Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn: Chấm dứt tình trạng báo chí sống "ký sinh" vào doanh nghiệp
- Thưa Bộ trưởng, thời gian qua có một số biểu hiện tiêu cực trong báo chí xuất phát từ các văn phòng đại diện, phóng viên thường trú tại các địa phương. Theo Bộ trưởng, đây là sự ngẫu nhiên hay hoạt động của các Văn phòng này có vấn đề?
- Bộ trưởng Trương Minh Tuấn: Các cơ quan báo chí, nhất là các cơ quan báo chí Trung ương (bao gồm cả cơ quan báo chí của các tổ chức chính trị xã hội-nghề nghiệp, tổ chức xã hội-nghề nghiệp), có quyền mở các văn phòng đại diện tại các địa phương.
Các cơ quan báo chí của địa phương này cũng có thể mở văn phòng đại diện tại các địa phương khác nếu thực sự có nhu cầu. Mục đích của các văn phòng này là giúp các cơ quan báo chí có điều kiện tiếp cận thông tin nhanh và chính xác nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu của người đọc, đồng thời cũng để mở rộng bạn đọc.
Luật pháp không cấm điều đó, thậm chí luật pháp còn cho phép các cơ quan báo chí mở văn phòng đại diện hoặc cơ quan thường trú ở nước ngoài nếu có điều kiện để tiếp cận nhanh và trung thực với thông tin quốc tế.
Nhiều văn phòng đại diện, phóng viên thường trú của các cơ quan báo chí Trung ương và nhiều cơ quan báo chí có số lượng độc giả lớn đã thực hiện rất tốt nhiệm vụ của mình, tạo thêm uy tín cho cơ quan báo chí của mình với người dân và chính quyền địa phương. Bộ Thông tin và Truyền thông hoan nghênh và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho những hoạt động tích cực đó.
Vấn đề đặt ra là có không ít cơ quan báo chí đã mở văn phòng đại diện, cử phóng viên thường trú sai mục đích hoặc không kiểm soát, để cho cán bộ, phóng viên tại các văn phòng này làm sai mục đích. Và sai mục đích tất nhiên dẫn tới tiêu cực. Nổi lên có 3 biểu hiện dễ thấy nhất.
Thứ nhất, do không đủ điều kiện về tài chính nên mở văn phòng đại diện, cử phóng viên thường trú nhưng không đầu tư mà giao chỉ tiêu quảng cáo cho các văn phòng cũng như phóng viên thường trú này nhằm “nuôi” chính nó và góp phần “nuôi” cả cơ quan báo chí.
Với sức ép mang tính sống còn như vậy, nhiệm vụ thực tế của cán bộ, phóng viên ở đây không phải là tiếp cận nhanh và trung thực thông tin mà là tìm mọi cách lấy cho bằng được quảng cáo dưới nhiều hình thức để có nguồn thu. Để làm được điều này, không ít phóng viên viết bài “tô hồng” hoặc “bôi đen” doanh nghiệp, trực tiếp hoặc gián tiếp hù dọa doanh nghiệp và các cơ quan, đơn vị ở địa phương.
Thứ hai, do bộ máy tòa soạn chính không được tổ chức bởi các biên tập viên chuyên nghiệp và quy trình chuyên nghiệp, nên Ban Biên tập của những cơ quan báo chí này không đủ khả năng kiểm soát thông tin từ các văn phòng đại diện và phóng viên thường trú. Những tin bài “tô hồng," “bôi đen”, những tin tức giật gân, sai sự thật hoặc nửa sự thật, và cả những lời đồn đều có thể được biến thành tin tức chính thống xuất bản trên báo in hoặc báo điện tử. Tất nhiên đưa tin sai sẽ bị pháp luật xử lý, nhưng điều nguy hiểm là đến khi bị xử lý thì những thông tin sai đó đã gây những tác hại cho tổ chức, cá nhân và xã hội rồi.
Nguy hiểm hơn là không phải thông tin sai nào cũng có thể bị phát hiện ngay, có khi do các “nạn nhân” bị hù dọa sợ ảnh hưởng đến uy tín, danh dự và thương hiệu của mình nên không khiếu nại, có khi phải có thời gian mới tìm được bằng chứng.
Thứ ba, nhiều văn phòng đại diện sử dụng các phóng viên vừa thiếu năng lực vừa thiếu phẩm chất đạo đức, đồng thời sử dụng bừa bãi các "cộng tác viên" không có nghiệp vụ hoạt động báo chí, được cấp giấy giới thiệu, cấp các loại thẻ phóng viên tương tự như thẻ nhà báo để vừa làm nhiệm vụ đưa tin vừa khai thác quảng cáo. Một bộ phận những phóng viên thiếu năng lực và thiếu phẩm chất nói trên cùng với một bộ phận các “cộng tác viên” này của nhiều văn phòng đại diện có dấu hiệu liên kết với nhau, tự cho mình là thứ “quyền lực thứ tư," tạo thành một thế lực nhũng nhiễu địa phương, doanh nghiệp, nhưng hoạt động của họ rất tinh vi, rất khó kiểm soát.
Ở đây xin lưu ý là không phải cộng tác viên nào cũng hoạt động tiêu cực, chúng ta cần ghi nhận những đóng góp tích cực của nhiều cộng tác viên đưa tin viết bài và tham gia tổ chức các sự kiện, tham gia các hoạt động xã hội của các báo. Nhiều anh chị tuy chưa được cấp thẻ nhà báo nhưng hoạt động trung thực và đầy tâm huyết, tạo được nhiều tác phẩm báo chí có giá trị, xứng đáng là những người làm báo chân chính.
Trên đây là những biểu hiện rõ nhất của tình trạng báo chí sống “ký sinh” vào doanh nghiệp, gây phiền hà cho các cơ quan, tổ chức và cá nhân ở các địa phương. Tình trạng này tuy chưa phổ biến, nhưng cũng không phải là ít, nếu không được chấn chỉnh kịp thời sẽ làm biến dạng nền báo chí cách mạng, gây phản cảm cho người dân, gây bất an cho doanh nghiệp và làm cản trở hoạt động công vụ của các cơ quan nhà nước.
- Vậy thưa Bộ trưởng, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ có các giải pháp gì để chấn chỉnh tình trạng này?
- Bộ trưởng Trương Minh Tuấn: Chúng tôi đang chỉ đạo kiểm tra toàn bộ hoạt động của một số văn phòng đại diện của các cơ quan báo chí để có sự đánh giá toàn diện, sau đó sẽ có các biện pháp xử lý thích hợp áp dụng cho tổng thể và cho những trường hợp cụ thể. Việc kiểm tra và chấn chỉnh sẽ không làm ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường, hợp pháp của các cơ quan báo chí và các nhà báo chính trực. Tôi đề nghị các cơ quan báo chí tự mình rà soát lại hoạt động của các văn phòng đại diện, phóng viên thường trú để tự chấn chỉnh trước.
- Việc chấn chỉnh sẽ thực hiện theo nguyên tắc nào, thưa Bộ trưởng?
- Bộ trưởng Trương Minh Tuấn: Trước hết, các cơ quan báo chí phải thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích. Những hoạt động nào trái với tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí đó cần được loại bỏ, trong đó có văn phòng đại diện, phóng viên thường trú hoạt động sai tôn chỉ, mục đích. Nếu có biểu hiện tiêu cực ở các văn phòng đại diện, phóng viên thường trú của các cơ quan báo chí, nhưng không tự mình rà soát và chấn chỉnh, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp với cơ quan chủ quản xem xét, chấn chỉnh và xử lý tùy theo mức độ sai phạm.
Thứ hai, ngoài việc thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích nêu trên, cơ quan báo chí phải có chi phí tối thiểu cho hoạt động của văn phòng đại diện và phóng viên thường trú và phải bố trí các cán bộ, phóng viên đủ năng lực và phẩm chất. Nếu không đủ hai điều kiện này thì cần giải thể.
Thứ ba, cơ quan báo chí phải nghiêm cấm phóng viên viết bài khen hay chê không đúng sự thật nhằm mục đích ép doanh nghiệp để lấy quảng cáo hoặc viết bài quảng cáo trá hình cho doanh nghiệp. Cần có quy chế tách hoạt động tác nghiệp của phóng viên ra khỏi hoạt động của bộ phận làm quảng cáo. Điều này cơ quan báo chí phải tự mình làm, nếu phát hiện làm không đúng thì Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ hỗ trợ làm cho đúng.
Thứ tư, về phía tổ chức, cá nhân, nhất là các doanh nghiệp, cần tính đến hiệu quả quảng bá thương hiệu và sản phẩm khi đăng quảng cáo hoặc tài trợ cho hoạt động của báo chí. Nếu bị báo chí nhũng nhiễu, hù dọa để lấy quảng cáo, doanh nghiệp hoàn toàn có thể phản ánh với Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan chức năng để được bảo vệ.
Để thực hiện có hiệu quả việc này, đương nhiên doanh nghiệp phải hoạt động đúng pháp luật và lành mạnh về tài chính. Những doanh nghiệp không minh bạch về hoạt động sản xuất kinh doanh khó mà đương đầu với sự nhũng nhiễu của các phóng viên thoái hóa, biến chất. Đây cũng là cơ hội cho sự nhũng nhiễu tiếp tục tồn tại. Vấn đề này cần có sự phối hợp với nhiều bộ, ngành, địa phương mới có thể xử lý được.
Việc chấn chỉnh hoạt động của các văn phòng đại diện, phóng viên thường trú của các cơ quan báo chí ở các tỉnh, thành phố nằm trong các giải pháp tổng thể đổi mới hoạt động báo chí nước nhà theo Luật Báo chí mới được ban hành và theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến," "tự chuyển hóa" trong nội bộ."
- Xin cám ơn Bộ trưởng./.
Phản ứng của các nước về sắc lệnh nhập cư mới của ông Trump  (07/03/2017)
Vun đắp quan hệ hữu nghị đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt-Lào  (07/03/2017)
Khai thác hiệu quả Vườn ươm công nghệ tại Cần Thơ  (07/03/2017)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp khách quốc tế  (07/03/2017)
- Suy ngẫm những điều đặc biệt về cuộc đời, sự nghiệp của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Phát triển du lịch cộng đồng, góp phần giữ vững thương hiệu “Nha Trang - điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”
- Chính sách, pháp luật của Việt Nam về bảo vệ chủ quyền biển, đảo và đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch về vấn đề biển, đảo
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp và sự vận dụng của Đảng đối với vấn đề bảo đảm an ninh lương thực ở Việt Nam hiện nay
- Công an nhân dân tu dưỡng, rèn luyện, quyết tâm thực hiện lời căn dặn “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên