TCCSĐT - Đó là nội dung chính được trao đổi tại Hội nghị “Triển khai nhiệm vụ phát triển ngành hàng cá tra năm 2018” do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn chủ trì, tổ chức tại thành phố Cần Thơ ngày 16-3-2018.
Tham dự hội nghị có gần 140 đại biểu đại diện lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Công Thương; Tổng cục Thủy sản và các đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn; lãnh đạo Hội Nghề cá, Hội Cá tra Việt Nam, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản; lãnh đạo các Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, các viện nghiên cứu, trường đại học, các doanh nghiệp nuôi và chế biến thủy sản ở 13 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Vũ Văn Tám cho biết: Năm 2017, mặc dù gặp không ít khó khăn, thách thức nhưng ngành nuôi, chế biến, xuất khẩu cá tra Việt Nam (tập trung ở các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long) vẫn đạt kết quả khả quan. Tổng diện tích nuôi cá tra trong năm là 5.230 ha (tăng 3,5% so với năm 2016), sản lượng đạt 1,25 triệu tấn (tăng 4,2%), giá trị xuất khẩu cá tra đạt gần 1,79 tỷ USD ( tăng 4,3%), đóng góp 21,45% vào giá trị xuất khẩu toàn ngành thủy sản. Cả nước hiện có khoảng 200 doanh nghiệp xuất khẩu các sản phẩm cá tra đến 138 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, các khối thị trường dẫn đầu về nhập khẩu sản phẩm cá tra Việt Nam là Mỹ, EU, Trung Quốc, ASEAN, Canađa, Trung Đông, Nhật Bản.

Tuy nhiên, ngành hàng cá tra Việt Nam cũng đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của toàn ngành. Vì thế, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Vũ Văn Tám đề nghị, tại hội nghị này, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, các đơn vị trực thuộc Bộ cùng các doanh nghiệp, các hội - hiệp hội, các địa phương cần thẳng thắn trao đổi, nhận diện rõ thực trạng nuôi, chế biến, xuất khẩu cá tra; những thách thức mà ngành hàng này đang phải đối diện; chia sẻ những kinh nghiệm, cách làm hay; từ đó đề xuất, kiến nghị những giải pháp để phấn đấu trong năm 2018 đưa giá trị xuất khẩu cá tra lên mức 2-2,2 tỉ USD và tiếp tục phát triển bền vững ngành hàng này trong thời gian tới.

Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, năm 2017, Tổng cục đã tăng cường phối hợp với các địa phương, các viện nghiên cứu, các doanh nghiệp trong công tác quản lý cá giống, quản lý thức ăn thủy sản, sản phẩm; xử lý cải tạo môi trường, quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm trong công đoạn nuôi cá tra; chú trọng quan trắc chất lượng nước phục vụ nuôi trồng thủy sản và phòng ngừa dịch bệnh. Để thúc đẩy ngành hàng cá tra phát triển, Tổng cục Thủy sản đã triển khai nhiều chương trình, đề án như: Đề án sản phẩm quốc gia cá da trơn, Đề án liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng đồng bằng sông Cửu Long, Chương trình nuôi thử nghiệm cải thiện chất lượng cá tra tại Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn và Công ty cổ phần Agifish. Nhờ đó chất lượng cá tra Việt Nam được nâng cao.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu cũng thống nhất nhận định ngành hàng cá tra Việt Nam đã và đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó đáng quan tâm là:

Giá cá giống, cá nguyên liệu liên tục tăng cao trong năm 2017, có khả năng dẫn đến tình trạng mở rộng diện tích nuôi ồ ạt, không dựa theo khả năng tiêu thụ và nhu cầu thị trường, dễ dẫn đến tình trạng cung vượt cầu, giá cá tra có thể sụt giảm trở lại.

Chất lượng cá tra giống ngày càng suy giảm khiến tỷ lệ hao hụt trong giai đoạn nuôi thương phẩm tăng, dẫn đến hiệu quả sản xuất thấp. Từ đầu năm 2018, dịch bệnh đã xảy ra trên đàn cá giống ở một số địa phương sản xuất cá giống trọng điểm. Tình trạng này có thể ảnh hưởng đến khả năng cung cấp cá giống trong thời gian tới.

Tác động của biến đổi khí hậu, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn được dự báo sẽ diễn biến gay gắt và phức tạp trong những tháng mùa khô năm 2018 ở vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến diện tích nuôi và sản lượng cá tra nguyên liệu cung cấp cho các nhà máy chế biến, xuất khẩu.

Rào cản kỹ thuật và bảo hộ thương mại từ các thị trường nhập khẩu. Đáng lưu ý là những rào cản như thuế chống bán phá giá, các quy định kiểm tra hóa chất, kháng sinh, chương trình thanh tra cá da trơn của Mỹ; việc Liên Minh châu Âu rút thẻ vàng đối với thủy sản khai thác của Việt Nam vào quý 3 năm 2017;…Truyền thông bôi nhọ, không khách quan về sản phẩm thủy sản của Việt Nam tại một số quốc gia.

Hội nghị đã thống nhất đề xuất một số giải pháp để phát triển bền vững ngành hàng cá tra Việt Nam trong thời gian tới:

- Chú trọng cải thiện chất lượng ngành hàng cá tra với trọng tâm là cải thiện chất lượng con giống, chất lượng cá tra nguyên liệu từ khâu nuôi gắn với cải thiện chất lượng môi trường nuôi cá.

- Tiếp tục phát triển thị trường, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm cá tra; xử lý hiệu quả các rào cản kỹ thuật. Trong đó, chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trưởng, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cá tra chất lượng cao gắn với thực hiện đề án sản phẩm quốc gia cá da trơn.

- Tăng cường kiểm soát chất lượng, kiểm tra điều kiện sản xuất theo quy định của pháp luật. Chú trọng kiểm soát chặt điều kiện nuôi, chế biến, chất lượng sản phẩm và xuất khẩu của các cơ sở, doanh nghiệp; tiếp tực triển khai “Chương trình kiểm soát an toàn thực phẩm cá, các sản phẩm cá bộ Siluriformes xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ”.

- Khẩn trương xúc tiến đầu tư phát triển hạ tầng Trung tâm nghề cá tại vùng đồng bằng sông Cửu Long. Song song đó thành lập khu logistics trong trung tâm giao dịch cá tra nhằm đảm bảo tốt nhu cầu sản xuất, lưu thông cá tra ở thị trường trong và ngoài nước theo chủ trương của Chính phủ.

- Thúc đẩy cạnh tranh và cơ cấu lại ngành hàng cá tra. Theo đó, Nhà nước cần quan tâm hỗ trợ ở những khâu mà doanh nghiệp hiện chưa làm được như: nghiên cứu sản xuất con giống, bảo vệ giống- nguồn gien, nghiên cứu công nghệ - kỹ thuật trong nuôi, chế biến sản phẩm. Đồng thời, nên thực hiện xếp hạng doanh nghiệp trong các phân khúc của chuỗi ngành hàng cá tra, nhằm thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp.

- Tăng cường nghiên cứu, ứng dụng và truyền thông khoa học - công nghệ tiên tiến trong các khâu sản xuất giống, nuôi, sản xuất thức ăn thủy sản./.