TCCSĐT - Năm 2017 ghi nhận tình trạng bùng phát dịch sốt xuất huyết tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Mặc dù tỷ lệ tử vong do bệnh sốt xuất huyết của Việt Nam thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực nhưng công tác điều trị sốt xuất huyết Dengue vẫn còn nhiều bất cập, năm 2017 đã ghi nhận một số ca tử vong đáng tiếc.

Đó là nhận định của ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế tại Hội nghị giao ban công tác điều trị sốt xuất huyết Dengue khu vực phía Nam diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 27-12.

Điều trị sốt xuất huyết ở tuyến dưới còn nhiều bất cập

Sau một thời gian tạm lắng xuống, năm 2017 bệnh sốt xuất huyết quay trở lại bùng phát ở một số địa phương, đặc biệt tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Trong năm, cả nước ghi nhận 181.054 trường hợp mắc sốt xuất huyết, có 152.659 ca nhập viện với 30 trường hợp tử vong. Tỷ lệ tử vong của nước ta năm 2017 là 0,03% trên tổng số ca mắc, thấp hơn các nước như Malaysia (0,23%), Philippines (0,24%), Campuchia (0,23%)…Tuy nhiên, ông Khoa cũng cho rằng có những trường hợp dù được phát hiện sớm nhưng cũng tử vong do công tác theo dõi, điều trị chưa sát sao, chưa có kinh nghiệm.

Nói về nguyên nhân tử vong của bệnh nhân sốt xuất huyết, bác sỹ Trương Ngọc Trung - Phó Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, năm 2017, ghi nhận 10 trường hợp bệnh nhân tử vong tại bệnh viện này. Đa phần nguyên nhân là do bệnh nhân được chuyển tuyến từ tuyến dưới lên trong tình trạng sốc sốt xuất huyết và suy đa cơ quan. Việc điều trị, theo dõi không phù hợp từ tuyến dưới khiến diễn tiến bệnh trở nặng, dẫn đến tử vong dù đã sử dụng nhiều biện pháp hỗ trợ tích cực. Trong tổng số các ca tử vong, có đến 30% bệnh nhân không được chống sốc kịp thời, lựa chọn dịch truyền chống sốc không đúng, tốc độ dịch truyền không đúng phác đồ điều trị, không phân biệt được sốc do thất thoát huyết tương hay do quá tải dịch truyền. Bên cạnh đó, một số trường hợp chỉ định truyền máu không phù hợp, bệnh nhân có biểu hiện suy hô hấp nhưng không được hỗ trợ đúng cách mà lại sử dụng thuốc lợi tiểu …

Đặc biệt, nhiều bệnh nhân không được điều trị theo dõi hợp lý dẫn đến khi phát hiện tình trạng bệnh nhân sốc thì đã quá muộn. Nhiều bệnh nhân được cho xuất viện không hợp lý, mới ngày thứ 5 khi bệnh nhân giảm sốt đã cho xuất viện khiến bệnh nhân phải nhập viện sang bệnh viện khác trong tình trạng bệnh đã nặng.

Cùng chung quan điểm, bác sỹ Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh cho hay là bệnh viện tuyến cuối trong điều trị trẻ em ở khu vực phía Nam, bệnh viện này thường xuyên tiếp nhận bệnh nhi từ tuyến dưới chuyển lên trong tình trạng rất nặng do chẩn đoán sai ngay từ đầu. Thậm chí nhiều bệnh viện tuyến dưới đã chẩn đoán đúng bệnh nhưng lại thực hiện điều trị, theo dõi không đúng cách khiến bệnh không những không thuyên giảm mà còn nặng thêm. Trong năm 2017, tại Bệnh viện Nhi đồng 1 có 13 trường hợp trẻ mắc sốt xuất huyết tử vong.

Để hạn chế tử vong do sốt xuất huyết, bác sỹ Phạm Văn Quang cho rằng cần nâng cao năng lực điều trị cho các bệnh viện tuyến dưới, nhất là các bệnh viện tuyến huyện và các phòng khám tư nhân, do đây là những nơi tiếp xúc đầu tiên với bệnh nhân. Ngoài ra, các bệnh viện tuyến dưới cần tăng cường trao đổi, hội chẩn trực tuyến với các bệnh viện tuyến cuối để được hướng dẫn cụ thể cách xử lý từng trường hợp sốt xuất huyết nặng.

Cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tập huấn cho nhân viên y tế tuyến dưới, bác sỹ Trương Ngọc Trung cho rằng, cần chú trọng đến việc tập huấn cho đội ngũ điều dưỡng bởi đây là đội ngũ tiếp cận trực tiếp với bệnh nhân. Việc theo dõi, phát hiện sớm các triệu chứng cảnh báo sốc kịp thời của điều dưỡng ảnh hưởng không nhỏ tới việc cấp cứu bệnh nhân sốc sốt xuất huyết và góp phần giảm thiểu các ca tử vong.

Kiểm soát tốt, không để phát sinh ổ bệnh sốt xuất huyết

Theo Sở Y tế tỉnh Nam Định, bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh đã được kiểm soát. Tỉnh Nam Định đã khống chế toàn bộ 160 ổ bệnh. Các bệnh nhân đều được điều trị ổn định, xuất viện và không có trường hợp nào tử vong. Từ ngày 05-12 đến nay, trên địa bàn không phát hiện trường hợp mắc mới.

Giám đốc Sở Y tế tỉnh Nam Định Bùi Thị Minh Thu cho biết, thời gian tới, để hạn chế các nguyên nhân có thể phát sinh ổ bệnh mới, Sở Y tế đã yêu cầu các đơn vị chuyên môn tăng cường giám sát véc-tơ nhằm phát hiện sớm, khoanh vùng, xử lý kịp thời ổ bệnh khi phát hiện các trường hợp đầu tiên; đồng thời tổ chức phun hóa chất diệt muỗi diện rộng tại khu vực có bệnh nhân và vùng có chỉ số véc-tơ cao, có nguy cơ gây bùng phát bệnh. Các bệnh viện tăng cường năng lực chẩn đoán, tập huấn về các phác đồ điều trị, xây dựng phương án giảm quá tải bệnh viện, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống phát sinh.

Các địa phương phối hợp với cơ quan chuyên môn tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức về công tác phòng, chống dịch bệnh cho người dân; thường xuyên kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân không thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định. Cùng với đó, tích cực vận động người dân tham gia vệ sinh môi trường, loại bỏ vật dụng phế thải, đậy kín các đồ dùng chứa nước để loại bỏ nơi sinh sản của muỗi; tiếp tục duy trì, tổ chức chiến dịch diệt muỗi, diệt bọ gậy…

Năm 2017, Nam Định là một trong những địa phương có số người mắc bệnh sốt xuất huyết cao trong cả nước; toàn tỉnh ghi nhận trên 5.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Bệnh nhân sốt xuất huyết phân bố tại 226/229 xã, phường ở tất cả 10 huyện, thành phố của tỉnh./.