các đế quốc khác trên mọi mặt, đặc biệt là kinh tế và quân sự. Nước Mỹ thực hiện tham vọng bá chủ thế giới, xây dựng một Trật tự Mỹ (Pax Americana) và đưa ra chiến lược Ngăn chặn (Containnement), phát động “chiến tranh lạnh” chống chủ nghĩa cộng sản và phong trào giải phóng dân tộc, thực sự can dự vào các vấn đề quốc tế. Tuy nhiên, Chiến tranh Việt Nam đã đẩy Mỹ vào thời kỳ suy yếu trong khi các nước Tây Âu và Nhật Bản phát triển, Mỹ không còn đủ sức duy trì cơ cấu tài chính Bretton woods trong khi hệ thống xã hội chủ nghĩa và phong trào giải phóng dân tộc lớn mạnh làm thay đổi cán cân lực lượng.
Năm 1969, Mỹ điều chỉnh chiến lược đối ngoại, đưa ra Học thuyết Ních-xơn, trong đó tập trung củng cố sức mạnh quốc gia, tiến hành các cam kết quốc tế có chọn lọc. Khi Liên Xô tan rã vào đầu những năm 90 của thế kỷ XX, Mỹ ra sức duy trì vị trí siêu cường duy nhất với hy vọng thực hiện chính sách bá quyền thế giới dưới tên gọi “Vượt trên ngăn chặn” (thời chính quyền Bu-sơ cha). Song, “chiến tranh lạnh” kết thúc đã gây “cú sốc” đối với chính sách đối ngoại của Mỹ. Tổng thống Mỹ Bu-sơ (cha) lúc đó đã đưa ra chính sách “Trật tự thế giới mới” nhằm đạt mục tiêu nắm giữ vị trí lãnh đạo thế giới. Nhưng, mộng bá chủ thế giới của Mỹ cũng gặp nhiều khó khăn cả ở trong chính nội tại đất nước do phải đối mặt với các vấn đề xã hội như phân hóa giàu nghèo, phân biệt chủng tộc... và cả những thách thức bên ngoài đến từ các siêu cường khác như Anh, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ. Điều này khiến Mỹ ít nhiều lúng túng trong việc đưa ra một chiến lược đối ngoại cụ thể, rõ ràng.
Đến năm 1996, Tổng thống Mỹ khi đó là B. Clin-tơn đã đưa ra Chiến lược an ninh quốc gia “Dính líu và mở rộng” (Engagement and Enlargement) làm chủ trương cho chính sách đối ngoại của Mỹ. Chủ trương này nhằm khẳng định Mỹ là siêu cường, đặt vấn đề an ninh lên hàng đầu, chống khủng bố và vũ khí hủy diệt; thúc đẩy dân chủ, tự do thương mại; đề ra những chính sách đối ngoại riêng cho từng khu vực. Điểm khác biệt của chính sách đối ngoại thời kỳ này là coi trọng vấn đề an ninh, bao hàm những nhận thức mới về an ninh với các nguy cơ đa dạng từ nhiều phía.
