Hội nghị cung cấp thông tin định kỳ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tháng 12-2017
TCCSĐT - Ngày 26-12-2017, tại Hà Nội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức Hội nghị cung cấp thông tin định kỳ báo cáo, kết quả thực hiện một số chỉ tiêu, nhiệm vụ cơ bản năm 2017 và một số giải pháp trong thời gian tới.
Tham dự Hội nghị có đồng chí Phạm Lương Sơn - Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, lãnh đạo một số đơn vị của Bảo hiểm xã hội Việt Nam; đại diện các đơn vị chức năng của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam và phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và Hà Nội.
Tại Hội nghị, đồng chí Phạm Lương Sơn đã thông tin một số nội dung sau:
Về kết quả thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ:
Với kết quả thu, phát triển đối tượng tham gia: Số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là 13,52 triệu người; bảo hiểm thất nghiệp 11,72 triệu người; bảo hiểm xã hội tự nguyện tự nguyện 291 nghìn người; bảo hiểm y tế 81 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 86% dân số. Toàn ngành thu 289.349 tỷ đồng, đạt 101% so với kế hoạch giao; trong đó, thu bảo hiểm xã hội là 194.943tỷ đồng; thu bảo hiểm thất nghiệp là 13.263 tỷ đồng; thu bảo hiểm y tế là 81.143tỷ đồng. Số tiền nợ bảo hiểm xã hội là 5.737 tỷ đồng, chiếm 3,0% số kế hoạch thu bảo hiểm xã hội do Thủ tướng Chính phủ giao, giảm 0,8% so với năm 2016; đã cấp 13,5 triệu sổ bảo hiểm xã hội, đạt tỷ lệ 99,3% trên tổng số đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội; cấp được 78,2 triệu thẻ bảo hiểm y tế; bàn giao khoảng 9,1 triệu sổ bảo hiểm xã hội, đạt trên 70% so với tổng số sổ bảo hiểm xã hội phải bàn giao cho người lao động.
Về giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp:
Năm 2017, toàn ngành giải quyết cho 9,9 triệu lượt người hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, trong đó: 141.695 người hưởng bảo hiểm xã hội hằng tháng; 717.053 lượt người hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần; 9,1 triệu lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe. Ngoài ra, Bảo hiểm xã hội Việt Nam còn phối hợp với ngành lao động - thương binh và xã hội giải quyết cho khoảng 694.323 lượt người hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp và 35.167 người hưởng chế độ hỗ trợ học nghề; thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế cho 169 triệu lượt người khám, chữa bệnh nội trú và ngoại trú.
Về chi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp:
Năm 2017 toàn ngành đã 270.316 tỷ đồng, trong đó chi bảo hiểm xã hội từ nguồn ngân sách 45.170 tỷ đồng, chi bảo hiểm xã hội từ Quỹ Bảo hiểm xã hội 132.474 tỷ đồng, chi Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp 7.422 tỷ đồng và chi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế 85.250 tỷ đồng.
Cũng tại Hội nghị, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Phạm Lương Sơn nhấn mạnh, theo nhiệm vụ kế hoạch công tác được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã bám sát các giải pháp chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; chủ động, tích cực phối hợp với các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương; các bộ, ngành liên quan triển khai thực hiện nhiều giải pháp phát triển đối tượng, tăng thu, giảm nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế và thực hiện tốt việc giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý; từng bước đổi mới phương thức hoạt động ngành bảo hiểm xã hội theo hướng phục vụ chu đáo, nhanh chóng, kịp thời, bảo đảm quyền lợi người tham gia.
Theo đó, đồng chí Phạm Lương Sơn cũng nhấn mạnh đến một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm cần được triển khai thực hiện trong thời gian tới. Cụ thể là:
Thứ nhất, tiếp tục thực hiện các mục tiêu nêu tại Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị; tiếp tục triển khai Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 34/CT-TTg, ngày 26-12-2016, của Thủ tướng Chính phủ; chỉ đạo bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố, đẩy mạnh công tác thu, phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, đặc biệt là nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, người tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình.
Thứ hai, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Tài chính tham mưu xây dựng, sửa đổi bổ sung các nghị định về lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trình Chính phủ ban hành; hướng dẫn bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố triển khai kịp thời các quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế có hiệu lực từ ngày 01-01-2018.
Thứ ba, tăng cường công tác thanh tra chuyên ngành tại các đơn vị có dấu hiệu vi phạm pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị chức năng trong việc phát triển đối tượng và thu nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp tại các địa phương.
Thứ tư, đẩy mạnh, đổi mới công tác tuyên truyền cả về nội dung và hình thức theo hướng chuyên nghiệp; tập trung vào nhóm đối tượng là người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, người tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình và người lao động làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất. Phát huy vai trò của các cơ quan truyền thông, báo chí,... giúp doanh nghiệp và người dân, hiểu rõ được quyền và nghĩa vụ khi tham gia về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Thứ năm, hoàn thiện, bổ sung dữ liệu thống kê danh sách hộ gia đình; đồng nhất quản lý sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế theo mã số bảo hiểm xã hội (mã định danh cá nhân); tiếp tục hoàn thành việc trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội.
Thứ sáu, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nghiệp vụ; hoàn thiện các phần mềm quản lý; hoàn thiện cơ sở dữ liệu tập trung ngành bảo hiểm xã hội; mở rộng, hoàn thiện hệ thống dịch vụ công trực tuyến trên mạng In-tơ-nét.
Thứ bảy, cải cách thủ tục hành chính theo tinh thần Nghị quyết số 19-2017/NĐ-CP; Nghị định số 166/2016/NĐ-CP của Chính phủ; Ban hành Quyết định sửa đổi, bổ sung bộ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của Bảo hiểm xã hội Việt Nam./.
Khâm Thiên - Nỗi đau chưa nguôi ngoai  (27/12/2017)
Các nhà lãnh đạo cấp cao Việt Nam đón tiếp các đại sứ các nước sang nhận nhiệm vụ tại Việt Nam  (27/12/2017)
Bổ sung các chiến lược, quy hoạch phù hợp đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn  (27/12/2017)
Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng Thành phố Hồ Chí Minh  (27/12/2017)
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
- Tỉnh Quảng Nam tích cực chuẩn bị tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030
- Thúc đẩy quá trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên