Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính chung cả vốn đăng ký cấp mới và vốn đăng ký tăng thêm, tổng số vốn FDI đăng ký tại Việt Nam năm 2008 (tính đến 19-12) đạt 64,011 tỉ USD, gần gấp 2 lần năm 2007.
 
 

Vốn FDI năm 2008 chủ yếu tập trung vào lĩnh vực công nghiệp và xây dựng

Riêng tháng 12, cả nước đã có thêm 112 dự án FDI được cấp phép mới với tổng số vốn đăng ký đạt 1,171 tỉ USD.

Theo đó, tổng số dự án FDI được cấp mới vào Việt Nam cả năm là 1.171 dự án với tổng số vốn đăng ký đạt 60,217 tỉ USD, tăng 222% so với năm 2007.

Vốn đăng ký mới tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp và xây dựng có 572 dự án, tổng vốn đăng ký 32,62 tỉ USD, chiếm 48,85% về số dự án và 54,12% về vốn đầu tư đăng ký; tiếp đến là lĩnh vực dịch vụ có 554 dự án với tổng vốn đăng ký 27,4 tỉ USD, chiếm 47,3% về số dự án và 45,4% về vốn đầu tư đăng ký. Số còn lại thuộc lĩnh vực nông - lâm - ngư.

Trong cả năm 2008, số dự án tăng vốn cũng rất lớn với 311 dự án đăng ký tăng vốn với tổng số vốn đăng ký tăng thêm 3,74 tỉ USD. Chỉ tính riêng số vốn tăng thêm của các dự án đang hoạt động tại Việt Nam trong năm nay đã tương đương với tổng số vốn đăng ký mới trong một năm của đầu những năm 2000.

Năm 2008 đã có 50 quốc gia và vùng lãnh thổ đăng ký đầu tư tại Việt Nam, trong đó có 11 quốc gia và vùng lãnh thổ đăng ký đầu tư vốn trên 1 tỉ USD.

Doanh thu tăng, tạo nhiều công ăn việc làm.

Các dự án đầu tư nước ngoài (ĐTNN) trong năm 2008 thực hiện chủ yếu theo hình thức 100% vốn nước ngoài (882 dự án, vốn đăng ký 31,16 tỉ USD), chiếm 75,3% về số dự án và 51,7% về vốn đăng ký. Số dự án theo hình thức liên doanh có 213 dự án với vốn đăng ký 27,16 tỉ USD, chiếm 18,2% về số dự án và 45,1% về vốn đăng ký. Còn lại là các dự án theo hình thức khác.

Doanh thu của các doanh nghiệp FDI tháng 12 đạt 5,1 tỉ USD, đưa tổng doanh thu của khối này trong năm 2008 lên 50,55 tỷ USD, tăng 24,4% so với năm 2007. Trong đó, giá trị xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI năm 2008 đạt 24,465 tỉ USD, chiếm khoảng 40% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Tuy nhiên, khối doanh nghiệp FDI cũng chính là khối có kim ngạch nhập khẩu rất lớn, 28,458 tỉ USD.

Năm 2008, khối doanh nghiệp FDI đã đóng góp vào ngân sách nhà nước 1,982 tỉ USD, tăng 25,8% so với năm 2007. Cũng trong năm nay, khối doanh nghiệp FDI đã tạo ra trên 200 nghìn việc làm mới, nâng tổng số lao động làm việc trong các dự án FDI lên 1,467 triệu người, góp phần quan trọng vào giải quyết công ăn việc làm cho một bộ phận người lao động.

Như vậy, mặc dù kinh tế trong nước năm qua gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu thì số vốn FDI đổ vào Việt Nam vẫn không ngừng tăng lên. Điều này minh chứng cho nhận định của các nhà đầu tư, đó là "Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài về tầm trung và dài hạn".

Ma-lai-xi-a đứng đầu với 55 dự án, vốn đăng ký 14,9 tỉ USD, chiếm 4,7% về số dự án và 24,8% về vốn đầu tư đăng ký. Đài Loan đứng thứ 2 có 132 dự án, vốn đầu tư 8,64 tỉ USD, chiếm 11,3% về số dự án và 14,3% về vốn đầu tư đăng ký. Nhật Bản đứng thứ 3 có 105 dự án, vốn đầu tư 7,28 tỉ USD, chiếm 9,0% về số dự án và 12,1% về vốn đầu tư đăng ký dự án. Xin-ga-po đứng thứ 4 có 101 dự án, vốn đầu tư đăng ký 4,46 tỉ USD, chiếm 8,6% về số dự án và 7,4% về số vốn đăng ký. Bru-nây đứng thứ 5 có 19 dự án, vốn đầu tư 4,4 tỉ USD, chiếm 7,3% về vốn đầu tư đăng ký.