Đến năm 2001, nhất là sau “sự kiện ngày 11-9-2001”, Tổng thống Mỹ G.Bu-sơ (con) đã thay đổi toàn bộ về tư duy đối ngoại của Mỹ với chiến lược quốc gia năm 2002, trong đó đề cập đến hai nội dung cơ bản. Một là, học thuyết đánh đòn phủ đầu, ngăn chặn từ khi mối đe dọa chưa hình thành, không để cho các mối đe dọa an ninh có nguy cơ tiếp cận, nhấn mạnh sức mạnh quân sự trong quan hệ quốc tế. Với chủ trương này, Mỹ là nước đầu tiên tự cho mình quyền đánh phủ đầu, vi phạm thô bạo Hiến chương Liên hợp quốc khi phát động cuộc chiến tại I-rắc, Áp-ga-ni-xtan. Hai là, chính sách chống khủng bố với tuyên bố “hoặc là đứng về phía Mỹ hoặc là đứng về phía khủng bố”. Ngoài ra, chính sách đối ngoại Mỹ thời kỳ này còn được bổ sung thêm hai chiến lược ưu tiên, đó là Chiến lược quốc gia chống vũ khí hủy diệt hàng loạt và Chiến lược quốc gia chống khủng bố, với việc phát động cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố sau “sự kiện ngày 11-9-2001”. Đến tháng 3-2006, G.Bu-sơ tiếp tục đưa ra chiến lược an ninh quốc gia mới, song về cơ bản không có mấy thay đổi, theo đó Mỹ tiếp tục theo đuổi cuộc chiến chống khủng bố, mở rộng các hiệp định thương mại tự do song phương, nhấn mạnh vấn đề an ninh năng lượng. Ở nhiệm kỳ thứ hai, G.Bu-sơ được đánh giá là đã từ bỏ phần nào sự kiêu căng và tính hiếu chiến so với nhiệm kỳ đầu tiên, với việc nỗ lực hơn trong việc chìa tay giúp đỡ các nước đồng minh, đối thoại với các thể chế đa quốc gia, cũng như dành nhiều sự chú ý hơn tới vấn đề hòa bình Trung Đông. Song, sự cải biến này đã không có nhiều tác dụng đối với việc gỡ bỏ hình ảnh tiêu cực về chính sách đối ngoại Mỹ thời kỳ trước đó.
Yếu tố thời đại
Việc thừa hưởng di sản của người tiền nhiệm G. Bu-sơ mang nhiều bất lợi hơn là thuận lợi đối với Tổng thống đắc cử B.Ô-ba-ma trong việc khôi phục hình ảnh đất nước, nhất là các vấn đề liên quan đến chính sách đối ngoại - lĩnh vực tối quan trọng đối với bất kỳ nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ nào và cũng là lĩnh vực bị đánh giá là mắc nhiều sai lầm nhất trong hai nhiệm kỳ của G.Bu-sơ.
“Học thuyết Bu-sơ” - tên gọi dùng để chỉ chính sách đối ngoại Mỹ trong 8 năm ông G.Bu-sơ cầm quyền được đưa ra với cái cớ phát động cuộc chiến chống khủng bố - vấn đề đòi hỏi Mỹ đối phó với các quốc gia “bảo trợ” cho khủng bố cũng như những mạng lưới khủng bố. Chính quyền Bu-sơ đã đơn phương hành động, bởi theo Mỹ, các thể chế quốc tế vận hành quá chậm chạp trong việc đối phó với các mối đe dọa này. Theo học thuyết Bu-sơ, cách giải quyết tốt nhất đối với chủ nghĩa thánh chiến Hồi giáo toàn cầu là xuất khẩu chế độ dân chủ kiểu Mỹ.
Nhà nghiên cứu chính trị Phi-líp Go-đân (thuộc Viện Brốc-kinh, một tổ chức tư vấn chiến lược Mỹ), cố vấn đối ngoại cho ông B.Ô-ba-ma trong cuộc tranh cử vừa qua cho rằng: điểm yếu trong học thuyết Bu-sơ ngày càng bộc lộ rõ, đó là sai lầm trong “cuộc chiến chống khủng bố” và trong “chương trình nghị sự dân chủ”. Theo ông Go-đân, “cuộc chiến chống khủng bố” rốt cuộc là chiến lược tồi tệ. Bởi đây là “cuộc chiến” vô hình trung gắn kết những đối thủ của Mỹ lại với nhau trong mục tiêu chống thế giới đơn cực mà Mỹ theo đuổi.
Nước Mỹ trong 8 năm cầm quyền của Tổng thống G.Bu-sơ sa vào 2 cuộc chiến chưa có hồi kết tại I-rắc và Áp-ga-ni-xtan. Hiện Mỹ có khoảng 36.000 quân đồn trú ở Áp-ga-ni-xtan, nhưng tàn quân Ta-li-ban hiện nay lại hoạt động mạnh hơn bao giờ hết tại các khu vực miền núi hẻo lánh giáp Pa-ki-xtan. Từ năm 2001 đến nay, đã có 519 lính Mỹ tử trận tại chiến trường này. Tại I-rắc, trong vòng 5 năm qua, hơn 4.000 lính Mỹ thiệt mạng; Mỹ đã phải tốn 400 tỉ USD cho cuộc chiến tranh này, song tình hình an ninh - chính trị nước này vẫn trong tình trạng “mong manh”.
Tám năm cầm quyền của ông G.Bu-sơ cũng đánh dấu bước ngoặt vô cùng lớn trong chính sách đối ngoại của Mỹ mà nguyên do bắt nguồn từ “sự kiện ngày 11-9-2001”. Sự kiện này ban đầu đã khiến người Mỹ xích lại gần nhau trong quyết tâm chống khủng bố để nước Mỹ an toàn hơn. Nhưng sau đó, khi Tổng thống G. Bu-sơ ra quyết định tấn công xâm lược I-rắc thì “cuộc chiến chống khủng bố” đã trở thành vấn đề gây chia rẽ ngay trong chính quyền Mỹ. Việc Đảng Dân chủ phản đối cuộc chiến tranh này đã bùng nổ thành sự tức giận của dư luận Mỹ khi mọi việc trở nên rõ ràng, rằng chế độ Xa-đam Hu-xê-in không có vũ khí hủy diệt hàng loạt, mà cũng chẳng có mối quan hệ mật thiết nào với tổ chức khủng bố An Kê-đa.
Chính sách của G.Bu-sơ đã để lại nhiều vấn đề nan giải cho người kế nhiệm. Nước Mỹ vẫn chưa thể thoát khỏi “vũng lầy” I-rắc; tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên vẫn còn dang dở; I-ran vẫn có ảnh hưởng lớn tới an ninh khu vực với quyết tâm theo đuổi chương trình hạt nhân của mình. Không những thế, các lực lượng Hồi giáo vũ trang Ha-mát và Héc-bô-la vẫn ráo riết hoạt động tại Trung Đông; phiến quân Ta-li-ban có nguy cơ tái xuất hiện ở áp-ga-ni-xtan; nỗi ám ảnh An Kê-đa vẫn chưa bao giờ dứt. Chưa kể đến sự phản đối nước Mỹ dường như trở thành “làn sóng” ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là ở những nơi mà Mỹ coi là trọng tâm của cuộc chiến khủng bố, như khu vực Trung Đông, Nam Á.
Kế thừa các giá trị cốt lõi
Trong bối cảnh đó, dễ hiểu tại sao nước Mỹ chọn người kế nhiệm G.Bu-sơ là Thượng Nghị sĩ Đảng Dân chủ B. Ô-ba-ma - người ủng hộ sự thay đổi mạnh mẽ. Song theo giới phân tích, bất luận thế nào, các vấn đề vốn đã chi phối nhiệm kỳ Tổng thống G. Bu-sơ sẽ không biến mất, mà tiếp tục còn ảnh hưởng nhất định đến sự thay đổi này. Ưu tiên trong chính sách đối ngoại mới của Mỹ hướng tới mục tiêu bảo vệ người Mỹ khỏi cuộc tấn công khủng bố và cuộc chiến chống khủng bố sẽ vẫn là một nhân tố cơ bản trong chính sách đối ngoại.
Đối với việc khôi phục hình ảnh và củng cố vị thế quốc gia, Tổng thống đắc cử Mỹ không thể bỏ qua vai trò chính trị và thái độ cứng rắn của Nga thời gian gần đây trên chính trường quốc tế trước việc Mỹ ráo riết triển khai các căn cứ quân sự gần nước Nga, và việc NATO đang tiến đến các đường biên giới của Nga. Bên cạnh đó, yếu tố Trung Quốc cũng là mối quan tâm của Mỹ vì chính giới Mỹ cho rằng, Trung Quốc sẽ là quốc gia có khả năng trở thành đối thủ lớn nhất của Mỹ trong thế kỷ XXI. Sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chắc chắn sẽ đi cùng với sự gia tăng ảnh hưởng về mặt chính trị. Khó khăn lớn nữa cũng có ảnh hưởng không nhỏ đến chính sách đối ngoại của chính quyền Ô-ba-ma là sự dàn trải quá mức về tài lực và vật lực cho hai cuộc chiến ở I-rắc và áp-ga-ni-xtan mà chính quyền Bu-sơ đã theo đuổi trong nhiều năm. Và hệ quả là một nước Mỹ kiệt quệ và bị chia rẽ hơn bao giờ hết.
Trước tình hình thế giới biến đổi nhanh chóng và phức tạp hơn, cùng với chiều dài lịch sử của các chính sách chiến lược, giới phân tích cho rằng: chính quyền của Đảng Dân chủ sẽ không cần đến “Học thuyết Bu-sơ” vốn đang bị lên án; song hai trong số những nhân tố chủ chốt của học thuyết là “đánh chặn” và “dân chủ hóa” sẽ vẫn là những lựa chọn trong chính sách đối ngoại mới của Mỹ. Chính tân Tổng thống Mỹ khi tranh cử cũng vẫn cam kết “sẽ sử dụng vũ lực, đơn phương nếu cần thiết, để bảo vệ người dân Mỹ” trong trường hợp bị đe dọa.
Làm “mềm” phương thức
Theo các nhà phân tích, với chủ trương ôn hòa, chính quyền Ô-ba-ma hẳn sẽ có nhiều điều chỉnh “mềm” về chính sách đối ngoại. Theo đó, trừng phạt, trước hết là trong lĩnh vực kinh tế, kết hợp với lôi kéo các cơ chế quốc tế vào cuộc sẽ là lối hành xử ưu tiên trong chính sách đối ngoại của tân Tổng thống Mỹ.
Vị Tổng thống kế tiếp của Mỹ sẽ dành nhiều sự chú ý hơn tới Nga và Trung Quốc, cũng như sự chuyển dịch sức mạnh kinh tế từ thế giới phát triển sang thế giới đang phát triển. Người đứng đầu nước Mỹ sẽ rút kinh nghiệm từ ông Bu-sơ, chủ trương làm dịu căng thẳng với Nga, và cách khôn ngoan nhất là không nên đối đầu với quốc gia này. Với khu vực Trung Đông, hoạt động chính trị của Mỹ sẽ vẫn bị chi phối bởi thời gian tới, Mỹ vẫn nhắm tới những khu vực có quân đội Mỹ đang tham chiến. Và bởi vì, một mặt, nhằm khắc phục những hậu quả nặng nề từ những cuộc chiến này; mặt khác, vấn đề I-rắc luôn có ảnh hưởng rất lớn đối với dư luận Mỹ.
Vậy sự thay đổi trong chính sách đối ngoại Mỹ sẽ là gì? Vị Tổng thống Đảng Dân chủ B.Ô-ba-ma sẽ đưa ra một chiến lược đối với cuộc chiến chống khủng bố bằng giọng điệu ít mang tính hiếu chiến hơn, chuyển sự tập trung tài lực từ chiến trường I-rắc sang chiến trường chống khủng bố ở Nam Á là Pa-ki-xtan và áp-ga-ni-xtan. Ông B. Ô-ba-ma cũng sẽ khôi phục hình ảnh nước Mỹ qua việc giải quyết tình trạng tắc trách ở Guan-ta-na-mô (như những cáo buộc về tra tấn; đóng cửa nhà tù Guan-ta-na-mô; hủy bỏ các trại giam bí mật và chính sách chuyển giao tội phạm của CIA). Những quy tắc thời chiến tranh được sửa đổi nhằm đối phó với mối đe dọa khủng bố, song cũng sẽ được chính quyền mới thực hiện tốt hơn theo hướng đa phương.
Đến tháng 9-2008, tổng nợ quốc gia của Mỹ đã lên tới 9.700 tỉ USD (chia bình quân mỗi người dân Mỹ phải cõng khoản nợ lên tới 31.700 USD/người). Thâm hụt ngân sách gia tăng mỗi năm càng làm tăng gánh nặng nợ quốc gia của Mỹ. Cuộc khủng hoảng tài chính, tín dụng, địa ốc khiến tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ tăng lên 6,1%, mức cao nhất trong vòng 5 năm qua.
Về vấn đề I-rắc, giải pháp tối ưu là điều chỉnh mục tiêu mà chính quyền Bu-sơ kỳ vọng tại cuộc chiến này, đồng thời đánh giá lại vai trò của I-rắc tại đây. Trong thông điệp liên bang năm 2007, ông G. Bu-sơ đã quá “kỳ vọng” về một nước I-rắc dân chủ, duy trì sự cai trị bằng luật pháp, tôn trọng các quyền của người dân, đem lại cho họ sự an toàn và là một đồng minh trong cuộc chiến chống khủng bố. Cơ hội thành công đối với vị tổng thống của Đảng Dân chủ trong vấn đề này là xác định lại điều mà nước Mỹ đang cố gắng có được tại I-rắc, đồng thời giảm bớt kỳ vọng đi kèm với việc rút quân khỏi đây.
Về vấn đề I-ran, ông B. Ô-ba-ma đã nhiều lần khẳng định về khả năng đối thoại với nước này. Một thỏa thuận có khả năng được thực hiện nếu Mỹ sẵn sàng dỡ bỏ sự trừng phạt, thừa nhận những lợi ích an ninh khu vực của I-ran. Cả hai nước nhìn chung có những lợi ích chiến lược nhất định, đặc biệt là trong trường hợp một đất nước I-rắc thống nhất dưới chính quyền hiện nay do người Xi-ai thống trị và duy trì dòng chảy tự do của dầu lửa vùng Vịnh sang các thị trường thế giới.
Về các vấn đề quốc tế khác, như nguồn vốn tài chính, sự biến đổi khí hậu, năng lượng... cũng sẽ là các nội dung quan trọng trong "nền ngoại giao Ô-ba-ma". Có tới 77% số đảng viên Đảng Dân chủ nói rằng: họ coi môi trường là một trong những vấn đề quan trọng nhất và đây sẽ là điều hứa hẹn cho những hướng đi mới của chính quyền Ô-ba-ma trong nỗ lực đối phó với sự ấm lên toàn cầu. Ông Ô-ba-ma từng cam kết sẽ có nhiều hành động hơn đối với vấn đề này và trước năm 2050 sẽ giảm tới 80% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Tổng thống đắc cử Mỹ B. Ô-ba-ma, người sẽ nhậm chức vào đầu năm 2009, không chỉ hướng ngoại giao theo những nội dung xoay quanh việc củng cố vị thế và tầm ảnh hưởng của Mỹ; mà bên cạnh đó, nhìn nhận vai trò của Liên hợp quốc cũng như các đồng minh của Mỹ tại châu Âu trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế. Trong bài diễn văn về chính sách ngoại giao mới đây của mình, B.Ô-ba-ma đã nhấn mạnh rằng: nước Mỹ cần hợp tác chặt chẽ với châu Âu để đối phó với những thách thức mới. Đối với khu vực Mỹ
La-tinh, chính sách Mỹ hầu như không có nhiều thay đổi. Với nỗ lực đấu tranh chống nạn buôn lậu ma túy ở một số quốc gia tại khu vực này, ông B. Ô-ba-ma tán thành Sáng kiến Mérida, theo đó viện trợ cả gói hơn 400 triệu USD cho các lực lượng an ninh ở đây...
Như vậy, chính sách đối ngoại sẽ là nội dung ưu tiên và cũng là khó khăn lớn đối với chính quyền mới của Mỹ. Ưu tiên là vì trong thời gian gần đây, sai lầm lớn nhất của nước Mỹ đều được cho là sai lầm từ chính sách đối ngoại. Khó khăn là bởi việc giải quyết hậu quả nặng nề đè nặng lên nhiệm kỳ bốn năm của Tổng thống đắc cử B. Ô-ba-ma. Chủ trương ôn hòa và cởi mở sẽ trở thành “chiếc chìa khóa vàng” một khi ông B. Ô-ba-ma biết cách sử dụng để hóa giải các vấn đề đối ngoại của nước Mỹ. /.
Vốn FDI năm 2008 đạt hơn 64 tỉ USD  (26/12/2008)
Bảo hiểm xã hội - trụ cột của hệ thống an sinh xã hội  (26/12/2008)
Không thể không quan tâm chức năng kiểm tra, giám sát  (26/12/2008)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay